Nguồn: Richard McGregor và Neil Thomas, “The next wolf warriors: China readies new generation of tough diplomats,” Nikkei Asia, 06/07/2022
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Đại hội đảng đang đến gần và Tập Cận Bình đã bắt đầu thay thế dàn lãnh đạo chính sách đối ngoại của đất nước.
Tập Cận Bình dự kiến sẽ tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba kéo dài 5 năm tại đại hội của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Bắc Kinh vào cuối năm nay, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chủ tịch Trung Quốc trong việc xóa bỏ những quy định về tuổi nghỉ hưu và trở thành lãnh đạo trọn đời.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực chính sách đối ngoại lại là một câu chuyện rất khác: hai quan chức ngoại giao cấp cao nhất của đất nước chuẩn bị rời đi trong sự kiện sẽ trở thành đợt thay máu nhân sự hàng đầu lớn nhất của ngành ngoại giao Trung Quốc suốt nhiều thập niên qua.
Sau chín năm là nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Dương Khiết Trì 72 tuổi, chuẩn bị rời Bộ Chính trị và cũng rời luôn chức Chủ nhiệm Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương (CFAC) tại đại hội đảng lần thứ 20, nhiều khả năng sẽ được triệu tập vào tháng 10 hoặc tháng 11.
Nếu Tập coi mình là ngoại lệ duy nhất đối với quy định về nghỉ hưu, thì Vương Nghị, Ngoại trưởng 68 tuổi và là nhà ngoại giao số 2 của Trung Quốc, cũng sẽ phải ra đi. Nhiệm kỳ của ông sẽ kết thúc vào tháng 3, thời điểm chuyển giao các vị trí trong bộ máy nhà nước tại phiên họp lập pháp hàng năm của đất nước.
Vương Nghị đã giữ chức Ngoại trưởng suốt 10 năm qua, đồng thời là Ủy viên Quốc vụ chuyên trách các vấn đề đối ngoại kể từ năm 2018. Dương Khiết Trì giữ chức Ngoại trưởng trong vòng 6 năm trước khi Vương lên thay, sau đó phục vụ 5 năm trong vai trò Ủy viên Quốc vụ cấp cao, trước khi đặt chân vào Bộ Chính trị cách đây 5 năm. Cộng chung, hai người đàn ông có tới một phần tư thế kỷ kinh nghiệm ở các vị trí ngoại giao hàng đầu.
Việc họ có khả năng sẽ ra đi trong vòng vài tháng tới đã tạo ra cơ hội để Tập xây dựng một thế hệ lãnh đạo chính sách đối ngoại mới. Những lựa chọn mà Chủ tịch nước đưa ra sẽ nhấn mạnh các ưu tiên toàn cầu của ông, cũng như mang đến cho các nhà ngoại giao sắp tới một hình mẫu về loại công việc sẽ giúp họ được thăng tiến trong ngành.
Là những nhân vật kỳ cựu của Bộ Ngoại giao, cả Dương và Vương đều quen thuộc với cái gọi là ‘ngoại giao chiến lang’ – khả năng đáp trả mạnh mẽ mỗi khi người nước ngoài chỉ trích Bắc Kinh. Tuy nhiên, họ đã được đề bạt trong thời kỳ hòa hoãn hơn của nền ngoại giao Trung Quốc.
Dương Khiết Trì là một người nói tiếng Anh lưu loát, ông từng học tại Trường Kinh tế London và cho con gái của mình theo học tại Đại học Yale. Ông đã gầy dựng sự nghiệp của mình như là một chuyên gia về Mỹ, kết bạn với cựu tổng thống George H.W. Bush trong chuyến đi đến Tây Tạng năm 1977, và nỗ lực xoa dịu căng thẳng song phương với tư cách Đại sứ Trung Quốc tại Washington trong nhiệm kỳ đầu tiên của George W. Bush.
Trong khi đó, Vương Nghị, được truyền thông Trung Quốc đặt biệt danh là “cáo bạc” vì vẻ ngoài điển trai, là một chuyên gia về Nhật Bản có trình độ tiếng Nhật và kinh nghiệm vượt trội nhờ quãng thời gian làm Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo vào giữa thập niên 2000. Dù luôn hành xử cứng rắn công khai mỗi khi các đối thủ của Trung Quốc trong khu vực xúc phạm Bắc Kinh, nhưng đã có lần, các bức điện bị rò rỉ đã tiết lộ việc ông nói với các nhà ngoại giao Mỹ rằng mình sẵn sàng đàm phán về một “thỏa thuận mềm” để Nhật Bản “giữ thể diện.”
