Chuyển động Quốc Phòng (18/11 – 24/11/2022)

Thực hiện: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Chiến tranh Nga – Ukraine

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi

Chuyên mục Phân tích

Chiến tranh Nga – Ukraine:

Biden kêu gọi cân nhắc lại việc hỗ trợ máy bay không người lái Grey Eagle cho Ukraine

Một nhóm lưỡng đảng gồm 16 thượng nghị sĩ Mỹ yêu cầu chính quyền Biden xem xét cẩn thận đề xuất cung cấp máy bay không người lái Grey Eagle cho Ukraine để chống lại Nga. Chính quyền Biden cho đến nay đã từ chối yêu cầu cung cấp máy bay không người lái Grey Eagle, loại máy bay có trần hoạt động là 8.800 mét và có thể bay trong hơn 24 giờ, dựa trên những lo ngại rằng chúng có thể bị bắn hạ và có thể làm leo thang xung đột. Khi Nga sử dụng càng nhiều máy bay không người lái tự sát và tấn công cơ sở hạ tầng dân sự, Ukraine đã kêu gọi Mỹ cung cấp cho họ những máy bay không người lái uy lực để giành lợi thế trong cuộc xung đột.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Biden urged to rethink Ukraine’s request for Gray Eagle drones. Truy cập ngày 23/11/2022

Nga tập kích tên lửa với quy mô lớn nhất từ trước tới nay, TT Zelensky yêu cầu LHQ trừng phạt Nga

Một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cho biết việc Nga gia tăng các cuộc tấn công bằng tên lửa vào Ukraine nhằm làm cạn kiệt năng lực phòng không của Kiev và cuối cùng thống trị vùng trời nước này. Nga đã tấn công các thành phố trên khắp Ukraine bằng các cuộc tấn công tên lửa trong tuần qua, một trong những đợt tấn công tên lửa nặng nề nhất kể từ khi Moscow bắt đầu cuộc xâm lược gần 9 tháng trước. Ukraine cho biết các cuộc tấn công đã làm tê liệt gần một nửa hệ thống năng lượng của Ukraine, tạo ra một thảm họa nhân đạo tiềm ẩn khi mùa đông bắt đầu.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm thứ Sáu cho biết các vấn đề về cung năng lượng vẫn tồn tại ở thủ đô và 17 khu vực khác, ngay cả khi các quan chức nói rằng đã khôi phục điện trên toàn quốc. Các nhà cung cấp năng lượng phải áp dụng rộng rãi việc cắt giảm khẩn cấp để đối phó với nguồn cung bị suy giảm, nghĩa là các khu vực chỉ nhận một lượng năng lượng hạn chế và đôi khi bị cắt điện nhằm mục đích ổn định và duy trì mạng lưới mỏng manh.

Tổng thống Ukraine cũng đã kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ hành động chống lại các cuộc không kích của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự khiến các thành phố của Ukraine chìm trong bóng tối và lạnh giá một lần nữa khi mùa đông đến. Nga đã phóng một loạt tên lửa khắp Ukraine hôm thứ Tư, giết chết 10 người, buộc các nhà máy điện hạt nhân phải đóng cửa và cắt nguồn cung cấp nước và điện ở nhiều nơi. Tuy nhiên, Hội đồng Bảo an khó có thể thực hiện bất kỳ hành động nào để đáp lại kháng cáo vì Nga là thành viên có quyền phủ quyết.

Xem thêm tại: CNN, Zelensky says energy supply issues persist after Russian strikes. Truy cập ngày 19/11/2022; Reuters, Russia trying to exhaust Ukraine’s air defenses, Pentagon official says. Truy cập ngày 20/11/2022; SCMP, Ukrainians suffer in cold, darkness as Zelensky implores UN to punish Russia. Truy cập ngày 24/11/2022.

Quận Nikopol ở miền nam Ukraine bị Nga pháo kích trong đêm

Theo người đứng đầu chính quyền quân sự quận Nikopol Yevhen Yevtushenko cho biết các cuộc pháo kích của Nga vào quận Nikopol phía nam Ukraine từ đêm thứ Sáu đến thứ Bảy. Yevtushenko cho biết thêm rằng dù các tòa nhà dân cư và ô tô bị hư hại nhưng không có ai bị thương trong vụ pháo kích. Các chuyên gia hiện đang khảo sát các địa điểm xảy ra các cuộc tấn công trong các cộng đồng Marhanets và Myrove cũng như thành phố Nikopol. Quận Nikopol nằm ở vùng Dnipropetrovsk và nằm bên kia sông đối với nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia do Nga chiếm đóng.

Xem thêm tại: CNN, Nikopol district in southern Ukraine hit by Russian shells overnight, official says. Truy cập ngày 20/11/2022

Mỹ ép Ukraine cân nhắc đàm phán với Nga

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Tướng Mark Milley hôm thứ Tư cho biết hỗ trợ của Mỹ và đồng minh không hề giảm bớt nhưng nói thêm rằng thành công của Kyiv trong việc chống lại cuộc xâm lược của Nga giúp Kyiv có vị thế tốt hơn để bắt đầu đàm phán. Tuần vừa rồi tướng Milley đã so sánh tình hình hiện tại của cuộc chiến với Thế chiến thứ nhất, khi hai bên rơi vào thế bế tắc trong vòng vài tháng nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu trong ba năm nữa với cái giá của hàng triệu sinh mạng.

Xem thêm tại: Yahoo News, US pressures Ukraine to weigh talks with Russia. Truy cập ngày 19/11/2022

Mỹ gửi súng chống drone, đạn phòng không cho Ukraine

Lầu Năm Góc cho biết họ sẽ gửi cho Ukraine số lượng đạn dược, vũ khí và vật tư lên tới 400 triệu USD trong gói hỗ trộ mới nhất để giúp quốc gia này tự vệ trước Nga. Gói hỗ trợ an ninh được công bố hôm thứ Tư bao gồm nhiều đạn dược hơn cho hệ thống HIMARS, tên lửa chống bức xạ tốc độ cao (HARM), và 200 viên đạn pháo 155mm dẫn đường chính xác. Đợt viện trợ cũng bao gồm 150 khẩu súng máy hạng nặng với thiết bị quan sát ảnh nhiệt mà Ukraine có thể sử dụng để bắn hạ drone của Nga, cũng như 10.000 viên đạn cối 120mm và các loại đạn bổ sung cho Hệ thống tên lửa đất đối không NAMS. hệ thống phòng thủ phát triển bởi Na Uy và Mỹ.

