26/07/1908: FBI được thành lập

Nguồn: FBI founded, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1908, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (Federal Bureau of Investigation, FBI) đã ra đời khi Tổng Chưởng lý Charles Bonaparte ra lệnh cho một nhóm các nhà điều tra liên bang mới báo cáo cho Trưởng Giám định Stanley W. Finch. Một năm sau, Văn phòng Trưởng Giám định được đổi tên thành Cục Điều tra, và vào năm 1935, nó trở thành Cục Điều tra Liên bang.

Khi Bộ Tư pháp được thành lập vào năm 1870 để thực thi luật liên bang và điều phối chính sách tư pháp, cơ quan này không có điều tra viên thường trực trong biên chế. Lúc đầu, người ta thuê thám tử tư mỗi khi cần điều tra tội phạm liên bang, sau này chuyển sang thuê các điều tra viên từ các cơ quan liên bang khác. Chẳng hạn, nếu điều tra các vụ làm giả tiền, sẽ dùng người từ Cơ quan Mật vụ, được thành lập bởi Bộ Tài chính vào năm 1865. Đến đầu thế kỷ 20, Tổng Chưởng lý được phép tuyển dụng một số điều tra viên thường trực và Văn phòng Trưởng Giám định, với đội ngũ nhân viên chủ yếu là kế toán, được thành lập để xem xét các giao dịch tài chính của các tòa án liên bang.

Với mong muốn thành lập một tổ chức điều tra độc lập và hiệu quả hơn, vào năm 1908, Bộ Tư pháp đã thuê 10 cựu nhân viên của Cơ quan Mật vụ đến làm việc tại Văn phòng Trưởng Giám định đang dần lớn mạnh. Ngày mà các đặc vụ này chính thức nhận nhiệm vụ – ngày 26/07/1908 – được coi là ngày thành lập FBI. Đến tháng 03/1909, nhân lực đã gồm 34 đặc vụ và Tổng Chưởng lý George Wickersham, người kế nhiệm Bonaparte, quyết định đổi tên cơ quan thành Cục Điều tra.

Chính phủ liên bang đã sử dụng Cục làm công cụ điều tra những tội phạm lẩn trốn truy tố bằng cách vượt qua ranh giới giữa các tiểu bang, và trong vòng vài năm, số lượng đặc vụ đã tăng lên hơn 300 người. Cơ quan này đã bị một số người trong Quốc hội phản đối, vì lo ngại rằng quyền lực ngày càng lớn của nó có thể dẫn đến tình trạng lạm quyền. Khi người Mỹ tham gia Thế chiến I vào năm 1917, cơ quan này được giao trách nhiệm điều tra những người trốn nghĩa vụ quân sự, những kẻ vi phạm Đạo luật Gián điệp năm 1917, và những người nhập cư bị nghi ngờ theo chủ nghĩa cấp tiến (radicalism).

Trong khi đó, J. Edgar Hoover, một luật sư và cựu thủ thư, gia nhập Bộ Tư pháp vào năm 1917. Chỉ trong vòng hai năm, ông đã trở thành trợ lý đặc biệt cho Tổng Chưởng lý A. Mitchell Palmer. Là người có tư tưởng chống cấp tiến sâu sắc, Hoover đi đầu trong nhánh hành pháp liên bang trong thời kỳ “Nỗi sợ Cộng sản” thứ nhất (1919 – 1920). Ông đã thiết lập một hệ thống chỉ mục liệt kê mọi nhà lãnh đạo, tổ chức, và ấn phẩm được cho là cấp tiến ở Mỹ; tính đến năm 1921, hệ thống này đã chứa đến khoảng 450.000 cái tên. Hơn 10.000 người bị tình nghi là cộng sản cũng bị bắt trong thời kỳ này, nhưng đại đa số họ đều chỉ bị thẩm vấn một thời gian ngắn và sau đó được thả ra. Mặc dù Tổng Chưởng lý đã bị chỉ trích vì lạm quyền trong cái gọi là “Đột kích Palmer,” Hoover lại không hề hấn gì, và vào ngày 10/05/1924, ông được bổ nhiệm làm quyền giám đốc Cục Điều tra.

