Phụ nữ Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc xóa bỏ chính sách zero-covid

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “China’s female protesters break nation free from zero-COVID,” Nikkei Asia, 15/12/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Tập đã loại phụ nữ ra khỏi các vị trí trong ban lãnh đạo, nhưng sự thất vọng bị dồn nén có thể sẽ phát nổ.

Thứ Bảy vừa qua là một thời khắc quan trọng đối với Trung Quốc, khi các nhà chức trách cảnh giác cao độ nhằm ngăn chặn phong trào sinh viên chống chính sách zero-covid biến thành một lời kêu gọi vì dân chủ và nhân quyền phổ quát.

Tại một trường đại học lớn ở miền trung Trung Quốc, một tấm biển bằng giấy được dán trên cửa sổ ký túc xá sinh viên, nói về Ngày Nhân quyền Quốc tế. Đó là một biểu hiện của sự ủng hộ “phong trào giấy trắng”.

Tấm biển ngay lập tức bị ban giám hiệu nhà trường gỡ bỏ, còn những sinh viên biểu tình thì bị bịt miệng.

Hồi thập niên 1980, Ngày Quốc tế Nhân quyền đã được giảng dạy tại các trường học Trung Quốc. Vào thời điểm đó, Đoàn Thanh niên Cộng sản, cánh cửa dẫn đến vị trí lãnh đạo đảng, đóng một vai trò quan trọng trong giáo dục nhân quyền.

Mặc dù “giáo dục nhân quyền” ở Trung Quốc khác biệt đáng kể so với ở các nước tự do, nhưng chí ít họ cũng đã nỗ lực để thảo luận về chủ đề này.

Giờ đây, sinh viên Trung Quốc thậm chí còn không được phép nhắc đến Ngày Nhân quyền Quốc tế – kỷ niệm ngày Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, ngày 10/12/1948.

Chủ tịch Tập Cận Bình và đội ngũ lãnh đạo của ông đã vượt qua được ngày thứ Bảy vừa qua, một ngày mang tính biểu tượng cho các phong trào sinh viên ủng hộ dân chủ trước đây ở Trung Quốc, mà không chịu thiệt hại rõ ràng nào.

Tuy nhiên, một nhà quan sát Trung Quốc đã ghi nhận tầm quan trọng của các cuộc biểu tình. “Xã hội Trung Quốc đã chứng kiến sự thay đổi rõ ràng sau phong trào giấy trắng, và sớm hay muộn, tác động sẽ trở nên rõ ràng.”

Nguồn tin cho biết nguyên nhân là vì việc nới lỏng chính sách zero-covid chắc chắn là hành động nhượng bộ. Phong trào xã hội do sinh viên lãnh đạo lần đầu tiên kể từ cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 đã giành được sự nhượng bộ rõ ràng từ chế độ chuyên chế.

Sinh viên và công dân bình thường giờ đã biết được hương vị của thành công. Việc dám gây áp lực lên đảng và chính phủ đã mang lại kết quả.

Phong trào xã hội do sinh viên lãnh đạo lần đầu tiên kể từ cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 đã khiến chính phủ phải nhượng bộ thay vì đàn áp quân sự.

Thành tích này càng có ý nghĩa quan trọng khi nó chống lại Tập, người vào tháng 10 đã giành được quyền lực tối cao tại đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Người ta cho rằng Tập không có lựa chọn nào khác ngoài việc dẹp lòng tự ái sang một bên và chấp nhận nhượng bộ, bởi nếu không làm như vậy, ông có thể kích động một phong trào thậm chí còn quyết liệt hơn – phong trào kêu gọi ông từ chức.

Thực ra, Tập Cận Bình có thể đã sử dụng phong trào giấy trắng làm cái cớ để từ bỏ chính sách zero-covid của mình, chính sách đang tàn phá nền kinh tế Trung Quốc.

