Chính sách cai trị Đại Việt của nhà Minh (1414-1417)

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Hồ Bạch Thảo

Sau khi Trương Phụ đặt chân đến vùng Quảng Trị, Quảng Bình, đánh dẹp xong nhà Hậu Trần; tham vọng xâm lăng của y hướng tới Chiêm Thành tại phía nam. Thời Hồ Quí Ly, lãnh thổ nước ta mở mang đến tận 4 châu Thanh [bắc Quảng Nam], Hoa [nam Quảng Nam], Tư [bắc Quảng Ngãi], Nghĩa [nam Quảng Ngãi]; lúc quân Minh đánh nhà Hồ, Chiêm Thành mượn cớ giúp Minh, nhân thời cơ chiếm lại 4 châu. Đến đây Trương Phụ bèn giành lại 4 châu và cho đặt quan cai trị:

Ngày 27 tháng 3 năm Vĩnh Lạc thứ 12 [16/4/1414]. Ngày hôm nay lập 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa; tất cả đều lệ thuộc phủ Thăng Hoa. Phủ này ở phía nam Hóa Châu, gồm 11 huyện bao gồm cả Lê Giang. Vì giặc họ Lê lấy đất này của Chiêm Thành, để cho bọn Nguyễn Súy, Hồ Cụ, Đặng Cảnh Dị, Đặng Dung trông coi. Đến lúc bọn Nguyễn Súy làm phản, Chiêm Thành lại sai người cai quản. Nay bọn nổi loạn đã bị bắt, quan Tổng binh Anh quốc công Trương Phụ cùng Kiềm quốc công Mộc Thạnh bàn lập lại 4 châu, theo thể chế giao cho những người xin hàng gồm Nguyễn Nhiêu, Dương Mộng Tùng, Phạm Công Nghị, Nguyễn Kiệm chức Tri châu; Hồ Giao, Trương Nguyên Chú, Vũ Chinh, Phạm Phưởng chức Đồng tri; lại gửi thư cho Chiêm Thành Sứ giả biết về việc xếp đặt này; cùng tâu trình về triều. Hoàng thái tử chấp thuận.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 12)

Lúc này Vua Minh không còn o bế Chiêm Thành như trước, nghiêm khắc răn đe Chiêm Ba Đích Lại gây hấn với nước Chân Lạp phương nam:

Ngày 11 tháng 3 năm Vĩnh Lạc thứ 12 [1/4/1414]. Sai bọn Phụng ngự Chúc Nguyên đi sứ nước Chân Lạp. Trước đây Chân Lạp sai người cống sản vật địa phương, tâu rằng nước này mấy lần bị Chiêm Thành xâm lược. Viên Sứ giả lưu tại kinh sư lâu, đến nay Thiên tử sai bọn Nguyên đưa về, cùng ban cho Quốc vương Chân Lạp Tham Liệt Chiêu Bình Nha lụa, tiền. Riêng ban sắc răn Quốc vương Chiêm Thành Chiêm Ba Đích Lại phải an phận theo lẽ phải, giữ yên bờ cõi, hòa mục với lân bang.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 12)

Trầm trọng hơn, Thượng thư Trần Hiệp tố cáo Chiêm Thành cấu kết với nhà Hậu Trần, xin mang quân đi chinh phạt; tuy nhiên Vua Minh chỉ nghiêm khắc cảnh cáo Chiêm Ba Đích Lại:

Ngày 13 tháng 11 năm Vĩnh Lạc thứ 13 [29/12/1415]. Thượng thư bộ Binh Trần Hiệp tâu rằng lúc triều đình mang binh dẹp giặc họ Lê cùng Trần Quí Khoáng, Quốc vương nước Chiêm Thành Chiêm Ba Đích Lại tuy tuân triều mệnh mang binh sang trợ giúp; nhưng y âm mưu hai lòng, coi bọn chúng như môi với răng để hòng nương dựa. Y trông chờ nhìn ngó tình hình, không tiến quân đúng hẹn, lúc đến Hóa Châu thì ra sức cướp bóc. Lại đưa vàng, vải vóc, voi trận tư cấp cho Quí Khoáng, Khoáng mang con gái họ Lê đem cho; còn dung nạp cậu Quí Khoáng là Trần Ông Đình, em của Đặng Dung là Đặng Đoàn cùng trai gái hơn 3 vạn người. Y xâm đoạt phủ Thăng Hoa gồm 4 châu 11 huyện, lại cướp bóc nhân dân, tội dưới Quí Khoáng một bậc mà thôi. Phàm có tội phải trừng trị, xin phát binh chinh phạt.

