Bình Định Vương Lê Lợi khởi nghĩa chống nhà Minh (P6)

Tác giả: Hồ Bạch Thảo

Tin thắng trận tại Tốt Động báo đến hành doanh Lỗi Giang, Thanh Hóa; Bình Định Vương cấp tốc mang đại quân ra Bắc; khi đến huyện Chương Mỹ [Hà Tây], các tướng đều ra đón mừng. Bấy giờ quân Minh thiếu vũ khí, bèn cho phá hủy chuông, vạc của ta làm súng đạn; cùng cử người thay thế Thượng thư Trần Hiệp đã tử trận:

Tin thắng trận báo về hành dinh ở Lỗi Giang. Bấy giờ, vua đương đóng quân ở Thanh Hóa, hội các quân ở Hải Tây, nhận được thư báo thắng trận của bọn Lê Lễ, bèn đích thân dẫn đại quân và 20 thớt voi chia hai đường thủy, lục, ngày đêm đi gấp. Ngày 11 [10/11/1426], tới sông Lũng Giang [sông Đáy] đóng dinh, các tướng tới đón mừng…. Bọn Vương Thông nhà Minh vì bị thua ở Tốt Động, quân khí cơ hồ mất sạch, bèn phá chuông Quy Điền và vạc Phổ Minh[1] để làm súng đạn, hỏa khí. Sau khi Trần Hiệp chết, Hữu bố chính sứ Dặc Khiêm giữ ấn của Bố chính ty, án sát sứ Dương Thì Tập giữ ấn của Án sát ty, Đô đốc thiêm sự Trần Duệ giữ ấn của Đô ty. Từ đó, lịch chính sóc[2] của nhà Minh không được thi hành ở các quận huyện nước ta nữa. Ngày 22, vua tiền quân đến Tây Phù Liệt [tây Thanh Trì, Hà Nội],” Toàn Thư, Bản Kỷ quyển 10, trang 22b.

Bình Định Vương tự làm tướng, chỉ huy đạo quân chủ lực, tiến đánh thành Đông Quan, giết nhiều quân địch, tịch thu hàng trăm chiến thuyền:

Ngày 23 [22/11/1426], vua sai bọn Trần Hãn, Lê Bị đem hơn trăm chiếc thuyền thủy quân, ngược dòng sông Đại Lũng [sông Đáy] ra cửa sông Hát, rồi thuận dòng xuôi đến bến Đông Bộ Đầu [hàng Than, Hà Nội] sông Lô [sông Hồng], bọn Lê Lễ đem hơn 1 vạn quân bộ bí mật tiến đến cầu Tây Dương. Vua đích thân dẫn binh tượng đến cửa Nam ngoài thành Đại La để đánh thành Đông Quan. Đến đêm, hồi canh ba, quân bốn mặt đánh ập vào, phóng lửa đốt các nhà ở ngoài thành, khói lửa mù mịt đầy trời. Các doanh quân đóng ngoài thành của Phương Chính tranh nhau chạy vào cửa thành xác chết gối lên nhau. Ta bắt hết những người trong nước buộc phải theo giặc và hơn trăm chiến thuyền cùng rất nhiều khí giới, nghi trượng. Giặc biết là quân dân các vùng gần đó đều theo về ta cả, thế là mỗi ngày một cùng quẫn, lại đắp thêm tường lũy, liều chết cố thủ, để đợi viện binh. Vua dời ra đóng dinh ở Đông Phù Liệt [đông Thanh Trì, Hà Nội].” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 22b

Tại dinh ở phía đông Thanh Trì, các hào kiệt, nhân dân tấp nập đến yết kiến, nguyện liều chết đánh giặc. Bình Định Vương ân cần phủ dụ, rồi tùy tài năng giao chức vụ. Bình Định Vương chia các lộ vùng Đông Đô thành 4 đạo; sách Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, chép như sau: Các trấn Tam Giang, Tuyên Quang, Hưng Hóa và Gia Hưng thuộc Tây Đạo; các lộ Thượng Hồng, Hạ Hồng, Nam Sách Thượng, Nam Sách Hạ và trấn An Bang đều thuộc Đông Đạo; các lộ, trấn Bắc Giang, Thái Nguyên đều thuộc Bắc Đạo; các lộ Khoái Châu, Lý Nhân, Tân Hưng, Kiến Xương và Thiên Trường đều thuộc Nam Đạo:

Khi vua mới tới thành Đông Đô, những hào kiệt ở kinh lộ và nhân dân các phủ huyện cùng các tù trưởng ở biên trấn đều tấp nập kéo đến cửa quân, xin hết sức liều chết đánh thành giặc ở các xứ. Vua biểu dương lòng thành của họ, phủ dụ, úy lạo, báo cho họ biết lẽ bỏ nghịch theo thuận. Từ kẻ sĩ tới dân chúng, hễ ai đến quân doanh, vua đều dùng lời lẽ khiêm tốn, dùng nghi lễ trang trọng để tiếp đãi, rồi tùy theo tài năng hơn hay kém của từng người để bố trí các chức vụ khác nhau. Lấy ban thưởng để khích lệ khiến người người đều hăng hái, dùng hình phạt mà răn đe, nên ai ai cũng giữ gìn. Vì vậy, mọi người đều cảm kích mong được dốc trọn sức mình, quân đi đến đâu là thành công đến đấy. Vua chia các lộ trấn ở Đông Đô thành bốn đạo. Đặt quan lại văn võ trong ngoài và tuần kiểm ở các xứ cửa biển để khám xét những người qua lại và bắt bọn nguỵ quan, bọn phản bội, bọn ngang ngạnh không chịu cải hóa, bọn ăn ở hai lòng, bọn mang thư chạy về phương Bắc. Lại dụ những người có tài văn chương mà chưa được nhận chức, nếu ai viết thư dụ được người thành Đông Quan, khiến họ mở cửa thành ra hàng và giảng hòa về nước, thì sẽ được thăng chức vượt cấp. Lại ra lệnh tịch thu vợ con, nô tỳ sản nghiệp của bọn ngụy quan nộp lên, còn thóc lúa của chúng thì vẫn để ở bản xứ để đợi cung cấp cho quân đội.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 23b.

