Nguồn: The Economist | Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Liên minh châu Âu đã đạt được thỏa thuận tự nguyện cắt giảm nhu cầu khí đốt tự nhiên xuống 15%, nhằm chuẩn bị cho việc Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt. Tuy nhiên, một số quốc gia thành viên có thể được miễn trừ. Quyết định của khối được đưa ra một ngày sau khi Gazprom tuyên bố sẽ cắt giảm thêm nữa lượng khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 tới châu Âu, nói rằng đường ống này cần được sửa chữa. Volodymyr Zelensky cáo buộc Nga đang “tống tiền bằng khí đốt.”
Yuri Borisov, giám đốc chương trình không gian của Nga, cho biết nước này sẽ rút khỏi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) sau năm 2024 và chuyển sang tập trung vào việc xây dựng trạm không gian của riêng mình. Người tiền nhiệm của Borisov trước đây đã nói rằng Moscow sẽ chỉ xem xét mở rộng sự tham gia của họ vào các hoạt động của ISS nếu phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga. Kể từ khi xâm lược Ukraine nổ ra, ISS trở thành một ví dụ hiếm hoi cho hợp tác giữa Mỹ và Nga.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2022 xuống còn 3,2%, giảm 0,4% so với ước tính tháng 4, và gần một nửa so với tốc độ tăng trưởng của năm ngoái. Phần lớn là do lạm phát, IMF dự kiến tăng trưởng sẽ chỉ ở mức 2,9% vào năm 2023, với khả năng giảm xuống còn 2% nếu phong tỏa covid-19 khiến nền kinh tế Trung Quốc suy yếu, hoặc chia rẽ chính trị cản trở thương mại toàn cầu.
Theo Wall Street Journal, giám đốc điều hành của Credit Suisse, Thomas Gottstein, sẽ rời đi sau hai năm lãnh đạo ngân hàng Thụy Sĩ. Gottstein được trông đợi sẽ giúp hồi sinh tập đoàn sau khi một vụ bê bối gián điệp khiến người tiền nhiệm của ông bị sa thải năm 2020. Thay vào đó, Credit Suisse đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau sự sụp đổ của Greensill Capital và Archegos Capital Management vào năm ngoái.
Doanh thu quý 2 năm nay của General Motors (GM), nhà sản xuất xe hơi của Mỹ, đã giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 1,7 tỷ USD, do những rắc rối trong chuỗi cung ứng. GM nói rằng nguyên nhân phát xuất từ đợt phong tỏa ở Trung Quốc và sự thiếu hụt chất bán dẫn, nhưng cũng đưa ra triển vọng tươi sáng hơn cho phần còn lại của năm. CEO Mary Barra cho biết GM sẽ hạn chế tuyển dụng và giảm chi tiêu để đề phòng suy thoái có thể xảy ra.
Bangladesh được cho là đã yêu cầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho vay 4,5 tỷ USD, với lý do cạn kiệt dự trữ ngoại hối. Theo truyền thông địa phương, Bangladesh mong muốn được giúp đỡ để giải quyết vấn đề ngân sách, khủng hoảng cán cân thanh toán, và nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Đất nước này đang phải vật lộn với việc gia tăng chi phí năng lượng và lương thực trong bối cảnh chấn động kinh tế toàn cầu do cuộc xâm lược Ukraine của Nga gây ra.
Theo cuộc điều tra của một Ủy ban Thượng viện, Trung Quốc đã cố gắng lấy cắp thông tin nội bộ từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Cuộc điều tra đã xác định “một nỗ lực bền bỉ của người Trung Quốc, suốt hơn một thập niên, nhằm giành được ảnh hưởng đối với Cục Dự trữ Liên bang, và sự thất bại của Cục trong việc chống lại mối đe dọa này một cách hiệu quả.” Fed phản bác kết quả điều tra, nói rằng nó “không công bằng, không có căn cứ, và không được xác minh.”
