Tương lai quan hệ Việt-Trung và Việt-Mỹ

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Nguyễn Quang Dy

Ngay sau khi Đại hội 20 của ĐCSTQ vừa bế mạc (23/10), Hà Nội đã thông báo (25/10) TBT Nguyễn Phú Trọng sẽ đi thăm chính thức Trung Quốc (30/10-2/11/2022). Theo thông lệ, chuyến thăm chính thức của nguyên thủ hay lãnh đạo đảng thường được chuẩn bị trước đó hàng tháng. Tuy không bất ngờ, nhưng thời điểm và bối cảnh của chuyến thăm này có hàm ý quan trọng đối với tương lai quan hệ Việt-Trung cũng như quan hệ Việt-Mỹ.

Theo nguồn tin Reuters, kim ngạch buôn bán hai chiều Việt – Trung trong 9 tháng đầu năm 2022 tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 132,3 tỷ USD, trong đó gần 70% là Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc. Nay Việt Nam là đối tác thường mại lớn nhất của Trung Quốc tại Đông Nam Á, và Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

***

TBT Tập Cận Bình đã sang thăm Việt Nam sau khi bắt đầu nhiệm kỳ hai (11/2017). Nay TBT Nguyễn Phú Trọng đi thăm Trung Quốc ngay sau khi ông Tập bắt đầu nhiệm kỳ ba, không chỉ đáp lại về lễ tân mà còn khẳng định tầm quan trọng của quan hệ Việt-Trung. Ông Trọng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên tới Bắc Kinh chúc mừng ông Tập sau “lễ đăng quang” có hàm ý quan trọng, trong bối cảnh chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ.

Sau chuyến thăm Trung Quốc (1/2017) nhân dịp kỷ niệm 67 năm quan hệ ngoại giao hai nước, và sau Đại hội 13 (1/2021), TBT Nguyễn Phú Trọng chưa đi thăm Trung Quốc vì “lý do sức khỏe”. Vì vậy, đây là một dịp để TBT Nguyễn Phú Trọng vận dụng “ngoại giao cây tre”, và chứng tỏ sức khỏe của mình tốt hơn trước, có thể đến thăm Bắc Kinh, và biết đâu có thể đi thăm Washington vào một dịp khác mà Trung Quốc khó phản đối.

Trong chuyến thăm của chủ tịch nước Trương Tấn Sang (7/2013), Việt Nam và Mỹ đã trở thành “đối tác toàn diện”. Tiếp theo, chuyến thăm của TBT Nguyễn Phú Trọng (7/2015) được Tổng thống Obama tiếp đón tại Nhà Trắng như nguyên thủ quốc gia, là cột mốc lịch sử trong quan hệ Việt-Mỹ. Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama (5/2017) đã tháo gỡ rào cản cuối cùng về cấm vận vũ khí, để hai nước trở thành đối tác chiến lược.

Nhưng rào cản lớn nhất trong quan hệ Việt-Mỹ chính là “yếu tố Trung Quốc”. Tuy quan hệ Việt-Mỹ đã có những bước tiến rất xa, nhưng đến nay hai nước vẫn chưa chính thức nâng cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược” như thực chất và mong đợi. Tuy TBT Nguyến Phú Trọng chưa đi thăm Mỹ vào năm 2019 theo lời mời của Tổng thống Trump vì “lý do sức khỏe”, nhưng ai cũng hiểu lý do chính là vì “yếu tố Trung Quốc”.

Sau khi Tập Cận Bình lên cầm quyền (năm 2012) nguồn vốn của Mỹ và phương Tây đã liên tục đổ vào Trung Quốc. Nhưng trong 10 năm tiếp theo, Tập đã tìm cách loại bỏ ảnh hưởng phương Tây một cách triệt để và có hệ thống, để trật tự kinh tế dựa trên ý thức hệ. Điều khiến “lễ đăng quang” của Tập trở thành “món quà” đối với phương Tây là ông đã lật ngửa các quân bài của mình, và át chủ bài duy nhất vẫn là lịch trình “thống nhất” Đài Loan.

