Tác giả: Phan Xuân Dũng
Cuộc kháng chiến chống Mỹ đã kết thúc gần 50 năm nhưng bi kịch của nó còn ám ảnh nhiều người. Trong số đó có hai người phụ nữ Việt Nam, một người là nạn nhân chất độc da cam và một người là nạn nhân sống sót sau thảm sát của lính Hàn Quốc. Cả hai đang đấu tranh pháp lý buộc đối tượng gây ra nỗi đau cho họ phải chịu trách nhiệm.
Người phụ nữ đầu tiên là bà Trần Tố Nga, một người Pháp gốc Việt. Bà mất con gái đầu lòng vì dị tật tim vào năm 1968. Bà Nga đổ lỗi cho bản thân trong suốt vài chục năm cho đến khi bà nhận ra rằng “chất độc da cam” mới là thủ phạm thật sự.
Chất độc da cam là thuốc diệt cỏ chiến thuật do quân đội Mỹ rải xuống miền nam Việt Nam từ năm 1961 đến năm 1971, có chứa dioxin – thành phần cực độc có liên quan đến nhiều bệnh mãn tính và các dạng khuyết tật nặng.
Bà Nga bị nhiễm chất độc da cam vào năm 1966 khi đang làm phóng viên chiến trường. Sau này bà cũng được chẩn đoán mắc các bệnh liên quan đến dioxin, bao gồm ung thư và tiểu đường.
Nỗi đau da cam thôi thúc bà Nga đi tìm công lý. Năm 2014, ở tuổi 72, bà đệ đơn kiện lên tòa án tại Pháp chống lại các công ty sản xuất chất độc da cam, trong đó có các công ty Mỹ như Dow Chemical và Monsanto. Bà Nga mong muốn giành được sự công nhận cho tất cả các nạn nhân chất độc da cam và nâng cao nhận thức về những thiệt hại mà chất diệt cỏ nguy hiểm này vẫn đang tiếp tục gây ra ở Việt Nam.
Cách đó nửa vòng trái đất, bà Nguyễn Thị Thanh, 62 tuổi, cũng giành cả cuộc đời mình đấu tranh đòi công lý. Mới đây, bà đã trở thành người Việt Nam đầu tiên làm chứng trước tòa án Hàn Quốc về các vụ giết hại dân thường của quân đội nước này trong Chiến tranh Việt Nam. Phiên tòa lịch sử diễn ra vào ngày 9 tháng 8 năm nay, hai năm sau khi bà Thanh đệ đơn kiện chính phủ Hàn Quốc.
Bà Thanh là người sống sót sau vụ thảm sát ở làng Phong Nhị và Phong Nhất, miền Trung Việt Nam. Vào ngày 12 tháng 2 năm 1968, lính Hàn Quốc đã sát hại 5 người thân trong gia đình bà Thanh và bắn gây thương tích cho bà, lúc mới chỉ là đứa trẻ 8 tuổi.
Hàn Quốc gửi khoảng 320.000 quân đến Việt Nam từ năm 1964 đến năm 1973 để hỗ trợ cuộc chiến của Mỹ chống lại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong thời gian đó, quân đội Hàn Quốc bị cáo buộc đã giết khoảng 9.000 dân thường trong 80 vụ thảm sát. Ngoài ra còn có nhiều báo cáo về các vụ bạo lực tình dục của lính Hàn Quốc. Nạn nhân của những vụ việc này cũng đang gây sức ép buộc chính phủ Hàn Quốc phải chuộc lỗi.
Cũng như bà Nga, nỗi đau mất mát quá lớn khiến bà Thanh mang nặng cảm giác tội lỗi. Bà Thanh từng nói rằng đôi khi bà ước mình cũng đã bị lính Hàn bắn chết để không phải khổ sở như vậy. Bà đã biến nỗi đau thành sức mạnh để đấu tranh buộc Hàn Quốc phải bồi thường và đưa ra một lời xin lỗi chính thức cho những gì đã xảy ra.
Thay bằng việc bồi thường, chính phủ Hoa Kỳ và Hàn Quốc viện trợ nhân đạo cho Việt Nam để khắc phục hậu quả chiến tranh. Bên cạnh các hoạt động khác, Washington phân bổ ngân sách cho Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) để thực hiện các dự án xử lý môi trường và chương trình sức khỏe và khuyết tật tại các tỉnh bị ô nhiễm dioxin ở Việt Nam. Tương tự, thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Seoul xây dựng trường học và bệnh viện, rà phá vật liệu chưa nổ (UXO) và hỗ trợ nạn nhân bom mìn ở các tỉnh của Việt Nam mà Hàn Quốc từng đóng quân.