Thiên tử cho rằng vừa bình định xong, dân mới được yên nghiệp, không nỡ mang quân đi đánh nước man di xa xôi. Chỉ sai sứ sang dụ Chiêm Ba Đích Lại rằng nước ngươi từ lâu bị An Nam độc hại, mấy lần xin phát binh tiễu trừ, Trẫm đã mệnh đem quân bình định, chia nước này thành quận huyện. Ngươi Đích Lại, đáng cảm tạ ân đức, yên phận để giữ đất phong, nếu ăn ở hai lòng trái đạo trời, không chăm sóc kẻ dưới, không chịu trả lại đất An Nam, thì hãy trông bánh xe đổ trước mắt, xem đó để làm răn!” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 27)

Rút kinh nghiệm về các cuộc nổi dậy thường dựa vào vùng đất miền bắc Trung Phần làm cơ sở, và nhắm sẵn sàng trấn áp Chiêm Thành; Trương Phụ cho tăng cường quân sự, đặt thêm các vệ, sở, tại nơi này:

“Ngày 9 tháng 6 năm Vĩnh Lạc thứ 12 [24/6/1414]. Ngày hôm nay đặt tại Giao Chỉ 3 vệ Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa; đặt Diễn Châu Thủ Ngự Thiên hộ sở, Nghệ An vệ Nam Tĩnh Thiên hộ sở. Lúc bấy giờ Anh quốc công Trương Phụ cho rằng 4 phủ tiếp giáp với Lão Qua, Chiêm Thành, Xiêm Man; đất đai rộng lớn, dân chúng đông đúc cần phải khống chế. Cùng bàn bạc với Kiềm quốc công Mộc Thạnh cho đặt sở, vệ tại các phủ. Căn cứ vào sổ hộ tịch bắt lính, cho Thổ quan chỉ huy Thiên hộ, xin cấp ấn tín; được Hoàng Thái tử chấp thuận.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 12)

Về vua tôi nhà Hậu Trần sau khi bị bắt; Trương Phụ cho áp giải bằng xe tù, đưa về kinh đô:

Ngày 9 tháng 5 năm Vĩnh Lạc thứ 12 [27/5/1414]. Quan Tổng binh Giao Chỉ Tân thành hầu Trương Phụ cho áp giải bằng xe tù đầu đảng giặc gồm ngụy Hoàng đế nước Đại Việt Trần Quí Khoáng, ngụy Phiêu kỵ Đại tướng quân đặc tiến Khai phủ nghi đồng Tam ty nhập nội kiểm hiệu Thống chính thái truyền bình chương sự Thượng trụ quốc Khai quốc trung vũ công Nguyễn Súy, cùng 9 ấn tín ngụy và gia thuộc các tên giặc; tất cả đưa về kinh.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 11)

Sử Trung Quốc chép sau khi áp giải đến kinh đô, vua tôi nhà Hậu Trần đều bị tru lục:

Ngày 2 tháng 8 năm Vĩnh Lạc thứ 12 [16/8/1414]

Quan Tổng binh Giao Chỉ Anh quốc công Trương Phụ cho người đem đầu đảng giặc Trần Quí Khoáng, Nguyễn Súy đến kinh đô; bọn chúng chịu tội tru lục.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 12)

Tuy nhiên sử Việt, cả 2 bộ Toàn Thư và Cương Mục đều chép rằng Vua Trùng Quang và Đặng Dung nhảy xuống nước chết; Nguyễn Súy dùng bàn cờ đánh người lính canh, rồi cũng nhảy xuống sông chết:

Trương Phụ đã bắt được Đế Quý Khoáng và Dung, Súy, bèn dẫn quân về thành Đông Quan, sai người đưa vua tôi Quý Khoáng sang Yên Kinh. Khi đi đến giữa đường, Đế Quý Khoáng nhảy xuống sông chết; Dung nhảy theo. Duy còn Súy bị người lính canh bắt giữ lại, Sùy bèn ngày ngày cùng người lính canh đánh cờ, dần dà làm thân, sau lấy bàn cờ đánh chết người canh, rồi cũng nhảy xuống sông chết.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 12.

