Thế giới hôm nay: 04/05/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Một bản dự thảo quan điểm của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ vừa bị rò rỉ ra công chúng, trong đó cho thấy tòa sẽ bãi bỏ phán quyết Roe v Wade, một án lệ quy định phá thai là quyền được hiến pháp bảo vệ. Tòa án Tối cao xác nhận bản dự thảo này là có thật, nhưng cũng nói rằng nó “không phải là quyết định của tòa”, đồng thời không phản ánh “quan điểm cuối cùng của bất kỳ thẩm phán nào.” Chánh án John Roberts tuyên bố tòa sẽ điều tra vụ rò rỉ, mà ông gọi là “vi phạm nghiêm trọng.”

Tổng thống Joe Biden và các nghị sĩ Dân chủ cho biết họ sẽ cố gắng pháp điển hóa quyền phá thai. Điều này chắc chắn không thể được Quốc hội thông qua, vì thủ tục filibuster. Trong khi đó, phe Cộng hòa chỉ trích vụ rò rỉ. Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell đã gọi đây là “một đòn tấn công vào tính độc lập” của tòa án và là một “chiến dịch xấu chơi nhằm tác động đến kết quả.”

Nga tiếp tục pháo kích các nhà máy thép Azovstal ở Mariupol, dù Liên Hợp Quốc cho biết 101 người đã được sơ tán trong thời gian ngừng bắn. Khoảng 200 thường dân được cho là vẫn còn kẹt lại trong nhà máy. Trước đó, Anh đã cam kết viện trợ quân sự thêm 300 triệu bảng Anh (376 triệu USD) cho Ukraine. Còn tại Odessa, Nga đã tấn công tên lửa vào một nhà thờ, giết chết nhiều thường dân bao gồm một trẻ 13 tuổi, theo chính quyền địa phương.

Hungary tuyên bố sẽ không ủng hộ cấm vận dầu khí Nga, trong khi Slovakia nói muốn được miễn trừ nếu toàn EU áp lệnh cấm. Những bình luận này được đưa ra sau khi Bộ trưởng Tài chính Đức nói Berlin có thể “chịu được” lệnh cấm vận, qua đó mở đường cho lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga từ cuối năm nay. Giá dầu lập tức tăng sau tuyên bố.

Sở y tế của bang Maharashtra, Ấn Độ, cho biết 25 người đã chết vì đột quỵ do nắng nóng trong năm 2022, cao nhất sáu năm qua. Ấn Độ đang hứng chịu đợt nắng nóng gay gắt do biến đổi khí hậu, với nhiều nơi chứng kiến mức nhiệt trên 40°C. Nạn mất điện càng khiến vấn đề thêm nghiêm trọng.

Gã khổng lồ dầu mỏ BP của Anh báo cáo thu nhập 6,2 tỷ USD trong quý đầu năm, kết quả tốt nhất kể từ năm 2008. Công ty được hưởng lợi nhờ giá năng lượng cao, vốn đang là cơn đau đầu của người dân Anh, khiến lãnh đạo phe đối lập, Sir Keir Starmer, kêu gọi đánh thuế lợi nhuận đột biến của các công ty năng lượng.

Ngân hàng trung ương Australia thông báo tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2010. Cụ thể lãi suất sẽ tăng 25 điểm cơ bản lên 0,35%, cao hơn so với dự kiến ​​của các nhà phân tích. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đạt 3% vào thứ Hai trước khi giảm nhẹ trở lại, qua đó lập đỉnh cao nhất ba năm qua. Lợi tức tăng do giá trái phiếu giảm vì Fed sẽ tăng lãi suất.

Con số trong ngày: 600, là số ngày nắng nóng mà Ấn Độ đã trải qua trong mười năm tính đến năm 2020, tăng từ con số 413 của thập niên 1990.

TIÊU ĐIỂM

Fed chuẩn bị tăng mạnh lãi suất

Lần gần nhất Cục Dự trữ Liên bang tăng nửa điểm phần trăm lãi suất, Bill Clinton vẫn còn trong Nhà Trắng trong khi bong bóng chứng khoán dotcom vẫn chưa vỡ. Vào thứ Tư, Fed sẽ tăng thêm nửa điểm phần trăm lãi suất, gấp đôi mức tăng bình thường. Nhiều khả năng nó sẽ mở đầu cho một loạt đợt tăng tiếp theo.

