25/08/1875: Matthew Webb bơi xuyên Eo biển Manche

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Englishman swims the Channel, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1875, Matthew Webb, một đại úy hải quân 27 tuổi, trở thành người đầu tiên bơi thành công xuyên qua Eo biển Manche. Webb đã hoàn thành chuyến vượt biển dài 21 dặm  – thực tế là phải bơi 39 dặm vì thủy triều – trong 21 giờ và 45 phút. Ông lên đường trong sự cổ vũ nhiệt liệt của mọi người một ngày trước đó, 24/08. Trong chuyến vượt biển xuyên đêm từ Dover, Anh, đến Calais, Pháp, ông đã uống rượu mạnh, cà phê, và nước thịt bò (beef tea) để giữ sức và giữ ấm. Ông được ca ngợi như một anh hùng dân tộc khi trở về Anh, và một cổng chào đã được dựng lên để vinh danh ông tại quê nhà ở Shropshire. Tờ Daily Telegraph khẳng định, “Lúc này đây, Đại úy có lẽ là người đàn ông nổi tiếng và được yêu thích nhất trên thế giới.”

Là con của một gia đình có đến 12 đứa con, Webb đã học bơi ở sông Severn, dưới cầu Ironbridge. Năm 12 tuổi, ông gia nhập tàu huấn luyện Conway của lực lượng hải quân thương mại. Dù không được nhớ đến như một vận động viên bơi nhanh, những học viên cùng khóa đã công nhận sức bền của ông. Trong khi đi khắp thế giới với hải quân thương mại, Webb đã gây ấn tượng với một số chặng bơi dũng cảm và nguy hiểm. Bơi bền rất phổ biến vào những năm 1870, và Webb quyết định bơi qua Eo biển Manche sau khi đọc trên báo về một nỗ lực không thành công. Ông tập luyện dọc theo bờ biển phía nam nước Anh, bơi các khoảng cách từ 10 đến 20 dặm, và dần trở nên thích nghi với nước lạnh. Tháng 08/1875, nỗ lực đầu tiên của ông để vượt Eo biển kết thúc trong thất bại, nhưng ông quyết định thử thêm một lần nữa.

Ngày 24/08/1875, sau khi bôi mỡ cá heo để cách nhiệt và mặc trang phục bơi màu đỏ làm bằng lụa, ông đã nhảy từ Bến tàu Admiralty của Dover xuống vùng nước lạnh giá của Eo biển Manche. Webb bắt đầu vào lúc buổi tối muộn vì lý do thủy triều, và đã duy trì tốc độ chậm và ổn định trong bóng tối bằng cách sử dụng kiểu bơi ếch. Những chiếc thuyền đi cùng đưa cho ông nước thịt bò, rượu mạnh, và các chất lỏng khác để duy trì sức khỏe. Webb tự xử lý những con sứa và những mảng rong biển trên hành trình của mình. Khi cách bờ biển nước Pháp bảy dặm, thủy triều bất ngờ thay đổi, và dường như ông đã bị đẩy lùi về phía sau, nhưng chỉ sau 10 giờ sáng, ông đã đến gần bờ biển nước Pháp. Thủy thủ trên tàu The Maid of Kent đã hát vang bài “Rule Britannia” để chào đón ông, và ngay trước 11 giờ sáng, Webb đến được bờ.

Sau khi ngủ 12 tiếng ở Pháp, Webb trở về Anh bằng thuyền, nói rằng, “cảm giác ở chân tay tôi bây giờ giống như cảm giác sau ngày đầu tiên của mùa cricket.” Ông được vinh danh trong một bữa tiệc chào mừng ở Dover, nơi thị trưởng tuyên bố, “Trong lịch sử tương lai của thế giới, tôi không tin rằng bất kỳ ai khác có thể đạt được kỳ tích nào như vậy.” Sở giao dịch chứng khoán London đã thành lập một quỹ chứng thực cho Webb. Ông đã đi giao lưu khắp đất nước, diễn thuyết và bơi lội.

Sau vài năm, mức độ quan tâm đến Đại úy Webb bắt đầu giảm dần. Trở nên nhàm chán vì đã xuất hiện quá nhiều trong các bài thuyết trình, đồng thời vì đã chi dùng hoặc cho đi phần lớn số tiền kiếm được nhờ lần bơi qua Eo biển, nên ông đã chấp tham gia một loạt các buổi trình diễn ‘rẻ tiền.’ Tháng 03/1880, ông đã trôi nổi suốt 60 giờ trong bể cá voi của Thủy cung Hoàng gia ở Westminster, và vào tháng 10, ông đồng ý bơi một quãng dài trong vùng nước đóng băng của Hồ Lancashire. Ông được kéo ra khỏi nước trong tình trạng kiệt sức và hạ thân nhiệt, và những người thân cận nói rằng sức khỏe của ông không bao giờ hồi phục trở lại. Cố gắng tìm kiếm một nguồn thu nhập thay thế, ông tự hào xưng mình là một nhà phát minh, nhưng hiếm có ai từng nhìn thấy các phát minh của ông, như xe đạp, thiết bị bơi, hoặc máy bay, loại có cánh vỗ như con mòng biển. Người ta kể lại rằng ông đã bị gãy mũi khi thử nghiệm máy bay.