Bấy giờ Vương Thông nhà Minh nhiều lần thua trận, muốn bãi chiến, rút quân về; y bèn vin vào lời Vua Tuyên Tông bàn với các cận thần vào ngày 3 tháng 4 năm Tuyên Đức thứ nhất [9/5/1426] rằng “Cho nơi này tự lập một nước, hàng năm triều cống, bảo toàn sinh mệnh dân một phương, mà cũng để người Trung Quốc được nghĩ ngơi nữa.” Rồi sai Sứ giả ngầm khuyên Vua Lê Lợi vin vào danh nghĩa lập con cháu họ Trần ấy để xin bãi binh; nhà Vua cũng muốn dân được nghỉ ngơi, nên ưng thuận:

Mùa đông, tháng 11 [29/11/28/12/1426], vua tìm được Trần Cảo lập làm vua. Trước đó, có người tên là Hồ Ông, là con một người ăn xin, trốn theo Cầm Quý, giả xưng Trần Cảo con cháu họ Trần. Bấy giờ người trong nước khổ về chính lệnh hà khắc của giặc, mong có người làm chủ, mà vua thì gấp việc diệt giặc cứu dân, nên sai người đón lập Cảo cho xong việc quyền nghi nhất thời, mà cũng muốn mượn cớ để trả lời nhà Minh để họ tin. Đặt niên hiệu là Thiên Khánh, sai Tả bộc xạ Lê Quốc Hưng dạy cho, nhưng thực ra là để coi giữ. Cảo trước đóng ở núi Không Lộ [huyện Thạch Thất, Hà Tây], sau dời về Võ Ninh [huyện Quế Võ, Bắc Ninh]. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 24b.

Sau khi có thỏa thuận về việc lập Vua bù nhìn Trần Cảo; Bình Định Vương gửi thư cho bọn Vương Thông yêu cầu đem quan quân tại các thành trong nước về thành Đông Đô, rồi chuẩn bị sửa sang cầu đường để đem đại quân nhà Minh trở về nước:

 Tôi nghe, trời đất đối với muôn vật, nổi sấm sét mà ý hiếu sinh vẫn có ở trong; cha mẹ đối với các con, đánh roi vọt mà ơn cức dục vẫn có ở đây. Nay vâng được thư của ngài cho tôi được tự tân, hân hạnh khôn xiết, thật không khác đức lớn của trời đất cha mẹ, dẫu có tan xương, nát thịt, cũng không đủ báo đền. Song nếu ngài thực có lòng thương xót dân chúng, thì nên sai đầu mục đến các thành Diễn Châu, Nghệ An, Tân Bình [Quảng Bình], ra lệnh cho họ đem quân về. Tôi sẽ lập tức sắm đủ phương vật tiến công, cúi xin ngài sai quan cùng đi với tử đệ thân tín của tôi để đến đầu hàng phục tội. Cầu cống đường sá thì tôi xin nhận sửa đắp, không phải phiền đến quan quân. Giá được người nhận lời, không những sinh linh nước tôi được khỏi lầm than, mà binh sĩ Trung Quốc cũng khỏi nỗi khổ gươm giáo vậy.” Quân Trung Từ Mệnh Tập, a9.

Tư liệu trên cho biết bọn Vương Thông đánh nhau với quân ta, nhiều lần bị thua, tình thế ngày một cùng quẫn; bèn sai người đem thư đến xin hòa, mong được toàn quân rút về nước. Bình Định Vương ưng thuận, hẹn ngày cho Thông điều động tất cả người và ngựa ở các thành phải đến họp ở Đông Đô, sẽ cho về nước hết cả. Bấy giờ bọn thổ quan như Lương Nhữ Hốt vốn làm tay sai cho người Minh, sợ rằng sau khi quân Minh rút lui, sẽ bị tru diệt; bèn đem truyện trước kia Ô Mã Nhi đầu hàng nhà Trần, bị Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn lập mưu giết chết ra khuyên. Nên bọn Thông đâm ra nghi ngờ, ngầm bày mưu tính kế, bí mật sai người mang thư bọc sáp xin viện binh. Bình Định Vương ghét chúng tráo trở, bèn tuyệt giao; rồi cho mang quân đi các nơi đánh thành:

Tháng 12, cấm chặt phá hoa quả, cây cối và cướp bóc của dân. Vua thân đốc suất tướng sĩ ngày đêm đánh Đông Đô. Bọn Vương Thông, Sơn Thọ nhà Minh hễ đánh là thua, chán nản lo sợ, mưu kế đã cùng, viện binh không có, tình thế ngày một khốn quẫn, bèn sai người đưa thư xin hòa, mong được toàn quân trở về nước. Vua nói:

‘Câu đó đúng hợp ý ta. Vả lại, binh pháp không đánh mà khuất phục được quân của người là kế hay hơn cả.’

 Bèn bằng lòng cho giảng hòa, hẹn ngày kíp gọi quân sĩ ở các thành cùng một lúc về tập hợp ở thành Đông Quan để cho về nước cả. Sai cận thần trao đổi với quân Minh, cho phép họ được đi lại, mua bán không khác gì dân thường.

Bấy giờ, bọn nguỵ Đô ty Trần Phong,[3] Tham chính Lương Nhữ Hốt,[4] Đô chỉ huy Trần An Vinh, đã bán nước làm quan to cho giăc, sợ sau khi giặc rút về, chúng sẽ hết đường sống sót, bèn ngấm ngầm làm kế phản gián, bảo [người Minh] rằng:

Trước kia Ô Mã Nhi bị thua ở sông Bạch Đằng, đem quân về hàng. Hưng Đạo Đại Vương cho hàng, nhưng dùng mưu lấy thuyền lớn cho đưa họ về nước, rồi cho người giỏi bơi lặn sung làm phu thuyền. Ra đến ngoài biển, lừa lúc ban đêm mọi người ngủ say, bọn phu thuyền lặn xuống nước, dùi lủng đáy thuyền, những người đầu hàng đều bị chết đuối hết, không một ai sống sót trở về được’.