Trong thập niên 1920, với sự chấp thuận của Quốc hội, Giám đốc Hoover đã mạnh mẽ tái cấu trúc và mở rộng Cục Điều tra. Ông xây dựng cơ quan này thành một cỗ máy chống tội phạm hiệu quả, xây dựng hệ thống hồ sơ dấu vân tay tập trung, phòng thí nghiệm tội phạm, và trường đào tạo cho các đặc vụ. Vào những năm 1930, Cục Điều tra đã phát động một cuộc chiến dữ dội chống lại đại dịch tội phạm có tổ chức nảy sinh sau thời Cấm rượu (Prohibition). Những tên xã hội đen khét tiếng như George “Machine Gun” Kelly và John Dillinger đã mất mạng dưới nòng súng của đặc vụ liên bang, trong khi những kẻ khác – như Louis “Lepke” Buchalter, người đứng đầu Tập đoàn Sát nhân (Murder, Inc.) – đã bị các nhân viên (G-men) của Hoover điều tra và truy tố thành công. Vị giám đốc, người cực kỳ quan tâm đến quan hệ công chúng, đã tham gia vào một số vụ bắt giữ được công bố rộng rãi này, và Cục Điều tra Liên bang, tên gọi được biết đến sau năm 1935, đã nhận được đánh giá cao từ Quốc hội và công chúng Mỹ.

Khi Thế chiến II bùng nổ, Hoover đã hồi sinh các kỹ thuật phản gián mà ông đã phát triển trong thời kỳ Nỗi sợ Cộng sản thứ nhất, việc nghe lén người dân và các hoạt động giám sát điện tử khác cũng được mở rộng đáng kể. Sau Thế chiến II, Hoover tập trung vào mối đe dọa lật đổ từ các nhóm cấp tiến, đặc biệt là cộng sản. FBI đã tổng hợp các hồ sơ về hàng triệu người Mỹ bị nghi ngờ có hoạt động bất đồng chính kiến. Còn bản thân Hoover thì hợp tác chặt chẽ với Ủy ban Hạ viện Kiểm tra Hành động chống Mỹ (House Un-American Activities Committee, HUAC) và Thượng nghị sĩ Joseph McCarthy, kiến trúc sư của Nỗi sợ Cộng sản thứ hai.

Năm 1956, Hoover khởi xướng COINTELPRO, một chương trình phản gián bí mật, ban đầu nhắm vào Đảng Cộng sản Mỹ, nhưng sau đó được mở rộng để thâm nhập và phá vỡ bất kỳ tổ chức cấp tiến nào ở Mỹ. Trong suốt thập niên 1960, các nguồn lực khổng lồ của COINTELPRO không chỉ được sử dụng để chống lại các nhóm nguy hiểm như Ku Klux Klan, mà còn chống lại các tổ chức dân quyền của người Mỹ gốc Phi và các tổ chức phản chiến theo chủ nghĩa tự do. Một nhân vật được nhắm mục tiêu đặc biệt là lãnh đạo dân quyền Martin Luther King, Jr., người đã phải chịu đựng sự quấy rối có hệ thống từ FBI.

Vào thời điểm Hoover bắt đầu phục vụ dưới thời tổng thống thứ tám của mình, năm 1969, truyền thông, công chúng, và Quốc hội đã nghi ngờ rằng FBI có thể đang lạm quyền. Lần đầu tiên trong sự nghiệp công chức nhà nước của mình, Hoover đã bị chỉ trích rộng rãi, và Quốc hội đã phản ứng bằng cách thông qua luật yêu cầu sự xác nhận của Thượng viện đối với việc bổ nhiệm các giám đốc FBI trong tương lai, đồng thời giới hạn nhiệm kỳ của họ là 10 năm. Ngày 02/05/1972, khi bê bối Watergate sắp sửa bị vạch trần trên truyền thông quốc gia, J. Edgar Hoover qua đời vì bệnh tim ở tuổi 77.

Vụ Watergate sau đó tiết lộ rằng FBI đã bảo vệ trái phép Tổng thống Richard Nixon khỏi các đợt điều tra, và cơ quan này đã bị Quốc hội điều tra kỹ lưỡng. Những tiết lộ về việc FBI lạm quyền và giám sát một cách vi hiến đã khiến Quốc hội và giới truyền thông cảnh giác hơn với cơ quan này trong tương lai.