Sau khi đánh dẹp xong cuộc khởi nghĩa của nhà Hậu Trần; Trương Phụ, Mộc Thạnh trở về nước; nhưng chỉ nửa năm sau Trương Phụ lại được điều sang lần thứ 4, lãnh ấn Chinh di tướng quân, thống lãnh quan binh Giao Chỉ:

Ngày 8 tháng 9 nhuần năm Vĩnh Lạc thứ 12 [21/10/1414]

Quan Tổng binh Giao Chỉ Anh quốc công Trương Phụ, Kiềm quốc công Mộc Thạnh cho rằng phản tặc tại Giao Chỉ đã bình, ủy quyền Đô chỉ huy Chu Huy, Liêu Xuân suất quan quân 5000 người lưu tại Giao Chỉ phòng ngự. Bọn Phụ mang quân trở về.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 14)

Ngày 1 tháng 4 năm Vĩnh Lạc thứ 13 [9/5/1415]

Mệnh Anh quốc công Trương Phụ đeo ấn Chinh Di Tướng quân thống lãnh quan binh trấn Giao Chỉ.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 19)

Bấy giờ nhà Minh chủ trương bóc lột, vơ vét nặng nề; cứ 1 mẫu đất bắt khai thành 3 mẫu; theo qui định mới 1 mẫu thu 5 thăng thóc; đất trồng dâu, 1 mẫu thu 1 lạng tơ:

Tháng 10 năm Vĩnh Lạc thứ 12 [11/1414].

Nhà Minh bắt khai số ruộng và đất trồng dâu, trưng thu lương thực, tơ tằm. Mỗi hộ 1 mẫu thì bắt khai thành 3 mẫu. Đến sau xét hộ khẩu tăng hàng năm, định số ruộng mỗi hộ là 10 mẫu [nghĩa là mỗi mẫu chỉ có 3 sào, 10 mẫu thực ra chỉ có 3 mẫu]. Mỗi mẫu thu 5 thăng [thăng = lít] thóc, đất bãi mỗi hộ một mẫu thu 1 lạng tơ, mỗi cân tơ dệt được 1 tấm lụa.Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 9, trang 26a.

Muối do quan lại nhà Minh quản lý, bán cho thương gia lấy vàng, hoặc bạc nén:

Ngày 23 tháng 4 năm Vĩnh Lạc thứ 13 [31/5/1415]

Ty Bố chánh Giao Chỉ tâu rằng đã triệu tập thương gia đến, hứa cho dùng vàng, bạc, tiền đồng để đổi muối. Rồi bộ Hộ qui định một lượng vàng cấp 30 dẫn muối [1 dẫn = 300 cân]; 1 lượng bạc, hoặc 2500 đồng tiền cấp 3 dẫn. Nay chấp nhận.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 21)

Thời Giản Định Đế và Vua Trùng Quang khởi nghĩa, do tình hình chiến sự, tạm thời đóng cửa các mỏ vàng tại Nghệ An, Diễn Châu; nay cho khai thác trở lại:

Ngày 10 tháng 7 năm Vĩnh Lạc thứ 14 [2/8/1416]

Cho đặt lại 2 cục mỏ vàng tại trấn Vọng Giang, Diễn Châu và trấn Lâm An phủ Nghệ An. Trước đây dân Man không yên nên hai cơ sở này đóng không hoạt động, nay cho thiết lập lại.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 33)

Sử Việt xác nhận nhà Minh sai hoạn quan sang nước ta trông coi các hầm mỏ, bãi muối; bắt dân ta đãi vàng, bạc; mò trân châu, săn voi, vv…:

Minh Vĩnh Lạc năm thứ 13 [1415]. Mùa thu, tháng 8, nhà Minh khám thu các mỏ vàng, bạc, mộ phụ đãi nhặt vàng bạc và bắt voi trắng, mò trân châu. Thuế khóa nặng, vơ vét nhiều, dân chúng điêu đứng. Bãi muối ven biển cấm dân mua bán riêng, sai nội quan [hoạn quan] coi giữ cả. Lại đặt chức cục sứ và phó của từng bãi muối để chia nhau trông coi. Các phủ, châu, huyện đều đặt phó sứ ty Thuế khóa và sở Hà bạc[1].” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 9, trang 26a.

Trần Nguyệt Hồ nổi dậy cùng thời với Giản Định Đế [1407]; kéo dài mãi đến thời Trương Phụ sang lần thứ 4, y mang đại quân truy kích từ Thanh Hóa đến huyện Xích Thố, tỉnh Ninh Bình mới dẹp được:

Ngày 1 tháng 10 năm Vĩnh Lạc thứ 13 [2/11/1415]

Tên phản loạn Trần Nguyệt Hồ tại Giao Chỉ bị giết. Trước đó Nguyệt Hồ tụ tập dân địa phương tại Lỗi Giang, Thanh Hóa làm loạn, tự xưng Vương Nguyệt Hồ. Gặp lúc Anh quốc công Trương Phụ tới Giao Chỉ tiến binh tiễu trừ. Giặc thua chạy, bèn truy kích đến trấn Đại Quan [Thiên Quan?], huyện Xích Thổ [Ninh Bình], bắt được Nguyệt Hồ; bèn giải về kinh sư tru lục. Bọn đồ đảng Quách Nguyên Khánh tiếp tục bị giết, bọn giặc còn lại được bình định.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 26)