Xem thêm tại: Defense News, US to send anti-drone machine guns, air defense ammunition to Ukraine. Truy cập ngày 24/11/2022

Thủ tướng Anh công bố hệ thống phòng không mới cho Ukraine

Trong chuyến thăm Ukraine lần đầu vào ngày 19 tháng 11 Thủ tướng Rishi Sunak cam kết sẽ tiếp tục sát cánh cùng người dân Ukraine trong cuộc chiến của họ với Nga. Gặp gỡ với Tổng thống Zelenskyy, ông xác nhận rằng Anh sẽ cung cấp một gói phòng không lớn mới để giúp bảo vệ thường dân và cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine khỏi sự tấn công dữ dội của Nga. Gói viện trợ quốc phòng trị giá 50 triệu bảng gồm 125 khẩu súng phòng không và công nghệ để chống lại drone tự sát do Iran sản xuất, bao gồm hàng chục radar và năng lực tác chiến điện tử khác.

Xem thêm tại: Defense Express, UK Prime Minister Announces New Air Defence for Ukraine. Truy cập ngày 20/11/2022

Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp tên lửa dẫn đường bằng laser cho Ukraine

Thổ Nhĩ Kỳ đã chuyển hàng chục tên lửa dẫn đường chính xác cao TRLG-230 cho Ukraine vào đầu mùa hè. Được phát triển bởi nhà sản xuất Roketsan của Thổ Nhĩ Kỳ, tên lửa TRLG-230 cỡ 230 mm có độ chính xác cao khi tiêu diệt mục tiêu trong phạm vi 20-70 km nhờ được trang bị hệ thống GPS và dẫn đường bằng laser. TRLG-230 có thể được kết hợp với nhiều bệ phóng tên lửa, gọi là MLRS, tương đương với hệ thống tên lửa HIMARS của Mỹ, vốn rất hiệu quả trong việc chống lại lực lượng Nga ở Ukraine.

Xem thêm tại: Middle East Eye, Turkey supplied laser-guided missiles to Ukraine. Truy cập ngày 24/11/2022

 

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương:

Người đứng đầu Lầu Năm Góc nêu quan ngại về hành vi ‘nguy hiểm’ của Bắc Kinh với người đồng cấp Trung Quốc

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trong cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc hôm thứ Ba nhấn mạnh rằng cần phải cải thiện liên lạc trong khủng hoảng đồng thời bày tỏ lo ngại về hành vi “ngày càng nguy hiểm” của các máy bay quân sự Trung Quốc. Cuộc gặp kéo dài khoảng 90 phút ở Campuchia là cuộc gặp đầu tiên của hai bộ trưởng kể từ chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi vào tháng 8 đã khiến Trung Quốc, vốn coi hòn đảo này là lãnh thổ của mình, nổi giận.

Xem thêm tại: Reuters, Pentagon chief raises concern about Beijing’s ‘dangerous’ behavior with Chinese counterpart. Truy cập ngày 23/11/2022

Mỹ muốn mở rộng sự hiện diện quân sự ở Philippines

Trong cuộc gặp với Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. hôm thứ Hai, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đến thăm Manila và nhắc lại cam kết “không lay chuyển” của Washington đối với đồng minh hiệp ước của mình. Việc đẩy nhanh thực hiện và mở rộng tiềm năng của Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA), sau khi bị trì hoãn dưới thời của cựu Tổng thống Rodrigo Duterte, là một trong những sáng kiến ​​chính được Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thảo luận trong chuyến thăm ba ngày của bà tại Phillipines. Các chuyên gia cho rằng chuyến thăm này không chỉ nhằm răn đe Bắc Kinh mà còn nhằm hàn gắn mối quan hệ đã rạn nứt dưới thời Duterte.

Xem thêm tại: Japan Times, U.S. aims to expand plans for military presence in Philippines. Truy cập ngày 22/11/2022

Mệnh giá của tàu khu trục thế hệ tiếp theo có thể cao hơn 1 tỷ USD so với ước tính của Hải quân Mỹ.

Tàu khu trục thế hệ tiếp theo của Hải quân Mỹ mang tên DDG(X) có thể có giá cao hơn khoảng 1 tỷ USD cho mỗi thân tàu so với dự đoán nội bộ của lực lượng này. Báo cáo hàng năm của Văn phòng Ngân sách Quốc hội được công bố vào ngày 11 tháng 11, cho thấy tàu khu trục tương lai sẽ có giá từ 3,1 tỷ USD đến 3,4 tỷ USD mỗi tàu, với khoảng từ 29 đến 47 tàu dự kiến ​​được mua sau khi bắt đầu sản xuất vào năm 2030. Trong khi đó, toàn bộ chương trình bắt đầu từ năm nay và kéo dài đến năm 2052 sẽ tiêu tốn khoảng từ 99 tỷ đến 146 tỷ USD.

Xem thêm tại: Breaking Def, Next-gen destroyer’s price tag could be $1B more than Navy’s estimates: CBO. Truy cập ngày 18/12/2022

Trung Quốc cho biết động cơ siêu thanh có thể đạt tốc độ Mach 9 bằng nhiên liệu máy bay giá rẻ

Các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc cho biết họ đã phát triển động cơ sóng kích nổ siêu âm đầu tiên trên thế giới có khả năng cung cấp năng lượng cho chuyến bay với tốc độ gấp 9 lần âm thanh bằng nhiên liệu máy bay chi phí thấp. Theo đó, một số thử nghiệm trên mặt đất đã được thực hiện tại đường hầm xung kích siêu thanh JF-12 ở Bắc Kinh vào đầu năm nay. Trung Quốc đã phát triển một số tên lửa siêu thanh, bao gồm DF-17 và YJ-21, có khả năng tấn công một tòa nhà hoặc tàu chiến đang di chuyển đủ nhanh để có thể tránh né được hầu hết các hệ thống phòng không hiện nay.

Xem thêm tại: SCMP, Chinese team says hypersonic engine can hit Mach 9 on low-cost jet fuel. Truy cập ngày 19/11/2022

Trung Quốc nối lại quan hệ đối tác hải quân chiến lược với các đối tác nước ngoài nhằm ‘hợp tác sâu sắc hơn’

Trung Quốc đã khởi động lại các hoạt động trao đổi quân sự với các đối tác nước ngoài sau khi quan hệ đối tác bị đình chỉ hơn một năm do đại dịch Covid-19. Hải quân TQ đã đưa tàu bệnh viện Peace Ark đến Indonesia để thực hiện sứ mệnh viện trợ nhân đạo kéo dài một tuần vào đầu tháng này. PLA sẽ cử một phái đoàn do một trong những tàu khu trục tiên tiến nhất của họ dẫn đầu để tham dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Sheikh Mujibur Rahman, tổng thống sáng lập của Bangladesh. Hôm thứ Sáu Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) đã gặp những người đồng cấp từ Indonesia và Singapore ở Thiểm Tây và cam kết PLA sẽ nối lại các hoạt động huấn luyện và tập trận chung lâu dài với hai thành viên ASEAN.