Trong bối cảnh Mỹ tập hợp lực lượng để đối phó với Trung Quốc và tìm cách lôi kéo Việt Nam thành đối tác chiến lược, Việt Nam bị mắc kẹt vào thế lưỡng nan, buộc phải chơi cờ thế với chính sách “ba không” và “không chọn phe”. Chiến tranh Urkaine đã đẩy Nga và Trung Quốc thành đồng minh “không giới hạn”, nên Việt Nam càng phải “đa dạng hóa quan hệ” để không bị bất ngờ và giảm lệ thuộc vào Nga và Trung Quốc.

Chuyến thăm Trung Quốc của TBT Nguyễn Phú Trọng không chỉ nhằm củng cố quan hệ Việt-Trung mà còn tạo cơ hội để tăng cường quan hệ Việt-Mỹ mà Trung Quốc khó phản đối, vì Việt Nam vẫn kiên trì chủ trương “cân bằng chiến lược” và “không chọn phe”. Nếu Tổng thống Joe Biden không đến thăm Việt Nam cuối năm nay thì TBT Nguyễn Phú Trọng có thể thăm Mỹ để tạo cơ hội nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ thành đối tác chiến lược.

Dư luận cho rằng sau chuyến thăm Bắc Kinh để củng cố quan hệ Việt-Trung, nếu Hà Nội không tăng cường được quan hệ Việt-Mỹ để tạo cơ hội cho đối tác chiến lược như dư luận hai nước mong đợi thì chứng tỏ Việt Nam ngả theo Trung Quốc. Nếu sắp tới Tổng thống Biden không đến thăm Việt Nam hay TBT Nguyễn Phú Trọng không đi thăm Mỹ, thì chứng tỏ “ngoại giao cây tre” và chuyến thăm Trung Quốc không thực sự hiệu quả.

***

Tập Cận Bình tập trung quyền lực như vậy sẽ tác động lớn đến an ninh và ổn định khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tuy các chuyên gia Mỹ, Nhật, Ấn, Úc lo ngại Trung Quốc có thể tấn công Đài Loan, nhưng “Việt Nam mới là nước khu vực bị mắc kẹt về an ninh trước một Trung Quốc hung hăng dưới thời Tập Cận Bình”. Sau khi Tập lên cầm quyền năm 2013, quan hệ Viêt-Trung xấu đi nhanh chóng, và Biển Đông ngày càng căng thẳng.

Chừng nào Việt Nam chưa hiện đại hóa quân đội và chưa có thỏa thuận an ninh chính thức với Mỹ, thì Hà Nội có thể gặp rủi ro khi một mình đối đầu với nước láng giềng khổng lồ đầy tham vọng. Trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc cực đoan trỗi dậy tại Trung Quốc, với một chính thể độc tài cá nhân như hiện nay, có nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ tiếp tục bắt nạt Việt Nam và xô đẩy Hà Nội trở thành đối tác chiến lược của Mỹ.

Gần đây, Hà Nội chọn thời điểm Việt Nam họp Hội nghị Trung ương 6 và Trung Quốc chuẩn bị họp đại hội 20 để xử lý vụ đại án Vạn Thịnh Phát và bắt Trương Mỹ Lan, sau khi đã xử lý các vụ khác cũng có yếu tố Trung Quốc như Việt Á và FLC. Tại sao Hà Nội không xử lý Vạn Thịnh Phát sớm hơn? Nhiều người lý giải rằng muốn xử lý được vụ Vạn Thịnh Phát thì Hà Nội phải tìm cách hóa giải được “yếu tố Trung Quốc” chống lưng cho tập đoàn này.

Dư luận cho rằng đằng sau tập đoàn Vạn Thịnh Phát là thế lực phương Bắc, cụ thể là phe nhóm Chu Vĩnh Khang (trùm an ninh và dầu khí). Một là Hà Nội phải chờ thời điểm thuận lợi trong cuộc thanh trừng phe phái tại Bắc Kinh để hóa giải sự chống lưng đó. Hai là Việt Nam cũng chủ trương “đốt lò” chống tham nhũng như Trung Quốc “đả hổ diệt ruồi”. Ba là Việt Nam cũng xử lý các tập đoàn tư nhân lũng đoạn nhà nước như Trung Quốc.