Nhưng lứa quan chức ngoại giao trẻ tuổi hơn sắp được thăng chức – với ví dụ điển hình là Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, người nổi bật nhất trong số các “chiến lang” hiện tại – lại có xuất thân khác biệt hoàn toàn.
Cụm từ này xuất phát từ bộ phim ăn khách cùng tên của Trung Quốc, nói về những người lính yêu nước chiến đấu chống lại những tên lính đánh thuê xấu xa ở nước ngoài.
Trong khi Dương Khiết Trì và Vương Nghị trải qua những năm đầu sự nghiệp với cương vị đại diện cho một nước Trung Quốc còn yếu kém, các nhà ngoại giao trẻ tuổi, giống như người hùng trong phim Chiến Lang, đã trưởng thành trong một đất nước giàu có hơn, hùng mạnh hơn, và tự tin hơn nhiều.
Kỷ nguyên mới
Những người thay thế Dương và Vương, dù họ là ai, cũng sẽ là những nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm. Tuy nhiên, cùng với một loạt thứ trưởng và trợ lý bộ trưởng mới, họ sẽ phụ trách một hệ thống nhà nước quyết đoán và không bao giờ tỏ ý hối lỗi.
Chính sách ngoại giao của họ – vừa chịu áp lực từ Tập Cận Bình, vừa được thúc đẩy bởi bản năng của riêng thế hệ họ – theo đó sẽ được điều chỉnh cho phù hợp. Năm ngoái, Tập đã nói với các đảng viên rằng họ phải “dám đấu tranh” và “bảo vệ chủ quyền, an ninh, và lợi ích phát triển của đất nước với một ý chí chưa từng có.”
Kể từ năm 1949, chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã trải qua nhiều giai đoạn đặc biệt – xây dựng quan hệ đối tác với Liên Xô cũ; giai đoạn cách mạng tự lực cánh sinh sau khi Mao Trạch Đông mâu thuẫn với Nikita Khrushchev; tiếp đến là thời kỳ bán liên minh với Mỹ, chống lại Liên Xô trong những năm 1970 và 1980.
Sau cuộc biểu tình Thiên An Môn năm 1989 và sự tan rã của Liên Xô, những thập niên cải cách kinh tế và tăng trưởng điên cuồng, được tăng tốc nhờ việc Bắc Kinh gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001, đã giúp kiềm chế căng thẳng âm ỉ với Mỹ và phần lớn phương Tây. Trong thời kỳ này, Bắc Kinh hầu như đã tuân theo mệnh lệnh nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình – “ẩn mình chờ thời.”
Nhưng ngày đó thật sự đã qua rồi. Tập kiên quyết không chịu “ẩn mình,” thay vào đó, ủng hộ “phấn đấu đạt thành tích.” Bắc Kinh và Washington hiện đang tham gia vào một cuộc cạnh tranh toàn diện, trên nhiều lĩnh vực. Trung Quốc có các lợi ích toàn cầu và một chương trình nghị sự toàn cầu đi cùng với họ, được hỗ trợ bởi một quân đội đang mở rộng nhanh chóng.
Tập không ngại thể hiện tham vọng của Trung Quốc. Trong một bài phát biểu vào năm 2020, ông nói Trung Quốc nên “mở rộng sức mạnh quốc gia toàn diện của chúng ta … và đặt nền tảng cho một tương lai nơi chúng ta sẽ giành được thế chủ động và sở hữu vị trí thống trị.”
Tập nói với các quan chức rằng họ phải áp dụng “tinh thần chiến đấu” để bảo vệ lợi ích quốc gia cốt lõi của Trung Quốc trong khi “thế giới đang trải qua những thay đổi chưa từng thấy suốt một thế kỷ.”
Các sự kiện như Brexit, nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump, và việc phương Tây xử lý đại dịch COVID-19 một cách kém cỏi trong giai đoạn đầu, đã thuyết phục Chủ tịch Trung Quốc ra tuyên bố vào năm 2020, về một “sự điều chỉnh sâu sắc trong cán cân quyền lực quốc tế” – nhận định táo bạo nhất cho đến nay của đảng cộng sản về lợi thế địa chính trị của Trung Quốc.
Niềm tin của Tập vào một môi trường bên ngoài thuận lợi hơn đã khiến ông đề cao các mục tiêu chính trị dân tộc chủ nghĩa trong chính sách đối ngoại, vượt lên trên chủ nghĩa thực dụng kinh tế và sự hợp tác với phương Tây. Ông tin rằng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc sẽ giúp nước này có thể chống chọi với đòn đáp trả của nước ngoài.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa lịch sử, văn hóa, và hành trang của riêng mình vào quan điểm đắc thắng này, một dòng quan điểm được Tập và ‘đội cổ vũ’ của ông liên tục lặp lại trên các phương tiện truyền thông chính thức. Tại lễ kỷ niệm 100 năm thành lập đảng, được tổ chức vào năm ngoái, Tập tuyên bố rằng “nhân dân Trung Quốc tuyệt đối không được cho phép bất kỳ thế lực ngoại bang nào bắt nạt, đàn áp, hoặc nô dịch chúng ta.”