Trấn áp bằng bạo lực, các cuộc nổi dậy càng dấy lên không ngớt, lòng dân tỏ ra không phục; Vua Minh bèn thay đổi chính sách, sử dụng tôn giáo văn hóa, kèm với bạo lực, để mua chuộc. Thực hiện chính sách này, Thượng thư Hoàng Phúc được lệnh đưa bọn nhà nho, nhà sư, đạo sĩ, thầy thuốc, thầy tướng sang Nam Kinh huấn luyện, rồi giao chức quan, để đưa về nước dùng:

Tháng 9 [10/1415], Hoàng Phúc nhà Minh sai quan áp giải đích thân những bọn nho học, thầy thuốc, thầy tướng số, nhà sư, đạo sĩ đưa về Yên Kinh trao cho quan chức rồi đưa về các nha môn làm việc. Lại ra lệnh cho các quan ty sở tại cấp cho tiền đi đường và người bạn tống, nếu không sẽ bị trừng trị; dọc đường phải cấp cơm ăn và tiền đi đường.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 9, trang 26b

Hơn 6 tháng sau, khi nhân lực tập trung đầy đủ; cho lập 93 ty nho học, 46 ty Âm dương, 49 ty Y học, tại các phủ, châu, huyện. Riêng về Phật giáo lập 75 ty Tăng cang, Tăng chính, Tăng hội; về Đạo giáo lập 58 ty Đạo kỷ, Đạo chính, Đạo hội, tại các phủ, châu, huyện. Đây là mặt trận tư tưởng, bủa lưới ra rất rộng; với tham vọng mọi người An Nam đều nằm trong mặt trận này, để dễ bề khống chế:

Ngày 15 tháng 5 năm Vĩnh Lạc thứ 14 [11/6/1416]

Thiết lập các ty Nho Học, cùng Âm Dương, Y Học, Tăng Cang, Đạo Kỷ tại các phủ, châu, huyện thuộc Giao Chỉ.

Lập 12 ty Nho Học tại các phủ: Giao Châu, Bắc Giang, Kiến Bình, Lạng Giang, Phụng Hóa, Kiến Xương, Trấn Man, Tân An, Thuận Hóa, Tam Giang, Thái Nguyên, Tuyên Hóa.

Lập 19 ty Nho Học tại các châu: Qui Hóa, Ninh Hóa, Tam Đái, Từ Liêm, Phúc An, Vũ Ninh, Bắc Giang, Trường Yên, Lạng Giang, Hồng, Khoái, Thanh Hóa, Ái, Đông Triều, Hạ Hồng, Nam Sách, Thao Giang, Đà Giang, Tuyên Giang.

Lập 62 ty Nho Học tại các huyện: Từ Liêm, Thạch Thất, Bình Lục, An Lạc, Lập Thạch, Phù Ninh, Thanh Đàm, Phù Lưu, Gia Lâm, Siêu Loại, Từ Sơn, Đông Ngàn, Thiện Thệ, Tế Giang, Thiện Tài, Đại Loan, Vọng Doanh, Thanh Viễn, Phượng Sơn, Bình Hà, Bảo Lộc, An Ninh, Cổ Lũng, Đường An, Tây Chân, Giao Thủy, Chân Lợi, Bố, Kiến Xương, Phù Dung, Đông Kết, Vĩnh Cô, Thái Bình, Thủy Đường, Cổ Phí, An Lão, Đồng Lợi, Thanh Miện, Chí Linh, An Định, Lương Giang, Ma Khê, Thanh Ba, Hạ Hoa, Tây Lan, An Định, Ty Nông, Vĩnh Thông, Động Hỷ, Vũ Lễ, Đương Đạo, Văn An, Khoáng, Dương, Để Giang, Ất Bình, Thu Vật, Mông, Ma Lung, An Lập.

Lập 6 ty Âm Dương Học tại các phủ: Lạng Giang, Kiến Xương, Trấn Man, Tân An, Tam Giang, Thái Nguyên.

Lập 14 ty Âm Dương Học tại các châu: Qui Hóa, Phúc An, Từ Liêm, Bắc Giang, Vũ Ninh, Gia Lâm, Lạng Giang, Thượng Hồng, Khoái, Đông Triều, Hạ Hồng, Nam Sách, Đà Giang, Vạn Nhai.

Lập 26 ty Âm Dương Học tại các huyện: Thạch Thất, Ứng Bình, Thiện Tài, An Ninh, Bình Hà, Bảo Lộc, An Ninh, Đường An, Đa Cẩm, Chân Lợi, Bố, Phù Dung, Đông Kết, Hiệp Sơn, Thủy Đường, Cổ Phí, An Lão, Chí Linh, Ma Khê, Thanh Ba, Hạ Hoa, Cổ Nông, Đương Đạo, Dương, Để Giang, Bình Nguyên.