Cách tiếp cận này cho phép Washington và Seoul hàn gắn quan hệ với Hà Nội mà không cần thừa nhận sai trái. Hoa Kỳ không nhận trách nhiệm chính thức về việc rải chất diệt cỏ độc hại, trong khi các công ty hóa chất từ chối nhận trách nhiệm với lý do là họ bị chính phủ Mỹ ép buộc sản xuất chất độc da cam. Chính phủ Hàn Quốc vẫn chưa thừa nhận cáo buộc thảm sát và bạo lực tình dục ở Việt Nam, trong khi Hiệp hội Cựu chiến binh Việt Nam tại Hàn Quốc bác bỏ các cáo buộc này. Do đó, vẫn chưa có sự thống nhất về ký ức lịch sử đằng sau hai hậu quả chiến tranh và các bên khác nhau vẫn đang cố gắng vạch trần sự thật và quy kết trách nhiệm pháp lý.
Việt Nam công khai ủng hộ bà Nga và các nạn nhân chất độc da cam trong việc tìm kiếm sự thật và công lý, cho rằng các công ty hóa chất Mỹ phải khắc phục tác hại do chất độc da cam gây ra.
Trên thực tế, từ lâu, Hà Nội đã lên tiếng về vấn đề chất độc da cam. Khi chiến tranh vẫn đang diễn ra, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công bố các bệnh có thể do thuốc diệt cỏ gây ra nhằm tuyên truyền chống lại nước Mỹ. Việt Nam thường xuyên nhắc đến nạn nhân chất độc da cam trong các cuộc trao đổi song phương với Mỹ, ngay cả trước khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1995.
Năm 2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (VAVA) được Bộ Nội vụ thành lập nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người Việt Nam bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Cùng năm đó, VAVA đã đệ đơn kiện tập thể lên tòa án Hoa Kỳ chống lại các công ty sản xuất chất độc da cam. Khi vụ kiện bị bác bỏ vào năm 2008, người phát ngôn lúc bấy giờ của Bộ Ngoại giao nói rằng phán quyết “phủ nhận một sự thật” rằng việc Mỹ sử dụng chất độc da cam gây ra những thiệt hại nặng nề cho con người và môi trường Việt Nam. VAVA hỗ trợ bà Nga cả về mặt vật chất lẫn tinh thần trong cuôc chiến đòi công lý.
Chính phủ Việt Nam nhiệt tình ủng hộ các vụ kiện về chất độc da cam nhưng lại im lặng trước vụ kiện chống lại Hàn Quốc. Việt Nam vẫn chưa bình luận về các hành động pháp lý của bà Thanh. Không có tổ chức tương tự như VAVA đại diện cho nạn nhân của những hành động tàn bạo do lính Hàn Quốc gây ra. Thay vào đó, họ phải dựa vào sự hỗ trợ từ các nhóm xã hội dân sự Hàn Quốc, chẳng hạn như Quỹ Hòa bình Hàn – Việt.
Việt Nam tiếp cận hai vụ kiện này theo hai hướng khác nhau như vậy là vì chất độc da cam và thảm sát của lính Hàn là hai vấn đề không tương đồng về độ nhạy cảm và quy mô.
Thứ nhất, chất độc da cam là vấn đề ít nhạy cảm hơn.
Đối tượng bị cáo buộc trong trường hợp này là các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ, không phải chính phủ Mỹ (ở Mỹ, chính phủ không thể bị kiện do quyền miễn trừ tư pháp của quốc gia). Trong khi đó, nạn nhân sống sót từ thảm sát của lính Hàn đang tìm cách buộc chính phủ Hàn Quốc phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, ủng hộ những nạn nhân như bà Thanh đồng nghĩa với việc thách thức chính phủ Hàn Quốc về một vấn đề nhạy cảm. Hà Nội không có lợi khi tạo ra mâu thuẫn với Seoul – một đối tác chiến lược và nước đầu tư hàng đầu vào Việt Nam.
Hơn nữa, Việt Nam và Mỹ đã thẳng thắn giải quyết những hiềm khích lịch sử. Hai quốc gia đã có hàng thập kỷ hàn gắn những vết thương chiến tranh thông qua giải quyết vấn đề POW/MIA, rà phá bom mìn và hỗ trợ nạn nhân bom mìn, ngay cả trước khi bình thường hóa. Hợp tác về các vấn đề nhân đạo sau chiến tranh tuy gặp nhiều bất đồng nhưng cuối cùng đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hòa giải. Chất độc da cam ngày nay không còn là một chủ đề cấm kỵ. Hai cựu thù đã vượt qua bế tắc và mâu thuẫn ban đầu để cùng thừa nhận rằng có các dạng khuyết tật liên quan đến việc rải chất độc da cam.
Trái lại, trong mối quan hệ hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc, hai nước gác lại những tranh cãi về lịch sử để thúc đẩy bình thường hóa. Vũ Minh Hoàng, nhà sử học về Việt Nam thế kỷ 20, cho rằng sau khi thực hiện chính sách Đổi Mới năm 1986, Hà Nội “sẵn sàng coi nhẹ các hành động tàn bạo trong quá khứ” để tăng cường quan hệ kinh tế và chính trị với Seoul. Vì hai nước chưa có thói quen quản lý mâu thuẫn lịch sử nên Việt Nam cần thận trọng khi nói về quá khứ.