Xem thêm tại: SCMP, China resumes strategic naval partnerships with foreign counterparts, aims to ‘deepen cooperation’. Truy cập ngày 25/11/2022

Trung Quốc được cho là đã trả tiền để sĩ quan Đài Loan đầu hàng nếu chiến tranh bắt đầu

Đài Loan đang điều tra một sĩ quan bộ binh vì nghi ngờ anh ta nhận tiền hàng tháng từ Trung Quốc trong nhiều năm để thu thập thông tin tình báo và đầu hàng nếu chiến tranh nổ ra. Vụ việc nêu bật “mối đe dọa nghiêm trọng” do hoạt động gián điệp của Bắc Kinh gây ra. Vị đại tá đã nhận được 40.000 Đài tệ (1.280 USD) mỗi tháng từ Trung Quốc sau khi ông được một sĩ quan quân đội Đài Loan nghỉ hưu tuyển dụng làm gián điệp vào năm 2019. CNA đưa tin sĩ quan này bị tình nghi đã chụp một bức ảnh cầm lá thư có chữ ký hứa sẽ đầu hàng Trung Quốc nếu giao tranh nổ ra.

Xem thêm tại: Bloomberg, China Reportedly Paid Taiwan Officer to Surrender If War Started. Truy cập ngày 23/11/2022

Trung Quốc tăng cường chuẩn bị tấn công Đài Loan

Một báo cáo do Hội đồng Các vấn đề Đại lục (MAC) công bố một tuần trước khẳng định rằng việc bổ nhiệm hai tướng Hà Nguỵ Đông và Miêu Hoa từ Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Đông của PLA vào Quân ủy Trung ương cho thấy Bắc Kinh đang tăng cường chuẩn bị tấn công Đài Loan. Ông Tập đã thị sát Trung tâm chỉ huy tác chiến hỗn hợp và nhấn mạnh rằng mọi nỗ lực cần tập trung vào chiến đấu và khả năng giành chiến thắng cần được đẩy nhanh. Báo cáo cũng dự đoán rằng sau các cuộc tập trận không quân chung giữa Trung Quốc và Thái Lan vào tháng 8, thì những cuộc tập trận quân sự chung như vậy giữa PLA và các lực lượng ASEAN có thể bị bình thường hóa.

Xem thêm tại: Taiwan News, China strengthening preparations to attack Taiwan: Report. Truy cập ngày 22/11/2022

Đài Loan sản xuất 104 máy bay không người lái tự sát Chien Hsiang vào năm 2025

Đài Loan ra mắt “máy bay không người lái tự sát” Chien Hsiang vào tuần trước và công bố kế hoạch sản xuất 104 loại vũ khí này vào năm 2025. Tại cuộc họp báo ngày 15 tháng 11, Chi Li-ping, người đứng đầu Bộ phận Nghiên cứu Hệ thống Hàng không của Viện Khoa học và Công nghệ Chung-Shan (NCSIST) cho biết máy bay không người lái chống bức xạ Chien Hsiang đạt tầm bắn xa tới 1.000 km và có tốc độ từ 500 đến 600 km/h khi ở giai đoạn lao thẳng về phía mục tiêu. Chien Hsiang do NCSIST phát triển và ra mắt lần đầu tại Triển lãm Công nghệ Quốc phòng và Hàng không Đài Bắc năm 2019 và có hai biến thể: vũ khí chống bức xạ và “mồi nhử”.

Xem thêm tại: Taiwan News, Taiwan to produce 104 Chien Hsiang kamikaze drones by 2025. Truy cập ngày 22/11/2022

Bộ quốc phòng Đài Loan báo cáo hoạt động của quân đội Trung Quốc

BQP Đài Loan trên twitter đã báo cáo các động thái của Trung Quốc xung quanh khu vực với mốc thời gian như sau:

Ngày 18/11: 15 máy bay PLA và 3 tàu PLAN, 7 máy bay được phát hiện (J-10*4, Y-8 EW, BZK-007 và Y-8 ASW) đi vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) phía tây nam Đài Loan.

Ngày 19/11: 17 máy bay PLA và 3 tàu PLAN, 4 máy bay được phát hiện (J-10*3 và CH-4 UCAV RECCE) đã vượt qua đường trung tuyến của Eo biển Đài Loan và tiến vào ADIZ phía tây nam.

Ngày 20/11: 10 máy bay PLA và 3 PLAN, 3 máy bay được phát hiện (BZK-007 và J-10*2) đã đi vào ADIZ phía tây nam.

Ngày 21/11: 12 máy bay PLA và 4 tàu PLAN, 5 máy bay được phát hiện (H-6*5) đã đi vào ADIZ phía tây nam.

Ngày 22/11: 17 máy bay PLA và 4 tàu PLAN, 6 máy bay được phát hiện (J-10*4, Y-8 ASW và BZK-005 UAV RECCE) đã đi vào ADIZ phía tây nam.

Ngày 23/11: 3 máy bay PLA và 4 tàu PLAN, 2 máy bay được phát hiện (J-16*2 và KA-28 ASW) đã đi vào ADIZ phía tây nam và phía đông.

Ngày 24/11: 7 máy bay PLA và 4 tàu PLAN, máy bay được phát hiện (J-11*2) đã đi vào ADIZ phía tây nam.

Xem thêm tại: Twitter, Ministry of National Defense, R.O.C. Report. Truy cập ngày 18-24/11/2022

Tàu chiến Úc bị quân đội Trung Quốc khiêu khích gần quần đảo Trường Sa

Các quan chức Úc cho biết tàu khu trục HMAS Hobart và tàu chở dầu phụ trợ HMAS Stalwart đã đi gần quần đảo Trường Sa và bị Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) khiêu khích trong vùng biển quốc tế mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Sự việc diễn ra trong một “Triển khai hiện diện khu vực”, trong đó Hải quân Úc được hộ tống bởi tàu khu trục JS Kirisame của Nhật Bản và tàu khu trục USS Milius của Mỹ trong chuyến đi qua ba bên ở Biển Đông. Một nguồn giấu tên cho biết quân đội Trung Quốc đã theo dõi chặt chẽ các tàu và cho thấy sự nhạy bén trong chiến thuật và khả năng sử dụng EM (chiến tranh điện từ).

