Tác giả: Hồ Bạch Thảo
Tháng Giêng, Vua ra lệnh nghiêm trị tệ trạng uống rượu, cờ bạc; qui định bảo vệ, và sử dụng ấn:
“Kỷ Dậu, Thuận Thiên năm thứ 2, (Minh Tuyên Đức năm thứ 4). Mùa xuân, tháng Giêng, ngày mồng 4 [7/2/1429], ra lệnh chỉ cho các quan, cho kinh đô và các lộ, huyện, xã rằng: Kẻ nào du thủ thực, đánh cờ đánh bạc thì quan ty và quân dân bắt nộp để trị tội. Đánh bạc thì chặt 5 ngón tay, đánh cờ thì chặt 1 ngón tay, những kẻ không phải là việc quan mà vô cớ tụ họp uống rượu thì xử phạt 100 trượng, người chứa chấp bị tội kém một bậc.
Ra lệnh chỉ cho các quan lộ, huyện, xã rằng: Hễ là ấn công thì do viên chánh giữ. Ở các lộ thì Tri phủ giữ ấn, không có Tri phủ thì Trấn phủ giữ ấn. Ở các huyện thì Tuần sát giữ ấn. Nếu không có Trấn phủ, Tri phủ thì dùng Chiêu thảo hoặc Phòng ngự giữ ấn. Có việc thì cùng bàn với nhau đáng đóng dấu thì mới dùng.”Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 63b.
Nhà Vua chuẩn bị lập Hoàng tử Nguyên Long lên làm Vua, nên phong con trưởng là Tư Tề làm Quốc vương, con thứ Nguyên Long làm Hoàng thái tử. Hạ chiếu lựa con các quan văn võ vào hầu Thái tử học tập và đến nhà Quốc học để theo học:
“Ngày mồng 7 [10/2/1429], sai Nhập nội kiểm hiệu bình chương sự Lê Vấn, Nhập nội đại tư mã Lê Ngân, Nhập nội thiếu phó Lê Văn Linh mang kim sách lập Hữu tướng quốc Khai quân công Tư Tề làm Quốc vương, giúp coi việc nước. Sai Nhập nội tư khấu Lê Sát, Tư không Lê Nhân Chú, Nhập nội tư mã Lê Lý, Nhập nội thiếu úy Lê Quốc Hưng mang kim sách lập Lương quận công Nguyên Long làm Hoàng thái tử.
Ngày mồng 8 [11/2/1429], ra lệnh chỉ cho đại thần và các quan văn võ cùng các lộ, phủ, huyện, châu, trấn rằng: Nếu ai có việc đến Quốc vương và Hoàng thái tử thì dùng chữ “khải”, chứ không được dùng chữ “tấu”và xưng là “Quốc vương điện hạ”, “Thái tử điện hạ”. Nếu Quốc vương có tuyên cáo hiệu lệnh gì thì dùng chữ “Quốc vương chỉ huy”, không được dùng chữ “sắc”.
Ngày mồng 9 [12/2/1429], ra lệnh chỉ rằng:
Quan võ từ chức Quản lĩnh, quan văn từ chức Hành khiển trở lên, ai có con trai từ 5 tuổi trở xuống, 9 tuổi trở lên, cho được vào hầu Hoàng thái tử. Ngày 15 tháng này [18/2/1429], tới học đường để kiểm mục, quan Nội mật viện lấy danh sách. Quan võ từ Đồng tri trở xuống đến Đại đội trưởng, Đội trưởng trở lên, quan văn từ Thượng thư trở xuống đến thất phẩm, ai có con trai 17 tuổi trở xuống, 9 tuổi trở lên tới nhà Quốc học điểm mục để học quan lấy danh sách dạy học.”Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 64a.
Nhà Vua ra lệnh các đại thần bàn bạc phép chia ruộng đất, để được công bằng hơn:
“Ngày 22 [25/2/1429], ra lệnh chỉ cho quan văn võ đại thần nghị bàn việc lớn của nhà nước. Như người đi đánh giặc thì nghèo, kẻ rong chơi thì giàu. Người đi chiến đấu thì không có một thước, một tấc đất mà ở; những kẻ du thủ du thực, không có ích gì cho nước lại có quá thừa ruộng đất, hoặc đi làm nghề trộm cướp. Thành ra không có ai chịu hết lòng với nước, chỉ ham nghĩa phú quý mà thôi. Nay ra lệnh chỉ cho các đại thần bàn định số ruộng cấp cho quan lại, quân nhân và dân chúng, trong từ đại thần trở xuống, dưới đến người già yếu, mồ côi, góa chồng, đàn ông, đàn bà trở lên, loại nào được cấp bao nhiêu thì tâu lên.”Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 65a.
