14/02/1919: Trình dự thảo Hiệp ước thành lập Hội Quốc Liên

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Wilson presents draft covenant for League of Nations, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1919, trong một phiên họp toàn thể của hội nghị hòa bình Versailles, Tổng thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson đã trình bày dự thảo Hiệp ước thành lập Hội Quốc Liên do một uỷ ban liên hiệp được thành lập hai tuần trước đó chuẩn bị.

Ủy ban được thành lập vào ngày 25/01 và có cuộc họp đầu tiên vào ngày 04/02, đã làm được điều bất khả thi khi đặt ra các nguyên lý cụ thể cho tầm nhìn đầy tham vọng nhưng rất đỗi mơ hồ của Wilson về một tổ chức quốc tế nhằm giải quyết xung đột trong tương lai giữa các quốc gia và giữ gìn hòa bình thế giới. Ngay từ đầu, ủy ban này đã bao gồm hai đại diện của mỗi quốc gia thuộc Nhóm Năm Siêu Cường (Big Five, gồm Anh, Pháp, Ý, Nhật và Mỹ); sau đó bổ sung thêm chín đại diện từ các nước khác có mặt tại hội nghị hòa bình.

Căng thẳng ngày một gia tăng trong các cuộc thảo luận của ủy ban, đặc biệt là về các vấn đề giải trừ vũ khí nói chung và việc thiết lập một lực lượng quân sự quốc tế giúp Hội Quốc Liên thi hành các nguyên tắc của nó. Người Pháp mạnh mẽ ủng hộ cả hai điểm; nhưng Mỹ và Anh lại phản đối, họ liên tục nghi ngờ hành động chống lại Đức của Pháp và không muốn trao quyền kiểm soát các hoạt động quân sự của mình cho Hội Quốc Liên.

Bất chấp những khó khăn ấy, trong vòng chưa đầy hai tuần, Wilson đã có thể trình bày dự thảo của ủy ban trong đó vạch ra tất cả các khía cạnh của Hội Quốc Liên, bao gồm cả hệ thống quản trị gồm đại hội đồng, ban thư ký và hội đồng hành pháp. Đã không có một quân đội chung cho Hội Quốc Liên và nó cũng không đề cập đến giải trừ vũ khí – Pháp đã thua ở những điểm này. Tuy nhiên, người Pháp kiên trì nhấn mạnh rằng Đức sẽ không được mời tham gia Hội Quốc Liên ngay; điều này sau đó buộc một nước Đức thất vọng phải chấp nhận việc thành lập một tổ chức mà họ không thể tham gia khi ký  Hiệp ước Versailles. (Mãi tới năm 1926, Đức mới gia nhập Hội Quốc Liên, nhưng đã rút khỏi tổ chức vào năm 1933, khi Đảng Nazi lên nắm quyền).

Với một vài sửa đổi, bản hiệp ước đã được thông qua trong một phiên họp toàn thể khác của hội nghị vào ngày 28/04. Khi trình bày bản dự thảo, Wilson nói rằng nhiều điều khủng khiếp đã xảy ra trong cuộc chiến, nhưng cũng có những điều tốt đẹp xuất hiện. Trong lý tưởng của Wilson, Hội Quốc Liên chính là điều tốt đẹp nhất trong số ấy, nhưng trên thực tế thì không phải vậy. Hiệp ước Versailles chưa bao giờ được phê chuẩn bởi Thượng viện Mỹ, phần lớn là vì họ phản đối Điều X của Hiệp ước, trong đó đòi hỏi rằng tất cả các thành viên của Hội Quốc Liên sẽ bảo vệ độc lập lãnh thổ của tất cả các thành viên khác và cam kết cùng hành động quân sự khi cần thiết, để thực hiện điều này.

Sự vắng mặt của Mỹ trong Hội Quốc Liên, cũng như yêu cầu của bản hiệp ước rằng tất cả các quyết định của Hội Quốc Liên phải dựa trên đồng thuận, đã làm giảm đáng kể hiệu quả của tổ chức, và chỉ trong vòng hai thập niên, thế giới lại rơi vào chiến tranh. Cuối cùng, di sản lớn nhất của Hội Quốc Liên không phải là khả năng duy trì hoà bình, mà là cơ sở cho một tổ chức quốc tế khác: Liên Hiệp Quốc sẽ vay mượn một số nguyên tắc tổ chức của Hội Quốc Liên và có lẽ quan trọng hơn là học hỏi từ những sai lầm của nó.