Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Mikhail Gorbachev, nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô, đã qua đời ở tuổi 91 tại một bệnh viện Moscow. Trên cương vị tổng thống ông đã tiến hành loạt cải cách mang tên perestroika (cải tổ) và glasnost (công khai hóa) nhằm mở cửa nền kinh tế và dân chủ hóa chính trị Liên Xô. Gorbachev cũng đã vun đắp mối quan hệ nồng ấm hơn với phương Tây và ủng hộ những người cộng sản có quan điểm cải cách ở Trung và Đông Âu. Ông được trao giải Nobel hòa bình năm 1990 và miễn cưỡng nhìn Liên Xô sụp đổ vào năm 1991.
Ukraine tuyên bố đã phá hủy các cây cầu bắc qua sông Dnepr trong chiến dịch phản công ở Kherson, đồng thời đẩy mạnh phản công vào mặt trận phía đông. Trong khi đó, các thanh sát viên của Liên Hợp Quốc đã lên đường từ Kyiv, thủ đô Ukraine, để đến nhà máy hạt nhân Zaporizhia, dù giới chức Ukraine nói Nga đang tìm cách cản trở. Tại cuộc họp ở Praha, các bộ trưởng quốc phòng EU đã xem xét đề xuất huấn luyện quân đội Ukraine, điều mà Mỹ, Anh và một số nước EU đang thực hiện.
Liên minh châu Âu bỏ phiếu không áp đặt lệnh cấm thị thực đối với người Nga. Một số nước thành viên, chẳng hạn như Cộng hòa Séc và Đan Mạch, muốn có một chính sách như vậy, nhưng bị các nước khác phản đối – với Đức và Pháp cảnh báo làm vậy là xa lánh các thế hệ người Nga tương lai. Thay vào đó, các bộ trưởng EU quyết định đình chỉ thỏa thuận thị thực với Nga, vốn làm cho quá trình cấp thị thực trở nên dễ dàng hơn.
Trong nỗ lực cắt giảm chi phí, mạng xã hội Snap đã thông báo sa thải 1/5 trong tổng số 6.400 nhân viên của mình và hủy bỏ nhiều dự án khác nhau. Nhà sáng lập Evan Spiegel nói tăng trưởng doanh thu năm chỉ đạt 8% cho đến quý hiện tại— “thấp hơn rất nhiều” so với dự báo hồi đầu năm. Giá cổ phiếu của Snap đã tăng sau tin này, sau khi đã giảm gần 80% kể từ tháng 1.
Hôm thứ Tư, Đài Loan tuyên bố sẽ “phản công” các lực lượng Trung Quốc đã vào lãnh thổ của họ nhưng từ chối rời đi. Trung Quốc gia tăng tập trận quân sự xung quanh Đài Loan sau chuyến thăm gần đây của chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Trước đó, vào thứ Ba, Đài Loan đã lần đầu tiên bắn cảnh cáo vào một máy bay không người lái của Trung Quốc.
Tuổi thọ trung bình của người Mỹ giảm từ 79 xuống 76 trong giai đoạn 2019 – 2021, mức giảm mạnh nhất trong gần mười năm qua. Nguyên nhân chủ yếu là vì đại dịch covid-19. Trong đó người Mỹ bản địa và người Alaska bản địa có mức giảm đặc biệt cao —một trẻ sơ sinh trung bình chỉ có thể sống đến 65 tuổi vào năm 2021, so với 71 của năm 2019.
Microsoft bị Alphabet và Amazon phản ứng dữ dội vì đưa ra một chính sách mới trước áp lực của các cơ quan chống độc quyền của EU, những người muốn kiềm chế sức mạnh thị trường của các tập đoàn công nghệ. Được biết chính sách này là một chương trình cấp phép phần mềm có thể mang lại lợi ích cho những người dùng nào đăng ký cả phần mềm lẫn dịch vụ lưu trữ đám mây của Microsoft — và giúp khách hàng chuyển đổi nhà cung cấp dễ dàng hơn. Song các đối thủ của công ty nói việc “đóng gói” các dịch vụ sẽ có tác dụng ngược lại và tạo ra độc quyền lớn hơn.
Con số trong ngày: 465 triệu đô la, là kinh phí theo như lời đồn của “The Rings of Power,” một bộ phim truyền hình dựa trên tác phẩm “Chúa tể của những chiếc nhẫn.”
TIÊU ĐIỂM
Nga tổ chức tập trận quy mô lớn ở Viễn Đông
Trong bối cảnh Điện Kremlin phải chật vật tìm đủ quân nhân để gửi đến Ukraine, quân đội Nga đang thiếu lính trầm trọng. Nhưng điều đó không ngăn được họ tổ chức cuộc tập trận chung 4 năm một lần mang tên Vostok ở quân khu miền đông của Nga, vốn sẽ khai mạc vào thứ Năm. Sự kiện này có sự tham dự của 50.000 quân nhân, 140 máy bay và 60 tàu chiến, mặc dù không ai biết được con số chính xác từ Nga.