Tháng 2, ra lệnh thao diễn quân đội một cách qui mô; rồi chia phiên cho về làm ruộng:
“Tháng 2, ngày 21 [25/3/1429], ra lệnh chỉ cho tướng hiệu và quân nhân các vệ quân năm đạo rằng: Đến ngày 27 [31/3/1429] sẽ diễn tập chiến trận thủy, bộ, ai vắng mặt sẽ bị trị tội. Diễn tập xong, sẽ chia mỗi vệ thành 5 phiên, 1 phiên ở lại, còn 4 phiên cho về làm ruộng.”Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 65b.
Sắc cho Đại thần, Hành khiển, và các quan đặc trách về can gián; hễ thấy điều lệnh có gì bất tiện, hoặc chính lệnh hà khắc, thuế má nặng nề, cần phải tâu ngay:
“Ngày 26 [30/3/1429], ra lệnh chỉ cho đại thần và các quan Hành khiển:
Nếu thấy các điều lệnh của trẫm có điều gì bất tiện cho việc quân, việc nước, hoặc các việc sai dịch không hợp lý, hoặc thuế khóa nặng nề, hoặc có việc tà dâm bạo ngược, thì tâu xin sửa lại.
Lại ra lệnh chỉ cho các ngôn quan[1] rằng:
‘Nếu thấy trẫm có chính lệnh hà khắc, thuế má nặng nề, ngược hại lương dân, thưởng công phạt tội không đúng, không theo đúng phép xưa, hay các đại thần, quan lại, tướng hiệu, quan chức trong ngoài không giữ phép, nhận hối lộ, nhiễu hại lương dân, thiên hư phi pháp, thì phải lập tức dâng sớ đàn hặc ngay. Kẻ nào cứ ngồi nhìn mà dung túng, chỉ giỏi trò vặt, cùng là nói hão không đâu, thì phải chiếu luật trị tội. Lại như các quan vào sân điện, nếu để áo, mũ, cân đai không đúng phép, đi lại ngang dọc không theo đúng lễ phép, thì ngôn quan không được coi là phận sự của mình mà đàn hặc, vì việc ở điện đình đã có Tổng quan và Chỉ huy sứ năm quân Thiết đột, Ngự tiền Thiết đột, Nội mật viện xét hặc.”Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 65b.
Vua ban tờ chiếu bắt giam Thái úy Hữu Tướng quốc là Trần Nguyên Hãn, Hãn liền tự sát. Hãn thuộc dòng dõi quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trãi cũng là cháu ngoại Trần Nguyên Đán. Nguyễn Trãi lập công lớn giúp Vua Lê, nhưng trong dịp phong hầu vào ngày 3 tháng 5 [4/6/1429] sau đó, ông chỉ được phong tước Á Hầu, đứng dưới 35 người khác. Vậy có thể suy luận rằng tiền đồ của Nguyễn Trãi bị suy giảm, bởi vụ án Trần Nguyên Đán. Nội dung sự việc như sau :
“Là dòng dõi tư đồ Trần Nguyên Đán, Hãn có học thức, giỏi binh pháp, giúp Lê Thái Tổ khởi nghĩa, ngày càng được yêu thương hậu đãi, thường được dự bàn những việc bí mật; theo đi trận mạc, đến đâu cũng lập được chiến công đấy. Năm Mậu Thân, Thuận Thiên thứ 1 [1428], tưởng lục công thần, Hãn được gia phong Hữu tướng quốc, cho lấy theo họ Lê. Công lao và danh vọng của Hãn thật cao tột. Hãn có nói riêng với người thân tín rằng:
‘Nhà vua có tướng như Việt vương Câu Tiễn; không thể cùng hưởng yên vui sung sướng được!’.
Hãn xin về hưu, được nhà vua ưng thuận; nhưng vì là dòng dõi nhà Trần nên bị nghi kỵ. Khi đã về ấp Sơn Đông, sống trong cảnh quê hương, Hãn xây dựng phủ đệ, đóng thuyền không giữ gìn hình tích. Những kẻ tâng công gièm pha với nhà vua rằng Hãn mưu toan làm phản. Nhà vua tin lời, ra lệnh cho lực sĩ đến bắt. Khi thuyền đi đến bến Sơn Đông, Hãn tự trầm chết.”Cương Mục, Chính Biên, quyển 15, trang 20a.
Tháng 3, định lệ cấp đất vườn tại kinh thành cho quan quân, cấm không được để hoang:
“Tháng 3, ngày 20 [23/4/1429], ra lệnh chỉ cho Đô tổng quản và Quản lĩnh các đạo cùng quan viên các phường trong kinh thành rằng: Hiện nay, phần đất của các quan và phủ đệ của công hầu trăm quan đều có phần nhất định, nên trồng cây trồng hoa và các loại rau đậu, không được để đất hoang, ai không theo thế thì mất phần đất của mình. Các công hầu đã được ban cho đất ở, nếu trong phần đất của quân Thiết đột thì không cho quá nhiều, chỉ từ 5 sào trở xuống; nếu không phải trong phần đất của quân Thiết đột thì cho 2 mẫu trở xuống đến 1 mẫu. Nếu đã được chia ruộng đất vườn nhà nhất định rồi, lại còn chiếm đất trong thành Đại La làm nhà cửa khác nữa thì không được.”Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 66a.