Trong một biểu tượng không thể nhầm lẫn, có ý ám chỉ sự yếu kém và thói phục tùng của người Trung Quốc, các nhà ngoại giao nước này đôi khi nhận được những viên canxi qua đường bưu điện, một cách để nói với họ rằng: hãy rèn luyện để có cột sống cứng cáp hơn, từ đó mới có thể đứng vững trước người nước ngoài.
Trước những nghi ngờ đó, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã chọn lối cư xử hung hăng, phi ngoại giao, từ rất lâu trước khi được gọi là “chiến lang,” Peter Martin của Bloomberg nói, và hành động đó không chỉ vì họ cảm thấy cần phải bù đắp cho những nhận thức về sự yếu kém trong quá khứ.
Trong cuốn sách năm 2021 viết về Bộ Ngoại giao Trung Quốc, China’s Civilian Army: The Making of Wolf Warrior Diplomacy, Martin nhận định lý do còn là bởi “họ không thể giải phóng bản thân khỏi những ràng buộc của một hệ thống chính trị bí mật, hoang tưởng.”
“Dù khi nhìn từ bên ngoài, hành động của họ đôi khi có vẻ hung hăng, thậm chí kỳ quái,” Martin viết, “nhưng chúng hoàn toàn có nghĩa khi nhìn từ góc độ trong nước”.
Thất thượng, Bát hạ
Bất kỳ phân tích nào về giới tinh hoa chính trị của Trung Quốc cũng cần có sự khiêm tốn. Sẽ rất nguy hiểm khi dự đoán những thay đổi nhân sự trong một tổ chức ít minh bạch như Đảng Cộng sản Trung Quốc, đặc biệt là khi việc lựa chọn các nhà ngoại giao hàng đầu tiếp theo của Bắc Kinh chỉ nằm trong tay một cá nhân duy nhất.
Dù Tập sẵn sàng phá bỏ các quy định về tuổi nghỉ hưu để kéo dài thời gian cầm quyền của mình, nhưng cuộc cải tổ lãnh đạo tại đại hội đảng vừa qua cho thấy rằng các thành viên Bộ Chính trị vẫn sẽ bị kiểm soát bởi quy tắc “Thất thượng, Bát hạ” (67 lên, 68 xuống) đã được giới thiệu từ năm 2002.
Nói cách khác, một cán bộ từ 67 tuổi trở xuống có thể được bổ nhiệm hoặc phục vụ thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa trong cơ quan ra quyết định hàng đầu của đảng, còn bất kỳ ai 68 tuổi trở lên đều sẽ phải nghỉ hưu.
Theo thông lệ, người sẽ thay thế Dương Khiết Trì trong Bộ Chính trị sẽ là nhà ngoại giao số 2 dưới quyền ông, tức Ngoại trưởng, nhưng nhiệm kỳ kéo dài của Vương Nghị có nghĩa là ông cũng đã đến tuổi nghỉ hưu.
Về lý thuyết, Tập có thể dùng quyền lực của mình để bỏ qua quy ước và thăng chức cho Vương vào Bộ Chính trị. Lý do để ông làm việc đó thực ra rất đơn giản. Xét đến bối cảnh chiến tranh đang hoành hành ở châu Âu và căng thẳng leo thang ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chẳng ai có thể bằng Vương về bề dày kinh nghiệm ngoại giao, cũng như mạng lưới quan hệ trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, dù là một cấp dưới trung thành, Vương không phải là tay chân thân tín của Tập, và việc thăng chức cho ông có nghĩa là đổ ‘vốn’ chính trị vào một hệ thống mà Tập đang ép buộc phải trao cho ông một nhiệm kỳ thứ ba, bất chấp các tiền lệ.
Tập có thể ngày càng cảnh giác với việc làm rung chuyển hệ thống, trước những thách thức ngày càng gia tăng mà ông phải đối mặt do chính sách zero-covid mang dấu ấn của mình, và đi kèm là áp lực đối với triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc.
Một kịch bản khác là Tập sẽ loại bỏ hoàn toàn vị trí của Dương Khiết Trì khỏi Bộ Chính trị – Trung Quốc đã trải qua 15 năm mà không có đại diện chính sách đối ngoại nào trong cơ quan này, trước khi Dương được thăng chức vào năm 2017.