Xem thêm tại: ABC, Australian warships challenged by Chinese military near heavily fortified Spratly Islands. Truy cập ngày 18/11/2022

Triều Tiên tiếp tục phóng ICBM, có khả năng rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản

Chính phủ Nhật Bản cho biết Triều Tiên đã bắn thử một tên lửa liên lục địa (ICBM) hôm thứ Sáu và có khả năng rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản ngoài khơi lãnh thổ phía bắc của nước này. Thủ tướng Fumio Kishida lên án điều này là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada nói với các phóng viên rằng tên lửa có thời gian bay khoảng 69 phút, có khả năng bay xa hơn 15.000 km và tới đất liền Mỹ nếu được bắn theo quỹ đạo bình thường.

Chỉ vài giờ sau khi phóng tên lửa ICBM, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã cam kết sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để chống lại các mối đe dọa từ Mỹ. Theo yêu cầu của Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ Hội đồng Bảo an LHQ sẽ nhóm họp vào thứ Hai để thảo luận về vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên.

Trong cùng ngày Hàn Quốc đáp trả Triều Tiên với một cuộc tập trận tấn công tên lửa giả định của Triều Tiên bằng bom trên không dẫn đường bằng laze. Cuộc tập trận nhằm chứng minh khả năng của các máy bay chiến đấu F-35 (của Hàn Quốc) với khả năng tàng hình tiên tiến, lén lút tiếp cận mục tiêu mà không bị kẻ thù phát hiện và tấn công chính xác mục tiêu.

Xem thêm tại: Kyodo News, North Korea fires ICBM, likely lands in Japan’s exclusive economic zone. Truy cập ngày 19/11/2022; Korea Herald, S. Korea fires bombs at mock N. Korean missile launcher in response to ICBM launch. Truy cập ngày 19/11/2022;

Nhật Bản sắp đạt được thỏa thuận phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo với Anh, Ý

Nhật đã bước vào giai đoạn đàm phán cuối cùng với Anh và Ý để cùng phát triển và chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo đánh dấu một bước ngoặt khi Nhật hướng tới hợp tác quốc phòng ngoài Mỹ. Tokyo cũng sẽ xem xét sửa đổi các quy tắc xuất khẩu của mình để cho phép bán thiết bị quốc phòng ra nước ngoài với hy vọng giảm chi phí phát triển máy bay mới và thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng trong nước. Máy bay mới dự kiến ​​sẽ là phiên bản kế nhiệm của Mitsubishi F-2 được phát triển chung với Lockheed Martin. Công ty công nghiệp nặng Mitsubishi của Nhật Bản, gã khổng lồ hàng không và quốc phòng BAE Systems của Anh và nhà thầu quốc phòng Leonardo S.p.A. của Ý sẽ giám sát quá trình phát triển.

Xem thêm tại: Asia Nikkei, Japan nears deal to develop next-generation fighter with U.K., Italy. Truy cập ngày 20/11/2022

Canada tăng cường hiện diện quân sự ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc

Bộ trưởng Quốc phòng Anita Anand cho biết hôm thứ Sáu rằng Canada sẽ tăng cường hiện diện quân sự ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như một phần trong chiến lược sắp tới tại khu vực nhằm giúp chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Canada coi quan hệ với các nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là quan trọng đối với an ninh quốc gia cũng như các mục tiêu kinh tế và môi trường của mình. Đầu tháng này, Ngoại trưởng Melanie Joly cho biết chiến lược mới sẽ nhằm thách thức Trung Quốc về các vấn đề bao gồm vi phạm nhân quyền, đồng thời hợp tác với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới về biến đổi khí hậu và các mục tiêu chung khác.

Xem thêm tại: SCMP, Canada to increase military presence in Indo-Pacific to counter China influence: defence minister. Truy cập ngày 20/11/2022

 

Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc thu giữ mảnh vỡ tên lửa từ hải quân Philippines

Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã dùng vũ lực thu giữ các mảnh vỡ tên lửa trôi nổi trên biển mà hải quân Philippines đang kéo đến đảo của họ. Các mảnh vỡ dường như từ một vụ phóng tên lửa của Trung Quốc. Phó Đô đốc Alberto Carlos cho biết tàu Trung Quốc đã hai lần chặn tàu hải quân Philippines trước khi thu giữ mảnh vỡ mà tàu này đang kéo vào Chủ nhật ngoài khơi đảo Thị Tứ do Philippines chiếm đóng. Đây là vụ căng thẳng mới nhất trong các tranh chấp lãnh thổ sôi sục từ lâu trên tuyến đường biển chiến lược, liên quan đến Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

Xem thêm tại: ABC News, Chinese coast guard seizes rocket debris from Filipino navy. Truy cập ngày 22/11/2022

Tiếng nổ phát ra từ đảo Thị Tứ sau cuộc chạm trán trên biển của Phillipines và Trung Quốc

Cư dân của đảo Thị Tứ (Pag-asa) do Philippines chiếm đóng ở Biển Tây Philippines đã nghe thấy một loạt tiếng nổ vào hôm Chủ nhật vừa qua. Cảnh sát địa phương cho biết “những âm thanh lặp đi lặp lại” được cho là phát ra từ “vũ khí/pháo” từ đà Su Bi do Trung Quốc chiếm giữ, một trong số bảy đảo nhân tạo lớn nhất do Bắc Kinh xây dựng ở quần đảo Trường Sa. Nguồn gốc của những tiếng nổ lớn từ 11:30 sáng đến 3 giờ chiều vẫn đang được xác minh. Các vụ nổ xảy ra hai ngày trước chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Palawan, gần vùng tranh chấp Biển Đông nơi Trung Quốc đã xây dựng các cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo.

Xem thêm tại: Global Nation, Blasts heard in Pag-asa Island after PH, China sea encounter. Truy cập ngày 22/11/2022

Tàu khu trục Nhật đánh chặn tên lửa đạn đạo trong cuộc thử nghiệm với Hải quân Mỹ

Nhật Bản đã thực hiện thành công các cuộc đánh chặn tên lửa đạn đạo gần Hawaii bằng cách sử dụng tên lửa phóng từ tàu khu trục. Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ cho biết vào ngày 21 tháng 11 rằng hai cuộc thử nghiệm bắn đạn thật đã được tiến hành trong khoảng thời gian hai tuần với sự tham gia của các tàu khu trục JS Haguro và JS Maya của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản. Chuyến bay thử số 07 của Nhật được tổ chức với sự hợp tác của Hải quân Mỹ cũng đã chứng minh khả năng của tên lửa SM-3 Block IIA, được hai nước hợp tác phát triển để đánh bại tên lửa đạn đạo tầm trung xa (intermediate range) và tầm trung gần (medium range).

