29/10/1998: John Glenn trở lại vũ trụ

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: John Glenn returns to space, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1998, gần 40 năm sau khi trở thành người Mỹ đầu tiên bay vòng quanh Trái Đất, Thượng nghị sĩ John Herschel Glenn, Jr., đã được phóng lên vũ trụ một lần nữa với tư cách là chuyên gia về tải trọng (payload) trên tàu con thoi Discovery. Ở tuổi 77, Glenn trở thành người già nhất từng du hành trong không gian. Trong nhiệm vụ kéo dài 9 ngày, ông là một thành viên tham gia vào nghiên cứu của NASA về các vấn đề sức khỏe liên quan đến lão hóa.

Năm 1959, Glenn, khi đó còn là trung tá thuộc Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ, nằm trong số bảy người đàn ông được Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia (NASA) chọn để trở thành phi hành gia đầu tiên của Mỹ. Là một phi công có nhiều huân chương, ông đã thực hiện gần 150 nhiệm vụ chiến đấu trong Thế chiến II và Chiến tranh Triều Tiên. Năm 1957, ông thực hiện chuyến bay siêu âm không dừng (nonstop supersonic flight) đầu tiên xuyên nước Mỹ, bay từ Los Angeles đến New York trong 3 giờ 23 phút.

Tháng 04/1961, nhà du hành vũ trụ Liên Xô Yuri Gagarin là người đầu tiên bay vào không gian, và tàu vũ trụ của ông, Vostok 1, đã bay đủ một vòng quỹ đạo trước khi quay trở lại Trái Đất. Chưa đầy một tháng sau, Alan B. Shepard, Jr. trở thành người Mỹ đầu tiên bay vào không gian khi tàu vũ trụ Freedom 7 của ông được phóng đi trong một chuyến bay dưới quỹ đạo (suborbital flight). Phi hành gia người Mỹ “Gus” Grissom đã thực hiện một chuyến bay dưới quỹ đạo khác vào tháng 7, và sang tháng 8, phi hành gia người Liên Xô Gherman Titov đã dành hơn 25 giờ trong không gian trên tàu Vostok 2, bay được 17 vòng quỹ đạo. Với tư cách là một cường quốc công nghệ, Mỹ lại đang trở thành kẻ “đứng thứ hai” so với đối thủ Chiến tranh Lạnh của họ. Nếu người Mỹ muốn xóa bỏ quan niệm này, họ cần có một chuyến bay nhiều vòng quỹ đạo (multi-orbital flight) trước khi Liên Xô đạt thêm một thành tựu không gian khác.

Ngày 20/02/1962, NASA và Đại tá John Glenn đã đạt được kỳ tích với chuyến bay của Friendship 7, tàu vũ trụ đã bay ba vòng quanh Trái Đất trong năm giờ. Glenn được ca ngợi như một anh hùng dân tộc, và vào ngày 23/02, Tổng thống John F. Kennedy đã đến thăm ông tại Cape Canaveral. Glenn sau đó đã phát biểu trước Quốc hội Mỹ và được tổ chức một cuộc diễu hành vinh danh ở Thành phố New York.

Vì không muốn mạo hiểm tính mạng của một phi hành gia nổi tiếng như Glenn, NASA về cơ bản đã cho vị đại tá ‘hạ cánh’ suốt nhiều năm sau chuyến bay lịch sử của ông. Chán nản vì không được hoạt động, Glenn chuyển sang làm chính trị, và vào năm 1964, ông tuyên bố ứng cử vào Thượng viện Mỹ, đại diện cho bang Ohio, quê hương của ông, và chính thức rời NASA. Tuy nhiên, vào cuối năm đó, ông đã rút lại tuyên bố tranh cử Thượng viện sau khi bị thương nặng ở tai trong một cú ngã nghiêm trọng.

Năm 1970, sau một thời gian làm giám đốc điều hành tại Royal Crown Cola, ông quay trở lại tranh cử vào Thượng viện nhưng đã để mất đề cử của Đảng Dân chủ vào tay Howard Metzenbaum. Bốn năm sau, ông đánh bại Metzenbaum, giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử và tiếp tục tái đắc cử thêm ba lần nữa. Năm 1984, ông thất bại trong việc tìm kiếm đề cử ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ.

Năm 1998, Glenn thu hút sự chú ý đáng kể của giới truyền thông khi trở lại vũ trụ trên tàu con thoi Discovery. Năm 1999, ông rời ghế Thượng viện Mỹ sau bốn nhiệm kỳ liên tiếp tại vị, một kỷ lục đối với bang Ohio. Glenn qua đời vào ngày 08/12/2016, ở tuổi 95.