Nguồn: “What is annexation?”, The Economist, 30/09/2022
Biên dịch: Phạm Thị Hồng Nhung
Vladimir Putin đã đưa ra một yêu sách sai trái đối với lãnh thổ thuộc chủ quyền của Ukraine.
Ngày 30/09, Vladimir Putin đã ký ban hành luật sáp nhập 4 tỉnh thuộc Ukraine đang bị Nga chiếm đóng một phần – gồm Kherson, Zaporizhia, Donetsk, và Luhansk. Những cuộc trưng cầu dân ý giả được tiến hành trước mũi súng và có ít tính chính đáng. Theo điện Kremlin, ở mỗi tỉnh có ít nhất 87% cử tri (và 99% tại Donetsk – một con số vô lý) đã bỏ phiếu ủng hộ việc vùng đất nơi họ sinh sống trở thành một phần của Nga. Trong bài phát biểu, Putin đã không sử dụng từ “sáp nhập” (annex) nhưng tuyên bố rằng các vùng lãnh thổ trên (chiếm khoảng 17% lãnh thổ Ukraine) sẽ trở thành “những công dân của chúng ta mãi mãi”. Trên thực tế Nga không có quyền sở hữu vùng đất ấy, và tuyên bố năm 2014 đối với bán đảo chiến lược Crimea cũng thế. Nhưng trong cả 2 tình huống, Putin đã dùng từ “tái thống nhất” (reunification) chứ không phải “sáp nhập” (annexation) để nói về hành động phi pháp của mình. Vậy “sáp nhập” là gì, và vì sao việc sử dụng đúng từ ấy lại quan trọng?
Theo luật quốc tế, sáp nhập là hành vi cưỡng chế của một quốc gia nhằm áp đặt kiểm soát và chủ quyền của mình lên lãnh thổ của một quốc gia khác, thường xảy ra sau việc chiếm đóng quân sự. Hành vi này mang tính đơn phương: việc kiểm soát lãnh thổ được tuyên bố bởi nước chiếm đóng, trong khi nước còn lại không có tiếng nói (nếu nước còn lại nhường quyền kiểm soát cho một nước khác, tình huống đó gọi là “nhượng địa” – cession). Nga cho rằng 4 tỉnh Ukraine mà mình sáp nhập đã nhượng lại quyền kiểm soát cho Moscow, theo kết quả các cuộc trưng cầu dân ý giả. Ở Nga, hành động này được xem như sự sửa chữa sai lầm của lịch sử. Putin nhiều lần nói rằng người Nga và người Ukraine là một dân tộc thống nhất với di sản chung từ thời Kiev Rus’ – một liên minh chính trị thời Trung cổ bao gồm Belarus, Ukraine và một phần của Nga ngày nay. Đó chỉ là lời giải thích suông cho một cuộc chiến tranh xâm lược mang tính đế quốc.
Từ năm 1945 trở đi, có rất ít lãnh đạo chinh phục và sáp nhập toàn bộ các quốc gia khác (cuộc xâm lược Kuwait năm 1990 của Saddam Hussein là ngoại lệ hiếm hoi và nhanh chóng bị lật ngược). Tuy nhiên, nhiều nước đã mở rộng lãnh thổ bằng cách sáp nhập một phần nhỏ đất đai thuộc các nước khác. Sự sáp nhập chỉ được hợp thức hóa khi được công nhận bởi các nước khác và bởi các cơ quan quốc tế như Liên Hiệp Quốc hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Ấn Độ biện minh cho việc sáp nhập Goa của mình vào năm 1961 là “lấy lại” lãnh thổ vốn thuộc về nước này trong lịch sử trước khi trở thành thuộc địa của Bồ Đào Nha, và Liên Hiệp Quốc đã công nhận các tuyên bố chủ quyền ấy gần như ngay lập tức.
Ngược lại, hành động sáp nhập cao nguyên Golan (thuộc Syria) của Israel năm 1981 cùng với việc sáp nhập Tây Sahara của Morocco năm 1976 và 1979 vẫn chưa được công nhận và vẫn bị là sự chiếm đóng bất hợp pháp. Tương tự, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc không công nhận yêu sách của Nga đối với Crimea. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói rằng nước của ông sẽ “không bao giờ” (never, never, never) công nhận hành động sáp nhập gần đây của Nga.
Điều đó sẽ không thể cản bước Putin. Ông tuyên bố bác bỏ những “luật lệ ngụy tạo” của phương Tây, và chơi bằng luật riêng của mình. Sau khi sáp nhập một số vùng của Ukraine, Putin có thể tuyên bố một cách hùng hồn rằng khi lực lượng Nga chiến đấu chống lại người Ukraine trên đất Ukraine, thực chất họ đang bảo vệ lãnh thổ Nga. Trong tương lai, chiến thuật tương tự có thể được lặp lại ở nơi khác: quân đội Nga đã chiếm đóng các vùng thuộc Gruzia và Moldova.