Xem thêm tại: Defense News, Japanese destroyers intercept ballistic missiles in tests with US Navy. Truy cập ngày 24/11/2022

Ấn Độ thử tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân Agni-3

Ấn Độ hôm thứ Tư đã thực hiện một vụ phóng thành công tên lửa đạn đạo tầm trung Agni-3 từ đảo A.P.J. Abdul Kalam ở Odisha. Tên lửa Agni tạo thành xương sống của kho vũ khí mang vác hạt nhân của Ấn Độ, bao gồm cả tên lửa đạn đạo tầm ngắn Prithvi và các loại máy bay chiến đấu. Ấn Độ cũng đã hoàn thành bộ ba hạt nhân và vận hành khả năng tấn công hạt nhân trả đũa, khi tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân INS Arihant thực hiện các cuộc tuần tra răn đe.

Xem thêm tại: Hindu Times, India test fires Agni-3 nuclear capable ballistic missile. Truy cập ngày 24/11/2022

Việt Nam chuẩn bị mở cửa triển lãm quốc phòng quốc tế 2022

Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng – phó chính ủy Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng – cho biết thời gian triển lãm quốc phòng quốc 2022 sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 10-12 tại sân bay Gia Lâm (Long Biên, Hà Nội). Triển lãm có hơn 170 đơn vị doanh nghiệp trong và ngoài nước đến từ 30 quốc gia trong khu vực ASEAN, châu Á, châu Âu, châu Mỹ đăng ký gian hàng trưng bày tại triển lãm. Danh mục trưng bày tại buổi triển lãm trải dài từ các thiết bị hàng không như drone, máy bay tiêm kích, trực thăng, hệ thống phòng không với tên lửa phòng không, tên lửa vác vai…cho đến các thiết bị, hệ thống của Hải quân như tàu ngầm, ngư lôi, hệ thống tên lửa đất đối hải,… và các trang thiết bị của Lục quân.

Theo thiếu tướng Hùng, thời gian qua, tác động của dịch Covid-19 và xung đột Nga – Ukraine khiến việc cung ứng vật tư, sản xuất ngành công nghiệp quốc phòng của Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng. Vì vậy, nếu chỉ lệ thuộc vào một quốc gia hoặc một khu vực để mua sắm trang thiết bị vật tư, công nghệ quốc phòng sẽ gây khó khăn cho nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, bảo vệ tổ quốc.

Xem thêm tại: Vietnam Defence 2022. Truy cập ngày 24/11/2022; TTO, Triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam mở cửa cho người dân tham quan. Truy cập ngày 24/11/2022; Zing, Việt Nam muốn đa dạng hóa trong mua sắm, trang bị vũ khí. Truy cập ngày 24/11/2022.

 

Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi:

Năm tàu ​​sân bay NATO tập trận triển khai hải quân quy mô lớn

Hải quân NATO đang tổ chức các cuộc tập trận ở Đại Tây Dương và Địa Trung Hải trong suốt tháng 11, quy tụ 5 tàu sân bay, nhiều tàu chiến và hàng nghìn thủy thủ. Các hoạt động sẽ bao gồm các cuộc tập trận chống tàu ngầm và tác chiến trên không, vận chuyển máy bay từ boong này sang boong khác và tiếp tế trên biển. Ở Bắc Đại Tây Dương, USS Gerald R. Ford đã đến Anh sau nhiều tuần tập trận cùng với các tàu chiến từ Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hà Lan và Tây Ban Nha. Ở Địa Trung Hải, tàu Charles De Gaulle của Hải quân Pháp được hộ tống bởi các tàu Hy Lạp, Mỹ và Ý.

Xem thêm tại: NATO, Five NATO aircraft carriers hold drills in major naval deployment. Truy cập ngày 19/11/2022

Phó Đô đốc Anh được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh Đồng minh Tối cao NATO Châu Âu

Phó Đô đốc Keith Blount sẽ được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh Tối cao Đồng minh Châu Âu (DSACEUR) của NATO, thể hiện vai trò lãnh đạo liên tục của Anh trong Liên minh này. Trong ba năm qua, ông là Tư lệnh Bộ Tư lệnh Hàng hải của NATO. Phó Tư lệnh Đồng minh Tối cao Châu Âu phục vụ với tư cách là người chỉ huy thứ hai sau Tư lệnh Đồng minh Tối cao Châu Âu và đồng thời là thứ trưởng ban Chiến dịch của Bộ Tư lệnh Đồng minh. Đây là lần đầu tiên vai trò này được đảm nhận bởi một đại diện thuộc Hải quân Hoàng gia Anh.

Xem thêm tại: Gov UK, Vice Admiral appointed NATO Deputy Supreme Allied Commander Europe. Truy cập ngày 19/11/2022

Đức cung cấp hệ thống Patriot cho Ba Lan sau tai nạn tên lửa

Berlin đã cung cấp cho Warsaw hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot để giúp nước này bảo vệ không phận sau khi một tên lửa rơi xuống Ba Lan tuần trước. Chính phủ Đức đã cho biết họ sẽ giúp đỡ Ba Lan nhiều hơn trong việc kiểm soát không phận bằng các máy bay chiến đấu Eurofighter của Đức sau vụ tên lửa rơi, điều này ban đầu làm dấy lên lo ngại rằng cuộc chiến ở Ukraine có thể vượt qua biên giới. Các hệ thống phòng không trên mặt đất như Patriot của Raytheon được chế tạo nhằm đánh chặn các tên lửa đang bay tới. Hiện tại Lực lượng Đức có 12 hệ thống Patriot, hai trong số đó đã được triển khai tới Slovakia.