Nhưng một quyết định như vậy có vẻ mâu thuẫn với nỗ lực của Tập nhằm củng cố vị thế của bộ máy đối ngoại trong đảng, và với chính chương trình nghị sự ngoại giao đang mở rộng của Trung Quốc. Vương Nghị là Ngoại trưởng đầu tiên kiêm nhiệm chức Ủy viên Quốc vụ kể từ thời nhà ngoại giao huyền thoại Tiền Kỳ Tham hồi thập niên 1990.
Củng cố sức mạnh
Chính sách đối ngoại của Bắc Kinh đã thay đổi đáng kể kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào cuối năm 2012. Trung Quốc ngày càng trở nên quyết đoán và mạnh mẽ hơn, đồng thời sẵn sàng đối đầu ngoại giao trực diện với Mỹ cùng các đồng minh, vốn là điều mà các nhà lãnh đạo trước đây luôn né tránh.
Theo quan điểm của Tập, những thành tựu đã đạt được là rất đáng kể. Ví dụ, Bắc Kinh đã khởi động Sáng kiến Vành đai và Con đường, một dự án cơ sở hạ tầng trị giá 1000 tỷ USD được hơn 140 quốc gia ủng hộ, nhằm nâng cao vai trò của Trung Quốc trong đầu tư, thương mại, và thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu.
Dưới thời Tập, Bắc Kinh cũng đã củng cố lập trường của mình về lãnh thổ, bao gồm cả việc tập trận quân sự nhiều hơn xung quanh Đài Loan và ở Biển Hoa Đông. Ở Biển Đông, nước này đã xây dựng một số đảo nhân tạo để sử dụng làm căn cứ quân sự.
Bắc Kinh ngày càng lạm dụng các biện pháp cưỡng bức kinh tế để trừng phạt các quốc gia có bất đồng chính trị, bao gồm cả việc chống lại Hàn Quốc và Australia, hai đồng minh khu vực thân cận nhất của Washington.
Tập cũng không ngần ngại trừng phạt các chính trị gia, tổ chức, công ty, và hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ và các nước châu Âu để trả đũa hành động của các chính phủ này về vấn đề thương mại, nhân quyền, và Đài Loan. Ông dường như không quan tâm đến việc những quan điểm bất lợi cho Trung Quốc đã lên mức cao nhất trong lịch sử ở nhiều nước phương Tây, cũng như ở Nhật Bản và Hàn Quốc, theo Trung tâm Nghiên cứu Pew.
Dù Tập là người chỉ đạo chính sách đối ngoại, Dương Khiết Trì và Vương Nghị đã đưa ra lời khuyên về các vấn đề quốc tế, đồng thời giúp triển khai chương trình nghị sự đầy tham vọng và đôi khi đối đầu của chủ tịch nước bằng loại kỹ năng được rèn giũa qua nhiều năm kinh nghiệm trên tiền tuyến ngoại giao toàn cầu.
Bên trong hệ thống, Bộ Ngoại giao cũng chịu sự giám sát chặt chẽ hơn của đảng, tuân theo cam kết “phối hợp đối nội và đối ngoại” và “cải thiện hệ thống lãnh đạo của đảng đối với các vấn đề đối ngoại” của Tập.
Năm 2019, một quan chức thuộc cơ quan nhân sự của đảng – Phó Ban Tổ chức Trung ương – Tề Ngọc (Qi Yu), đã được bổ nhiệm làm Bí thư Đảng ủy Bộ Ngoại giao, một động thái chưa từng có: cho một người trung thành với Tập phụ trách công việc chính trị nội bộ của bộ, dù người này không có kinh nghiệm ngoại giao.
Người nước ngoài có thể sẽ không hiểu được tầm quan trọng của quyết định bổ nhiệm này, nhưng những người trong cuộc thì chẳng có nghi ngờ gì: Đó là một tín hiệu không thể nhầm lẫn, rằng Tập muốn trung ương đảng kiểm soát chính sách đối ngoại của Trung Quốc nhiều hơn, và rằng ông sẽ đưa ra quyết định thăng chức dựa trên cơ sở trung thành với tầm nhìn chính trị của mình.
Bộ Ngoại giao cũng không thoát khỏi chương trình chống tham nhũng của Tập, một cuộc thanh trừng do các cơ quan nội bộ đảng tiến hành. Quan chức cấp cao nhất bị sa bẫy là Trương Côn Sinh, Trợ lý Ngoại trưởng, người đã bị bắt vào năm 2015.
Còn tiếp một phần