Bọn Thông tin lời, đem lòng ngờ vực, lại nảy ý khác, đắp thêm tầng lũy kép hào, thả chông để làm kế tạm bợ, ngoài mặt nói hoà hiếu, nhưng ngấm ngầm bày mưu tính kế. Chúng bí mật sai mấy chục bọn mang thư bọc sáp đi lối tắt về xin viện binh. Vua bắt được người mang thư, ghét bọn chúng tráo trở, bèn bí mật phục quân ở bốn phía quanh thành Đông Quan, đón giặc ra vào, bắt được hơn 3 nghìn tên dò thám, hơn 5 trăm con ngựa. Từ đấy, quân Minh đóng chặt cửa thành không ra, sứ qua lại cũng dứt. Vua sai các tướng chia quân đi đánh các thành: Quốc Hưng đánh hai thành Điêu Diêu [huyện Gia Lâm, Hà Nội], và Thị Cầu [thị xã Bắc Ninh]; Lê Khả và Lê Khuyển đánh thành Tam Giang [huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ]; Lê Sát, Lê Thụ, Lê Lý, Lê Lãnh và Lê Triện đánh thành Xương Giang [thị xã Bắc Giang]; Lê Lựu và Lê Bôi đánh thành Khâu Ôn [tỉnh lỵ Lạng Sơn]. ”Toàn Thư, Bản Kỷ quyển 10, trang 24b.

Bọn Vương Thông gửi thư trách Bình Định Vương bội ước, như giết người đi lấy cỏ, nên có thư đáp lại:

“Tôi nghe: Người Việt[5] kiêu bạc, người Tề trí trá, ấy là bởi khí đất sinh ra, tính người bẩm thụ, đó là lẽ thường xưa nay, nên chỉ trong đó dẫu có trung tín thành thực mà cũng bị mang tiếng lây. Nay các hạ[6] bảo là “trước sau bất nhất”, đó là tại sứ nhân đi lại, không hiểu sự thế, đến nỗi hai quân ngờ vực nhau, chứ tôi nào dám có bụng gì khác đâu. Cúi mong các ngài xét rõ mà thứ cho. Như bảo “quân lính đi lấy cỏ cứ thấy bị giết”, thì đó vì những quân thượng du, lũ Xa Tham, bọn Hồng y,[7] hoặc có tính tham của mà thích giết người nên đến nỗi thế chăng? Tôi vốn không hề nghe thấy. Nhưng cũng đã răn bảo, lâu nay chúng đã yên thuần. Như bảo “quân nhân các vệ[8] chưa thấy đưa đến”, đó là vì đường xá lối hiểm, quân lính khó đi; song sẽ lục tục đến nơi, có thể bấm đốt ngón tay mà đợi, không phải là dám quên đâu. Như bảo “sứ nhân mang biểu cũng chưa thực đã đến Khâu Ôn”,[9] đó là vì người đưa sứ giả[10] lười nhác không chịu đi, lại về phao những điều không căn cứ để thêm sinh chuyện. Bọn tôi thực không có ý gì khác cả. Nếu các hạ không tin thì xin lại sai một vài người thân tín cùng đi với hai ba người đầu mục của tôi đến ngay Khâu Ôn, xét hỏi thực hư để rõ thật dối, như thế cũng được. Như bảo “thuyền ghe, cầu đường chưa thấy sửa sang”, thì đó là vì hòa hảo chưa định, nên mới khiên diên. Như việc hòa hảo đã thành, thì việc sửa lại cũng chưa muộn. Từ đây về sau, giá ngài bỏ cái lòng nghi hoặc, dốc lòng hòa hảo, thì dưới sẽ làm cho An Nam thoát khổ lầm than, trên sẽ khiến Trung Quốc khỏi nỗi nhọc mệt, thực là phúc cho thiên hạ lắm.” (Quân Trung Từ Mệnh Tập, a14.)

Trong thư này, Bình Định Vương tố cáo âm mưu đen tối và thái độ lật lọng của Vương Thông như đắp thêm hào lũy, phá chuông chùa đúc súng:

“Tôi nghe nói: “Tín giả quốc chi bảo, Nhân nhi vô tín, kỳ hà dĩ hành chi tai?” [Điều tín là vật báu của nước. Người ta mà không có điều tín, thì liệu lấy cái gì mà làm việc?]. Mới đây được ngài gửi thư và sai người đến ước hòa, tôi đã nhất nhất nghe theo. Nay thấy ở trong thành vẫn còn đào hào cắm chông, dựng rào đắp lũy, phá đồ cổ, để đúc ống phun lửa[11] và đồ binh khí, thế là các ngài định đem quân về nước chăng? Hay giữ bền thành trì chăng? Tôi đều không thể rõ được. Sách Truyện[12] có câu: “Bất thành vô vật” [Không có thành thực thì sự vật gì cũng không có được], là bởi lòng mà không thực thì việc gì cũng là giả dối cả. Các ngài nếu thực không bỏ lời ước cũ thì phàm làm gì cũng nên lợi hại rõ ràng. Muốn rút quân thì cứ rút quân, muốn cố giữ thì cứ cố giữ, hà tất ngoài thì nói giảng hòa mà trong thì mưu tính khác? Đừng nên trước sau trái nhau, trong ngoài bất nhất như thế; kể ra tiểu dân dẫu ngu dốt nhưng rất sáng suốt. Tôi đây tuy hôn ngu không biết gì, nhưng tất như lời Khổng tử nói “Thị kỳ sở dĩ, quan kỳ sở do, sát kỳ sở an”,[13] thế thì nhân tình thực dối thế nào, mảy may cũng không thể che giấu được. Thư nói không hết.” (Quân Trung Từ Mệnh Tập, a15.)

Thư tiếp Nguyễn Trãi viết thay Bình Định Vương Lê Lợi, nhấn mạnh sự bất nhất trong nội bộ quân Minh, với hai phe chủ hòa, chủ chiến:

“Trước đây được thư của ngài cùng bản thảo tâu nói “nên tha tội cho nước An Nam, lại lập con cháu họ Trần,[14] tôi cùng bọn đầu mục quân nhân, ai cũng hân hoan cổ võ, cùng bảo nhau rằng: “Nếu quả được như thế, thì từ nay về sau Bắc Nam sẽ vô sự”. Song trời thì cao mà hoàng đế thì xa, ngài thì quyền hành không qui nhất, chính sự do nhiều người, lời nói trái với việc làm, mỗi người một bụng.[15] Phàm các điều ngài nói, các việc ngài làm ngày trước, tôi đã thấy rõ cả rồi. Không biết công việc ngày nay sẽ ra thế nào? Vì thế tôi cứ giữ khư khư cái kiến thức hẹp hòi, mà nằm chẳng yên giường, ăn không ngon miệng, canh cánh bên lòng, muốn thôi không được. Huống chi sự thế ngày trước với sự thế ngày nay, thực cùng một mối, thế mà một người bảo phải, mười người lại bảo trái, một người làm việc, mười người lại phá việc. Người ta nói: “Làm nhà bên đường, ba năm không xong” là thế đấy. Xét vì việc làm như thế, cho nên chúng tôi đến nay vẫn khôn xiết nỗi khổ sở. Ngài nếu thiết tha đến chúng tôi, thì đừng làm như ngày trước nữa, mà nên để tâm muôn nghìn phần, thế là may mắn lớn cho tôi. Thư nói không hết.” (Quân Trung Từ Mệnh Tập, a16.)

