Cuộc chiến ở Ukraine đã đi đến bước ngoặt

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Gideon Rachman, “The Ukraine war has reached a turning point,” Financial Times, 12/09/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Sau khi người Nga thất thế, một giai đoạn mới và nguy hiểm hơn trong cuộc xung đột đã bắt đầu.

Cảnh tượng quân đội Nga rút lui thành hàng dài ở Ukraine là điều đáng chú ý – nhưng không có gì đáng ngạc nhiên.

Đối với Nga, cuộc chiến này đã đi theo hướng tồi tệ ngay từ những ngày đầu. Vladimir Putin đã không đạt được chiến thắng chớp nhoáng mà ông mong muốn vào ngày 24/02. Đến tháng 4, người Nga đã buộc phải rút lui trong nhục nhã sau khi tìm cách chiếm đóng Kyiv.

Những lợi ích hạn chế mà Nga đạt được trong sáu tháng qua đã phải trả giá rất đắt. Lực lượng ban đầu do Điện Kremlin tập hợp có khoảng 200.000 quân. Tháng trước, Mỹ ước tính rằng 70.000-80.000 người trong nhóm này đã bị giết hoặc bị thương kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược.

Không muốn thừa nhận rằng Nga đang có chiến tranh, Putin đã từ chối áp dụng chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Ngược lại, Ukraine đã huy động toàn bộ dân số nam giới ở độ tuổi trưởng thành. Kết quả là, Ukraine hiện có nhiều binh sĩ trên chiến trường hơn Nga.

Người Ukraine cũng có lợi thế về tinh thần chiến đấu và vũ trang. Họ đang chiến đấu để bảo vệ đất nước của mình. Nguồn cung cấp vũ khí tiên tiến từ Mỹ và châu Âu – đặc biệt là tên lửa tầm xa chính xác – có nghĩa là họ hiện đang được trang bị tốt hơn so với Nga.

Viễn cảnh Nga bị đánh bại là có thật và đáng để phấn khởi. Nhưng những bước tiến của Ukraine cũng mở ra một giai đoạn mới và nguy hiểm hơn trong xung đột.

Hình ảnh dân thường khóc nức nở ôm hôn binh sĩ Ukraine khi họ giải phóng các thị trấn và làng mạc khỏi tay quân Nga đã nhấn mạnh mục đích của cuộc chiến. Nếu bị Nga chiếm đóng vĩnh viễn, người ta sẽ mất đi tự do chính trị, và sẽ bị cưỡng chế bằng các vụ giết người, tra tấn, và trục xuất.

Một chiến thắng dễ dàng của Nga ở Ukraine cũng sẽ mở ra cánh cửa để tiếp tục gây hấn với các nước láng giềng – bao gồm Moldova, và có lẽ cả các thành viên NATO như Estonia, Latvia, và Litva. Khả năng đó đủ đáng báo động để thuyết phục Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập NATO.

Nếu Nga bị đánh bại, mối đe dọa xâm lược bao trùm phần còn lại của châu Âu sẽ biến mất. Bầu không khí chính trị toàn cầu cũng sẽ thay đổi. Thất bại của Nga sẽ gây ra khó khăn ở Bắc Kinh và Mar-a-Lago. Trong những tuần trước khi xảy ra xâm lược, Trung Quốc đã tuyên bố xác lập tình bạn “không có giới hạn” với Nga. Donald Trump thì nói rằng Vladimir Putin là một “thiên tài.” Những lời nhận định đó bây giờ không chỉ vô đạo đức, mà còn ngu ngốc.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhận định thận trọng. Gần một phần năm lãnh thổ Ukraine vẫn đang bị chiếm đóng. Người Nga sẽ cố gắng tập hợp lại và lực lượng Ukraine có thể bị dàn mỏng quá mức.

Câu hỏi phức tạp thực sự là điều gì sẽ xảy ra nếu Nga phải đối mặt với một thất bại nhục nhã – có lẽ bao gồm cả việc mất Crimea, khu vực đã bị chiếm đóng vào năm 2014 và khiến Moscow rất vui mừng?

