Thế giới hôm nay: 16/12/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Các ngân hàng trung ương châu ÂuAnh đã làm theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ khi tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm, thấp hơn mức tăng 0,75 trước đó. Đây là đợt tăng lãi suất lần thứ chín liên tiếp của Ngân hàng Trung ương Anh, qua đó đưa lãi suất của họ lên 3,5%, mức cao nhất 14 năm qua. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB tăng lãi suất từ 1,5% lên 2%, cao nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008. ECB cho biết sẽ tiếp tục tăng lãi suất do lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu trung hạn 2%, bất kể có đạt đỉnh hay chưa. Lạm phát khu vực đồng Euro ở mức 10% trong tháng 11, giảm từ 10,6% hồi tháng 10.

Hoạt động kinh tế ở Trung Quốc giảm tốc trong tháng 11. Cụ thể, doanh số bán lẻ giảm 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tăng trưởng sản lượng công nghiệp giảm còn 2,2% từ mức 5% của tháng trước đó. Cả nhu cầu tiêu dùng lẫn sản xuất đều bị ảnh hưởng nặng bởi chính sách zero covid. Dù chính phủ đang dỡ bớt hạn chế, làn sóng số ca nhiễm mới sẽ tự chính nó gây hại cho nền kinh tế.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết có 64 tù nhân chiến tranh Ukraine vừa được thả khỏi nhà tù Nga trong một cuộc trao đổi tù nhân, trong đó có một công dân Mỹ. Song Ukraine không cho biết đã trả tự do cho bao nhiêu tù nhân Nga. Trong khi đó, một “máy bay không người lái không xác định” đã tấn công căn cứ không quân của Nga ở Kursk, gần biên giới với Ukraine, theo các quan chức nước này.

Elon Musk bán thêm 3,6 tỷ đô la cổ phiếu Tesla, đưa tổng số cổ phần ông đã bán kể từ khi chi 44 tỷ đô mua lại Twitter lên gần 23 tỷ đô. Được biết trong năm nay cổ phiếu của Tesla đã giảm hơn 60%. Các nhà đầu tư đang lo ngại lạm phát có thể khiến nhu cầu mua xe giảm đi, và rằng ông Musk đang bị sao nhãng bởi Twitter.

Liên Hợp Quốc hoãn quyết định có nên cho phép đại diện của Taliban ở Afghanistan và chính quyền quân sự ở Myanmar làm đại diện quốc gia tại đại hội đồng hay không. Cái gật đầu từ Liên Hợp Quốc sẽ là một bước quan trọng để cả hai chế độ được quốc tế công nhận. Hiện tại, đại diện của hai nước vẫn sẽ là các phái viên từ trước khi thay đổi chế độ. Liên Hợp Quốc sẽ xem xét lại vấn đề này sau chín tháng nữa.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất chuẩn lên nửa điểm phần trăm, sau khi đã bốn lần liên tiếp tăng 0,75 điểm, để đưa lãi suất liên ngân hàng lên khoảng 4,25-4,5%, cao nhất kể từ năm 2007. Trong bài phát biểu chủ tịch Jerome Powell cũng cho thấy Fed sẽ tiếp tục chủ động. Dự báo trung bình hiện tại là lãi suất sẽ đạt 5,1% vào năm 2023 — cao hơn đáng kể ước tính ban đầu — và rằng GDP của Mỹ tăng trưởng 0,5% trong năm tới.

Con số trong ngày: 12.000, là số quy định mới được chính phủ Mỹ đưa ra trong năm 2021, tăng so với các năm gần đây.

TIÊU ĐIỂM

Nhật tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng

Chính sách an ninh của Nhật Bản sẽ có một bước tiến lớn vào thứ Sáu khi chính phủ công bố bản sửa đổi chiến lược an ninh quốc gia được chờ đợi từ lâu. Nhật Bản sẽ ghi vào luật các kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP cho tới năm 2027, từ mức 1% hiện nay. Với mức GDP hiện tại, mức tăng như trên sẽ đưa Nhật trở thành nước chi tiêu quốc phòng nhiều thứ ba trên thế giới. Chính phủ cũng có kế hoạch mua tên lửa tầm xa cho phép Nhật tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ của kẻ thù. Cả hai động thái này đều thể hiện sự phá vỡ tiền lệ khỏi chủ nghĩa hoà bình kể từ sau Thế chiến II.

Nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi lớn. Một là tiền sẽ chi vào đâu, và hai là tiền đến từ đâu. Điều đáng chú ý là trong nước hầu như không có sự phản đối lớn nào đối với các đề xuất của chính phủ. Thái độ hiếu chiến của Trung Quốc, chương trình tên lửa của Triều Tiên, và cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã khiến người Nhật nhận ra họ không còn có thể tiết kiệm chi phí an ninh được nữa.