Xem thêm tại: Reuters, Germany to offer Poland Patriot system after stray missile crash. Truy cập ngày 21/12/2022

Tàu chở dầu bị máy bay không người lái có vũ trang tấn công ngoài khơi Oman

Một tàu chở dầu có liên quan đến một tỷ phú người Israel đã bị tấn công ngoài khơi bờ biển Oman, cuộc tấn công mà Mỹ cho rằng rất có thể do Iran tiến hành bằng máy bay không người lái. Bộ Tư lệnh Trung tâm (CENTCOM) cho biết vụ tấn công xảy ra vào khoảng 18:00 ngày 15 tháng 11 ngoài khơi bờ biển Oman. Con tàu bị tấn công là tàu chở dầu Pacific Zircon mang cờ Liberia được điều hành bởi hãng vận tải biển Đông Thái Bình Dương có trụ sở tại Singapore, thuộc sở hữu của tỷ phú người Israel Idan Ofer. Cho đến nay chưa có bên nào đứng ra nhận trách nhiệm về cuộc tấn công này, nhưng mọi nghi ngờ đang đổ dồn về Iran.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Oil tanker hit by armed drone off coast of Oman: Official. Truy cập ngày 18/11/2022

Rwanda đồng ý ‘ngừng bắn ngay lập tức’ ở miền đông CH Congo

Theo khối Cộng đồng Đông Phi (EAC), cựu Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta và nhà lãnh đạo Rwanda Paul Kagame đã nhất trí về sự cần thiết của việc phiến quân M23 ngừng bắn và rút khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng ở phía đông Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC). Kenyatta và Kagame đều đồng ý qua điện thoại về nhu cầu ngừng bắn ngay lập tức, vòng đàm phán thứ hai sẽ diễn ra tại thủ đô Luanda của Angola vào tuần tới. Sự việc diễn ra trong bối cảnh phiến quân M23 đã đạt được những bước tiến đáng kể trên thực địa trong những tuần gần đây.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Rwanda agrees on ‘immediate ceasefire’ in eastern DR Congo. Truy cập ngày 19/11/2022

Máy bay Thổ Nhĩ Kỳ tấn công mục tiêu ở Syria, Iraq sau vụ đánh bom ở Istanbul

Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng những kẻ đứng sau vụ nổ ở trung tâm Istanbul cuối tuần trước đã sử dụng các máy bay quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ để tấn công các mục tiêu ở miền bắc Syria và Iraq khiến 6 người thiệt mạng và hơn 80 người bị thương. Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã thông báo về việc khởi động các cuộc tấn công trong một tuyên bố trên Twitter vào Chủ nhật. Ankara đã đổ lỗi vụ đánh bom ngày 13 tháng 11 ở Istanbul cho Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và các nhóm người Kurd Syria có liên quan.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Turkish jets hit targets in Syria, Iraq after Istanbul bomb blast. Truy cập ngày 20/11/2022

 

Chuyên mục Phân tích:

 

Chiến tranh Ukraine đặt dấu chấm hết cho máy bay tấn công mặt đất?

Cuộc chiến tại Ukraine chứng kiến sự vắng bóng của các máy bay chiến đấu truyền thống khi cả hai bên liên tục sử dụng các máy bay không người lái tự sát và tên lửa hành trình. Máy bay hỗ trợ tầm gần (CAS) hoạt động đặc biệt tệ trong cuộc chiến làm dấy lên câu hỏi về tương lai của loại máy bay này và triển vọng các máy bay phản lực tương tự của Mỹ được gửi đến Ukraine. Máy bay hỗ trợ tầm gần sử dụng nhằm hỗ trợ các lực lượng dưới đất bằng việc bắn các mục tiêu khi chúng xuất hiện thay vì thực hiện việc rải bom. Su-25 Frogfoot của Nga là một ví dụ, với thiết kế để bay thấp và chậm, trang bị súng máy, rocket và tên lửa chúng đã hủy diệt các đơn vị xe tăng Panzer của Đức trong CTTG II .

Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của CAS nằm ở việc chúng cần sự bảo hộ đặc biệt do dễ bị địch tấn công trúng khi bay gần, như Su-25 được bọc thép dọc phần thân cả hai bên và mang pháo sáng làm mồi nhử để chống lại tên lửa tầm nhiệt. Khắc tinh chí tử của loại máy bay này là tên lửa phòng không loại nhỏ, bắn trên vai như Stinger ngày càng phổ biến do Mỹ cung cấp.

Các báo cáo cho thấy đến nay Nga đã mất 23 chiếc Su-25, một số khác chỉ ra con số còn lớn hơn thế. Các thống kê về sự mất mát này là một tin xấu đối với máy bay A-10 Thunderbolt II của Mỹ, biệt danh Warthog nổi tiếng với khả năng bắn 65 viên đạn trên một giây. Mặc dù được nhiều người mong chờ sẽ được triển khai trong cuộc chiến Ukraine, nhưng các nhà phân tích lại nghi ngờ về khả năng sống sót của những chiếc Warthog này trước các hệ thống phòng không tân tiến. Thay vào đó Mỹ ưu ái loại máy bay chiến đấu đa nhiệm F-16s, chúng có khả năng chiến đấu trên không cũng như đánh chặn drone và tên lửa hành trình.

Xem thêm tại: Economist, Has the Ukraine war killed off the ground-attack aircraft? Truy cập ngày 22/11/2022

Cuộc chiến mùa đông tại Ukraine

Mick Ryan, chuyên gia quân sự và cựu thiếu tướng quân đội Úc đã có bài chia sẻ về thế trận mùa đông sắp tới tại Ukraine trên trang blog của mình. Với tình hình cuộc chiến có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong mùa đông sắp tới, câu hỏi đặt ra là điều gì có thể sẽ đến trong vài tháng sắp tới?

Đứng dưới góc độ của Nga, ông cho rằng vị tướng mới Surovikin có khả năng sẽ củng cố nguồn tiếp tế như hậu cần, hỏa lực và khả năng chỉ huy trong mùa đông nhằm đảm bảo lính Nga có thể sống sót trước lực lượng Ukraine. Tướng Surovikin có thể sẽ thay đổi lối tổ chức của lực lượng trên mặt đất như việc xem xét lại bộ chỉ huy, xác định những người có khả năng đi tiếp và loại bỏ những mắt xích yếu kém. Mùa đông tới cũng là một cơ hội cho Surovikin lên kế hoạch cho các chiến dịch cho năm tới. Ông sẽ có thời gian để cân nhắc lại các ưu tiên của mình cho việc tiến công, cách sắp xếp các chiến dích, việc dùng các đơn vị có kinh nghiệm cũng như các lực lượng động viên vào đâu và dự trữ đạn dược để thực hiện chiến dịch này như thế nào. Surovikin sẽ muốn tiếp tục chiến dịch đánh bom vào thường dân Ukraine nhằm gây áp lực buộc Kyiv ngồi vào bàn đàm phán, giúp Nga dễ thở hơn trong thời gian sắp tới. Yếu tố cuối cùng quan trọng trong mùa đông tới mà Surovikin sẽ không thể kiểm soát được là chiến dịch gây ảnh hưởng mang tính chiến lược của Nga.