Có một điều chắc chắn là ký ức về hành động tàn bạo của lính Hàn Quốc không bị lãng quên ở Việt Nam. Ở các tỉnh xảy ra thảm sát, chính quyền địa phương dựng bia tưởng niệm và tổ chức lễ tưởng niệm hằng năm.
Trong một vài trường hợp, Việt Nam không chấp nhận cách Hàn Quốc nhận định về cuộc chiến. Ví dụ, vào năm 2017, Hà Nội phản đối phát biểu tôn vinh các cựu chiến binh đã chiến đấu ở Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc lúc bấy giờ là Moon Jae-in. Đầu tháng 10 năm nay, Việt Nam đã yêu cầu Netflix Việt Nam chặn bộ phim truyền hình “Little Women” của Hàn Quốc vì cho rằng bộ phim này xuyên tạc lịch sử. Động thái này được đưa ra sau khi cư dân mạng Việt Nam chỉ ra rằng một số cảnh phim xuyên tạc trắng trợn Chiến tranh Việt Nam và mang tính xúc phạm vì ca ngợi lính Hàn Quốc tham gia cuộc chiến.
Tuy nhiên, phản ứng của Việt Nam có phần bị động và thận trọng. Việt Nam chưa bao giờ nhắc tới các cáo buộc tội ác chiến tranh của quân đội Hàn Quốc cũng như chưa bao giờ yêu cầu Hàn Quốc bồi thường hay xin lỗi. Không giống như các hành động tàn bạo của Mỹ, hành động tàn bạo của Hàn Quốc không được đề cập đến trong sách giáo khoa.
Các hãng thông tấn chính thống của Việt Nam không ngại ngần khi viết về các vụ thảm sát của lính Hàn, nhưng lại không đưa tin về vụ kiện của bà Thanh. Tính chất nhạy cảm của vụ kiện có thể dẫn đến việc thông tin bị kiểm duyệt hoặc tự kiểm duyệt. Ngược lại, vụ kiện của bà Trần Tố Nga được báo chí đưa tin rộng rãi.
Thứ hai, chất độc da cam là hậu quả rõ ràng nhất của Chiến tranh Việt Nam, để lại những tác động lâu dài và nặng nề hơn, đòi hỏi sự can thiệp và quan tâm tích cực của nhà nước.
Thuốc diệt cỏ của Mỹ đã phá hủy nhiều diện tích rừng và đất trồng trọt của Việt Nam (nhiều trong số đó vẫn không thể canh tác được cho đến ngày nay), phá vỡ hệ sinh thái và ô nhiễm nguồn thực phẩm. Việt Nam tuyên bố rằng khoảng 4,8 triệu người Việt Nam có thể đã bị phơi nhiễm chất độc da cam, 3 triệu người trong số đó mắc bệnh hoặc tàn tật. Hơn nữa, ảnh hưởng sức khỏe của chất độc da cam có thể truyền sang con cháu của những người bị phơi nhiễm dioxin, gây ra dị tật bẩm sinh. Hiện có tới 4 thế hệ nạn nhân, và không rõ khi nào thì hậu quả mới dừng lại. Là một thảm họa sinh thái và nhân đạo với quy mô lớn, vấn đề chất độc da cam không thể bị bỏ qua và xem nhẹ.
Do đó, tẩy độc dioxin và hỗ trợ nạn nhân từ lâu đã nằm trong các ưu tiên quốc gia của Việt Nam. Bên cạnh những nỗ lực của mình, Việt Nam huy động hỗ trợ về y tế, tài chính, công nghệ và nâng cao năng lực từ các quốc gia khác và các tổ chức quốc tế. Hà Nội mong muốn có thêm nguồn lực từ các công ty sản xuất chất độc da cam để giải quyết các tác động lâu dài của dioxin.
Mặt khác, nhận thức của người dân cũng như những tác động đến con người của bạo lực do lính Hàn gây ra ở Việt Nam là tương đối hạn chế. Do đó, chính phủ có thể lựa chọn cách tiếp cận kiềm chế hơn. Đó là tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh và phản đối những nhận định gây tranh cãi nhưng không yêu cầu đối tượng nào khắc phục hậu quả. Cách tiếp cận như vậy cho phép Việt Nam duy trì quan hệ hữu nghị với Hàn Quốc, đồng thời bảo toàn ký ức chiến tranh nhằm phục vụ cho việc đoàn kết dân tộc.
Việt Nam đã gác lại quá khứ để hướng tới tương lai với các nước cựu thù. Tuy nhiên, câu chuyện về hai vụ kiện cho thấy các nạn nhân chiến tranh không chấp nhận việc công lý bị phớt lờ. Bên cạnh đó có thể thấy quá trình hòa giải của Hà Nội với Washington và Seoul về cơ bản là khác nhau. Nhưng hai quá trình này có một điểm chung: các cuộc đấu tranh đòi công lý sẽ tiếp tục cho đến khi những hành động tàn bạo trong quá khứ được công nhận và trách nhiệm được quy kết.
Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên The Diplomat.