10/12/1920: Woodrow Wilson nhận giải Nobel Hòa bình

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Woodrow Wilson awarded Nobel Peace Prize, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1920, Giải Nobel Hòa bình đã được trao cho Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson vì công lao của ông trong việc chấm dứt Thế chiến I và thành lập Hội Quốc Liên. Dù Wilson không thể tham dự lễ trao giải ở Oslo, Na Uy, Đại sứ Mỹ tại Na Uy, Albert Schmedeman, đã chuyển một bức điện của Wilson tới Ủy ban Nobel.

Tháng 1/1918, Wilson chính thức tham gia vào việc lập kế hoạch để ngăn chặn xung đột quốc tế trong tương lai khi ông đưa ra Chương trình “Mười bốn điểm” của mình. Chương trình đã giải quyết các vấn đề liên quan đến lãnh thổ ở châu Âu, các điều kiện thương mại bình đẳng, cắt giảm vũ khí, và chủ quyền của các thuộc địa cũ của các đế chế đang suy yếu ở châu Âu, nhưng động lực chính của nó là thành lập một tổ chức quốc tế để tìm ra giải pháp hòa bình cho xung đột giữa các quốc gia. “Mười bốn điểm” của Wilson không chỉ đặt nền móng cho bản hòa ước được Pháp, Anh, và Đức ký kết vào cuối Thế chiến I, mà còn tạo cơ sở cho chính sách đối ngoại của Mỹ trong thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Dù Hội Quốc Liên chưa bao giờ thành hiện thực, nguyên nhân phần lớn là vì nó chưa bao giờ được Quốc hội Mỹ phê chuẩn, nhưng nó đã trở thành tiền đề cho Liên Hiệp Quốc, được thành lập sau Thế chiến II.

Khi biết tin về Giải Nobel của mình, Wilson lúc đó đã là một tổng thống “vịt què” đang chiến đấu với những di chứng của cơn đột quỵ khiến ông bị liệt vào tháng 10/1919 – lý do khiến ông không thể đích thân nhận giải thưởng của mình. (Cơn đột quỵ xảy ra ngay trong chuyến công du khắp nước Mỹ nhằm kêu gọi cử tri Mỹ gây sức ép buộc Quốc hội phê chuẩn Hòa ước Versailles và Hội Quốc Liên.) Trong bức điện gửi Ủy ban Nobel, Wilson nói rằng ông rất biết ơn và “rất cảm động” khi được ghi nhận công lao vì sự nghiệp hòa bình, nhưng nhấn mạnh sự cần thiết phải nỗ lực hơn nữa để “loại bỏ nỗi kinh hoàng khôn tả của chiến tranh.” Wilson đã không thể sống đến ngày Liên Hiệp Quốc được thành lập thay thế cho Hội Quốc Liên. Ông qua đời ở tuổi 68 vào tháng 2/1924.