Tại sao Mỹ nên cân nhắc lại chính sách xoay trục sang châu Á?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Loren Thompson, “Five Reasons The Ukraine War Could Force A Rethink Of Washington’s Pivot To Asia”, Forbes, 21/06/2022.

Biên dịch: Trần Hoàng Minh Quân

Việc Nga xâm lược Ukraine đã làm phức tạp hóa rất nhiều các tính toán ngoại giao và quân sự của Mỹ, nhưng dường như điều đó không làm thay đổi niềm tin chính thức của Washington rằng Trung Quốc là mối đe dọa lớn hơn.

Một tờ thông tin về chiến lược quốc phòng của chính quyền Biden do Lầu Năm Góc phát hành đã mô tả cách tiếp cận của Hoa Kỳ để ngăn chặn xâm lược là “ưu tiên thách thức mà CHND Trung Hoa gây ra ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, sau đó là thách thức mà Nga gây ra ở châu Âu.”

Cách xếp thứ tự các mối đe dọa trong tương lai như vậy có thể không tồn tại hết nhiệm kỳ chính quyền Biden, bởi vì cuộc xâm lược mà Vladimir Putin đã gây ra ở Đông Âu là một vấn đề quân sự cấp bách hơn bất cứ điều gì Bắc Kinh đang làm ở Đông Á. Putin mô tả cuộc xâm lược Ukraine là dấu hiệu báo trước sự xuất hiện của một trật tự thế giới thay thế – một trật tự thế giới mà Mỹ không thống trị.

Putin cũng hiếm khi bỏ lỡ cơ hội nhắc nhở thế giới rằng Nga sở hữu kho vũ khí hạt nhân có khả năng xóa sổ phương Tây trong vài giờ. Kiểu luận điệu đó vượt xa bất cứ điều gì mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói trước công chúng.

Nói thì dễ, nhưng cũng có nhiều lý do thực chất hơn để thấy rằng cần phải đánh giá lại chính sách xoay trục sang châu Á của Washington. Sau đây là năm trong số các lý do đó.

Địa lý

Trung Quốc và Nga có lịch sử xây dựng đế chế giống nhau kéo dài nhiều thế kỷ, nhưng hoàn cảnh địa lý quyết định các mục tiêu an ninh của họ là khác nhau. Nước Nga thuộc châu Âu chiếm một đồng bằng rộng lớn trải dài gần như không bị đứt đoạn, từ dãy Ural đến Biển Bắc. Có ít rào cản địa hình đối với việc Nga mở rộng về phía Tây.

Trong khi đó, Trung Quốc bị bao vây ở mọi phía bởi những trở ngại địa lý lớn – núi, sa mạc, và tất nhiên là Thái Bình Dương. Một lý do khiến Đài Loan nổi bật trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Washington là đảo quốc nhỏ bé này là nơi duy nhất mà quân đội Bắc Kinh có thể tìm cách chiếm đóng một cách khả dĩ trong thập niên này.

Điều này không đúng với Nga: nếu không có sự phòng thủ đáng tin cậy của phương Tây, quân đội nước này có thể di chuyển để chiếm bất kỳ quốc gia láng giềng nào, từ Moldova đến Phần Lan. Luận điệu của Putin khuyến khích niềm tin rằng Ukraine có thể chỉ là bước khởi đầu trong một kỷ nguyên xây dựng đế chế mới. 

Lãnh đạo

Tập Cận Bình và Vladimir Putin đều là những nhà độc tài lớn tuổi, những người miễn cưỡng từ bỏ quyền lực. Kêu gọi sự phẫn nộ của dân chúng đối với những sai trái trong quá khứ được cho là do các thế lực nước ngoài gây ra là một trong những công cụ trong nỗ lực của họ để tiếp tục nắm quyền.

Tuy nhiên, cách tiếp cận của Tập trong việc phát triển tầm vóc toàn cầu của Bắc Kinh dựa trên một kế hoạch nhiều mặt, không tập trung chủ yếu vào sức mạnh quân sự. Cách tiếp cận của Putin trong những năm gần đây lại tập trung vào việc sử dụng vũ lực để giành lại lãnh thổ đã mất.

Ishaan Tharoor viết trên tờ Washington Post rằng tư duy tân đế quốc của Putin được dựa trên “một câu chuyện về vận mệnh huyền thoại thay thế mọi mệnh lệnh địa chính trị, và điều này đã khiến Nga rơi vào một lộ trình va chạm với phương Tây”.

Tập chắc chắn có quan niệm riêng về vận mệnh hiển nhiên của Trung Quốc, nhưng đó không phải là việc chiếm các lãnh thổ khác ngoài Đài Loan. Không giống như Putin, người tự ví mình với nhà chinh phạt Peter Đại đế, Tập không muốn so sánh mình với các hoàng đế nhà Thanh, những người đã tăng gấp đôi diện tích của Trung Quốc. Sự thành công của kế hoạch của ông không phụ thuộc vào việc chinh phục công khai các quốc gia láng giềng.

Đặc điểm của mối đe dọa

Mối bận tâm của Putin với các khía cạnh quân sự của quyền lực một phần bắt nguồn từ sự yếu kém của các công cụ khác mà ông có. Nền kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên của Nga, vốn chủ yếu phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch, không đủ sức cạnh tranh với phương Tây về công nghệ tiên tiến.