Vào cuối tháng 3 [1/5/1429], Vua Minh sai sứ bộ Lý Kỳ đến nước ta ban chỉ dụ. Sự kiện liên quan đến việc năm ngoái ngày 25/11/1428 phái bộ Hà Lật nước ta đi sứ; đến ngày 15/3/1429 đến triều Minh. Sứ thần Hà Lật thay Vua Lê tâu rằng đã tìm kỹ con cháu nhà Trần, nhưng không còn sót ai; về quan quân nhà Minh, đã đem về tất cả; riêng có con gái 9 tuổi bị Mã Kỳ đưa về kinh đô, xin được hoàn lại. Nay Vua Minh sai sứ bộ Lý Kỳ đến nước ta ban chỉ dụ bảo phải tìm kỹ thêm rồi tâu lên; riêng về con Vua, thì Vua Tuyên Tông cho biết đã mất. Sự việc được ghi lại trước sau, qua 2 văn bản dưới đây:
Ngày 11 tháng 2 năm Tuyên Đức thứ 4 [15/3/1429]. Bọn Hành tại Công bộ hữu Thị lang La Nhữ Kính đi sứ Giao Chỉ trở về. Lê Lợi cùng Kỳ lão sai bọn Đầu mục Hà Lật cống sản vật địa phương cùng người vàng thay người thật. Tâu rằng:
“Khâm tuân Thánh dụ tìm hỏi con cháu họ Trần, nhưng không còn ai sót lại.”
Lại tâu:
“Được ơn trên đòi hỏi về việc lưu giữ quan lại quân nhân, cùng gia thuộc quân khí. Trước đây khi quan Tổng binh Thành sơn hầu Vương Thông ban sư, đã đưa về tất cả. Bề tôi, Lợi, từng treo bảng cấm ước, nếu có kẻ nào dấu một quan quân trở lên đều bị chém đầu, những người ra trình diện đều được lục tục đưa về. Nay nhận được chiếu sắc lại cẩn thận giới sức trong nước và sai người đi tìm tòi bốn phương, nếu còn sót lại thì đưa về hết, không dám cô phụ Thánh Thiên tử yêu thương con dân; cúi mong ánh sáng mặt trời soi xét sự tình kẻ dưới.”
Lại tâu:
“Vào ngày 20 tháng 8 năm Tuyên Đức thứ 3, Thần được xem sắc xá tội cho Giao Chỉ, lệnh cấp ruộng đất cho những thư lại trở về nước; Thần ngưỡng vọng Thiên tử từ nơi vạn dặm thấy được mọi việc, đoái nghĩ đến những người nhớ đến quê hương đất cũ. Nhân thần có chút tình riêng: thần trước đây bị quan quân xua đuổi, trong lúc thảng thốt để mất con gái nhỏ mới 9 tuổi. Dò la được biết Nội quan Mã Kỳ mang về, tiến dâng làm quan nô tỳ. Thần tội to như gò núi đã được tha, nghĩ đến gia đình chỉ mong được đoàn tụ, xin sắc chỉ tha cho về để được vẹn tình cha con, Thần đáng ghi khắc vào tâm cốt, cảm ơn không bao giờ quên.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 208 )
“Ngày 28 tháng 3 năm Tuyên Đức thứ 4 [1/5/1429]. Sai Thị lang bộ Lễ Lý Kỳ, Hồng Lô Tự khanh Từ Vĩnh Đạt, Hành nhân Trương Thông mang sắc dụ Đầu mục Lê Lợi cùng các kỳ lão rằng:
“Đã xem xong tờ tấu của các ngươi; Trẫm lãnh mệnh trời coi dân vạn nước trong bốn biển như con, lo cho yên ổn và no đủ. Nước An Nam ngươi cách kinh khuyết không xa, họ Trần là nước đầu tiên đến qui thuận, há lại để riêng nước này không toại nguyện lòng mong muốn. Trước đây họ Trần có cháu còn sống, bọn ngươi xin lập để làm chủ tông miếu; Trẫm cũng vui lòng, liền ra lệnh bãi binh, mệnh các quan thú mục trấn thủ trở về. Lại ra lệnh đầu mục kỳ lão các ngươi trình bày sự thực, vì vui thích thuận lòng dân để mong bảo toàn một phương vậy. Chẳng bao lâu bọn ngươi tâu cháu họ Trần bị bệnh mất, ngươi cẩn thận giữ nước để đợi mệnh của triều đình. Trẫm cho rằng con cháu họ Trần sống còn chẳng phải một người, nên bảo hãy tìm tòi tiếp. Nay các ngươi xưng là hậu duệ thực không còn ai nữa, xin được đổi sắc mệnh. Phàm kiếm được một người cai quản được nước là hợp với ý của Trẫm; nhưng kiến lập là việc hệ trọng, đáng cẩn thận và thành khẩn; bởi lẽ họ Trần trước kia đức dày, con cháu chắc còn có người sống ẩn dật nơi cùng tịch. Trước kia vào thời Vĩnh Lạc, đại quân vừa bắt cha con Lê Quí Ly, lập tức tìm con cháu nhà Trần để lập, lúc đó người trong nước đều bảo không còn ai, nhưng hơn 20 năm sau vẫn còn; suy việc trước đem so sánh với việc ngày hôm nay, không thể chắc rằng không còn có ai nữa. Nay các kỳ lão đi tìm hỏi khắp nơi, như còn con cháu nhà Trần thì cho biết tên, nếu thực không có, triều đình sẽ có cách xử trí.