Đồng thời, Fed có thể sẽ thông báo bắt đầu chương trình bán số trái phiếu họ đã mua vào trong thời kỳ đại dịch nhằm chống đỡ cho nền kinh tế. Triển vọng về một chính sách tiền tệ thắt chặt đã tác động mạnh đến thị trường, với chỉ số S&P 500 của các công ty lớn của Mỹ giảm gần 15% trong năm nay. Khó khăn kinh tế của Mỹ có thể chỉ mới bắt đầu.

Châu Âu xem xét cấm nhập dầu Nga

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, Liên minh châu Âu được cho là đã mua hơn 47 tỷ euro (49 tỷ USD) dầu và khí đốt từ Nga. Vào thứ Tư này, khối sẽ tìm cách giảm nhập khẩu trong tương lai khi đại sứ các nước EU họp thảo luận về gói trừng phạt mới, trong đó có thể bao gồm lệnh cấm nhập dầu Nga.

Lệnh cấm trở nên khả thi hơn sau khi có cái gật đầu từ Đức, nước đã giảm nhập khẩu dầu Nga từ 35% tại thời điểm chiến tranh bắt đầu xuống còn 12%. Nhưng không phải ai cũng vui: Hungary và Slovakia, hai nước phụ thuộc nặng nề vào dầu của Nga, phản đối gay gắt. Lệnh cấm được cho là sẽ cấp miễn trừ cho họ, và có thể sẽ mất vài tháng trước khi thực sự đi vào hiệu lực. Hơn nữa, khí đốt Nga, vốn chiếm tới 40% nguồn cung của EU trong năm 2021, xem ra sẽ không bị đụng tới. Nhưng chỉ lệnh cấm dầu là đủ ảnh hưởng đến người dân châu Âu. Bộ trưởng tài chính Đức Robert Habeck đã nói lệnh cấm sẽ “gây ra một cái giá đắt” cho người châu Âu – dù hầu hết họ sẵn sàng gánh chịu.

Về tình hình tâm lý chung của người Nga

Thoạt nhìn, cuộc sống ở thủ đô Moscow của Nga dường như không thay đổi gì, bất chấp cuộc chiến của Nga ở Ukraine cũng như các lệnh trừng phạt và cô lập đi kèm. Nhưng tâm lý chung lại không sáng sủa như thế. Dù truyền thông nhà nước tuyên bố có hơn 81% người Nga ủng hộ cuộc chiến, thực tế mọi chuyện lại phức tạp hơn.

Thăm dò dư luận đang cho thấy người dân bị ảnh hưởng bởi tuyên truyền và tâm lý sợ hãi. Một nhóm các nhà xã hội học độc lập cho biết có tới 90% người dân từ chối tham gia các cuộc thăm dò chính trị; với 21% thừa nhận sợ tham gia khảo sát. Nhiều người — có lẽ thậm chí là hầu hết — ủng hộ “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Tổng thống Vladimir Putin, nhưng không rõ tỉ lệ là bao nhiêu. Nghiên cứu độc lập của Trường Kinh tế London đưa ra tỷ lệ ủng hộ chiến tranh vào khoảng 53%. Nhưng nhiều trong số những người ủng hộ, theo nghiên cứu này, ủng hộ đường lối của chính phủ vì làm ngược lại là nguy hiểm và không thoải mái về mặt tâm lý. Đó là hậu quả của hàng thập niên cai trị độc tài của Putin.

Vụ IPO lớn nhất trong lịch sử Ấn Độ

Vào thứ Tư, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Nhân thọ (LIC), một công ty nhà nước 66 năm tuổi, sẽ bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký mua cổ phần. LIC có khoảng 300 triệu khách hàng: do đó chỉ 3,5% cổ phần của nó là đủ để làm nên vụ IPO giá trị nhất từ trước đến nay tại Ấn Độ. Chính phủ, vốn cần tiền sau đại dịch và đang thúc đẩy tư nhân hóa, dự kiến sẽ thu về 2,7 tỷ đô la. Ngoài ra nhà đầu tư cũng sẽ được hưởng lợi nhờ tiềm năng tăng trưởng của công ty.

Nhưng không phải ai cũng lạc quan. Một số nhà kinh tế đã gọi cuộc lên sàn này là một “vụ bê bối,” với cáo buộc chính phủ bán cổ phần với “chiết khấu sâu.” Những sự kiện gần đây cũng không ủng hộ cho lắm. Trong đợt IPO lớn nhất trước đó của Ấn Độ vào tháng 11, giá cổ phiếu của công ty fintech Paytm đã sụp đổ ngay sau khi niêm yết.