Trước đây Vương Thông thỏa thuận hễ khi nào Bình Định Vương sai sứ đem biểu cầu phong sang triều đình nhà Minh xin lập con cháu nhà Trần lên làm vua, thì lập tức quân Minh sẽ rút về nước. Hiện nay sứ đã đi rồi, bèn gửi thư vặn hỏi Thông có giữ lời hứa hay không:

Trước đây vâng biểu tiếp thư của ngài cùng lời sứ giả, điều nói là “Chỉ theo lời ước trước, không có điều gì khác”; lại nói “sáng mà tiến biểu, tối sẽ rút quân”, bức thư mực chưa khô, lời nói bên tai còn vẳng. Nay sứ đã đi rồi, mà người tiễn sứ cũng đã về rồi, không rõ ngài có quả theo lời nói trước không? Hay lại có điều gì khác chăng? Nếu quả theo lời nói trước, thì báo cho rõ ràng, khiến tôi được sửa sang cầu đường, chuẩn bị lương thực để đời ngày đi. Nếu có điều khác, thực sự điều tín không bỏ được đâu. Cổ nhân có câu: “Khử thực khử binh, tín bất khả khử” (Lương ăn và quân có thể bỏ được, điều tín không thể bỏ được), cho nên Văn công không tham lợi đánh nước Nguyên,[16] Thương quân không bỏ thưởng dời cây gỗ.[17] Nay ngài là bực tướng có đọc thi thư, lại không bằng Văn công Thương quân hay sao? Định bỏ điều tín hay sao? Thư nói không hết.” (Quân Trung Từ Mệnh Tập, a17.)

Về việc Bình Định Vương sai quân đi đánh các nơi; sử Trung Quốc đề cập đến trường hợp thành nhà Hồ Thanh Hóa. Trước đó Tổng binh Vương Thông ra lệnh rút quân về thành Đông Quan, nhưng viên Tri châu coi thành này không tuân ; rồi bị nghĩa quân tấn công, nhưng không hạ được; cuối cùng đến lúc nghị hòa cho quân Minh rút, thì đám quân này cũng được về nước:

Ngày 5 tháng 12 năm Tuyên Đức thứ nhất [2/1/1427]

Ngày hôm nay giặc họ Lê đánh châu Thanh Hóa không hạ được, bèn rút đi.

 Trước đó, từ khi thất bại tại Ninh Kiều, Thành sơn hầu Vương Thông không còn vững lòng như trước, tự tiện cho Lê Lợi cai quản từ Thanh Hóa trở vào nam, truyền hịch cho quan quân tại nơi này rút về thành Đông Quan. Riêng châu Thanh Hóa không chịu nghe lệnh. Trước kia Lê Lợi đánh Thanh Hóa, Tri châu La Thông, Chỉ huy Đả Trung đốc suất quân dân kiên thủ, có lúc mang quân đánh núi đất,[18] sát thương giặc nhiều, thế giặc bớt căng thẳng. Lúc này hịch tới, người trong thành kinh sợ. Thông nói với Trung rằng:

‘Bọn chúng ta chống cự, mấy lần đánh bại giặc, ra khỏi thành thì không sống được; nay tại đây thành cao, hào sâu, lương nhiều, dân đông; so với việc chịu trói, chi bằng tận trung mà chết, mà chưa chắc đã chết đâu! Bọn [Vương] Thông bán thành cho giặc, lệnh này không thể theo được’

Rồi cùng với Trung tưởng lệ quân sĩ, giữ thành vững thêm; giặc đánh không hạ được, bèn bỏ đi. Khi Vương Thông bỏ Giao Chỉ, bọn La Thông cũng trở về kinh đô.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 155)

Sau khi Vương Thông truyền hịch cho quan quân các nơi rút về thành Đông Quan, Bình Định Vương gửi thư cho bọn Hình nội quan La Thông khuyên chuẩn bị, để cùng rút quân một lúc với các thành Nghệ An, Diễn Châu tại phía nam:

Thư cho Hình nội quan cùng bọn Đả Trung và Lương Nhữ Hốt.

Thư tỏ cùng Hình đại nhân và Đả, Lương chư công: Hiện nay hòa hảo đã thành, các ngài nên mau chóng thu xếp hành trang đợi Thái công tự Nghệ An đến và quân Diễn Châu qua đây thì cùng đi một thể. Hiện nay cầu sàn trên đường đều đã sửa chữa, lương thực cung cấp cũng đã chuẩn bị, nếu các ngài không đi, chỉ sợ Thái công đi rồi thì không ai đi cùng, lương thực e hoặc thiếu thốn, cầu sàn e hoặc đổ sụt, sau này thật là khó khăn. Vì thế xin báo các ngài biết.” (Quân Trung Từ Mệnh Tập, a12.)

Phía nghĩa quân nhận thấy bọn quan quân nhà Minh tại thành nhà Hồ, Thanh Hóa; vẫn còn ngoan cố cố thủ, nên gửi thư hăm dọa:

Lại thư cho Đả Trung và Lương Nhữ Hốt.

