Thế giới hôm nay: 24/05/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Một nhà ngoại giao Nga tại Liên Hợp Quốc đã bỏ việc để phản đối “cuộc chiến tranh xâm lược” do Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động. Việc ông này, Boris Bondarev, từ chức là một chỉ dấu hiếm hoi cho thấy có bất mãn trong giới ngoại giao Nga đối với cuộc chiến ở Ukraine. Cho đến nay chính phủ luôn trấn áp những người bất đồng chính kiến ​​và kiểm soát khắt khe quan điểm về cuộc xâm lược.

Nhà Trắng khẳng định chính sách của Mỹ đối với Đài Loan “không thay đổi” sau khi tổng thống Joe Biden tuyên bố các lực lượng vũ trang Mỹ sẽ tham gia bảo vệ Đài Loan nếu hòn đảo bị Trung Quốc tấn công. Đây là tuyên bố mạnh miệng nhất từ trước đến nay của ông về vấn đề này và cho thấy thay đổi lớn thoát khỏi “sự mơ hồ chiến lược” mà Mỹ thường áp dụng cho Đài Loan.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi “các biện pháp trừng phạt tối đa” lên Nga khi phát biểu online tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos. Ông kêu gọi các cường quốc nước ngoài cấm vận dầu mỏ Nga và chặn các ngân hàng của nước này khỏi các mạng lưới tài chính toàn cầu. Được biết giới ngoại giao và tài phiệt Nga đã không được mời tham dự sự kiện năm nay ở Thụy Sĩ. Trong khi đó, Starbucks thông báo đóng cửa 130 cửa hàng cà phê của họ ở Nga.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde cho biết sẽ từ bỏ lãi suất âm trước cuối tháng 9. Tuyên bố của bà làm củng cố kỳ vọng lãi suất tăng tại hai cuộc họp chính sách tháng 7 và tháng 9 tới. Ngoài ra giá trị đồng euro so với đồng đô la cũng tăng lên mức cao nhất một tháng qua.

Một binh sĩ Nga đã bị kết án tù chung thân ở Ukraine vì giết một thường dân không vũ trang. Đây là phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh đầu tiên kể từ khi Nga xâm lược. Trong khi đó, văn phòng của tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết quân Nga đang rút lui khỏi Sievierodonetsk, một thành phố miền đông từng là mục tiêu chính trong cuộc tấn công mới của Nga.

Đồng nhân dân tệ ở nước ngoài tăng 0,7% lên mức mạnh nhất hai tuần qua, sau khi ông Biden cho biết sẽ xem xét lại các mức thuế từ thời Trump đối với hàng Trung Quốc nhập khẩu. Việc giảm thuế có thể thúc đẩy xuất khẩu của Trung Quốc, vốn đang gặp khó khăn vì đứt gãy chuỗi cung ứng và thực trạng đóng cửa nhà máy để chống dịch. Ông Biden nói thêm là ông sẽ thảo luận với bộ trưởng tài chính Mỹ Janet Yellen khi từ châu Á trở về Mỹ.

Hơn 1.000 người ở Iraq đã phải nhập viện vì các vấn đề hô hấp khi một trận bão cát quét qua đất nước. Đây là cơn bão thứ 9 kể từ giữa tháng 4, và đã bao trùm lên thủ đô Baghdad một thứ ánh sáng màu cam đáng sợ và khiến đường sá vắng tanh. Chính phủ đã đóng cửa các công sở và sân bay vào thứ Hai.

Con số trong ngày: 15,9%, là tỉ lệ tăng giá của một ngôi nhà trung bình ở Mỹ trong năm qua.

TIÊU ĐIỂM

Quan hệ Israel – Thổ Nhĩ Kỳ ấm lên nhờ dự án đường ống dẫn khí

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu sẽ đến Israel vào thứ Ba để đánh dấu một bước tan băng quan hệ ngoại giao giữa hai cường quốc khu vực. Ông Cavusoglu có thể mang theo kế hoạch cho một đường ống dẫn khí giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ. Giá năng lượng tăng vọt và việc châu Âu nỗ lực loại bỏ năng lượng từ Nga đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm hơn đến trữ lượng khí đốt tự nhiên khổng lồ bên dưới lãnh hải của Israel.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu luôn khẳng định cách tốt nhất để đưa khí đốt của Israel đến châu Âu là đi qua Thổ Nhĩ Kỳ (qua đó thu phí trung chuyển). Nhưng rồi triển vọng của một đường ống khác dễ thực hiện hơn, đi qua Síp và Hy Lạp, khiến kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ chệch hướng. Chi phí là một trở ngại, nhưng ngoại giao cũng vậy. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thường xuyên phản đối cách Israel đối xử với người Palestine, trong khi Israel phẫn nộ với việc Thổ Nhĩ Kỳ che chở cho Hamas. Mặc dù chuyến thăm của ông Cavusoglu cho thấy quan hệ đang được cải thiện, hai bên vẫn còn một chặng đường dài phía trước.