TIÊU ĐIỂM
Fed thắt chặt lãi suất thêm một lần nữa
Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chắc chắn sẽ công bố một đợt tăng lãi suất lớn khác vào thứ Tư, khi cơ quan này cố gắng kiềm chế lạm phát ở Mỹ. Thị trường đã phản ánh trước mức tăng 0,75 điểm trong tháng thứ hai liên tiếp, đánh dấu mức thắt chặt tiền tệ mạnh nhất của Mỹ kể từ đầu những năm 1980. Nhưng đây sẽ không phải là động thái cuối cùng của Fed: hầu hết các nhà đầu tư đều mong đợi Fed sẽ nâng lãi suất ngắn hạn thêm một điểm phần trăm nữa trước khi kết thúc năm. Quyết định đó sẽ đưa lãi suất lên mức hơn 3%, tăng từ mức 0% hồi đầu tháng 03.
Sự vội vàng tăng lãi suất một cách muộn màng của Fed có thể đang phát huy tác dụng. Kỳ vọng lạm phát – được đo lường bằng khảo sát người tiêu dùng và định giá trái phiếu – đã giảm nhẹ. Nhưng lãi suất cao cũng đang bắt đầu ảnh hưởng đến nền kinh tế. Việc xây dựng nhà ở mới chậm lại rất nhiều, trong khi đơn xin trợ cấp thất nghiệp ngày càng chồng chất. Kiềm chế lạm phát mà không làm suy yếu tăng trưởng là một bài toán khó.
Các nhà sản xuất súng Mỹ đối mặt với làn sóng chỉ trích dữ dội
Chỉ riêng năm nay, ở Mỹ đã xảy ra hơn 300 vụ xả súng hàng loạt. Vào năm 2020, thanh niên Mỹ có nhiều khả năng chết vì súng đạn hơn bất kỳ nguyên nhân nào khác. Giờ đây, ngành công nghiệp vũ khí đang phải chịu sự giám sát chặt chẽ. Hôm thứ Tư, một Ủy ban Quốc hội sẽ xem xét vai trò của ngành này đối với bạo lực súng đạn ở Mỹ.
Người đứng đầu ba nhà sản xuất súng sẽ ra điều trần, bao gồm cả ông chủ của Daniel Defense, công ty sản xuất khẩu súng được sử dụng bởi tay súng giết chết 19 trẻ em và 2 giáo viên ở Uvalde, Texas hồi tháng 05. Ngày 15/07, Everytown for Gun Safety, một nhóm vận động hành lang về kiểm soát súng đạn, đã đệ đơn khiếu nại lên cơ quan quản lý, cáo buộc Daniel Defense vi phạm luật pháp khi tiếp thị sản phẩm của mình cho thiếu niên và nam thanh niên “có nguy cơ [sử dụng súng].”
Chủ tịch Ủy ban Carolyn Maloney đã cam kết buộc các nhà sản xuất súng phải chịu trách nhiệm về “những cuộc tàn sát mà họ tạo điều kiện, và thu lợi từ chúng.” Bà có thể sẽ sử dụng một lời khai đau lòng từ một phiên điều trần khác, khi Miah Cerrillo, một học sinh 11 tuổi sống sót sau vụ xả súng ở Uvalde, mô tả cách em bôi máu của một người bạn cùng lớp đã bị giết hại lên mình, và giả vờ chết để tự cứu lấy bản thân.
Tổng thống Pháp Macron công du ba nước châu Phi
Chuyến công du ba nước châu Phi của Emmanuel Macron trong tuần này đánh dấu chuyến đi đầu tiên ra bên ngoài châu Âu của ông kể từ khi tái đắc cử Tổng thống Pháp hồi tháng 04. Sau khi đến thăm Cameroon, Macron sẽ đến Benin vào thứ Tư và sau đó đến Guinea-Bissau. Chuyến đi được thiết kế để củng cố “sự đổi mới” mối quan hệ của Pháp với châu Phi, cũng như thảo luận về an ninh lương thực và chống khủng bố trong khu vực.