Về phía Ukraine, chiến thắng tại Kharkiv và Kherson giúp Ukraine có động lực và nước này sẽ không dễ gì lãng phí động lực đó trong những tháng tới. Theo đó, lực lượng Ukraine sẽ thực hiện các cuộc tấn công mang yếu tố cơ hội khi họ tìm ra được các điểm yếu phòng ngự của Nga trong khi tiếp tục tìm kiếm và tiêu diệt các cứ điểm hậu cần và các cơ sở chỉ huy tác chiến của Nga. Chiến dịch gây ảnh hưởng của Ukraine vẫn sẽ được tiếp tục và cải tiến nhằm lôi kéo sự ủng hộ của phương Tây thông qua các gói viện trợ quân sự, nhân đạo, tình báo và tài chính. Tổng thống Zalensky sẽ cố gắng khởi động các sáng kiến mới nhằm đám phán sớm với Nga. Mặc dù Ukraine sẽ không ngồi vào bàn đám phán ở thời điểm hiện tại nhưng trong thời gian tới Zalensky sẽ phải đảm bảo ông không bị ép phải đàm phán trong khi ông vẫn còn khả năng đánh bại Nga trên chiến trường.

Cuối cùng, Ryan cho rằng sẽ có nhiều trận đánh trong mùa đông tới, các cuộc tấn công tầm xa từ cả hai bên và cuộc chiến tình báo vẫn sẽ tiếp tục. Để có thể tận dụng các cơ hội trong thời gian tới cả hai bên cần phải đảm bảo bảo hộ cho lính của mình và cả trang bị nhằm thực hiện các chiến dịch tấn công lớn hơn vào năm 2023.

Xem thêm tại: Mick Ryan, The Winter War in Ukraine. Truy cập ngày 19/11/2022

Hàn Quốc đặt mục tiêu vượt Trung Quốc về xuất khẩu quân sự, liệu cạnh tranh doanh số với Mỹ có gia tăng?

Các chuyên gia dự đoán Hàn Quốc tiếp tục tăng trưởng trong ngành bôn ubán vũ khí trong bối cảnh chiến tranh Ukraine và căng thẳng khu vực khi doanh số bán vũ khí của Hàn Quốc năm nay đạt 17 tỷ USD, gấp đôi so với năm trước. Mặc dù Seoul đã đạt được mục tiêu đứng trong top 4 thế giới về xuất khẩu vũ khí, các nhà phân tích nhận định rằng sẽ khó có thể có sự cạnh tranh giữa Hàn và Mỹ trong lĩnh vực này vì về cơ bản mục tiêu thị trường của hai bên khác nhau.

Nguyên nhân đằng sau việc gia tăng doanh số này đến từ Ba Lan với hơn 10 tỷ USD trong mười tháng của năm nay. Kim Mi-jung, nghiên cứu viên ngành công nghiệp quốc phòng cho rằng Hàn Quốc nắm bắt được thời cơ khi đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của Ba Lan về vũ khí. Thêm vào đó, vũ khí của Hàn có lợi thế về giá tốt, chất lượng tốt, và nước này có khả năng sản xuất các loại vũ khí khác nhau từ pháo tự hành cho đến chiến đấu cơ.

Kim cũng giải thích thêm rằng mục tiêu xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc hướng đến các quốc gia muốn hợp tác với Bắc Kinh về kinh tế – những nước thuộc Vành đai Con đường như châu Phi hay Pakistan. Cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí trong những năm tới được dự đoán sẽ tăng do các vấn đề về chuỗi cung ứng đã được giải quyết. Ngành công nghiệp vũ khí của Hàn do đó sẽ phải cạnh tranh với Mỹ hoặc những nền kinh tế tiên tiến khác về mặt xuất khẩu vũ khí.

Xem thêm tại: SCMP, As South Korea aims to surpass China in military exports, will sales competition with US rise? Truy cập ngày 23/11/2022

Liệu Mỹ có nghĩ đến Trung Quốc khi triển khai F-22 tới các căn cứ ở Nhật Bản?

Mỹ đã bắt đầu thay thế các máy bay chiến đấu F-15 lỗi thời tại các căn cứ ở Okinawa bằng các máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor tiên tiến hơn, một động thái được coi là một phần của việc tái triển khai vũ khí trong khu vực để chuẩn bị cho một tình huống bất ngờ ở Đài Loan.

Các chuyên gia quốc phòng cho biết thỏa thuận đưa F-22 vào chu kỳ luân chuyển 6 tháng từ Alaska bắt đầu từ tháng này – có thể ngăn các loại vũ khí đắt tiền của Mỹ trở thành mục tiêu cho tên lửa Trung Quốc vì các máy bay phản lực tiên tiến sẽ không đóng quân lâu dài ở Okinawa. Một số chuyên gia khác cho rằng động thái này có thể làm suy yếu nỗ lực của Mỹ nhằm chống lại Trung Quốc bằng cách chấm dứt sự hiện diện thường trực của Lực lượng Không quân Mỹ tại khu vực mà không có kế hoạch dài hạn rõ ràng. Ganyard, cựu phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ, cho biết lực lượng không quân được triển khai với trọng tâm là xung đột tiềm ẩn ở Triều Tiên, một kịch bản trong đó chuỗi căn cứ hậu cần của Mỹ sẽ được đảm bảo an toàn. Trong cùng một báo cáo, Đại tá Thủy quân lục chiến đã nghỉ hưu Grant Newsham cho biết Trung Quốc sẽ “hoan nghênh”  việc rút F-15, trong khi Nhật Bản sẽ “không hài lòng” nếu không có kế hoạch riêng của mình để thay thế chúng. Nhà quan sát quân sự Antony Hoàng Tống cho biết sự xuất hiện của F-22 có thể là một phần trong phản ứng của Mỹ đối với việc PLA tăng cường triển khai các máy bay chiến đấu phản lực J-20 Mighty Dragon tới bờ biển phía đông của Trung Quốc, nơi chúng có thể tấn công bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của nước ngoài trong cuộc chiến tại Đài Loan. Cheung Mong, phó giáo sư tại Trường Nghiên cứu Tự do Quốc tế tại Đại học Waseda của Nhật Bản, cho biết việc triển khai F-22 là một “sự chuẩn bị tình huống” cho việc thay thế F-15 trong tương lai bằng loại F-15 tiết kiệm chi phí và năng suất hơn F-35.

Xem thêm tại: SCMP, Does US have China in mind with F-22 deployment to its bases in Japan? Truy cập ngày 20/11/2022

Mỹ có nên cam kết bảo vệ Đài Loan?