Tiểu bang Georgia bầu cử sơ bộ

Vào thứ Ba, cử tri Georgia sẽ đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử sơ bộ cấp bang. Những người Cộng hòa sẽ quyết định số phận của Brian Kemp, thống đốc đương nhiệm, và Brad Raffensperger, tổng thư ký. Cả hai ông đều từng từ chối giúp Donald Trump đảo ngược thất bại sít sao ở Georgia trong cuộc bầu cử tổng thống 2020. Họ đang đặt cược là thái độ thách thức trong quá khứ đối với nhà lãnh đạo đảng sẽ không cản trở cơ hội tái đắc cử của chính mình – bất chấp những can thiệp mà Trump tạo ra để ngăn hai ông tại vị.

Còn đối với đảng Dân chủ, mọi sự đỡ căng thẳng hơn. Đảng đã một lần nữa tập hợp xung quanh Stacey Abrams cho vị trí thống đốc. Còn nhớ hồi năm 2018, bà Abrams đã trở nên nổi tiếng toàn quốc khi từ chối nhận thua trước ông Kemp, với lý do đàn áp cử tri làm mất đi tính công bằng của kết quả. Khi Georgia trở thành bang chiến trường mới nhất của Mỹ, các cuộc đấu sẽ ngày càng nóng lên.

Kinh tế châu Âu ổn định đáng ngạc nhiên

Khả năng dự báo của các nhà kinh tế học luôn được biết đến là thiếu chính xác. Hơn bao giờ hết, với việc kinh tế châu Âu phục hồi hậu đại dịch giữa đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát bất ngờ và một cuộc chiến tranh làm đe dọa nguồn cung năng lượng, mọi dự báo vào thời điểm này chẳng khác gì ném phi tiêu trong bóng tối.

Đó là lý do tại sao các chỉ số hoạt động kinh tế đáng tin cậy đang được theo dõi chặt chẽ hơn bình thường. Bản công bố chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) vào thứ Ba này là một trong những con số như vậy. Hồi đầu tháng 5, dữ liệu PMI của khu vực đồng euro đã cho thấy một nền kinh tế và thị trường lao động mạnh mẽ đáng ngạc nhiên. Pháp, Ý và Tây Ban Nha làm tốt trong khi Đức chậm lại. Song kể từ đó, chỉ số Ifo của Đức, một thang đo tương tự PMI, đã tăng nhẹ. Ngay cả chỉ số niềm tin tiêu dùng của khu vực đồng euro, vốn xuống mức thấp ngang với cuộc khủng hoảng tài chính 2008, cũng đã vượt qua đáy. Nói cách khác, nền kinh tế của khu vực đồng euro đang ở trong tình trạng tốt bất ngờ giữa bối cảnh hiện nay.

London khánh thành tuyến đường sắt mang tên Nữ hoàng Anh

Tuyến Elizabeth, một tuyến đường sắt đông tây chạy qua London và đông nam nước Anh, sẽ mở cửa đón hành khách từ thứ Ba, sau thời gian dài bị đình trệ. Dự án khởi công tại Crossrail, vốn cũng là tên trước đây của nó, vào năm 2009. Kế hoạch bị trễ ba năm rưỡi và đội giá hàng tỷ bảng Anh; một nhà ga tại Phố Bond ở London’s West End thậm chí còn chưa hoàn thành. Và vì trào lưu làm việc tại nhà, lượng hành khách có thể sẽ không được như kỳ vọng. Hiện số hành trình các ngày trong tuần của các tuyến ngầm ở London chỉ đạt 2/3 so với trước covid-19.

Nhưng người dân London sẽ không quan tâm lắm. Trước mắt họ là một tuyến đường sắt vừa hiện đại – với những đoàn tàu êm ái và dài 200m – vừa mang tính lịch sử. Các công ty đã làm nên hệ thống tàu điện ngầm London vào thế kỷ 19 chưa từng nghĩ là sẽ tạo ra một hệ thống giao thông đô thị khép kín. Họ đã cố gắng kết nối trung tâm London với mạng lưới đường sắt quốc gia. Giờ đây Tuyến Elizabeth đã đạt được điều đó.