Mục tiêu thứ hai đặc biệt gây bức xúc, do sự lan tràn của bạo lực thánh chiến từ dải Sahel đến các quốc gia trong Vịnh Guinea. Tính đến cuối mùa hè này, Pháp sẽ chấm dứt hoàn toàn chiến dịch chống khủng bố gồm 2.400 quân và đóng cửa tất cả các căn cứ quân sự ở Mali. Quan hệ với chính quyền quân sự của đất nước này đã trở nên tồi tệ sau làn sóng biểu tình chống Pháp. Nhưng quân đội Pháp vẫn sẽ ở lại vùng Sahel rộng lớn. Macron hy vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ hoạt động chống khủng bố tại các quốc gia khác, nhưng theo những cách ít rõ ràng hơn – giúp nước Pháp tránh bị chỉ trích từ các nhóm chống thực dân hơn.
Sự phục hồi đáng kinh ngạc của ngành công nghiệp xe hơi Ấn Độ
Hôm thứ Tư, Maruti Suzuki và Tata Motors, hai công ty xe hơi lớn nhất của Ấn Độ, đã công bố thu nhập của quý 2 năm nay. Năng suất của họ sẽ tiết lộ nhiều điều về tình hình kinh tế nói chung của đất nước. Theo một cơ quan trong ngành, sản xuất xe hơi chiếm khoảng 7% GDP của Ấn Độ và gần một nửa sản lượng sản xuất của nước này; nó sử dụng trực tiếp và gián tiếp khoảng 37 triệu người, gần bằng dân số của Ba Lan. Và doanh số bán xe hơi là một chỉ báo mạnh mẽ về nhu cầu của người tiêu dùng.
Lợi nhuận của Maruti Suzuki, công ty dẫn đầu thị trường về xe chở khách, dự kiến sẽ tăng lên, nhưng chỉ là so với sự sụt giảm do covid-19 của năm ngoái. Trong khi đó, Tata Motors sẽ lỗ vì chi phí tăng cao và sự thiếu hụt chất bán dẫn trong toàn ngành. Tuy nhiên, nhìn chung, doanh số bán xe hơi ở Ấn Độ đã tăng vượt mức trước đại dịch, một phần nhờ vào sự bùng nổ của dòng xe SUV cao cấp. Tuy nhiên, doanh số bán xe máy và các loại xe hai bánh khác, phương tiện đi lại của những người nghèo hơn ở Ấn Độ, vẫn chưa tăng trở lại. Điều đó cho thấy một sự phục hồi không cân bằng.
California lại đối mặt cháy rừng một lần nữa
Tình trạng bắt đầu muộn của mùa cháy rừng năm nay tại California đã kết thúc vào thứ Sáu, khi cái gọi là Đám cháy Oak thiêu rụi hạt Mariposa, gần Công viên Quốc gia Yosemite. Đến sáng thứ Ba, đám cháy đã lan rộng ra khoảng 7.300 ha và chỉ được kiểm soát 26%. Nó nhỏ hơn nhiều so với Đám cháy Dixie, đã thiêu rụi gần 405.000 ha đất vào năm ngoái, nhưng vẫn là đám cháy lớn nhất ở California trong năm nay.
Ảnh hưởng của các vụ cháy rừng ở California còn lan xa hơn nhiều so với những khu vực đã bị chúng phá hủy. Lửa đe dọa những cây hồng sam cổ đại, vốn là một trong những loài thực vật hấp thụ carbon hiệu quả nhất thế giới. Cơ quan Công viên Quốc gia Mỹ ước tính rằng cháy rừng đã giết chết 13% -19% số lượng hồng sam đại thụ trên thế giới trong hai năm qua. Dự luật Build Back Better (Xây dựng lại Thế giới Tốt đẹp hơn) của Tổng thống Joe Biden, bị giáng một đòn chí mạng vào tuần trước, vốn dự kiến dành 27 tỷ đô la để phục hồi rừng. Hồng sam có thể trở thành những người lính trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nhưng với việc Quốc hội đình trệ thông qua đạo luật, những cây cổ thụ này sẽ phải chiến đấu mà không có quân tiếp viện.