Ngươi Lợi hãy dụ các Thổ quan và gia đình quân dân khắp nơi xem có ai tàng trữ quan lại quân nhân của triều đình, cùng gia thuộc; thì hãy tống hoàn hết. Vũ khí vứt bỏ nơi núi đầm thì đã hư hoại, nếu con lưu trữ tại thành quách cũng mang nạp. Kẻ trên ngự trị kẻ dưới với lòng bao dung, người dưới thờ người trên với tấm lòng thành kính; ngõ hầu trừ nguy để yên, ngươi phải nên kính cẩn.
Riêng dụ ngươi về việc ngươi tâu rằng có con 9 tuổi bị Mã Kỳ thu dưỡng đem về kinh sư, muốn được đoàn tụ. Nghe việc này động lòng trắc ẩn, Trẫm là cha mẹ của thiên hạ lại nỡ để cho một trẻ nhỏ không được gần người thân ư! Nên đã ra lệnh tìm hỏi ngay việc này. Nhưng con gái ngươi vì không hợp thủy thổ, nên bị bệnh mất đã lâu. Tình thương yêu cha con người người giống nhau, nhưng phần số mỗi người thì đã định; bảo riêng để ngươi biết. Nay ban cho Kỳ, Vĩnh Đạt, Thông tiền phí tổn đi đường; Sứ giả Hà Lật được ban y phục, tiền giấy, cho đi theo cùng Kỳ.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 210)
Tháng 4, ra lệnh các quan lấy được vàng tại bến Đông, tùy theo thứ bực cao thấp phải đem nạp ít nhiều; các ngụy quan được tha tội, ruộng đất được miễn sung công:
“Mùa hạ, tháng 4, ngày 27 [29/5/1429], ra lệnh chỉ cho đại thần và trăm quan phải nộp số vàng lấy được ở bến Đông[2] cho nhà nước tùy theo thứ bậc: chánh nhất phẩm nộp 2 lạng, tòng nhất phẩm 1 lạng rưỡi, chánh nhị phẩm 1 lạng, tòng nhị phẩm 5 đồng cân, chánh tam phẩm đồng cân, tòng tam phẩm 2 đồng cân, chánh tứ phẩm đến chánh ngũ đều 1 đồng cân, còn từ tòng ngũ trở xuống không phải nộp.
Ngày 30 [1/5/1429], ra lệnh chỉ rằng những nguỵ quan trước đã có lệnh cho tha tội chuộc mệnh, thì cho miễn cả ruộng đất không phải sung công.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 66b.
Tháng 5, phong tước hầu, cao thấp gồm 9 cấp cho các công thần; qui định các cấp được dùng y phục áo đỏ. Ra lệnh các nhân tài bị bỏ sót đến văn phòng Thiếu phó Lê Văn Linh tự tiến cử, để tùy tài sử dụng:
“Tháng 5, ngày mồng 3 [4/6/1429], ban biển ngạch công thần cho 93 viên:
Huyện thượng hầu 3 người là Lê Vấn, Lê Sát, Lê Văn Xảo.
Á thượng hầu 1 người là Lê Ngân.
Hương thượng hầu 3 người là Lê Lý, Lê Văn Linh, Lê Quốc Hưng,
Đình thượng hầu 14 người là Lê Chích, Lê Văn An, Lê Liệt, Lê Thố, Lê Lễ, Lê Chiến, Lê Khôi, Lê Đính, Lê Chuyết, Lê Lỗi, Lê Nhữ Lãm, Lê Sao, Lê Kiệm, Lê Lật.