Trong bất kỳ cuộc chiến tranh quy ước nào với phương Tây, Nga sẽ nhanh chóng bị đánh bại do thiếu các nguồn lực kinh tế và vũ khí tinh vi. Do đó, việc Putin thường xuyên ám chỉ đến kho vũ khí hạt nhân của Moscow là một biểu hiện của sự yếu kém, phản ánh rằng ngay cả trong lĩnh vực quân sự, quốc gia của ông cũng không thể sánh được với các đối thủ phương Tây, miễn là họ vẫn còn thống nhất.

Câu chuyện của Bắc Kinh thì khác. Kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001, Trung Quốc đã trở thành cường quốc công nghiệp lớn nhất thế giới, vượt qua năng lực sản xuất của Mỹ, Nhật Bản và Tây Âu cộng lại. Năng lực công nghệ nội địa của nước này đã đạt được những tiến bộ ổn định, và trong một số lĩnh vực hiện đang dẫn đầu thế giới.

Nếu Trung Quốc chỉ đơn giản là đi tiếp con đường kinh tế mà họ đã thiết lập trong hai thập kỷ qua, nước này sẽ trở thành cường quốc thống trị toàn cầu ngay cả khi không có quân đội hạng nhất. Đó không phải là một lựa chọn cho Nga. Những nỗ lực của họ để theo kịp các cường quốc khác đã bị phá sản, và do đó, chỉ còn lại quân đội để theo đuổi giấc mơ khôi phục lại sự vĩ đại của Putin.

Cường độ của mối đe dọa

Mặc dù Trung Quốc đang nhanh chóng xây dựng lực lượng, nhưng mối đe dọa quân sự mà nước này gây ra bên ngoài Đài Loan phần lớn chỉ là giả thuyết. Trong trường hợp của Nga, mối đe dọa quân sự là rõ ràng và có thể tồn tại trong nhiều thế hệ.

Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đều cảnh báo trong tuần trước rằng cuộc chiến Ukraine có thể tiếp tục trong một thời gian dài, có thể là nhiều năm. Ngay cả khi các cuộc xung đột chấm dứt, quân đội Nga vẫn sẽ ngồi bên cạnh biên giới của sáu quốc gia thành viên NATO.

Do đó, nguy cơ chiến tranh sẽ không biến mất ở châu Âu bất kể chiến dịch xâm lược mới nhất của Putin diễn ra như thế nào. Cường độ của cuộc xung đột hiện nay khiến các động thái của Moscow là không thể bỏ qua, trong khi mối đe dọa quân sự do Trung Quốc gây ra ở Tây Thái Bình Dương là ít rõ ràng hơn.

Ngay cả khi sự bành trướng quân sự hiện tại của Bắc Kinh tiếp tục, thách thức chính mà Trung Quốc gây ra sẽ tiếp tục là về khía cạnh kinh tế và công nghệ. Dù sức mạnh quân sự của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương có lớn tới đâu cũng sẽ không thay đổi được thực tế là Trung Quốc thường xuyên thương mại hóa các sáng tạo ​​mới trước Mỹ, và số sinh viên STEM tốt nghiệp từ các trường đại học của nước này nhiều gấp 8 lần của Mỹ.

Khả năng ứng phó mối đe dọa

Dù Trung Quốc gây ra đe dọa quân sự trong khu vực, các giải pháp tương đối dễ hình dung. Ví dụ, triển khai thường trực một lữ đoàn thiết giáp của Quân đội Hoa Kỳ tới Đài Loan có lẽ sẽ đủ để ngăn chặn một cuộc xâm lược từ Trung Hoa “Đại lục”.

Các giải pháp ở châu Âu khó khăn hơn nhiều, bởi vì khoảng cách rộng lớn và rào cản địa lý ngăn cách các quốc gia như Nhật Bản với Trung Quốc không tồn tại ở châu Âu. Một cuộc tấn công chớp nhoáng của Moscow vào một số nước láng giềng có thể thành công trước khi Mỹ kịp huy động lực lượng. Và bất kỳ phản ứng nào của phương Tây cũng sẽ phải cân nhắc đến sự hiện diện của hơn một nghìn vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga trong khu vực.

Do đó, mối đe dọa do Nga gây ra ở Đông Âu sẽ ngày càng áp đảo các tính toán chiến lược của Washington. Trung Quốc, vốn có nhiều lựa chọn hơn và một ban lãnh đạo tinh tế hơn, sẽ có thể tiếp tục trỗi dậy ở phương Đông mà không làm dấy lên những mối quan ngại mà Putin đã gây ra.

Do đó, mục tiêu xoay trục sang châu Á của Lầu Năm Góc có khả năng bị loãng đi, ngay cả khi luận điệu của Washington chỉ ra điều ngược lại.

Loren Thompson từng là Phó Giám đốc Chương trình Nghiên cứu An ninh tại Đại học Georgetown và giảng dạy các khóa học sau đại học về chiến lược, công nghệ và các vấn đề truyền thông tại đây. Hiện ông đang là Giám đốc điều hành của Viện Lexington phi lợi nhuận và Giám đốc điều hành của Source Associates.