Thế giới hôm nay: 10/06/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Ba người đàn ông, gồm hai công dân Anh và một người Maroc, đã bị các lực lượng thân Nga ở Ukraine tuyên án tử hình. Cộng hòa Nhân dân Donetsk, một nước cộng hòa tự xưng tại vùng tranh chấp ở phía đông Ukraine, cáo buộc những người này phạm tội làm lính đánh thuê. Được biết hai người Anh đang phục vụ trong quân đội Ukraine khi bị bắt. Chính phủ Anh yêu cầu đối xử với họ theo luật tù binh chiến tranh.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết “trận chiến tàn bạo” ở Severodonetsk sẽ quyết định số phận của vùng Donbas, tiền tuyến hiện nay của cuộc chiến. Khoảng 15.000 dân thường được cho là vẫn còn mắc kẹt ở Severodonetsk và thành phố Lysychansk gần đó. Trong khi ấy, thị trưởng Mariupol cho biết cứ mỗi dãy nhà bị san phẳng tại đây người ta lại tìm ra 100 xác chết.

Các phiên điều trần ở quốc hội Mỹ về vụ bạo loạn 6 tháng 1 tại Điện Capitol sẽ khởi động từ thứ Năm. Mục tiêu của ủy ban Hạ viện gồm bảy đảng viên Dân chủ và hai người Cộng hòa là chứng minh sự việc này được lên kế hoạch phối hợp từ đầu nhằm làm suy yếu nền dân chủ. Trong một diễn biến khác, FBI đã bắt Ryan Kelley, ứng viên thống đốc của đảng Cộng hòa ở Michigan, với tội danh liên quan đến vụ bạo loạn.

Iran bắt đầu dỡ bỏ các thiết bị giám sát được lắp đặt theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015, qua đó cản trở nỗ lực khôi phục thỏa thuận. Đây là động thái trả đũa một nghị quyết được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đưa ra hôm thứ Tư, trong đó chỉ trích Iran vì không giải thích được dấu vết uranium tại ba địa điểm không khai báo. IAEA yêu cầu Iran phải hợp tác với họ “ngay lập tức”. Chỉ Trung Quốc và Nga phản đối nghị quyết.

Một số khu vực của Thượng Hải lại bị phong tỏa. Quận Mẫn Hàng, với 2 triệu dân, sẽ là nơi mới nhất đi vào cách ly. Trong khi đó, nhiều trạm xét nghiệm tạm thời — mà theo quy định phải trong tầm 15 phút đi bộ của người dân — đang được cải tạo thành trạm vĩnh viễn. Vào tuần trước, chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố chiến thắng dịch ở Thượng Hải sau hai tháng phong tỏa đầy tốn kém.

Cảnh sát trưởng Paris, Didier Lallement, thừa nhận cảnh sát đã không làm tròn nhiệm vụ trong trận chung kết Champions League hôm 28 tháng 5 giữa Real Madrid và Liverpool. Trận đấu đã bị hoãn 30 phút khi cảnh sát mặc đồ chống bạo động ngăn cản người ủng hộ Liverpool tràn xuống sân, trong khi bắn đạn hơi cay vào người hâm mộ, vốn có cả phụ nữ và trẻ em. Ban đầu, giới chức Pháp đổ lỗi cho cổ động viên Liverpool gây rối.

New Zealand công bố kế hoạch đánh thuế cừu và bò để giải quyết một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất của đất nước. Nước này đã bị chỉ trích vì không đưa nông nghiệp vào chương trình bán quyền phát thải, dù gần một nửa lượng khí thải của họ, chủ yếu là khí mê-tan, đến từ ngành này. Được biết dù chỉ có 5 triệu dân, New Zealand có tới 26 triệu con cừu và 10 triệu gia súc khác.

Con số trong ngày: 761, là ước tính thấp nhất cho số lượng xe tăng Nga bị thiệt hại kể từ khi xâm lược Ukraine.