Nói cách khác, Việt Nam và Trung Quốc có sự tương đồng về thể chế chính trị độc đảng. Nay TBT Tập Cận Bình và TBT Nguyễn Phú Trọng đã giành được vị thế lãnh đạo “cốt lõi” và độc tôn, nên có thể thay đổi quy định của đảng để làm nhiệm kỳ thứ ba. Trung Quốc và Việt Nam đều chủ trương chống tham nhũng để củng cố chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền lực cá nhân. Cả hai nước đều tiến hành xử lý mạnh các tập đoàn tư nhân lũng đoạn nhà nước.

Trong các mối bang giao quốc tế, quan hệ Việt-Trung là quan trọng nhất và cũng nan giải nhất, không chỉ hiện nay mà trong suốt lịch sử hàng nghìn năm. Đó là quan hệ láng giềng “núi liền núi, sông liền sông” không thể thay đổi được như một “định mệnh”. Nó quyết định vị trí địa chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á và Biển Đông, đặt Việt Nam vào thế mắc kẹt giữa hai siêu cường đang tranh giành quyền lực.

Không phải ngẫu nhiên mà cả Thái Lan và Việt Nam đều vận dụng “ngoại giao cây tre” để tồn tại giữa hai siêu cường thường xung đột hay hòa hoãn với nhau như “hai con voi trong cửa hàng đồ sứ”, có thể gây tai họa cho các nước láng giềng nhỏ hơn. Đó là tình thế lưỡng nan không chỉ với Việt Nam mà còn với một số nước ASEAN khác. Họ buộc phải “không chọn phe” và chơi cờ thế để “cân bằng chiến lược”.

Hình ảnh ông Hồ Cẩm Đào bị cưỡng chế đưa ra khỏi lễ đường trước khi Đại hội 20 của ĐCSTQ bế mạc là một động thái chưa từng có tiền lệ. Điều đó có mấy hàm ý: Một là nó khẳng định vai trò lãnh đạo độc tôn của Tập Cận Bình như “hoàng đế Trung Hoa”. Hai là nó khẳng định từ nay Tập Cận Bình không cần đến các vị nguyên lão. Ba là nó răn đe bất cứ ai dám có ý định chống đối lại Tập Cận Bình.

Nay Tập Cận Bình, Lý Cường, Triệu Lạc Tế, Vương Hộ Ninh, Thái Kỳ, Đinh Tiết Tường, Lý Hy đã trở thành uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị. Bốn người mới từng làm việc dưới quyền của Tập từ trước năm 2012. Đối với Tập, trung thành là yếu tố quan trọng nhất. Vì vậy, Lý Khắc Cường, Uông Dương và Hồ Xuân Hoa đã bị loại và cuộc thanh trừng triệt để đã xong. Nay Lý Cường sẽ thay Lý Khắc Cường làm thủ tướng.

***

Về kinh tế, Trung Quốc đã phát triển thần kỳ, trở thành siêu cường kinh tế thứ hai trên thế giới, nhưng về chính trị, Tập Cận Bình đã quay ngược lịch sử, trở lại mô hình độc tài như thời Mao Trạch Đông hay hoàng đế Trung Hoa. Hai thái cực đó sẽ tạo ra dòng xoáy trái chiều như một cái “hố đen” hay một cái bẫy lớn. Về đối ngoại, quyết định bỏ chủ trương “giấu mình chờ thời” và thách thức Mỹ, là một sai lầm chiến lược của Tập Cận Bình.

Về lâu dài, đó không phải là sức mạnh tiềm tàng mà là “gót chân Asin” của Trung Quốc, có thể biến thành quả hiện nay thành “lâu đài bằng giấy”. Dù Trung Quốc có xuất khẩu mô hình phát triển của họ hay không, Việt Nam cần tìm cách “thoát Trung”. Trong nhiều năm tới, Trung Quốc vẫn là đối thủ chiến lược của Mỹ và phương Tây, nên Việt Nam cần khôn khéo để tránh bị mắc kẹt vào cuộc cạnh tranh chiến lược đó.