Ukraine và bóng ma Triều Tiên

Nguồn: Gideon Rachman, “Ukraine and the shadow of Korea,” Financial Times, 12/12/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Cuộc xâm lược của Nga có thể kết thúc với một hiệp định đình chiến, chứ không phải một hiệp ước hòa bình chính thức.

Đối với một số người bảo thủ, mọi cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại đều là “Munich.” Đối với một số người cánh tả, mọi cuộc chiến đều có nguy cơ biến thành “Việt Nam.”

Nhưng khi cuộc chiến Ukraine bước sang năm thứ hai, một phép so sánh ít phổ biến hơn đang nổi lên – Triều Tiên.

Điểm tương đồng ở đây là Chiến tranh Triều Tiên chưa bao giờ chính thức kết thúc. Đoạn kết của nó là một hiệp định đình chiến vào năm 1953, chấm dứt giao tranh mà không có một hòa ước chính thức nào được ký kết. Thay vào đó, đã có một lệnh ngừng bắn kéo dài hàng chục năm, mà về cơ bản đã đóng băng cuộc xung đột.

Hy vọng rằng một hiệp định đình chiến có thể là con đường dẫn đến chấm dứt chiến sự ở Ukraine được dựa trên ba ý tưởng. Thứ nhất, cả Nga và Ukraine đều không thể đạt được chiến thắng hoàn toàn. Thứ hai, lập trường chính trị của hai nước quá khác biệt để có thể đạt được một thỏa thuận hòa bình. Thứ ba, cả hai nước đều đang chịu tổn thất nặng nề – điều có thể khiến một lệnh ngừng bắn trở nên hấp dẫn.

Đúng là Moscow vẫn đang nói về chiến thắng. Vladimir Putin tự ví mình như Peter Đại đế, vị sa hoàng đã giành chiến thắng cuối cùng trong Đại chiến Bắc Âu, sau 21 năm đối đầu với Thụy Điển.

Nhưng thực tế là Putin đã thất bại ở Ukraine. Lực lượng của ông đã bị đẩy lùi khỏi Kyiv, Kharkiv, và Kherson. Lệnh động viên một phần của ông đã khiến hàng nghìn đàn ông Nga phải chạy trốn khỏi đất nước, nhưng không thể đảo ngược được tình thế trên chiến trường. Khoảng 100.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương – và mỗi tuần lại có thêm rất nhiều người thiệt mạng trong chiến tranh chiến hào tàn khốc.

Việc Putin không thể thừa nhận quy mô của thảm họa mà ông đã gây ra cho đất nước mình, cũng như những tội ác chiến tranh mà Nga đã gây ra ở Ukraine, chính là những trở ngại lớn cho hòa bình.

Tuy nhiên, quyết định kết thúc chiến tranh của Nga có thể được ngụy trang như một sự điều chỉnh trong chiến thuật quân sự, thay vì là một sự thừa nhận thất bại. Đây là điều đã xảy ra khi Nga rút khỏi Kherson. Putin đã giữ khoảng cách với quyết định rút lui, được công bố bởi các chỉ huy quân sự và bộ trưởng quốc phòng.

Sir Lawrence Freedman, tác giả của cuốn Command: The Politics of Military Operations from Korea to Ukraine (Chỉ huy: Chính trị của các chiến dịch quân sự từ Triều Tiên đến Ukraine), được xuất bản gần đây, nhận thấy có khả năng “xảy ra đàm phán giữa các quân đội với nhau về việc rút quân.” Dù Freedman nhấn mạnh rằng có những khác biệt quan trọng giữa hai cuộc chiến Triều Tiên và Ukraine, ông cho rằng hiệp định đình chiến của Triều Tiên chỉ ra khả năng “ngừng giao tranh, bằng cách tách các lực lượng ra xa nhau” – mà không cần một thỏa thuận hòa bình đầy đủ.