Không có phụ nữ nào trong đội hình mới nhất của Bộ Chính trị, được công bố vào tháng 10. (Ảnh của Yusuke Hinata)

Dù sự thật là gì, việc dỡ bỏ zero-covid sẽ mang lại những hậu quả không định trước. Dù biểu tình đã tạm lắng xuống, một làn sóng biểu tình quy mô lớn khác có thể bùng phát nếu một tình huống không thể chịu đựng khác xảy ra.

Và một tiền lệ đã được thiết lập. Các cuộc biểu tình mới sẽ có thể dẫn đến những nhượng bộ mới.

Về khía cạnh này, chính quyền Tập có lẽ đã vô tình mở chiếc hộp Pandora.

Một yếu tố đáng chú ý của phong trào giấy trắng là vai trò đi đầu của phụ nữ. “Những người lãnh đạo phong trào giấy trắng ở nhiều nơi trên đất nước rõ ràng là phụ nữ,” một nguồn tin quen thuộc với các phong trào xã hội trên khắp Trung Quốc cho biết. “Nền tảng phong trào của họ là lập luận cơ bản rằng quyền của phụ nữ cần được bảo vệ.”

Nguồn tin cho rằng, việc yêu cầu bãi bỏ chính sách zero-covid vô cảm, vốn đã hạn chế các quyền tự do quá lâu, chỉ là một phần trong một lập trường còn lớn hơn nhiều. Lập trường đó đòi hỏi nhiều quyền khác nhau. Và bối cảnh đằng sau tất cả những điều này, nguồn tin khẳng định, là động lực nhằm bảo vệ quyền của phụ nữ.

Những bức ảnh chụp biểu tình giấy trắng ở Thượng Hải, Bắc Kinh, Nam Kinh, và các địa phương khác của Trung Quốc luôn có những người phụ nữ đứng ở hàng đầu, dũng cảm giơ cao những tờ giấy trắng.

Điều thú vị là phụ nữ cũng đi đầu trong các cuộc biểu tình được tổ chức ở Đài Bắc, Hong Kong, và Tokyo để ủng hộ những người biểu tình giấy trắng ở đại lục.

Người biểu tình ở Bắc Kinh vào ngày 27/11 giơ cao những tờ giấy trắng, về cơ bản, họ đang yêu cầu Chủ tịch Tập Cận Bình hãy tự điền vào chỗ trống. (Ảnh đã được biên tập vì lý do an ninh) © AP

Sự đoàn kết quốc tế do phụ nữ lãnh đạo này là một hiện tượng mới.

Đàn ông Trung Quốc đương đại có xu hướng bảo thủ, đôi khi không dám hành động táo bạo, vì sợ ảnh hưởng đến khả năng đạt được và duy trì địa vị xã hội, cũng như triển vọng công việc trong tương lai.

Hầu hết phụ nữ Trung Quốc cũng có việc làm, nhưng nhiều trong số họ đã bị ảnh hưởng bởi đợt cắt giảm nhân sự liên quan đến chính sách zero-covid. Yêu cầu của họ bao gồm giải quyết vấn đề việc làm, lương thực, và các quyền cơ bản của con người.

Điều khiến biểu tình giấy trắng trở thành một vấn đề nan giải đối với Tập là chúng phản ánh những mâu thuẫn đa dạng đang bao trùm xã hội Trung Quốc. Thật khó để tạo ra một dòng quan điểm để trấn áp phong trào.

Người biểu tình tham gia cuộc tuần hành tưởng niệm các nạn nhân của chính sách zero-covid của Trung Quốc bên ngoài Ga Shinjuku vào ngày 30/11 tại Tokyo, Nhật Bản. © Getty Images

Chính sách zero-covid, từng được Trung Quốc quảng bá là thành công lớn của mình, hiện đang gây ra những vấn đề mới trên mặt trận chính sách xã hội.

Nỗi thất vọng bị dồn nén của phụ nữ Trung Quốc còn do nạn quấy rối tình dục và bạo lực tình dục diễn ra ở nước này.

Hồi đầu năm nay, dư luận đã dậy sóng khi đoạn video quay cảnh một phụ nữ 44 tuổi bị trói bằng dây xích quanh cổ lan truyền trên mạng.