Lập 5 ty Y học tại các phủ, gồm: Kiến Xương, Trấn Man, Tân An, Thái Nguyên, Tuyên Hóa.

Lập 13 ty Y Học tại các châu, gồm: Gia Hưng, Tam Đái, Oai Man, Bắc Giang, Gia Lâm, Lạng Giang, Thượng Hồng, Đông Triều, Hạ Hồng, Thao Giang, Đà Giang, Tuyên Giang.

Lập 31 ty Y Học tại các huyện, gồm: Ma Lung, An Lập, Thủy Vĩ, Tượng, Thanh Oai, Ứng Bình, Tế Giang, Thiện Tài, Vọng Doanh, Đại Loan, Thanh Viễn, Bình Hồ, Thanh An, Đa Cẩm, An Ninh, Cổ Lũng, Thuận Vi, Thái Bình, Chân Lợi, Thị, Mỹ Dung, Đông Kết, Vĩnh Cô, An Lão, Thủy Đường, Thanh Miện, Ma Khê, Thanh Ba, Hạ Bình, Cổ Nông, Thu Vật.

Lập 3 ty Tăng Cang tại các phủ, gồm: Tân An, Thanh Hóa, Thái Nguyên.

Lập16 dẫn Tăng Chính tại các châu: Gia Hưng, Quảng Oai, Qui Hóa, Bắc Giang, Trường Yên, Lạng Giang, Thượng Hồng, Khoái, Đông Triều, Hạ Hồng, Thanh An, Cửu Chân, Thao Giang, Đà Giang, Tuyên Hóa, Thất Nguyên.

Lập 56 ty Tăng Hội tại các huyện: Từ Châu, Phù Ninh, An Lạc, Lập Thạch, Thạch Thất, Thanh Oai, Thanh Đàm, Phù Lưu, Gia Lâm, Siêu Loại, Từ Sơn, Đông Ngàn, Thiện Thệ, Tế Giang, Thiện Tài, Đại Loan, Vọng Doanh, An Bản, Bình Hòa, Bảo Lộc, An Ninh, Đường An, Đa Cẩm, Thuận Vi, Tây Chân, Mỹ Lộc, Chân Lợi, Bố, Kiến Xương, Phù Dung, Thúc Kết, Đa Dị, Cổ Lan, Đình Hà, Thái Bình, Hiệp Sơn, Thủy Đường, Cổ Phí, Tây Kỳ, Đồng Lợi, Thanh Miện, Chí Linh, An Định, Đông Sơn, Lương Giang, Ma Khê, Thanh Ba, Hạ Hoa, Cổ Nông, Phú Lương, An Định, Đương Đạo, Khoáng Dương, Thu Vật, Mỹ Lương.

Lập 6 Đạo Kỷ tại các phủ: Kiến Xương, Trấn Man, Tân An, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Tuyên Hóa.

Lập15 ty Đạo Chính tại các châu: Qui Hóa, Phúc An, Lợi Nhân, Từ Liêm, Vũ Ninh, Bắc Giang, Gia Lâm, Trường An, Thượng Hồng, Khoái, Đông Triều, Hạ Hồng, Nam Sách, Thao Giang, Đà Giang.

Lập 37 ty Đạo Hội tại các huyện: Từ Liêm, Lập Thạch, Thanh Đàm, Thanh Oai, Gia Lâm, Siêu Loại, Từ Sơn, Đông Ngạn, Thiện Thệ, Thiện Tài, Vọng Doanh, An Bản, Lê Bình, Bình Hà, Bảo Lộc, Đường An, Mỹ Lộc, Tây Chân, Phù Dung, Quả Kết, Đại Bình, Thủy Đường, Hữu Phí, An Lão, Tây Kỳ, Thanh Miện, Chí Linh, Ma Khê, Thanh Ba, Hạ Hoa, An Định, Đương Đạo, Văn An, Khoáng, Ất, Đại Loan, Thu Vật.(Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 29

Qua văn bản ngày 2 tháng 4 năm Vĩnh Lạc thứ 8 [5/5/1410], Thượng thư Hoàng Phúc tâu xin dùng con đường mới từ thành Hà Nội theo đường thủy đến huyện Linh Sơn, Quảng Tây; rồi qua 3 trạm dịch đường bộ đến sông Uất tại huyện Hoành [Quảng Tây]; đường này ngắn, giảm được một nữa. Nay Trương Phụ tâu thêm, Vua Thái Tông chấp nhận cho thực hiện:

“Ngày 19 tháng 5 năm Vĩnh Lạc thứ 14 [14/6/1416].

