Nguồn: Katsuji Nakazawa, “China targets Taiwan, Okinawa in Pelosi damage control,” Nikkei Asia, 11/08/2022
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Trò chơi nguy hiểm của Tập có nguy cơ gây xung đột rộng lớn hơn.
Khi chiếc Boeing C-40C của Không quân Mỹ chở theo Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hạ cánh an toàn tại sân bay Tùng Sơn, Đài Bắc, vào đêm muộn ngày 2/8, những lời phàn nàn bắt đầu xuất hiện khắp Trung Quốc.
“Chết tiệt! Thật không thể tin được!”
“Cái gì? Máy bay đã hạ cánh rồi sao?”
“Không có chuyện Trung Quốc sánh ngang với Putin về chiến lược đâu.”
Đó là một số lời bình luận trên mạng xã hội. Sự thất vọng và phẫn nộ tràn ngập các trang blog, video về các công dân đập phá bàn ghế lan truyền nhanh chóng. Sáng hôm sau, nhiều người Trung Quốc cho biết họ không thể ngủ được vì thất vọng tràn trề.
Người ta cực kỳ mong đợi chuyến bay. Một hãng truyền thông trực tuyến mới nổi đã phát trực tiếp cảnh máy bay của Pelosi hạ cánh.
Theo một ước tính, số lượng người Trung Quốc xem ‘bộ phim truyền hình hành động đêm khuya’ này – trực tiếp trên điện thoại thông minh của họ, hoặc xem lại trên các trang tin tức – có thể đã lên tới 200 triệu người.
Vậy nghĩa là có tới 20% trong số hơn 1 tỷ người dùng điện thoại thông minh của Trung Quốc đã dán mắt vào màn hình để theo dõi Pelosi. Chính xác thì họ mong đợi điều gì?
Một số người trong nhóm này thực sự tin rằng máy bay phản lực quân sự tiên tiến của Trung Quốc sẽ ngăn máy bay của Pelosi hạ cánh xuống sân bay Tùng Sơn Đài Bắc và buộc nó phải đến Hàn Quốc hoặc Nhật Bản.
Hãng truyền thông cho phát trực tiếp sự kiện này đã hy vọng vào một kịch bản như vậy, bởi nó chắc chắn sẽ giúp xếp hạng của họ tăng vọt.
Một phần trách nhiệm thuộc về chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình, những người đứng sau một chiến dịch tuyên truyền lớn vốn để lại cho công chúng ấn tượng rằng Trung Quốc chắc chắn có thể chặn đứng chuyến thăm Đài Loan của Pelosi, dù là thông qua biện pháp ngoại giao hay quân sự.
Nhưng thực tế thì vào tháng 08/2022, máy bay chiến đấu của Trung Quốc không thể nào ngăn được máy bay của Pelosi tiến vào vùng trời phía trên Đài Loan. Máy bay quân sự Mỹ đã bay đến từ Căn cứ Không quân Kadena ở Okinawa, Nhật Bản gần đó, và cả từ những nơi khác, tạo ra một vùng đệm an toàn trên không.
Quân đội Mỹ đã ở trong tình trạng cảnh giác cao độ.
Tập, với tư cách là Chủ tịch Quân ủy Trung ương, đã chuẩn bị các biện pháp đối phó. Ngay sau khi máy bay của Pelosi hạ cánh, Trung Quốc đã công bố các cuộc tập trận quân sự tại 6 vùng biển và vùng trời xung quanh Đài Loan.
Đây đúng là một sự phô trương vũ lực để chống lại Đài Loan, nhưng là dưới dạng kiềm chế. Tập trận được ấn định bắt đầu vào chiều ngày 04/08, một ngày sau khi Pelosi rời Đài Bắc.
Ngay cả vậy, cuộc tập trận có những khía cạnh chưa từng có tiền lệ. Một vài tên lửa đạn đạo của Trung Quốc đã lần đầu tiên bay qua Đài Bắc.
Việc năm tên lửa đạn đạo rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản ở biển Okinawa thậm chí còn đáng ngạc nhiên hơn.
Nếu nói về hiện diện quân sự của Mỹ tại Nhật Bản, 70% là ở Okinawa. Năm tên lửa đạn đạo đã rơi gần đảo Yonaguni, cực tây của Nhật Bản, nơi Lực lượng Phòng vệ dùng để theo dõi Trung Quốc.
Thiếu tướng Mạnh Tường Thanh (Meng Xiangqing), giáo sư tại Đại học Quốc phòng, thuộc quân đội Trung Quốc, đã giải thích ý nghĩa của cuộc tập trận trên Đài truyền hình Trung ương nước này.
Ông Mạnh cho biết các khu vực được chọn làm địa điểm tiến hành tập trận là gần với Đài Loan hơn bao giờ hết, và chúng được lựa chọn theo kế hoạch nhằm phong tỏa các cảng chính và các tuyến đường vận chuyển của Đài Loan.
Mạnh cũng đề cập đến các cuộc tập trận quân sự ở hai khu vực phía bắc gần Okinawa, trong khi tập trận ở khu vực phía nam sẽ giúp kiểm soát và phong tỏa Eo biển Ba Sĩ (Bashi), lối vào phía đông của Biển Đông.
Ông nói rằng các cuộc tập trận quân sự đó có ý nghĩa quan trọng, vì chúng sẽ ngăn chặn các thế lực bên ngoài can thiệp vào vấn đề Đài Loan.
Vị tướng này đóng vai trò là phát ngôn viên quân sự trên thực tế về các cuộc tập trận. Điều quan trọng là ông đề cập đến Okinawa trước tiên, sau đó mới đến khả năng phong tỏa Đài Loan và loại trừ sự can thiệp của các thế lực bên ngoài vào vấn đề Đài Loan.