Thư tỏ cùng Đả lão quan, Lương tướng công cùng các vị. Nếu muốn cả nhà lớn bé đều được bình yên vô sự, các ngài nên nghe lời tôi, mau chóng thu xếp hành trang, ra ở ngoài thành, đợi quan quân ở Nghệ An Diễn Châu để cùng đi. Nếu không thế thì sau này hối không kịp đâu! Các ngài há chẳng thấy quân nhân các thành Diễn Châu, Nghệ An, Thuận Hóa, hiện nay vợ con đều được an toàn, vui vui vẻ vẻ, không có việc gì. Sao các ngài lại không nghĩ tới điều đó, mà cứ muốn tự khổ như thế? Nếu tôi quả có bụng muốn hại các ngài, thì không có cách nào thoát đâu. Hiện nay Thánh thượng [Vua Minh] rộng ân cho sắc chỉ cho quan Tổng binh [Vương Thông] được tiện nghi hành sự,[19] cho lập họ Trần rồi đem quân về Kinh, để hai nước khỏi nỗi khổ can qua. Tôi cũng lấy đạo nhân nghĩa, hết lòng kính thờ Triều đình, phàm quan quân của Triều đình đều được đưa về hết. Các nơi đi qua, cầu đường sửa sang hết, lương thực cung cấp đầy đủ, thế là tôi muốn để tiếng mãi nghìn đời về sau, nên không muốn cùng các ngài tranh giành được thua một lúc. Hoặc nếu không làm như thế, thì chỉ trong khoảng một tháng, các ngài dẫu có thành đồng hào nóng[20] cũng phải bỏ thôi! Đến lúc bấy giờ thì không làm sao được nữa. Trộm nghĩ kế cho các ngài, chẳng gì bằng mau mau lên đường. Xin chớ hồ nghi mà hỏng việc. Thư nói không hết.” (Quân Trung Từ Mệnh Tập, a13.)

Quân Minh trong thành nhà Hồ (tức thành Thanh Hóa), đứng đầu là đô chỉ huy Đả Trung và Tham chính Lương Nhữ Hốt vẫn ngoan cố chống lại việc giảng hòa rút quân. Đây là lần thứ ba và cũng là lần cuối gửi thư dụ hàng và cảnh cáo quân địch:

Thư cho Đả Trung và Lương Nhữ Hốt.

Kính thư gửi các túc hạ Đả công đô chỉ huy, Lương công đại tham chính, trấn thủ thành Tây Đô.

Tôi cùng các ngài ngày trước đã có lời giao ước với nhau, trên có trời đất quỷ thần tưởng đã chứng giám. Nào ngờ ngày nay lại thành sai trái. Nay xét việc đã làm, đều là vì nước quên mình, không có duyên cớ riêng tây gì cả. Song điều đáng quý ở người quân tử là hiểu thời thông hiếu mà thôi. Vả lại vận trời tuần hoàn, đi rồi lại lại. Từ xưa đến nay, bao giờ cũng thế. Nước An Nam xưa bị Trung Quốc xâm chiếm là từ Tần Hán trở đi. Phương chi trời đã phân cách Nam Bắc, có núi cao sông lớn, bờ cõi rành rành; dẫu mạnh như Tần, giàu như Tùy, nào có thể cậy lực được đâu! Vả đem sự thế ngày nay mà bàn, thì như các thành Tân Bình, Thuận Hóa, Nghệ An, Diễn Châu cùng Tam Giang, Chí Linh, Thị Cầu, Xương Giang, Khâu Ôn, Tiền Vệ Điêu Diêu, trong các nơi ấy, những tướng trí dũng, những quan mưu lược, nào phải không có ai, mà thành không phải là không cao, hào không phải là không sâu, lương chứa không phải là không nhiều, quân giữ không phải là không vững, song họ cũng đều đã mở thành cởi giáp, dắt díu vợ con, đến hội với ta, ước định hẹn ngày kéo quân về nước. Sao mà các ngài lại cứ nệ giữ thói thường, không thông sự biến, định lấy thành cao vài nhận [1 nhận khoảng 7 thước ta] mà giam hãm những người đi lâu muốn về, cho thế là khả dĩ vui sướng qua ngày, mà không đoái đến mấy nghìn tính mệnh. Người nhân giả lại làm thế ư? Nay ta nếu chọn quân sĩ ở Thanh Hóa, Diễn Châu và Tây Đô, chỉ 3, 4 vạn người, kéo đến thừa tiếp ở dưới thành, thì trong khoảng giờ phút, thành sẽ tan tựa tro bay, vỡ như trúc chẻ. Đến lúc bấy giờ, các ngài hối không kịp nữa, muốn bảo toàn tính mệnh vợ con, thật khó lắm thay! Nay cái kế hay hơn cả cho các ngài, chẳng gì sớm bỏ giáp binh, ra ngoài thành cùng quân của Thái đô đốc [Thái Phúc] lục túc kéo về, để trả lại cho ta cảnh thổ nước An Nam, khiến cho hai bên đều tiện, như thế chẳng lại hay ư? Nếu mà không thế thì chẳng làm thế nào được nữa.” (Quân Trung Từ Mệnh Tập, a27.)

Tại vùng biên thùy Lạng Sơn, nghĩa quân và dân địa phương đánh Ải Lưu, viên quan giữ thành bị giết; nhưng rồi viên Bách hộ dưới quyền cầm cự được:

Ngày 18 tháng 12 năm Tuyên Ðức thứ nhất [15/1/1427].

Đêm hôm nay, giặc hơn một vạn người địa phương Giao Chỉ, đến bao vây và tấn công Ải Lưu [Lạng Sơn], bọn Bách hộ Hoàng Bưu giữ thành bị hại. Bách hộ Vạn Tông bí mật trèo lên thành hô lớn, cầm đao cùng quân cảm tử từ cửa nam ra đánh; giặc rút chạy.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 156)

Tại Phú Thọ, quân Minh trong đó có viên Huyện thừa huyện Thanh Ba, tuân lệnh nghĩa quân đến khuyên Đồng tri phủ Tuyên Hóa ra hàng, nhưng viên này chống lại:

Ngày 24 tháng 12 năm Tuyên Ðức thứ nhất [21/1/1427]

Ngày hôm nay viên Đồng tri phủ Tuyên Hóa [Vĩnh Phúc] Đào Quí Dung giữ thành Bắc Nhàn sai bọn dân binh Nguyễn Chấp Tiên đuổi giặc họ Lê đến huyện Thanh Ba [Phú Thọ], bị giặc bắt. Rồi giặc sai tên này trở về, cùng Huyện thừa Hoàng Linh Châu chiêu dụ Quí Dung hàng. Quí Dung chửi rằng:

‘Ta trước đây là Thổ quan, được triều đình giao chức phụ tá, từng được ban sắc dụ khen thưởng và cho giữ đất này, phụ ân bội đức không phải là đạo bề tôi, ta thề không theo phản nghịch.’