Huyện hầu 14 người là: Lê Bị, Lê Bì, Lê Bĩ, Lê Náo, Lê Thụ, Lê Lôi, Lê Khả, Lê Bồi, Lê Khả Lang, Lê Xí, Lê Khuyển, Lê Bí, Lê Quốc Trinh, Lê Bật.
Á hầu 26 người là bọn Lê Lạn, Lê Trãi.
Quan nội hầu 16 người là bọn Lê Thiệt, Lê Chương.
Quan phục hầu 16 người là bọn Lê Cuống, Lê Dao.
Thượng trí tự Trước phục hầu 4 người là bọn Lê Khắc Phục, Lê Hài.
Ra lệnh chỉ rằng những văn võ hào kiệt nào còn bị bỏ sót, hoặc bị chìm đắm chưa có chức tước gì, không được ai tiến cử; hoặc vì thù hằn mà bị đè nén, vùi dập, thì đến ngay chỗ Thiếu phó Lê Văn Linh mà tự tiến, nếu xét thực có tài đức thì tâu trình để cất nhắc sử dụng, không cứ là ngụy quan hay sĩ thứ, cốt lấy tài đức là hơn.
Ra lệnh chỉ rằng: Các quan chức văn võ, quan võ từ Thượng tướng tước Trí tự Trước phục hầu trở lên đều cho mặc áo đỏ tía; quan văn từ Nhập nội đại hành khiển Quan phục hầu trở lên cũng cho mặc áo đỏ tía.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 66b.
Ngoài ra trong tháng 5, lệnh ban các nơi đề cử những người thông kinh sử, chuẩn bị đến kinh đô thi hội:
“Ngày 26 [27/6/1429], ra lệnh chỉ rằng: Quân nhân các lộ phủ và những người ẩn dật ở núi rừng, nếu ai quả thực thông kinh sử, giỏi văn nghệ thì đến ngày 28 tháng này tới sảnh đường trình diện, chờ đến ngày cho vào trường thi hội, người nào đỗ sẽ được tuyển dụng.
Ngày 28 [29/6/1429] ra lệnh chỉ cho các quan văn võ trong ngoài, người nào tinh thông kinh sử, từ tứ phẩm trở xuống, hạn đến ngày 20 tháng này đều tới sảnh đường để vào trường thi hội.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 67b.
Tháng 6, mở cuộc thi các thầy tăng, những người không đậu phải hoàn tục. Cho lập sổ dân đinh:
“Mùa hạ, tháng 6, ngày mồng 10 [11/7/1429], ra lệnh chỉ cho các tăng đạo, người nào thông kinh điển, trong sạch, giữ tiết hạnh, hẹn đến ngày 20 [21/7/1429] tháng này tới sảnh đường trình diện, để xét duyệt cho thi, ai đỗ thì cho làm tăng đạo, ai không đỗ thì bắt hoàn tục.
Làm sổ đinh.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 68a.
Tháng 7, ra lệnh các quan họp bàn về qui chế tiền tệ; nhà Vua gợi ý chọn giải pháp thuận lòng dân:
“Mùa thu, tháng 7, ngày mồng 5 [4/8/1429], ra lệnh cho các đại thần và các quan văn võ trong ngoài họp bàn về quy chế đồng tiền . Tờ chiếu viết:
‘Tiền là mạch máu của sinh dân, không thể không có. Nước ta vốn có mỏ đồng, nhưng tiền đồng cũ đã bị nhà Hồ hủy bỏ, trăm phần chỉ còn được một. Đến nay, việc quân, việc nước thường hay bị thiếu. Muốn cho tiền được lưu thông sử dụng, để thuận lòng dân, há chẳng khó sao? Mới rồi có người dâng thư trình bày, xin lấy tiền giấy thay cho tiền thực.[3] Trẫm sớm khuya nghĩ ngợi, chưa nghĩ ra các gì. Vì rằng tiền giấy là thứ vô dụng, lại được lưu hành như vật hữu dụng trong dân, thực không phải là ý nghĩa yên dân, dùng của. Nhưng đời xưa đã có người cho rằng vàng, bạc, da, lụa, tiền thực, tiền giấy đều không thể cân ngang nhau được, thế thì thứ gì là hơn? Truyền cho các đại thần trăm quan và những người hiểu việc đời ở trong, ở ngoài, đều nghị bàn quy chế đồng tiền cho thuận lòng dân, để không vì ưa thích riêng của một người mà bắt ép muôn nghìn người không muốn phải theo, để làm phép hay của một đời. Nên phải bàn định sớm rồi tâu lên, trẫm sẽ tự chọn lấy mà cho thi hành“. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 68a.