Tròn mười năm vụ hãm hiếp dã man trên xe buýt ở Ấn Độ

Thứ Sáu này là tròn mười năm kể từ ngày Jyoti Singh, một sinh viên vật lý trị liệu 23 tuổi, bị một nhóm đàn ông cưỡng hiếp và đánh đập trên xe buýt ở thủ đô Delhi của Ấn Độ. Cô sau đó thiệt mạng vì chấn thương nặng.

10 năm trôi qua nhưng không có nhiều thay đổi. Hồi tháng 5, Shraddha Walkar, một tổng đài viên, đã mất tích ở Delhi. Trước đó cô báo với cảnh sát rằng người bạn đời của mình đã hành hung và đe dọa sẽ chặt xác cô. Người này nhận tội vào tháng trước. Được biết hầu hết bạo lực đối với phụ nữ Ấn Độ xảy ra tại nhà: trong một cuộc khảo sát, 30% phụ nữ đã kết hôn hoặc đã từng kết hôn cho biết từng bị bạo hành gia đình.

Trường hợp của Jyoti Singh có dẫn đến một số cải thiện. Các điều luật mới đã giúp việc truy tố tội tấn công tình dục dễ dàng hơn, trong khi Tòa án Tối cao ra phán quyết củng cố quyền phụ nữ và tỷ lệ nạn nhân tố cáo tội phạm tình dục cũng tăng lên phần nào. Nhưng bấy nhiêu là chưa đủ. Một nửa dân số Ấn Độ vẫn cho rằng việc chồng đánh vợ là chấp nhận được. Cho đến khi xã hội thay đổi, phụ nữ sẽ vẫn chưa an toàn.

Đảng cầm quyền Nam Phi tổ chức đại hội trước tổng tuyển cử

Khi đảng Đại hội Dân tộc Phi ANC họp đại hội toàn quốc vào thứ Sáu, cả hội trường sẽ vang vọng những bài hát truyền thống về chống phân biệt chủng tộc. Có thể thấy quá khứ của đảng cầm quyền Nam Phi đẹp và đáng kỉ niệm hơn phiên bản hiện tại, hoặc thậm chí tương lai, của họ. Sau 28 năm ANC cầm quyền, người dân Nam Phi đang ngày càng chán ngấy đảng này, và dự kiến sẽ khiến ANC mất thế đa số trong cuộc tổng tuyển cử 2024.

Đại hội trong tháng này sẽ chọn lãnh đạo đảng cho cuộc bầu cử đó. Bất chấp vụ bê bối tham nhũng gần đây, Cyril Ramaphosa, chủ tịch đảng kiêm tổng thống, nhiều khả năng sẽ tiếp tục tại vị. Những người ủng hộ ông nói nếu có thể tập hợp đủ đồng minh ở các vị trí hàng đầu trong đảng, ông sẽ đủ sức theo đuổi cải cách kinh tế và tẩy sạch tham nhũng. Nhưng như vậy thật là ngây thơ. Ngay cả Nelson Mandela, cựu lãnh đạo đảng, cũng không thể cải cách ANC của ngày hôm nay. Nó là một cỗ máy bảo trợ chính trị chứ không phải một đảng tiến bộ.

Thuỵ Điển quyết tâm gia nhập NATO

Quốc hội Thụy Điển sẽ thảo luận về ngân sách quốc phòng vào thứ Sáu này. Năm nay Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO cùng với nước láng giềng Phần Lan, sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Trước đây Thụy Điển có kế hoạch đạt mục tiêu chi tiêu quốc phòng 2% GDP của liên minh vào năm 2028, nhưng giờ đây sẽ tăng tốc sớm hai năm.

Tuy nhiên Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ phản đối. Hôm thứ Ba, sau khi được EU đồng ý cho phép tiếp cận hàng tỷ đô la viện trợ, Hungary đã đổi ý và xác nhận quốc hội sẽ tranh luận về đơn gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan vào tháng 2. Trong khi đó Thụy Điển cũng đang ve vãn Thổ Nhĩ Kỳ. Hồi tháng 9, họ đã dỡ bỏ lệnh cấm bán thiết bị quân sự không chính thức cho Ankara. Và có báo cáo trong tháng này cho thấy chính phủ Thụy Điển đã trục xuất những người bị nghi ngờ có liên hệ với PKK, một nhóm phiến quân người Kurd từ lâu đã trở thành cái gai trong mắt giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ. Vẫn chưa rõ liệu các nhượng bộ trên có thành công hay không.