Quan Tổng binh Giao Chỉ Anh quốc công Trương Phụ tâu rằng từ trạm dịch Thiên Nhai thuộc châu Khâm, tỉnh Quảng Đông qua cảng Miêu Vĩ đến Thông Luân, Phí Đào theo ngả huyện Vạn Ninh đến Giao Chỉ phần lớn do đường thủy, đường bộ chỉ có 291 dặm [1dặm = 500 mét]. Đường cũ bắc Khâu Ôn gần Thất Dịch; nên lập cả trạm đường thủy và trạm ngựa để tiện việc đi lại. Thiên tử chấp thuận.

 Rồi cho lập 2 trạm đường thủy tại Phòng Thành[2] và Phật Đào tại châu Khâm tỉnh Quảng Đông; lập 3 sở chuyển vận tại Ninh Việt, Dõng, Luân; lập ty tuần kiểm tại Phật Đào; lập 2 trạm mã dịch tại Long Môn, An Viễn huyện Linh Sơn, lập 2 sở chuyển vận tại An Hà, Cách Mộc. Tại huyện Đồng Yên [đông bắc tỉnh Quảng Ninh], châu Tĩnh An, Giao Chỉ lập trạm dịch đường thủy cùng sở chuyển vận tại Đồng Yên; lập trạm dịch đường thủy cùng sở chuyển vận tại Vạn Ninh, huyện Vạn Ninh [huyện Đầm Hà, Quảng Ninh]; lập 3 trạm dịch đường thủy tại Tân Yên thuộc huyện Tân Yên [Tiên Yên, Quảng Ninh], Yên Hòa thuộc huyện Yên Hòa [Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh] và Đông Triều thuộc châu Đông Triều; lập trạm dịch đường thủy cùng sở vận chuyển tại Bình Than, huyện Chí Linh [tỉnh Hải Dương]; lập trạm dịch đường thủy tại Từ Sơn, thuộc huyện Từ Sơn [tỉnh Bắc Ninh]. Các trạm ngựa tại Thiên Nhai thuộc châu Khâm, Quảng Đông; Gia Lâm thuộc huyện Gia Lâm; sông Lô phủ Giao Châu. Các trạm ngựa tại Quảng Châu, Khâm Châu, Thiên Nhai đều lập thêm trạm đường thủy. Trạm đường thủy Châu Môn, Hoành Châu lệ thuộc vào phủ Nam Ninh, Quảng Tây. Cho thiết lập Thiên hộ sở thủ ngự tại Tân An, Giao Chỉ.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 32)

Sử Việt cũng chép tổng quát tương tự:

Nhà Minh mở đường thủy Vĩnh An, Vạn Ninh, đặt trạm đón chuyển đường thủy đến thẳng Khâm Châu. Lại đặt trạm chạy ngựa đến thẳng Hoành Châu.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 9, trang 26b.

Trương Phụ lãnh ấn Chinh Di tướng quân sang An Nam lần thứ 4, chỉ được hơn 1 năm, thì được lệnh trở về nước gấp:

Ngày 19 tháng 11 năm Vĩnh Lạc thứ 14 [7/12/1416]

Sắc dụ quan Tổng binh Anh quốc công Trương Phụ theo đường dịch trạm về kinh gấp.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 38)

Sử Việt tiết lộ thêm, tay chân thân cận của Minh Thái Tông là viên Hoạn quan Mã Kỳ, được cử đi dò xét tại An Nam; tâu mật rằng Trương Phụ chọn thành phần khỏe mạnh lập đạo quân cận vệ gọi là Vi tử thủ; nhà Vua nghi ngờ Phụ có ý đồ khác nên gọi về nước gấp:

Minh Vĩnh Lạc năm thứ 15, [1417]. Nội quan nhà Minh là Mã Kỳ tâu rằng Tổng binh Trương Phụ ở Giao Chỉ chọn lấy những thổ nhân mạnh khỏe can đảm làm vi tử thủ, vua Minh nghi ngờ, gọi Phụ về, sai Phong Thành hầu Lý Bân với chức Tổng binh Chinh Di tướng quân sang thay Phụ trấn giữ.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 9, trang 28a.