Tháng 8, ra lệnh giải quyết dễ dãi cho gia đình ngụy quan, cùng những gia đình liên quan đến giặc Minh, được vào sổ hộ tịch:
“Mùa thu, tháng 8, ngày 19 [17/9/1429], ra lệnh chỉ cho quân dân cả nước rằng: Những ngụy quan, văn từ Tri châu, võ từ Thiên hộ trở xuống, đã chết từ trước và thổ quan cùng dân thường vào thành giặc, khi thành bị hạ thì ra hàng, cho đến quan lại cũ nhà Hồ bị giặc bắt đưa về phương Bắc, nay có vợ con ở các xã lộ, huyện, nếu họ chưa được vào sổ hộ tịch, thì có thể miễn tiền chuộc mệnh. Người nào đã sung làm nô tỳ công hoặc đã ban cho các quan rồi, cùng những kẻ có tiếng xấu thì không thuộc lệ này.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 68b.
Tháng 9, ra lệnh quần thần cần phải chí công vô tư, chăm lo việc nước. Cùng ra lệnh chỉ khuyến khích việc canh nông, trồng dâu nuôi tằm; chỉnh đốn quân ngũ:
“Tháng 9, ngày 16 [13/10/1429], ra lệnh chỉ cho các đại thần trăm quan rằng:
‘Từ nay về sau, nếu viên quan nào bàn một việc gì, đều phải lấy việc quân, việc dân làm điều cần kíp, không được đem tình lý riêng tư làm đầu. Bởi vì, trẫm từng nghiệm thấy, trong các việc tiến cử, hoặc xử án, hay như việc công tư khác, rất nhiều khi người ta dung túng, che chở cho nhau, để biến hóa đổi thay, qua đó biết được người làm quan trong sạch thì ít mà nhơ bẩn thì nhiều. Nay trẫm xét ra việc của bọn phạm nhân Mộng Vân, Lương Châm, mới biết rõ tình trạng thực, giả của các quan, cho nên ra mệnh lệnh này. Những kẻ làm tôi con phải hết lòng thờ vua, không được lấy tư hại công, khi chuyện xảy ra, hối sao kịp nữa? Nay ban chiếu cho mọi người đều biết.’
Ngày 27 [24/10/1429], ra lệnh chỉ rằng: “Đại thần văn võ trăm quan các ngươi hãy chăm việc nông tang, chỉnh đốn quân ngũ, sửa sang chiến khí, thuyền bè“. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 69a.
Tháng 10, xuống chiếu cho các quan từ tam phẩm trở lên phải tiến cử người hiền tài; nếu tiến cử người tài đức thì được trọng thưởng:
“Mùa đông, tháng 10, ngày mồng 1 [28/10/1429], hạ lệnh cho các đại thần văn võ, công hầu đại phu từ tam phẩm trở lên phải tiến cử hiền tài. Tờ chiếu viết:
“Trẫm nghĩ, muốn thịnh trị phải được người hiền tài, muốn được người hiền tài phải do tiến cử. Cho nên người đứng đầu thiên hạ phải lo việc ấy trước tiên. Thời đại thịnh trị xưa kia, người hiền ở triều rất đông đúc, người nọ nhường người kia. Cho nên ở dưới không sót tài, ở trên không bỏ việc, làm nên thịnh trị yên vui. Đến như bề tôi đời Hán, Đường, không ai là không tiến người hiền, nhường người giỏi, lôi kéo dẫn dắt lẫn nhau, như Tiêu Hà tiến cử Tào Tham, Ngụy Vô Tri tiến cử Trần Bình, Địch Nhân Kiệt tiến cử Trương Cửu Linh, Tiêu Tung tiến cử Hàn Hưu. Dẫu tài năng phẩm hạnh của họ có hơn kém khác nhau, nhưng không ai không cử được người giỏi, xứng đáng với chức trách được trao.
Nay trẫm gánh vác trách nhiệm nặng nề, sớm khuya kính cẩn lo sợ, như đứng bờ vực thẳm, chỉ vì chưa tìm kiếm được người hiền tài giúp đỡ trị nước. Vậy ra lệnh cho đại thần văn võ, công hầu đại phu từ tam phẩm trở lên, mỗi viên tiến cử lấy một người, ở trong triều hay ngoài thôn dã, đã làm quan hoặc chưa làm quan. Nếu người nào có tài năng, tri thức văn võ, có thể cai trị dân chúng, thì trẫm sẽ tùy tài bổ dụng. Vả lại, tiến cử được người hiền sẽ được thưởng mức cao nhất, lẽ xưa vẫn thế. Nếu tiến cử được người có tài bậc trung, thì được tăng tước hai bậc. Nếu tiến cử được người tài đức đều ưu tú, vượt hẳn mọi người, thì nhất định được trọng thưởng.