Nếu không có lợi ích nào về lãnh thổ hoặc chính trị, Putin khó có thể tuyên bố chấm dứt chiến tranh. Nhưng ông có thể chấp nhận ngừng giao tranh – điều này có thể được ngụy tạo như một hành động nghe theo lời khuyên của giới quân sự, hoặc một cử chỉ thiện chí.

Nhưng tại sao người Ukraine phải chấp nhận đình chiến? Họ có những lý do mạnh mẽ về đạo đức, chính trị, và sự sống còn để tiếp tục chiến đấu. Ukraine có động lực trong cuộc chiến. Tổng thống Volodymyr Zelensky đã hứa sẽ chiếm lại từng tấc lãnh thổ bị chiếm đóng, bao gồm cả Crimea, vốn đã bị Nga sáp nhập vào năm 2014. Sau những hành động tàn bạo mà Putin gây ra cho Ukraine, ý tưởng về một quan hệ “bình thường” với một nước Nga chưa cải cách dường như là điều không tưởng đối với nhiều người Ukraine. Và cũng có một lo ngại thực tế rằng Nga sẽ đơn giản sử dụng lệnh ngừng bắn để tái vũ trang trước khi tấn công Ukraine một lần nữa.

Tuy nhiên, cũng có những lý do – chắc chắn là khó nói hơn nhiều – khiến một lệnh ngừng bắn kéo dài theo kiểu Triều Tiên trở nên hấp dẫn đối với Ukraine. Giống như người Nga, người Ukraine vẫn đang hứng chịu thương vong nặng nề. Họ cũng đang phải đối mặt với một chiến thuật tàn bạo nhưng hiệu quả của Nga – chủ động nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng của Ukraine. Bằng việc khiến cho mùa đông trở nên khó chống chọi, việc mất nguồn cung nước và điện sẽ làm hàng triệu người tị nạn Ukraine rất khó trở về nhà. Thay vào đó, một làn sóng người tị nạn mới đang hình thành. Khi nhiều tháng lưu vong kéo dài thành nhiều năm, khả năng những người tị nạn quay trở lại Ukraine sẽ ít hơn – gây ra căng thẳng lớn cho các gia đình và xã hội.

Một vài người Ukraine thừa nhận một cách riêng tư rằng việc giành lại Crimea sẽ kéo theo một cuộc chiến thậm chí còn tàn bạo hơn trong nỗ lực tái chiếm lãnh thổ nơi có nhiều người – bao gồm nhưng không chỉ có các sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu – vốn trung thành với Nga.

Vì vậy, người Ukraine có động cơ nhất định để đóng băng cuộc xung đột, mà không từ bỏ các mục tiêu chính trị quan trọng của họ. Trở ngại lớn nhất là họ thiếu tin tưởng hoàn toàn vào ý định của người Nga. Nhưng thực tế là các đồng minh phương Tây của Ukraine cũng đã không còn ảo tưởng về bản chất của nước Nga dưới thời Putin có nghĩa là một Ukraine hậu ngừng bắn sẽ không bị bỏ mặc một mình trong tương lai. Thay vào đó, khả năng được viện trợ quân sự và đảm bảo an ninh sẽ biến nước này thành một “con nhím” khó tiêu mà Nga phải cân nhắc trước khi tấn công.

Một lệnh ngừng bắn cũng sẽ cho phép những nước có cảm tình với Ukraine rót viện trợ nước ngoài để giúp nước này tái thiết. Hàn Quốc đã bị tàn phá hoàn toàn sau Chiến tranh Triều Tiên, nhưng hiện là một quốc gia thịnh vượng, tiên tiến. Ngược lại, một nước Nga vẫn do Putin lãnh đạo, một nước Nga vẫn từ chối thừa nhận tội ác của mình ở Ukraine, có thể phải đối mặt với một tương lai tiếp tục bị quốc tế cô lập và chứng kiến nạn nghèo đói gia tăng. Khi thực tế đó xảy ra, công cuộc tái thiết chính trị được chờ đợi từ lâu của Nga cuối cùng cũng có thể bắt đầu.