Thay vì chấp nhận thất bại, Putin có thể sẽ cố gắng leo thang. Tuy nhiên, các lựa chọn của ông lại có phần hạn chế và không hấp dẫn. Việc từ chối kêu gọi tổng động viên phản ánh nỗi lo sẽ khuấy động làn sóng đối lập trong xã hội Nga. Việc huy động lực lượng, huấn luyện, và trang bị cho họ sẽ mất nhiều tuần – trong khi cuộc chiến lại đang diễn ra nhanh chóng.

Ngay từ đầu cuộc xung đột, Putin đã ám chỉ rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân. Nhà Trắng luôn xem xét khả năng này một cách nghiêm túc. Khi chiến tranh kéo dài và tình hình trở nên tồi tệ đối với Nga, lo ngại rằng Putin có thể sử dụng vũ khí hạt nhân đã giảm đi một chút, nhưng vẫn chưa biến mất. Như một nhà hoạch định chính sách cấp cao của phương Tây đã nói với tôi vào tuần trước: “Chúng ta phải nhớ rằng hầu hết mọi cuộc tập trận quân sự của Nga mà chúng ta đã quan sát thấy đều có liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân.”

Tuy nhiên, sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine rõ ràng chứa đựng nguy cơ là bản thân nước Nga cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi bụi phóng xạ. Phản ứng chính trị toàn cầu sẽ rất tiêu cực, và một phản ứng quân sự của phương Tây, nhiều khả năng là phi hạt nhân, sẽ là điều không thể tránh khỏi.

Giống như các nhà lãnh đạo Nga trong quá khứ, Putin hy vọng rằng mùa đông sẽ giúp ông. Thông báo gần đây của Nga rằng họ sẽ cho ngừng hầu hết các nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu chắc chắn là nhằm khiến những người ủng hộ phương Tây của Ukraine phải phục tùng.

Nhưng Putin phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố để có thể chiến thắng trong trò chơi khí đốt. Một mùa đông lạnh giá, hoặc một làn sóng cuộc biểu tình chính trị ở phương Tây sẽ có lợi cho ông. Nhưng không thể chỉ trông chờ vào chúng. Chính phủ Đức cho biết nước này “hiện đã chuẩn bị tốt hơn cho việc Nga ngừng cung cấp khí đốt,” và tổng mức dự trữ khí đốt là gần 87%. Ngoài ra, các khoản trợ giá năng lượng đang được triển khai trên khắp châu Âu.

Vì vậy, vị trí của nhà lãnh đạo Nga có vẻ đang gặp nguy hiểm. Ngay từ đầu, một số nhà lãnh đạo phương Tây đã thầm hy vọng rằng Putin sẽ đánh mất quyền lực do hậu quả của chiến tranh. Tổng thống Joe Biden thậm chí đã thốt ra điều đó.

Nhưng nếu Putin bị phế truất, có lẽ là bởi một cuộc đảo chính, thì người thay thế ông nhiều khả năng sẽ là một người theo chủ nghĩa dân tộc cứng rắn, hơn là một người theo chủ nghĩa tự do. Những tiếng nói bất đồng chính kiến gay gắt nhất ở Nga hiện nay là từ các sĩ quan và những người theo chủ nghĩa dân tộc – những người kêu gọi leo thang chiến tranh. Một giả thuyết đang lan truyền trong giới tình báo phương Tây là vụ sát hại Daria Dugina, một nhà báo theo chủ nghĩa dân tộc, đã được dàn xếp bởi cơ quan an ninh Nga như một lời cảnh báo dành cho nhóm cực hữu dám chỉ trích Putin.

Một nước Nga bị đánh bại sẽ không biến mất khỏi bản đồ. Nó sẽ vẫn sở hữu một số lượng lớn vũ khí hạt nhân, và sự uất hận sẽ càng thêm dồn nén.

Rõ ràng có rất nhiều nguy hiểm đang chờ ở phía trước. Nhưng đôi khi tin tốt cũng phải được ghi nhận tương xứng. Trong một năm vốn đã ảm đạm, những chiến thắng của quân đội Ukraine trong tuần qua chắc chắn là tin tốt mà chúng ta cần.