Tuy vậy, nhân tài ở đời cố nhiên là không ít, nên đường lối tìm người cũng không phải chỉ có một phương. Nếu có ai ôm ấp tài lược kinh bang tế thế nhưng vẫn phải chịu khuất ở hàng quan thấp, không có người tiến cử cho, cùng là những người hào kiệt còn bị vùi dập ở bụi bờ, hay lẫn lộn trong quân ngũ, nếu không tự đề bạt thì trẫm làm sao biết được? Từ nay về sau, các bậc quân tử, có ai muốn theo ta, đều cho tự tiến cử. Ngày xưa, Mao Toại tự tỏ tài mà theo Bình Nguyên Quân,[4] Nịnh Thích gõ sừng trâu mà cảm ngộ Hoàn Công,[5] có bao giờ câu nệ tiểu tiết đâu? Khi chiếu này ban ra, các quan hãy đem hết lòng thành, lo việc tiến cử. Còn như kẻ sĩ hàn vi ở chốn hương thôn, cũng chớ cho thế là phải đem ngọc bán rao mà hổ thẹn, để trẫm phải thở than vì thiếu nhân tài”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 69b.
Ngày 28 tháng 3 năm nay [1/5/1429], Vua Minh sai sứ bộ Lý Kỳ đến nước ta ban chỉ dụ; đến ngày 13 tháng 10 [9/11/1429] đến nước ta. Ngày 29 [25/11/1429], Sứ nhà Minh về nước; Vua sai bọn Đầu mục Đào Công Soạn mang vàng bạc và sản vật địa phương sang nhà Minh cầu phong; đồng thời giải đáp về việc đòi trả người và khí giới, cùng việc tìm con cháu họ Trần. Nhưng Vua Tuyên Tông vẫn chủ trương tiếp tục gây khó khăn; nằng nặc đòi phải tìm hỏi con cháu họ Trần lần nữa:
“Ngày 13 tháng 10 [9/11/1429], nhà Minh sai bọn Lễ bộ thị lang Lý Kỳ, Hồng lô tự khanh Từ Vĩnh Đạt, Hành nhân ty hành nhân Trương Thông sang dụ bảo tìm kiếm con cháu họ Trần và trả lại số người và chiến khí của nhà Minh còn bị giữ lại. Lại cho bọn Hà Lật y phục, tiền nong, cho cùng đi với bọn Kỳ.
Ngày 29 [25/11/1429], sứ nhà Minh là bọn Lý Kỳ về nước. Vua sai bọn đầu mục là Đào Công Soạn, Lê Đức Huy, Phạm Khắc Phục mang vàng bạc và sản vật địa phương sang nhà Minh cầu phong, đồng thời giải đáp về việc đòi trả người và khí giới, cùng việc tìm con cháu họ Trần.
Lời cầu phong đại ý là: Người nước chúng tôi đã tìm khắp nơi, nhưng con cháu họ Trần đều không thấy còn ai. Bọn thần nghĩ rằng người đại đầu mục nước chúng tôi là Lê Lợi, là người khiêm tốn, cung kính, cẩn thận, trung hậu, biết cách trị dân, rất được lòng người, có thể trông coi được đất nước. Vua Minh xem xong bảo các thị thần:
“Những lời này chưa thể vội tin được, phải cho đòi nữa đã”.
Rồi xuống chiếu cho Lễ bộ ban áo vóc hoa cho bọn Công Soạn, rồi sai họ mang sắc về dụ vua và các đầu mục, bô lão tìm hỏi con cháu họ Trần lần nữa, nếu quả thực không còn ai thì làm biểu liên danh tâu sang để xử trí. Lại ban tiền giấy cho bọn Công Soạn theo thứ bậc khác nhau.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 69b.
Ngoài ra trong tháng này, Vua ra lệnh chỉ trách các quan chức trễ biếng; nếu không sửa đổi sẽ trừng phạt theo pháp luật:
“Ngày 18 tháng 10 [14/11/1429], ra lệnh chỉ cho các đại thần, Tổng quản, Hành khiển trở xuống rằng:
“Người xưa có câu: Vua không chọn tướng thì khác gì dâng nước mình cho giặc. Trẫm luôn suy nghĩ điều đó, ngày đêm không quên, nên đem việc quân, việc nước quan trọng trao cho các ông. Thế mà các ông cứ điềm nhiên ngồi nhìn, không để ý tới, nên phụ lòng tin dùng của triều đình, dưới chẳng đoái thương tới quân dân, sao lại trễ biếng chức sự quá thế? Nay ra chiếu này để răn bảo, nếu không biết sửa lỗi đổi mới, vẫn lại như thế nữa, thì nhà nước còn luật pháp đó, chớ bảo là trẫm phụ bề tôi cũ có công đấy!”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 71a.