Bọn Linh Châu dùng binh bức hiếp, nhưng Quí Dung vẫn vững lòng.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 156)

Vào cuối năm Tuyên Đức thứ nhất [1/1427], Vua Tuyên Tông nhận được thư bọc sáp của Vương Thông xin cứu viện; bèn sai Liễu Thăng, Mộc Thạnh mang 2 đạo quân từ Quảng Tây, Vân Nam sang Giao Chỉ:

Ngày 26 tháng 12 năm Tuyên Ðức thứ nhất [23/1/1427]

Do bọn Thành sơn hầu Vương Thông tâu giặc Giao Chỉ trở nên càn dữ, mệnh Thái tử Thái truyền An viễn hầu Liễu Thăng mang ấn Chinh Lỗ Phó Tướng quân giữ chức Tổng binh, Bảo định Bá Lương Minh sung Phó Tổng binh, Đô đốc Thôi Tụ sung Hữu Tham tướng, mang quan quân đến Giao Chỉ phối hợp với bọn quan Tổng binh Kiềm quốc công Mộc Thạnh đánh bắt man khấu. Các quan quân lãnh đi, cùng các vệ quan quân, thổ quân, thổ dân tại Giao Chỉ đều dưới quyền điều động tiết chế.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 157)

Cánh quân Vân Nam do Mộc Thạnh làm Tổng binh, Từ Hanh giữ chức Tả phó tổng binh, Đàm Trung Hữu phó tổng binh:

Ngày 26 tháng 12 năm Tuyên Ðức thứ nhất [23/1/1427]

Mệnh Thái truyền Kiềm quốc công Mộc Thạnh mang ấn Chinh Di Tướng quân sung chức Tổng binh, Hưng an bá Từ Hanh sung chức Tả Phó Tổng binh, Tân ninh bá Đàm Trung sung chức Hữu Phó Tổng binh; mang quan quân đến Giao Chỉ phối hợp với quan Tổng binh An viễn hầu Liễu Thăng đánh bắt man khấu.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 157)

Vua Minh sai Thượng thư Lý Khánh làm tham mưu cho 2 cánh quân, được toàn quyền chọn phụ tá tháp tùng:

“Ngày 26 tháng 12 năm Tuyên Ðức thứ nhất [23/1/1427]

Sắc Thái tử Thiếu bảo Thượng thư bộ Binh Lý Khánh rằng:

“Nay mệnh quan Tổng binh An viễn hầu Liễu Thăng mang quân từ Quảng Tây, Thái truyền Kiềm quốc công Mộc Thạnh mang quân từ Vân Nam; hai đạo quân cùng tiến để chinh tiễu bọn phản tặc tại Giao Chỉ. Khanh là bậc lão thành có kinh nghiệm, đặc mệnh tham mưu việc binh, phàm công việc nên đồng lòng mưu với nhau, thỏa đáng thì cho thi hành; lại lo chiêu phủ quân dân, xứng với sự ủy nhiệm quan trọng. Đợi Liễu Thăng đến Nam Kinh, thì cùng khởi hành. Cần dùng những tay văn học, cùng những người có tài liệu biện; có thể lựa chọn trong các nha môn tại Nam Kinh để đi cùng; chỉ cần trình cho biết tên họ và chức vụ.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 158)

Riêng đối với Thượng thư Hoàng Phúc, trước đó Vua cha Nhân Tông đã cho gọi về nước, nay muốn dùng lại để giúp gỡ rối tại Giao Chỉ; Vua Tuyên Tông bèn ân cần mời đến kinh đô gặp riêng bàn bạc:

Ngày 2 tháng 12 năm Tuyên Đức thứ nhất [30/12/1426]

Ty Bố chánh và Án sát Giao Chỉ tâu rằng:

 “Nhiều dân Giao Chỉ bị Lê Lợi bức hiếp làm phản. Thượng thư Hoàng Phúc trước kia ở Giao Chỉ lâu năm, nội tình dân xứ này không có việc gì mà không biết; khi nhận được chiếu về triều, lòng dân nhớ mong hơn là cha mẹ, xin được trở lại làm quan xứ này, để đáp ứng nguyện vọng của dân.”

Bèn ban sắc triệu Phúc từ Nam Kinh, sắc rằng:

“Nay Lê Lợi phản nghịch cũng là do quan ty cai trị thất sách mới đến nỗi như vậy; người Giao Chỉ trông mong khanh trở lại như con thơ trông nhớ mẹ. Sắc đến nơi, khanh hãy đến kinh khuyết ngay để cùng bàn bạc.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 154)

Sau đó bèn sai Thượng thư Hoàng Phúc trở lại Giao Chỉ tiếp tục nắm hai ty Bố chánh và Án sát:

Ngày 26 tháng 12 năm Tuyên Đức thứ nhất [23/1/1427]

Sắc dụ Thượng thư bộ Công, kiêm Chiêm sự tại phủ Chiêm sự Hoàng Phúc:

 ‘Khanh trước kia nhậm chức tại Giao Chỉ thành tín cần mẫn, ban ân huệ một phương. Tiên Hoàng đế khen, nghĩ đến bậc lão thành nơi vạn dặm, bèn triệu về để giúp Trẫm. Nay dân Giao Chỉ quyến luyến khanh khôn xiết; Trẫm vốn không muốn khanh bỏ đi, nhưng cũng không muốn trái ý nguyện của dân. Nay hãy vì Trẫm trấn nhậm thêm một lần nữa. Phàm vua tôi tương đắc với nhau, không kể xa hay gần; khanh vốn đem hết tâm lực, thì dân chúng sẽ được yên chỗ, ngõ hầu xứng với lòng của Trẫm. Khanh hãy chỉ huy mọi việc tại hai ty Bố chánh và Án sát Giao Chỉ. Khâm tai!” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 158)

Vua Minh ra sắc mệnh điều các vệ thuộc lưu vực Dương Tử, Hoàng Hà giao cho Liễu Thăng; riêng Mộc Thạnh thống suất các vệ thuộc vùng Tứ Xuyên, Vân Nam; quan và binh lính viễn chinh đều có tiền thưởng:

Ngày 26 tháng 12 năm Tuyên Đức thứ nhất [23/1/1427].