Gọi Trương Phụ về, sai Lý Bân thay thế; Vua Minh ân cần ban chiếu dụ cho Bân, cùng sai Thượng thư Trần Hiệp tiếp tục làm tham mưu phụ tá:

Ngày 10 tháng 2 năm Vĩnh Lạc thứ 15 [26/2/1417]

Mệnh Phong thành hầu Lý Bân đeo ấn Chinh Di Tướng quân sung chức Tổng binh sang trấn Giao Chỉ. Chiếu dụ Bân rằng:

‘Giao Chỉ vốn là đất Trung Quốc, dân này là con đỏ của triều đình, Trẫm lo lắng chiêu phủ, cần cù trong sớm tối. Ngươi phục vụ tại các nước chư hầu đã lâu, tính tình trung hậu cẩn thận; bụng ta ưng ý. Nay ta giao cho việc trọng đại, nên bắt chước tướng giỏi đời xưa, gần gũi với hiền nhân quân tử, thẩm lượng thời cơ, trù hoạch có phép tắc, để hoàn thành tốt sự ủy nhiệm của Trẫm.’

Sắc Thượng thư bộ Binh Trần Hiệp rằng:

‘Nay mệnh Phong thành hầu Lý Bân đến bình định Giao Chỉ, coi sóc binh dân. Ngươi biết rành nhân tình xứ này, hãy lưu tại đây làm tham mưu cho đến khi được triệu về.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 41)

Phong thành hầu Lý Bân nhậm chức chưa được nửa năm, xảy ra cuộc nội loạn lớn; các quan người An Nam trong chính quyền nhà Minh tại châu Thuận [tức Quảng Trị], châu Nam Linh [tức Quảng Bình], đồng loạt nổi dậy. Khiến Lý Bân phải điều quân trung ương thuộc vệ Giao Châu, và quân các vệ lân cận như Thuận Hóa [Thừa Thiên] tham gia đánh phá, nhưng cũng chưa dẹp được hết:

Ngày 13 tháng 6 năm Vĩnh Lạc thứ 15 [26/7/1717]

Quan Tổng binh Giao Chỉ Phong thành hầu Lý Bân tâu:

 ‘Tại Giao Chỉ, người châu Thuận có bọn Lê Hạch, Phan Cường, cùng bọn thổ quan Đồng tri Trần Khả Luận, Phán quan Nguyễn Chiêu, Chủ bạ Phạm Mã Hoãn, Thiên hộ Trần Não, Bách hộ Trần Ngô Sài; tại châu Nam Linh có Phán quan Nguyễn Nghĩ, Tri huyện Tả Bình Phạm Bá Cao, Huyện thừa Vũ Vạn, Bách hộ Trần Ba Luật làm loạn. Chúng đốt thành quách nhà cửa hai châu, giết quan lại, tiếm xưng danh hiệu, tụ tập đồng đảng hơn 1000 tên. Bèn ra lệnh ngay cho Đô đốc Chu Quảng mang quân đánh dẹp, cùng Chỉ huy Giao Châu Trung vệ Hoàng Chấn, Chỉ huy Đồng tri Giao Châu Hữu vệ Đàm Công Chính, Chỉ huy Thiêm sự vệ Thuận Hóa Ngô Quì, Chỉ huy Thiêm sự vệ Tân Bình Phan Cần cầm quân hội tiễu; giết Lê Hạch cùng đồ đảng hơn 500 người tại trận; bắt sống Phan Cường, Trần Khả Luận, Nguyễn Chiêu, Phạm Mã Hoãn, Phạm Bá Cao, Vũ Vạn; chiếu theo luật tất cả đều bị tru lục. Bọn Nguyễn Nghĩ, Trần Ba Luật cùng đồng bọn còn sót lại bỏ trốn; đốc suất các tướng tiếp tục truy bổ.’

Thiên tử khen và sắc dụ Bân hãy trình bày đầy đủ chi tiết công trạng mỗi người; cùng hạ lệnh từ nay các quan và dân bản xứ ra sức lập công cũng được trình lên ngay để thăng thưởng; như trong vụ nổi loạn của tên Hạch, các thổ quan châu Thuận như Chỉ huy Đồng tri Đoàn Công Đinh, Trần Tư Tề đều chết, Công Đinh, Tư Tề người châu Nam Sách, Giao Chỉ, theo Vương sư tòng chinh bắt cha con Lê Quí Ly, dẹp Giản Định và Trần Quí Khoáng; Công Đinh làm quan thăng đến chức Giao Châu Tả Vệ Chỉ huy Đồng tri, Tư Tề chức Giao Châu Hữu vệ Chỉ huy Đồng tri; cả hai coi thành châu Thuận. Giặc nỗi lên bất ngờ, bọn Công Đinh ra sức đánh, bị chết.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 45)

Đô đốc Chu Quảng vừa mang quân tham chiến tại Quảng Bình, Quảng Trị xong, lại bị điều tiếp đi đánh dẹp cuộc nổi dậy của Dương Tiến Giang tại các trại, như Bắc Trú:

Ngày 1 tháng 10 năm vĩnh lạc thứ 15 [9/11/1417]