TIÊU ĐIỂM

Lạm phát ở Mỹ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt

Đã có nhiều lời bàn tán về việc nước Mỹ sắp đạt “đỉnh lạm phát”. Mọi người đều kỳ vọng áp lực giá cả, hiện đang rất cao, sẽ bắt đầu đi xuống. Nhưng dữ liệu tháng 5, được công bố vào thứ Sáu này, sẽ không cho thấy đỉnh núi nào ngoài một cao nguyên.

Các nhà kinh tế dự báo giá tiêu dùng tháng trước cao hơn 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, gần bằng mức tăng tính theo năm của tháng 3 và tháng 4. Một phần nguyên nhân là do giá dầu tiếp tục tăng, như thể hiện rõ tại các cây xăng. Tuy nhiên, đáng lo ngại là lạm phát cơ bản (tức không tính giá lương thực và năng lượng) vẫn cao. Điều này phản ánh giá dịch vụ tăng, một phần xuất phát từ lương tăng vì thị trường lao động quá nóng. Trong bối cảnh đó, Cục Dự trữ Liên bang sẽ tiến hành vài đợt tăng lãi suất mạnh tay nữa. Người tiêu dùng, công ty và nhà đầu tư sẽ phải chịu ảnh hưởng nhất định.

Nhật mở cửa một phần cho khách du lịch

Nhật Bản đóng cửa biên giới ngay sau khi đại dịch bắt đầu vào năm 2020. Ngay cả Thế vận hội Tokyo năm ngoái cũng được tổ chức không khán giả. Nhưng từ thứ Sáu nước này sẽ mở cửa trở lại cho du khách nước ngoài, dù chỉ là một phần.

Có những điều kiện nghiêm ngặt đối với nhập cảnh. Chỉ những người đi tour có chứng nhận mới được nhập cảnh; còn khách du lịch cá nhân vẫn bị cấm. Và chỉ có người từ 98 quốc gia “rủi ro thấp” mới được nhập cảnh. Sẽ có người đi theo theo dõi du khách trong suốt chuyến thăm của họ, lưu giữ hồ sơ đi lại và đảm bảo họ tuân thủ các biện pháp chống dịch, bao gồm đeo khẩu trang. Những người vi phạm có thể bị trục xuất.

Nhật Bản cũng sẽ giới hạn lượng khách nhập cảnh ở mức 20.000 người một ngày. Con số này quá thấp so với trước đại dịch, khi năm 2019 có tới gần 32 triệu du khách nước ngoài đến Nhật Bản, tức trung bình hơn 87.000 người mỗi ngày. Nhưng nhìn chung người Nhật ủng hộ kiểm soát biên giới. Việc mở cửa hoàn toàn khó có thể xảy ra ít nhất là cho đến sau cuộc bầu cử thượng viện của vào đầu tháng 7.

Ngành hàng không toàn cầu hồi phục nhanh hơn dự kiến

Đại dịch đã khiến nhiều nước phải đóng biên giới và các hãng hàng không ngừng bay. Giờ đây, khi các quốc gia mở cửa trở lại, du khách sẽ muốn bù lại thời gian vừa qua bằng cách đi du lịch nhiều hơn, qua đó tạo ra nhiều cảnh khó coi ở châu Âu và châu Mỹ. Các sân bay đã chật cứng nhiều tuần qua trong khi các chuyến bay liên tiếp bị hoãn hoặc hủy, khiến nhiều khách hàng không hài lòng. Một số thậm chí đã bị mắc kẹt ở nước ngoài. Nhưng dù gì đây cũng là dấu hiệu cho thấy ngành hàng không đang trở lại bình thường.

Số lượng vé được mở bán trên toàn cầu hiện gần như về bằng mức trước đại dịch. Song tốc độ phục hồi nhanh bất ngờ khiến cả ngành không trở tay kịp. Các sân bay đang vật lộn trước lượng hành khách gia tăng, trong khi chật vật tìm người thay thế nhân công nghỉ việc trong đại dịch. Tình trạng thiếu nhân viên vì nhân viên mặt đất cũng như trên không bị sa thải trong đại dịch đã khiến một số hãng hàng không phải từ bỏ việc gia tăng năng lực để đáp ứng nhu cầu. Thêm vào đó là giá dầu cao ngất ngưỡng, cùng một mùa đông khó khăn phía trước.