Sắc mệnh điều các vệ tại hai kinh Nam, Bắc; Trung đô Lưu thủ ty, Vũ xương Hộ vệ; các Đô ty Hồ Quảng, Giang Tây, Phúc Kiến, Chiết Giang, Sơn Đông, Hà Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu; Phúc Kiến Hành Đô ty, cùng các vệ quan quân phía nam Trực Lệ do An viễn hầu Liễu Thăng thống lãnh. Thành Đô Hộ vệ, các Đô ty Tứ Xuyên, Vân Nam; Tứ Xuyên Hành Đô ty do Kiềm Quốc công Mộc Thạnh thống lãnh; tổng cộng gồm 7 vạn tên, để sang đánh dẹp tại Giao Chỉ. Cần khí giới tinh nhuệ, y giáp tốt mới, dọc đường gia tăng ước thúc, không được nhiễu hại. Lương bổng quân dân tính từ ngày khởi hành; tất theo lệ kỳ đánh Giao Chỉ lần trước chi cấp. Tại Nam kinh cùng các Đô ty, vệ sở; tiền thưởng lúc khởi trình do quan sở tại chi cấp, nếu tiền không đủ có thể dùng vải bố, quyên để chiết khấu ra tiền. Thưởng tiền giấy cho Đô Chỉ huy 500 quan, Chỉ huy 400 quan, Thiên hộ Trưởng quan vệ, trấn 300 quan; Bách hộ Trấn phủ sở 200 quan, Tổng kỳ 150 quan, Tiểu kỳ 120 quan; quân lính, thổ quân 100 quan.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 159)

Vua Minh lại tìm cách liên lạc với Vương Thông báo tin về quân tăng viện; căn dặn cố thủ thành trì, tìm cách phối hợp tiến binh:

Ngày 26 tháng 12 năm Tuyên Đức thứ nhất [23/1/1427].

Sắc dụ quan Tổng binh Giao Chỉ Thành sơn hầu Vương Thông, Tham tướng Đô đốc Mã Ánh. Nay mệnh An Viễn hầu Liễu Thăng, Kiềm Quốc công Mộc Thạnh xuất sư do hai đường Quảng Tây, Vân Nam cùng tiến; để hợp với bọn ngươi diệt giặc này. Các ngươi nên cố thủ thành trì, thao luyện quân mã, đợi bọn Thăng đến thì tiến binh.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 159)

Tổng binh Liễu Thăng tâu cần dùng lệnh kỳ bài; Vua sai bộ Công ban cho:

Ngày 28 tháng 12 năm Tuyên Đức thứ nhất [25/1/1427]

Bọn quan Tổng binh An viễn hầu Liễu Thăng tâu rằng nay sang đánh Giao Chỉ, cần dùng lệnh kỳ bài. Thiên tử trực tiếp ra lệnh bộ Công chế tạo để ban cho.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 160)

Lại điều thêm đạo quân Bắc Kinh, quân này được ban tiền thưởng hơn gấp đôi 7 vạn quân đã điều động trước đó:

Ngày 6 tháng giêng năm Tuyên đức thứ 2 [2/2/1427]

Thưởng quan quân tai Bắc Kinh tòng chinh Giao Chỉ: Đô đốc thưởng tiền giấy 2000 quan, Đô Chỉ huy 1000 quan, Chỉ huy 900 quan, Thiên hộ Vệ Trấn phủ 800 quan, Bách hộ Sở Trấn phủ 700 quan, Kỳ Quân nhân 600 quan Cấp thêm 80 bộ y phục tơ lụa, giao cho quan Tổng binh An viễn hầu Liễu Thăng giữ trong quân để thưởng.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 160)

Sau khi ra lệnh điều quân xong, Vua Tuyên Tông lại gặp 2 viên cận thần chủ hòa Dương Sĩ Kỳ, Dương Vinh; cho biết ý định nhà Vua muốn nhờ Thượng thư Hoàng Phúc, sắp xếp trên danh nghĩa, lập người họ Trần nối dõi tại Giao Chỉ:

“Ngày 16 tháng giêng năm Tuyên Đức thứ 2 [12/2/1427].

Sau khi ngự triều xong, Thiên tử tại điện Văn Hoa, triệu Thiếu truyền Dương Sĩ Kỳ, Thái tử Thiếu truyền Dương Vinh đến dụ rằng:

“Về vấn đề Giao Chỉ; Kiển Nghĩa, Hạ Nguyên Cát bị ràng buộc bởi ý kiến thông thường,[21] nếu theo họ thì Trung Quốc lao phí không bao giờ hết. Trẫm xem sử Xuân Thu,[22] Hạ Trưng Thư giết Trần Linh Công; Sở Tử đánh giết Hạ Trưng Thư, định chia đất Trần Linh Công thành quận huyện. Thân Thúc can không nên, Sở Tử bèn phong đất cho Trần; người xưa thực biết theo điều phải! Vua Thái Tông Hoàng đế ta, bắt giặc họ Lê, bình định Giao Chỉ, cũng muốn lập họ Trần, nhưng bấy giờ người dưới không đồng lòng. Nay Trẫm muốn hoàn thành chí của người xưa, để cho người Trung Quốc được yên ỗn vô sự. Trước đây đã bảo các khanh suy nghĩ lại về việc này; kết quả như thế nào rồi?”

Sĩ Kỳ và Vinh tâu rằng:

“Đây là đức lớn, chỉ có Bệ hạ mới quyết định được. Tự thời các bậc Thánh cổ xưa đều cho dân hoang dã theo thời đến triều cống; Cao Tông nhà Thương đánh nước Kinh, Sở; khắc phục xong cho đến triều cống như thường. Bệ hạ phục hưng nước bị diệt, nối dòng họ bị đứt, cho con cháu họ Trần lại được triều cống, Trung Hoa và dân Di được an cư lạc nghiệp, các vị thánh nhân thời Đường, Ngu cũng không hơn được.”