Sự tham gia của Trung Quốc và hàng chục nước khác, trong đó có Ấn Độ, được Điện Kremlin coi là một chiến thắng ngoại giao. Hạm đội Thái Bình Dương của Nga sẽ tiến hành tập trận với Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ở Biển Nhật Bản, sau khi đã lần đầu tiên tập trận chung vào tháng 10. Nhưng Trung Quốc cũng tỏ ra thận trọng khi không đáp ứng yêu cầu viện trợ vũ khí và đạn dược để phục vụ cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
EU lập văn phòng đại diện ở Thung lũng Silicon
Vào thứ Năm, Ủy ban Châu Âu sẽ mở văn phòng đầu tiên của họ tại San Francisco — một dạng phái đoàn ngoại giao để làm việc trực tiếp với các công ty ở Thung lũng Silicon. Đây là một động thái kịp thời khi EU chuẩn bị thực thi Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số và Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số, hai đạo luật Internet đầy tham vọng được Nghị viện châu Âu thông qua hồi tháng Bảy. Gerard de Graaf, người giám sát việc soạn thảo luật, sẽ đứng đầu văn phòng San Francisco.
Liệu ông có được coi là đại diện đặc mệnh toàn quyền của EU hay không là một câu hỏi khác. Các công ty như Alphabet, Apple và Meta có thể muốn đàm phán trực tiếp với Brussels, nơi họ có sẵn một đội quân vận động hành lang. Dù thế nào, văn phòng mới đánh dấu việc chính thức hóa một hiện thực mới. Trên nhiều phương diện, các tập đoàn công nghệ không khác gì các quốc gia ảo khổng lồ và do đó nên được đối xử như một đất nước. Điều đó bao gồm duy trì quan hệ ngoại giao.
Úc muốn tăng nhập cư để bù đắp cho thời gian đại dịch
So với các nước giàu khác, Úc đặc biệt phụ thuộc vào người nhập cư: gần một phần ba dân số 26 triệu người của nước này sinh ra ở nước ngoài. Nhưng giờ đây họ cần nhiều hơn thế, sau khi có ước tính cho thấy 600.000 người nhập cư đã không thể đến Úc do các chính sách phong tỏa trong đại dịch, theo tổ chức kinh tế CEDA. Úc mở cửa biên giới từ tháng 2, và tỷ lệ thất nghiệp hiện tại của họ chỉ ở mức 3,4% khi các công ty không thể tìm đủ nhân công. Hôm nay chính phủ Công đảng, mới nhậm chức vào tháng 5, sẽ gặp gỡ các công đoàn và giới vận động hành lang để thảo luận về thị trường lao động đang rất nóng của Úc.
Thủ tướng Anthony Albanese có thể tăng hạn ngạch cho người di cư lâu dài từ 160.000 lên 200.000 người/năm. Các quy định này thường không gây nhiều tranh cãi, trong đó thị thực lao động được phân phối theo một hệ thống tính điểm có cân bằng giữa tính cởi mở và tính chọn lọc. Song số hồ sơ thị thực tồn đọng hiện tại đang khiến người nhập cư không thể trở lại Úc nhanh như mong muốn. Để trở về các con số như trước, Úc cần ít nhất đến năm 2024.
Tranh cãi chính trị về rượu ở Ấn Độ
Kiếm ra một chai rượu ở thủ đô Ấn Độ không hề dễ. Trong tháng qua, hầu hết các cửa hàng rượu tư nhân đã phải đóng cửa khi giới chức theo đuổi cuộc điều tra tham nhũng nhắm vào chính sách rượu mới của thành phố. Dù vậy rượu sẽ được bán trở lại từ thứ Năm ở các cửa hàng quốc doanh. Đây là tin vui cho những người nghiện rượu, nhưng là một sự thất vọng cho Đảng Aam Aadmi (AAP) cầm quyền ở thành phố Delhi vốn đang nổi lên như một lực lượng đối lập đáng kể với Đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền của Ấn Độ.
AAP kỳ vọng việc tư nhân hóa ngành bán rượu và đưa ra chính sách tiêu thụ đặc biệt mới sẽ làm sạch lĩnh vực này và tăng thu thuế. Nhưng BJP cáo buộc các lãnh đạo AAP thu lợi cá nhân từ quá trình tư nhân hóa, dẫn đến lệnh cấm bán rượu một tháng qua. AAP đang hướng cuộc tranh cãi lên tầm quốc gia. Lãnh đạo Arvind Kejriwal của họ đã cáo buộc BJP tham nhũng và quảng cáo các loại rượu bất hợp pháp có thể gây chết người ở Gujarat, một bang có luật cấm rượu ở miền tây. Tất cả những điều này diễn ra ngay trước thềm cuộc bầu cử vào tháng 12.