Một nguồn tin liên quan đến quan hệ Trung-Đài chỉ ra rằng Trung Quốc đã bắt đầu “trò chơi đối đầu” với Mỹ và Nhật.
Đảo Yonaguni thuộc tỉnh Okinawa cách Đài Loan 111 km. Các binh sĩ thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã đóng quân tại đây từ năm 2016. Cơ sở radar chống hạm và phòng không đã được lắp đặt để theo dõi động thái của lực lượng Trung Quốc.
Lấy cớ chuyến thăm Đài Loan của Pelosi, quân đội Trung Quốc đã thể hiện khả năng nhắm vào các cơ sở của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản ở Yonaguni và các lực lượng Mỹ đóng quân tại những nơi khác ở Okinawa.
Bằng cách đó, quân đội Trung Quốc đang kiểm tra phản ứng của Washington và Tokyo.
Nếu một ngày nào đó, Trung Quốc có ý định tấn công trực tiếp vào lực lượng Mỹ đóng tại Okinawa, hành động ấy sẽ dễ dàng kích hoạt một cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc, sau đó có thể mở rộng thành chiến tranh toàn cầu.
Trung Quốc đã từng dùng lá bài Okinawa để gây sức ép với Nhật Bản.
Tháng 05/2013, ngay sau khi Tập lên nắm quyền, một bài báo đăng trên Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã có tác động sâu rộng. Nó nói rằng Lưu Cầu Quốc (Ryukyu Kingdom) từng là quốc gia triều cống của Trung Quốc dưới thời nhà Minh và nhà Thanh.
Bài báo không đơn giản là một bài học lịch sử – lần đầu tiên Bắc Kinh công khai thể hiện rằng họ coi Okinawa, hòn đảo trước đây được gọi là Ryukyu/Lưu Cầu, là lãnh thổ của Trung Quốc.
Hai tác giả của bài báo đã được chính phủ lựa chọn hai tháng trước đó, từ các thành viên của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cơ quan nghiên cứu lớn nhất của nước này, chuyên hỗ trợ việc hoạch định các chiến lược của đảng và chính phủ.
Năm 2013, Trung Quốc đã bắt đầu chuẩn bị logic rằng quần đảo Điếu Ngư – tên tiếng Trung của quần đảo Senkaku – là một phần của Đài Loan, và Đài Loan là một phần lãnh thổ bất khả xâm phạm của Trung Quốc.
Lần này, bằng cách bắn tên lửa vào vùng biển gần Okinawa, Trung Quốc đã hành động mạnh mẽ hơn.
Điều quan trọng là lãnh đạo chiến dịch Đài Loan hiện nay của Trung Quốc là Quân ủy Trung ương, chứ không phải Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng.
Cũng có thể nói rằng Trung Quốc hiện đang ở một bước ngoặt khi chuyển trọng tâm từ khẩu chiến sang võ chiến. Sự thay đổi diễn ra sau khi Trung Quốc đã nhanh chóng xây dựng sức mạnh quân sự của mình.
Tuy nhiên, mỗi khi Tập phô trương sức mạnh trước Đài Loan, ông lại thường tạo ra cơ hội cho Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn giành lại sự ủng hộ chính trị mà bà đánh mất trước đó.
Các cuộc bầu cử địa phương sẽ được tổ chức tại Đài Loan vào ngày 26/11. Đây là bước mở đầu cho cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo của Đài Loan, vào năm 2024.
Triển vọng của Đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền trong cuộc bầu cử địa phương sắp tới không hẳn là thuận lợi. DPP đã bị Quốc dân Đảng (KMT) đánh bại trong cuộc bầu cử địa phương gần đây nhất, vào tháng 11/2018.
Thái đã tạm thời từ chức người đứng đầu DPP mà bà kiêm nhiệm, để chịu trách nhiệm về thất bại nặng nề của đảng.
Tuy nhiên, sau khi được khích lệ bởi kết quả bầu cử này, Tập lại mắc một sai lầm lớn.
Tháng 01/2019, ông đã có bài phát biểu nhân kỷ niệm 40 năm ngày ban hành “Thông điệp gửi đến Đồng bào Đài Loan.” Thông điệp năm 1979 kêu gọi thống nhất Đài Loan với Trung Quốc đại lục một cách hòa bình.
Dù nói rằng công thức “một quốc gia, hai chế độ” là cách tốt nhất để thống nhất trong hòa bình, Tập cũng không loại trừ việc sử dụng vũ lực. Thái ngay lập tức đã phản biện và ghi điểm chính trị lớn.
Công thức “một quốc gia, hai chế độ” kể từ đó đã trở thành một thông điệp chết do phản ứng của Trung Quốc đối với các cuộc biểu tình quy mô lớn ở Hong Kong – một phản ứng đã giúp DPP hồi sinh và giúp Thái giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Bây giờ vòng thứ hai của trận chiến Tập-Thái đang diễn ra.
Quân đội Trung Quốc ban đầu thông báo rằng họ sẽ tổ chức các cuộc tập trận từ ngày 04/08 đến 06/08. Nhưng các cuộc tập trận ở Chiến khu Đông Bộ vẫn được tiếp tục cho đến thứ Tư (10/08), một lời cảnh báo rõ ràng cho người Mỹ.
Dư luận Trung Quốc rất dễ nổi nóng, và chính quyền Tập không thể dễ dàng lùi bước. Cũng có những lo ngại rằng tập trận sẽ trở nên thường xuyên.
Căng thẳng ở Eo biển Đài Loan có lẽ sẽ đạt đến giai đoạn quan trọng trong nhiệm kỳ tiếp theo của Tập với tư cách là nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc.
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cao cấp của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.