Thiên tử phán:

 “Ý Trẫm đã quyết, không còn nghi ngại gì nữa. Nhưng trong buổi can qua, chưa rảnh để tìm [ con cháu họ Trần] ra được. Đợi đến khi tạm yên, lệnh Hoàng Phúc chuyên tâm lo việc này, cũng không muộn.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 161).

—————————————–

[1] Chuông Quy Điền: tương truyền được đúc từ đời nhà Lý, chuông để ở chùa Một Cột. Vạc Phổ Minh: là chiếc vạc lớn ở chùa Phổ Minh gần thành phố Nam Định, tỉnh Nam Hà; chùa này làm vào năm Thiệu Long năm thứ 5 (1262).

[2] Lịch chính sóc: chính sóc là ngày mồng một tháng giêng Âm lịch. Ở đây chỉ Âm lịch tính theo tuần trăng của nhà Minh.

[3] Trần Phong: người huyện Chí Linh, nay thuộc tỉnh Hải Hưng, theo giặc Minh làm đến Đô ty.

[4] Lương Nhữ Hốt: theo giặc Minh làm đến Tham chính. Bọn Trần Phong, Nhữ Hốt sau được Vua Lê Lợi tha chết, nhưng rồi lại mưu phản, cuối cùng đều bị giết.

[5] Người Việt ở đây chỉ người Việt thời Xuân Thu ở đất tỉnh Chiết Giang, Giang Tô của Trung Quốc ngày nay.

[6] Các hạ: cách xưng hô đối với các quan Tam công, hay Hầu bá, Quận thú.

[7] Quận thượng du ở đây là chỉ nghĩa quân miền núi. Xa Tham hay Xa Khả Tham một tù trưởng Thái ở Mường Muổi, Mộc Châu theo Lê Lợi, được phong đến chức Nhập nội tư không đồng bình chương sự, tri Đà Giang trấn thượng bạn. Bốn con trai của ông là Lộc, Khát, Bàn, Điểm đều được phong làm thượng tướng quân, đại tướng quân. Hồng y nghĩa là “áo đỏ” tên gọi một phong trào đấu tranh rộng lớn chống quân Minh của các dân tộc miền núi phía bắc và tây bắc lúc bấy giờ. Nghĩa binh “áo đỏ” về sau cũng theo Lê Lợi. Trong thư này, Nguyễn Trãi coi việc bắt giết quân Minh đi ra khỏi thành, như hành động tự phát của một số nghĩa binh; nói như vậy để bớt khỏi căng thẳng với Vương Thông.

[8] Vệ và Sở là những đơn vị trong phiên chế quân Minh. “Quân nhân các vệ” ở đây là số quân Minh trong các thành phía nam và số tù binh nghĩa quân bắt được.

[9] Khâu Ôn là một thành lũy của quân Minh ở Lạng Sơn, nằm trên con đường từ Đông Quan [Hà Nội] lên cửa ải Pha Lũy [Nam quan], ở khoảng tỉnh lỵ Lạng Sơn ngày nay. Theo điều kiện giảng hòa đã thỏa thuận thì Bình Định Vương Lê Lợi nhận cử sứ giả mang biểu cầu phong sang nhà Minh xin phong và triều cống.

[10] Sứ giả: Người của Vương Thông cử đi theo sứ giả của Lê Lợi sang nhà Minh.

[11] Ống phun lửa dịch chữ “hỏa đồng”, là một thứ vũ khí thời đó gồm một ống tròn bằng kim khí để đốt thuốc súng phun về phía đối phương.

[12] Truyện ở đây là sách Trung Dung trong bộ Tứ Thư.

[13] Theo sách Luận Ngữ, Khổng tử có nói: “”Thị kỳ sở dĩ, quan kỳ sở do, sát kỳ sở an, nhân yên sưu tai! Nhân yên sưu tai!”, nghĩa là: xem việc làm như thế nào, xét lý do tại sao mà làm, nhận thấy có vui vẻ mà làm hay không, thì có ai giấu giếm đâu được ta! Có ai giấu giếm đâu được ta! Ở đây ý cho rằng dùng phương pháp xem người như thế thì giặc dầu quỷ quyệt, cũng không lừa dối nổi.

[14] Dẫn lại một đoạn trong bản thảo tờ tâu của Vương Thông lên triều đình nhà Minh.

[15] Ý nói trong số quan và tướng nhà Minh lúc bấy giờ có nhiều người kịch liệt phản đối giảng hòa, tiêu biểu là Phương Chính, Mã Kỳ.

[16] Thời Xuân thu, Tấn văn công đánh nước Nguyên, cho đem lương ăn ba ngày, hẹn ba ngày không đánh được thì về. Hết ba ngày không hạ được thành, quân xin ở lại để đánh. Văn công nói: “Tín là vật báu của nước, và là cái để cho dân dựa. Được Nguyên mà mất tín, thì dân dựa vào đâu”. Liền cho lui quân một xá (30 dặm) để tỏ sự tín (Tả truyện).

[17] Thời Chiến quốc, Thương Ưởng làm tướng nhà Tần. Ông chôn cây gỗ dài ba trượng ở nam quốc đô, truyền lệnh hễ ai dời cây gỗ sang cửa bắc được, thì thưởng cho 10 lạng vạng. Dân lấy làm lạ, không ai dám dời. Sau ông lại nói: “Ai dời được thì thưởng cho 50 lạng vàng”. Có người dời được cây gỗ ấy, ông liền thưởng cho 50 lạng vàng để tỏ là không nói dối (Sử ký).

[18] Núi đất: tức Thổ sơn, quân đánh thành thường đắp ụ đất cao gọi là thổ sơn, để quan sát trong thành, cùng đặt súng lớn bắn vào.

[19] Tiện nghi hành sự: được tùy tiện làm việc không phải tâu lên đợi lệnh.

[20] Thành đồng hào nóng: Hán Thư có câu: “Giai vi kim thành thang trì, bất khả công dã” (đều là thành bằng đồng, hào nước sôi, không thể đánh được).

[21] Xin xem văn bản 691 trong bản dịch Minh Thực Lục ngày 9/5/1426, về lời tâu của Kiển Nghĩa.

[22] Xuân Thu: tên bộ sử Khổng Tử viết cho thời đại từ Chu Bình Vương thứ 49 [ -723 ] đến Chu Kính Vương [ -481 ] gồm 242 năm; nên thời đại này được gọi là Xuân Thu.