Tháng này quan Tổng binh Giao Chỉ Phong thành hầu Lý Bân sai Đô đốc Chu Quảng mang quân đánh dẹp đầu đảng giặc Dương Tiến Giang. Quảng đánh phá các trại như Bắc Trú, bắt bọn Tiến Giang chém để làm răn. Số giặc còn lại tan rã.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 47)

Bấy giờ Vua Minh giao cho Hoạn quan Mã Kỳ ra tay sách nhiễu, bắt dân khai mỏ khoáng, nạp nhiều châu báu vàng bạc, dân không chịu nổi, nên các cuộc nổi dậy xảy ra khắp nơi:

Tháng 2 năm Vĩnh Lạc thứ 15 [3/1417]

Lúc ấy quan lại nhà Minh tham lam sách nhiễu không biết thế nào là cùng, tên Mã Kỳ lại càng làm nhiều việc phi pháp, bắt dân nộp châu báu quá nhiều, dân không sao kham được sự khổ sở. Vì thế lòng người náo động, binh lính bốn phương nổi lên, mà người nhà Minh không thể nào chống lại được.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 12

Tại Nghệ Tĩnh thiết lập nhiều công trường muối, sau khi thu hoạch đưa vào kho; rồi bán cho thương gia lấy vàng, hoặc bạc nén;

Ngày 14 tháng 9 năm Vĩnh Lạc thứ 15 [23/10/1417]

Thiết lập tại phủ Nghệ An, Giao Chỉ, kho Quảng Tích. Tại cửa biển Đan Thai [cửa Hội], huyện Nha Nghi [Nghi Xuân, Hà Tĩnh] lập ty Tuần kiểm, ty Đề cử muối, gồm 5 kho muối: Bác Tế, Quảng Tế, Viễn Tế, An Tế, Diễn Tế; cùng 3 công trường muối: Nam Giới, Chân Phúc, Thiên Đông.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 46)

Ngoài các loại thuế, dân chúng thuộc các ngành nghề hàng năm còn phải nạp đồ tiến cống; cụ thể các năm Vĩnh Lạc thứ 14 [1417], Vĩnh Lạc 15 [1418], phải nạp các vật sau đây:

Tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 14 [1/ 1417].

Giao Chỉ cung cấp 1.668 tấm quyên, 2.000 cân sơn, 1.500 cân tô mộc, 2.000 lông thúy vũ, 10.000 quạt, 23 loại trầm hương trong đó có trầm tốc và an tức hương[3].” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 40)

Tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 15 [2/ 1418]

Giao Chỉ dâng 1.252 tấm quyên, 3000 lông thúy vũ, 10.000 quạt, 2.400 cân sơn.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 48)

Nhân tài là nguyên khí của quốc gia, triều đình nhà Minh biết điều đó, nên ép buộc đưa về nước dùng:

Ngày 1 tháng 3 năm Vĩnh Lạc thứ 15 [18/3/1417]

 Tại Giao Chỉ các phủ, châu, huyện như Bắc Giang tuyển Cống Sinh bọn Đặng Đắc đến kinh đô, mệnh đưa vào Quốc Tử Giám tòng học, ban cấp giống như lệ cũ đối với Sinh viên Vân Nam. Trước đây khi bình định Giao Chỉ xong, mệnh các quận huyện kiến tạo trường học dạy các Sinh đồ, đến nay bắt đầu tuyển Cống sinh.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 41)

Việc cống nạp các sinh viên được qui định thành chính sách; hàng năm mỗi phủ nạp 2 người, huyện 1 người, riêng châu thì 2 năm nạp 3 người; sau đó lại sửa đổi:

Nhà Minh định thể lệ hằng năm cống nộp sinh viên. Trước đây, các trường học ở châu và huyện, học sinh vào học không cứ năm tháng nhiều hay ít, chỉ cần chọn người nào có học vấn và hạnh kiểm, thì sung vào việc cống nạp hằng năm, để bổ vào Quốc Tử Giám. Trường học ở phủ mỗi năm cống nạp 2 người; ở châu cứ hai năm cống nạp 3 người; ở huyện mỗi năm cống nạp 1 người. Sau định lại: Trường ở phủ mỗi năm cống 1 người; trường ở châu ba năm cống 2 người, trường ở huyện hai năm cống 1 người.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 12.

————————————-

[1] Sở Hà Bạc: Đặt ra thời Minh, chuyên quản lý thủy sản, buôn bán đường thủy.

[2] Phòng Thành: hiện nay thị trấn này thuộc tỉnh Quảng Tây, vị trí giáp tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam.

[3] An tức hương: một thứ cây miền nhiệt đới, cao chừng 9, 10 thước; lấy nhựa dùng làm hương liệu và thuốc.