Cuối cùng, Đại úy Webb đã đến Mỹ cùng vợ và hai con, tổ chức các cuộc triển lãm bơi lội thu hút sự chú ý ở nhiều mức độ khác nhau. Nghe tin về thành tích của Emile Blondin, một kẻ liều mạng người Pháp đã đi qua thác Niagara bằng dây thừng, Webb đã nghĩ ra một kế hoạch mới để khôi phục lại danh tiếng và tài sản của mình. Ông cũng sẽ đi đến Thác và bơi một đoạn đặc biệt nguy hiểm trên sông Niagara, nơi khiến người khác phải sợ hãi với những thác ghềnh và xoáy nước chết người của nó.

Khi đến Thác Niagara, ông tổ chức một cuộc họp báo để nói về những gì ông tin rằng sẽ là thành tích lớn nhất của mình kể từ khi bơi qua Eo biển Manche. Ông sẽ lên một chiếc thuyền nhỏ đến một điểm bên dưới Thác. Sau đó, ông sẽ nhảy ra ngoài và bơi xuống qua ghềnh thác. Nếu việc nổi trên mặt nước là quá khó, ông sẽ lặn xuống, chỉ thỉnh thoảng ngoi lên để thở và thể hiện khả năng bơi lội của mình. Sau đó, ông sẽ bơi vòng quanh xoáy nước, ước tính rằng ông cần hai hoặc ba giờ để giải thoát mình khỏi lực kéo của nó. Sau khi vượt qua nó, ông sẽ bơi vào bờ ở phía Canada.

Người dân địa phương đã can ngăn Webb, nói rằng kế hoạch của ông chẳng khác gì tự sát, và chỉ ra rằng quãng thời gian gần đó đã có tới 80 người chết trong ghềnh thác. Webb phớt lờ họ, ông hy vọng mình sẽ nhận được 10.000 đô la từ các công ty đường sắt, những người mà ông cho rằng sẽ thu được rất nhiều lợi nhuận từ lượng khán giả đến Niagara dự sự kiện. Thế nhưng các công ty đường sắt đã từ chối tài trợ, và ông đành chèo thuyền ra sông vào lúc 4 giờ chiều ngày 24/07/1883, với ý định liều mạng vì điều mà ông gọi là danh tiếng. Mặc bộ đồ bơi màu đỏ ông từng mặc khi bơi qua Eo biển Manche, Webb dũng cảm lặn xuống nước. Hàng nghìn khán giả tập trung dọc theo bờ đã có một màn cổ vũ vang trời.

Lúc đầu, ông bơi một cách mạnh mẽ và trông không có gì khó khăn, nhưng sau đó dòng sông thu hẹp lại, và ông bị ghềnh đá kẹp chặt. Ông đã bị kéo xuống dưới nước ba lần, và sau đó xuất hiện ở vị trí cách xa hàng trăm mét từ nơi ông được nhìn thấy lần cuối cùng. Ông đã không còn kiểm soát được tình hình và bị kéo xuống dòng với tốc độ dữ dội. Khi đến vùng nước xoáy, ông vung cánh tay phải lên rồi ngụp xuống. Nhiều giây, phút, giờ trôi qua, và ông đã không xuất hiện trở lại.

Năm ngày sau, một người đánh cá ở hạ nguồn tìm thấy thi thể dập nát, bầm tím, và sưng phù của ông. Nó đã ở trong xoáy nước một thời gian trước khi trôi ra ngoài. Thi thể có một vết thương lớn ở đầu, để lộ cả hộp sọ, nhưng khám nghiệm tử thi kết luận rằng Webb có lẽ đã bị nghiền nát bởi sức mạnh của xoáy nước và vết thương trên đầu chỉ xuất hiện sau đó.

Webb được chôn cất tại nghĩa trang công cộng ở Oakwood, rìa Thác Niagara, trong một khu đất nhỏ được gọi là “Nơi yên nghỉ của những người lạ.” Năm 1908 – mà nếu còn sống, ông sẽ 60 tuổi – Đài tưởng niệm Webb được dựng lên tại nơi ông sinh ra ở Anh, trên đó khắc một dòng chữ rất đơn giản “Nothing Great Is Easy”(Chẳng có điều vĩ đại nào lại dễ dàng cả).