Thực hiện: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương
Chiến tranh Nga – Ukraine
-
- TT Ukraine Zelenskyy nói sẽ ‘không thỏa hiệp’ với Nga
- Ukraine gồng mình khôi phục điện, nước sau cuộc tấn công của Nga
- TT Nga Putin chỉ thị lực lượng an ninh truy tìm “nội gián và gián điệp”
- Putin nói chính phủ sẽ cung cấp cho quân đội Nga ‘mọi thứ họ yêu cầu’
- Máy bay không người lái tấn công thủ đô Ukraine một lần nữa khi Putin tới Belarus
- Nga ráo riết sử dụng súng cối 2S4 Tyulpan mạnh nhất thế giới
- Mỹ cáo buộc Liên Hợp Quốc nhượng bộ trước các mối đe dọa của Nga về cuộc điều tra máy bay không người lái của Iran
- Lầu Năm Góc lên kế hoạch huấn luyện vũ khí kết hợp cho binh sĩ Ukraine
- Thủ tướng Anh Sunak công bố khoản viện trợ quân sự mới trị giá 304 triệu USD cho Ukraine
- Hy Lạp sẵn sàng cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Ukraine chỉ vì Patriot của Mỹ
Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
-
- Mỹ nói Nga và Trung Quốc đang cùng thực hiện các chiến lược để làm suy yếu NATO
- Tàu do thám Yuan Wang 5, lập bản đồ Ấn Độ Dương cho các hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc
- Triển vọng máy bay chiến đấu Trung Quốc tại Nam Mỹ tan tành khi Argentina rút kế hoạch mua
- Nga, Trung Quốc tổ chức tập trận hải quân chung
- Trung Quốc bị cáo buộc xây dựng trên các rạn san hô không có người ở Biển Đông
- Quân đội Trung Quốc mô phỏng tấn công quần đảo Nansei
- Đài Loan điều máy bay cảnh cáo không quân Trung Quốc
- Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo ra biển ngoài khơi phía đông
- Triều Tiên sẵn sàng chứng minh các tiến bộ trong phát triển ICBM bằng cách bắn theo quỹ đạo thông thường
- Triều Tiên chỉ trích Nhật tăng cường quân sự, Mỹ điều máy bay tàng hình
- Ngoại trưởng Nhật ‘giải thích’ thay đổi chính sách quốc phòng với Vương Nghị
- Nhật Bản tặng trực thăng Huey cho Quân đội Philippines
- Nga lên án hành động ‘quân sự hóa’ Nhật Bản dưới thời Kishida
- Tàu Trung Quốc bám đuôi tàu tiếp tế Philippines đến bãi Cỏ Mây
- Ấn Độ sử dụng khí tài hải quân cho biên giới đất liền giữa căng thẳng LAC
- Việt Nam cần nghiên cứu tác chiến với chiến tranh công nghệ cao
- Lực lượng cứu hộ Thái Lan tìm thấy năm thi thể, một người sống sót sau vụ chìm tàu chiến
- Tư lệnh mới của Indonesia lên kế hoạch hoạt động đặc biệt trên Biển Đông
Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi
Chuyên mục Phân tích
-
- Nga có đang cạn kiệt đạn dược?
- Cuối cùng Ukraine cũng có được hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot?
- Hệ thống Patriot sẽ tạo ra điểm khác biệt gì cho khả năng phòng thủ của Ukraine?
- Trung Quốc phải chuẩn bị cho một nước Nga suy yếu vì chiến tranh Ukraine
- Úc để mắt B-21 để kiềm chế Trung Quốc, nhưng liệu Mỹ có bán máy bay ném bom tàng hình tiên tiến nhất?
- Quân đội Đài Loan gặp vấn đề về khả năng sinh sản khi lo ngại về Trung Quốc gia tăng
- Bước ngoặt trong chính sách quốc phòng Nhật Bản
Chiến tranh Nga – Ukraine
TT Ukraine Zelenskyy nói sẽ ‘không thỏa hiệp’ với Nga
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã đưa ra một thông điệp thời chiến đầy thách thức ở Washington DC, trong đó ông cảm ơn các nhà lãnh đạo Mỹ và những người Mỹ đã ủng hộ cuộc chiến vệ quốc của Ukraine và nhắc nhở họ rằng hỗ trợ quân sự cho Ukraine không phải là “từ thiện” mà là một “sự đầu tư”. Nhắc lại những ký ức về chiến thắng của Mỹ trước Đức Quốc xã trong Thế chiến II, Zelenskyy nói rằng có thể “không có sự thỏa hiệp” trong nỗ lực chấm dứt cuộc chiến giữa Nga với Ukraine. Mỹ cho đến nay đã gửi khoảng 50 tỷ đô la viện trợ cho Kiev, với việc Ngoại trưởng Antony Blinken thông báo thêm 1,85 tỷ đô la viện trợ quân sự vào thứ Tư bao gồm cả hệ thống phòng không Patriot. Hệ thống tên lửa Patriot được coi là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất của Mỹ, cung cấp khả năng bảo vệ chống lại máy bay tấn công cũng như tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, chính quyền Biden đã từ chối lời kêu gọi từ Zelenskyy và một số nhà lập pháp về việc cung cấp cho Ukraine tên lửa tầm xa và máy bay không người lái tiên tiến Grey Eagle trong bối cảnh lo sợ căng thẳng Nga-NATO leo thang và lo ngại công nghệ nhạy cảm của Mỹ có thể lọt vào tay Moscow. Hỗ trợ trong tương lai trong gói Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine sẽ bao gồm đạn dược bổ sung cũng như các thiết bị đầu cuối và dịch vụ SATCOM, cho phép máy bay liên lạc với kiểm soát không lưu.