Tháng 11, nhà Vua về Tây đô Thanh Hóa, bái yết lăng miếu; nhân dịp này ban tước thưởng cho quan quân:
“Tháng 11, vua ngự về Tây Đô bái yết sơn lăng, thưởng cho các tướng hiệu và quân nhân theo hầu, mỗi người được thăng 1 tước bậc. Nếu là Thượng trí tự và Đại trí tự thì được thăng tước 1 tư. Người nào có con cháu được phong hầu thay mình và những người không có công lao thì không thuộc lệ này.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 71b.
Tháng Chạp, chủ trương tận dụng ruộng đất; ruộng để hoang giao cho người nghèo cày cấy. Qui định nơi lưu đày tội đồ; mở khoa thi cho thầy tăng, kẻ đậu được cấp giấy chứng nhận:
“Tháng 12, ngày 19 [13/1/1430], ra lệnh chỉ cho các quan phủ, lộ, châu, huyện, xã rằng: Xã nào có nhiều ruộng đất nhưng ít người, để bỏ hoang thì cho phép các quan nơi đó cho những người không có ruộng ở các xã khác đến cày cấy, người chủ ruộng xã đó không được chiếm giữ rồi bỏ hoang. Ai vi phạm sẽ bị xử theo tội cưỡng bức chiếm đoạt.
Ngày 27 [21/1/1930], ra lệnh chỉ cho hình quan rằng:
Những người phạm tội phải xử tội đồ lưu, thì hạng phải thích từ 30 đến 20 chữ đầy vào châu Bố Chính, hạng phải thích từ 10 đến 6 chữ đày vào Diễn Châu, hạng phải thích 4 chữ đến đồ làm khao đinh phải vào phường voi, tất cả đều giải đến cho quan Hành khiển ở đạo đó nhận lấy để giao tới chỗ bị lưu hoặc đồ.
Mở khoa thi tăng đạo để cấp giấy.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 72a.
Trước đây, lúc mới khởi nghĩa Lê Lai lập công liều mình cứu Vua, nay truy phong chức Thái úy:
“Trước kia, nhà vua bị quân Minh bao vây bức bách, phải long đong lao đao ở nơi hang núi. Nhà vua hội họp các tướng, bàn việc thay đổi áo bào như chuyện Kỷ Tín ngày xưa. Riêng có Lê Lai hăng hái nói:
‘Nay bị quân địch bức bách nguy khốn như thế này, ta cứ ngồi yên ở chỗ hiểm nghèo, e chẳng ích gì; nếu làm chước này may ra có thể hòa hoãn tình thế được đôi chút thì, vì lòng yêu vua, người trung thần còn có tiếc gì!’.
Nhà vua ngước lên trời, nguyền rằng:
‘Lê Lai đổi áo bào, chịu chết thay để lo tròn báo đáp. Mai sau nếu ta không nhớ nghĩ đến công ấy thì nguyền nơi hành điện sẽ hóa rừng núi, quả ấn báu sẽ hóa thành cục đồng, thanh thần kiếm sẽ hóa đao binh’.
Lê Lai liền quản lãnh quân và voi, xông pha hướng về phía địch, bị giặc bắt và bị giết. Kịp khi trong nước đã yên, nhà vua tặng phong Lê Lai là Thiếu úy Lũng Nhai công thần. Đến đây, lại tặng phong thêm chức Thái úy, sai Lê Trãi[6] chép lời thề nguyền của nhà vua cất vào trong hòm bằng vàng để tỏ ý ghi nhớ không quên.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 15.
————————
[1] Ngôn quan: Chỉ các quan giữ trách nhiệm khuyên can vua và đàn hặc các quan.
[2] Năm Thuận Thiên thứ 1, mùa hạ, tháng 4, có ghi sự kiện: “Sông Nhị nảy vàng ròng”. Có lẽ ở đây nói tới số vàng đó.
[3] Tiền thực: Chỉ tiền đồng, bạc, vàng vv…khác với tiền giấy.
[4] Mao Toại: người đời Chiến Quốc, gia khách của Bình Nguyên Quân, ngày thường cũng như mọi người, không lộ chút tài năng gì. Khi nước Triệu bị nước Tần đánh, Mao Toại tự tiến cử mình, xin cùng đi với Bình Nguyên Quân sang cầu cứu nước Sở. Kết quả là nhờ có Mao Toại thuyết phục được vua Sở, nên lời giao ước “hợp tụng”để chống quân Tần được thực hiện.
[5] Nịnh Thích: Người nước Vệ, nhà nghèo phải đi đẩy xe thuê. Một hôm, thấy Tề Hoàn Công đi qua, Nịnh Thích gõ vào sừng trâu mà hát, Hoàn Công cho là lạ, đưa về cho làm thượng khách, sau có nhiều công lao, được phong tới Tướng quốc.
[6] Lê Trãi: Tức Nguyễn Trãi, lúc này được ban quốc tính họ Lê.