Mới đây tờ Foreign Affairs đã thực hiện một cuộc khảo sát các chuyên gia chính sách hàng đầu với câu hỏi Mỹ có nên cam kết bảo vệ Đài Loan? Kết quả từ cuộc khảo sát cho thấy trong tổng số 22 chuyên gia được hỏi, số người không đồng ý giữ vị trí cao nhất với 7 chuyên gia, kế đến là trung lập với 6 chuyên gia, đồng tình với 4 chuyên gia, cật lực phản đối với 3 chuyên gia và cuối cùng hoàn toàn đồng ý với 2 chuyên gia.

Một số quan điểm chính của các chuyên gia xếp theo mức độ đồng tình

  • Hoàn toàn đồng ý: Các chuyên gia ủng hộ lập luận rằng việc bảo vệ Đài Loan là trách nhiệm của Mỹ với tư cách là một cường quốc toàn cầu trong việc bảo vệ đồng minh của mình cũng như tăng cường răn đe Trung Quốc tại khu vực.
  • Đồng ý: Các chuyên gia cho rằng cam kết bảo vệ Đài Loan sẽ gia tăng khả năng răn đe, ngăn chặn một cuộc xâm lược xảy ra khi sự mơ hồ trong cam kết của Mỹ với Đài Loan không còn nữa. Xa hơn nữa, Mỹ sẽ giữ vững được sự ổn định toàn cầu và vị thế lãnh đạo của mình trong khu vực.
  • Trung lập: Các chuyên gia có cùng quan điểm rằng sự mơ hồ chiến lược (strategic ambiguity) của Mỹ vẫn đang hiệu quả và nên được cân bằng, không nên quá nhập nhằng và chưa cần thiết phải đi tới minh bạch chiến lược (strategic clarity). Thêm vào đó, trước khi chính quyền Biden muốn thực hiện minh bạch thì phải đi kèm theo điều kiện và cân nhắc kỹ lưỡng chi phí và rủi ro. Mỹ sắp tới nên tập trung củng cố khả năng răn đe và khả năng quân sự của mình hơn là vội vàng đưa ra các tuyên bố không cần thiết.
  • Không đồng ý: Các chuyên gia nhận định rằng mơ hồ chiến lược của Mỹ đã và đang là lựa chọn hợp lý. Sự linh hoạt trong chiến lược này giúp Mỹ có nhiều lựa chọn hơn trong việc phản ứng lại các động thái của Trung Quốc, đồng thời phát triển khả năng thích ứng với các tình huống trong tương lai. Việc đưa ra các cam kết ràng buộc dường như bất khả thi vì trong tương lai không có ai có thể đảm bảo rằng Mỹ sẽ tiếp tục giữ các cam kết đó, Mỹ không thể cam kết tham gia vào một cuộc chiếm mà không nắm chắc phần thắng. Thêm vào đó, đưa ra các cam kết công khai lúc này không những không có bất kỳ tác động tích cực nào đối với khả năng ngăn chặn Trung Quốc tại eo biển Đài Loan mà còn có thể khiến Trung Quốc hung hăng hơn. Mọi rủi ro mà Mỹ sẽ đối mặt khi chuyển từ chiến lược nhập nhằng sang công khai là quá lớn để biến sự chuyển dịch này khả thi.
  • Hoàn toàn không đồng ý: Tiếp nối các chuyên gia không đồng ý nhưng ở mức độ cao hơn, các chuyên gia ở mức độ này cho rằng chuyển đổi sang minh bạch chiến lược khiến Đài Loan đi dến tuyên bố độc lập do đó sẽ khiến Trung Quốc phải tiến hành chinh phạt Đài Loan. Mục tiêu của Mỹ phải là duy trì hòa bình và an ninh tại Đài Loan bằng khả năng răn đe chứ không phải khích lệ Đài Loan phá vỡ nguyên trạng. Theo đó, chiến lược nhập nhằng đã và đang duy trì sự hòa bình tại eo biển suốt 25 năm qua, bất kỳ sự chuyển dịch về chiến lược nào cũng là thiếu khôn ngoan và không cần thiết.

Xem thêm tại: Foreign Affairs, Should the United States Pledge to Defend Taiwan? Truy cập ngày 18/11/2022

Cuộc gặp của ông Tập và Biden bên lề G20 sẽ không xoa dịu căng thẳng

Chủ tịch Tập Cận Bình và Joe Biden đã gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali vào thứ Hai, đây là cuộc nói chuyện trực tiếp đầu tiên của hai nhà lãnh đạo từ khi ông Biden nhậm chức vào tháng 1 năm 2021. Cuộc họp kéo dài ba giờ được cho là có các cuộc trao đổi thẳng thắn về các vấn đề gai góc như Đài Loan, nhân quyền, cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, các hoạt động thương mại và an ninh lương thực. Tuy nhiên, theo Malcolm Davis, nhà phân tích an ninh cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Úc có trụ sở tại Canberra, những điểm xung đột chính vẫn tồn tại, vấn đề Biển Đông và Đài Loan là một trong những điểm chính đó. Thêm vào đó, Trung Quốc đã không từ bỏ các yêu sách của mình ở Biển Đông cũng như không lùi bước trước lập trường đường chín đoạn của mình; và vẫn duy trì các căn cứ trên các công trình xây dựng nhân tạo như Đá Chữ Thập và Đá Subi trên Quần đảo Trường Sa đang tranh chấp ngoài khơi Philippines. Chuyên gia về các vấn đề Trung-Mỹ Lưu Ngụy Đông (Liu Weidong) từ Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cũng cho biết còn quá sớm để dự đoán bất kỳ tác động tích cực nào từ cuộc họp. Cho đến khi hai nước có thể cải thiện đáng kể quan hệ chính trị và xã hội, khả năng cải thiện quan hệ quân sự của hai nước là rất nhỏ, hoặc không tồn tại. Timothy Heath, nhà nghiên cứu quốc phòng cấp cao tại Rand Corporation, cho biết hai nước có khả năng sẽ kiềm chế nhiều hơn trên Biển Đông, mặc dù các hành vi gây bất lợi cho bên kia vẫn sẽ tiếp tục. Thiếu tướng Trung Quốc Yao Yunzhu, thành viên ủy ban học thuật tại Trung tâm Chiến lược và An ninh Quốc tế của Đại học Thanh Hoa, cho biết mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Trung Quốc và Mỹ đang làm tăng nguy cơ xung đột hàng hải ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Xem thêm tại: SCMP, South China Sea: Xi-Biden meeting on G20 margins will not ease tensions, observers say. Truy cập ngày 21/11/2022