Chính quyền tỉnh Giang Tô đã bắt chồng bà vì nghi ngờ lạm dụng vợ. Sau khi bị bán đến một ngôi làng làm nông, người phụ nữ, nạn nhân của bọn buôn người, đã có 8 người con với người chồng.

Trung Quốc đang có sự mất cân bằng giới tính. Đặc biệt, các khu vực nông thôn thường có nhiều đàn ông hơn phụ nữ do chính sách một con kéo dài, hiện nay đã được chấm dứt.

Nạn bắt cóc và buôn bán phụ nữ tràn lan để bù đắp cho tình trạng “thiếu cô dâu” là một vấn đề xã hội lớn ở Trung Quốc.

Vụ việc đã thu hút sự chú ý đối với những phụ nữ bị áp bức trên khắp đất nước và dẫn đến những lời kêu gọi bảo vệ quyền lợi của họ trên toàn quốc.

Chính quyền địa phương ban đầu cố gắng che đậy sự việc, nhưng những lời kêu gọi trên mạng xã hội khiến họ không thể phớt lờ. Cũng như việc bãi bỏ chính sách zero-covid, sức mạnh của người dân đã được thể hiện.

Phong trào giấy trắng vẫn chưa kết thúc; những thất vọng xã hội, chẳng hạn như những vấn đề về quyền của phụ nữ, vẫn còn âm ỉ. Các cuộc biểu tình có thể xuất hiện trở lại vào một lúc nào đó trong tương lai, và thậm chí còn dữ dội hơn.

Nhiều khả năng các xu hướng mới sẽ liên kết các phong trào xã hội trên khắp Trung Quốc đại lục, Hong Kong, và Đài Loan, bất chấp các biện pháp như luật an ninh quốc gia Hong Kong năm 2020.

Một người từng giữ chức vụ chủ chốt trong hội sinh viên tại một trường đại học lớn ở Hong Kong đã bình luận về những diễn biến gần đây ở đại lục. “Cuối cùng,” người này nói, “người dân ở đại lục đã bắt đầu có cùng cảm xúc đối với các phong trào ủng hộ dân chủ diễn ra ở Đài Loan và Hong Kong trong những năm gần đây.”

Trong tương lai, những mảnh giấy trắng có thể chứng tỏ sức mạnh như những nông cụ ở Cung điện Versailles. (Ảnh đã được biên tập vì lý do an ninh) © Reuters

Việc phụ nữ Trung Quốc xuống đường biểu tình là một sự đối lập hoàn toàn với suy nghĩ của Tập Cận Bình trong việc đề bạt phụ nữ vào các vị trí chủ chốt.

Bộ Chính trị gồm 24 thành viên chỉ toàn nam giới được công bố tại đại hội đảng vừa qua đã bị quốc tế chỉ trích.

Một số người cho rằng việc Tập Cận Bình coi thường phụ nữ khi bổ nhiệm đội ngũ lãnh đạo phản ánh việc ông thiếu quan tâm đến bảo vệ quyền phụ nữ và dường như chỉ miễn cưỡng lắng nghe quan điểm của họ.

Đúng 200 năm trước khi xảy ra cuộc đàn áp Thiên An Môn năm 1989, phụ nữ đã đóng một vai trò quan trọng trong Cách mạng Pháp. Ngày 5/10/1789, hàng nghìn bà nội trợ, phụ nữ trẻ, và những người khác ở Paris đã bắt đầu một cuộc tuần hành rầm rộ về phía Cung điện Versailles, nơi vua và hoàng hậu sinh sống, đòi cung cấp lương thực, vốn đang rất khan hiếm.

Họ cầm trên tay vũ khí là những con dao và lưỡi hái.

Đi đầu trong các cuộc biểu tình giấy trắng của Trung Quốc, những người phụ nữ đang cầm những tờ A4 trắng tinh. Sức tàn phá của những trang giấy trắng này không hề kém những món đồ làm bếp và nông cụ từng lật đổ chế độ quân chủ Pháp.

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.