Xem thêm tại: Al Jazeera, Zelenskyy invokes World War II, says ‘no compromises’ with Russia. Truy cập ngày 22/12/2022; Defense News, White House announces Patriots for Ukraine amid Zelenskyy visit. Truy cập ngày 22/12/2022
Ukraine gồng mình khôi phục điện, nước sau cuộc tấn công của Nga
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết Ukraine đã khôi phục điện cho gần 6 triệu người trong 24 giờ qua sau khi một loạt tên lửa của Nga hôm thứ Sáu làm hư hại cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng trên cả nước. Các quan chức Ukraine cho biết Nga đã bắn hơn 70 tên lửa vào thứ Sáu tuần trước trong một trong những cuộc tấn công dữ dội nhất kể từ cuộc xâm lược hồi 24 tháng 2, khiến mất điện khẩn cấp trên toàn quốc. Nga đã dội mưa tên lửa vào cơ sở hạ tầng năng lượng của đất nước gần như hàng tuần kể từ đầu tháng 10, nhưng cuộc tấn công hôm thứ Sáu dường như gây ra nhiều thiệt hại hơn nhiều cuộc tấn công khác.
Xem thêm tại: Al Jazeera, Ukraine scrambles to restore power, water after Russian attacks. Truy cập ngày 18/12/2022
TT Nga Putin chỉ thị lực lượng an ninh truy tìm “nội gián và gián điệp”
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Hai đã chỉ thị cho các quan chức an ninh của mình bảo vệ biên giới, tăng cường kiểm soát xã hội và tối đa hóa việc sử dụng tiềm năng hoạt động, kỹ thuật và nhân sự để ngăn chặn rủi ro đến từ nội gián trong nước và nước ngoài. Ông Putin cũng nói rằng nhiệm vụ của các cơ quan an ninh đặc biệt là đảm bảo an toàn cho người dân sống ở các khu vực ở Ukraine mà Moscow tuyên bố sáp nhập vào Nga hồi tháng 9. Chỉ thị của ông Putin được đưa ra trong bối cảnh các cuộc tấn công tên lửa của Nga vào Ukraine ngày càng gia tăng và cuộc chiến của Nga với Ukraine và vẫn chưa có hồi kết.
Xem thêm tại: Al Jazeera, Putin tells security services to find ‘traitors and spies’: Media. Truy cập ngày 20/12/2022
Putin nói chính phủ sẽ cung cấp cho quân đội Nga ‘mọi thứ họ yêu cầu’
Tổng thống Vladimir Putin cho biết quân đội Nga phải rút kinh nghiệm và khắc phục những vấn đề mà mình mắc phải ở Ukraine, đồng thời hứa sẽ cung cấp cho quân đội bất cứ điều gì họ cần để tiếp tục cuộc chiến kéo dài 10 tháng. Đây không phải lần đầu tiên ông Putin thừa nhận rằng việc triệu tập 300.000 quân nhân dự bị mà ông ra lệnh hồi tháng 9 đã không diễn ra suôn sẻ, đồng thời ông cũng đề cập đến những vấn đề chưa xác định khác trong quân đội và nói rằng những lời chỉ trích mang tính xây dựng nên được chú ý. Lệnh động viên một phần đã bị chỉ trích mạnh mẽ ngay cả từ các đồng minh của Điện Kremlin, vì có thông tin cho rằng quân đội đang tuyển mộ những cá nhân không đủ sức khỏe hoặc quá già. Những tân binh cũng được cho là thiếu thiết bị cơ bản, chẳng hạn như túi ngủ và quần áo mùa đông. Cùng ngày, Moscow đưa ra kế hoạch tăng quy mô của các lực lượng vũ trang lên hơn 30% để khắc phục những vấn đề mà mình đang mắc phải ở Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đã đề xuất tăng cường các lực lượng vũ trang từ 1,15 triệu binh sĩ lên đến 1,5 triệu binh sĩ.
Xem thêm tại: Al Jazeera, Putin says gov’t providing Russian army ‘everything it asks for’. Truy cập ngày 22/12/2022; SCMP, Putin vows to boost Russian army by 30 per cent, says Moscow must fix problems suffered in Ukraine. Truy cập ngày 22/12/2022
Máy bay không người lái tấn công thủ đô Ukraine một lần nữa khi Putin tới Belarus
Các quan chức Ukraine cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Belarus vào thứ Hai khiến Kyiev lo ngại rằng ông có ý định gây áp lực buộc đồng minh của mình tham gia một cuộc tấn công mới khi máy bay không người lái của Nga gần đây nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng. Các quan chức ở Kiev đã cảnh báo trong nhiều tháng rằng Belarus có thể gia nhập lực lượng Nga và đóng vai trò là bệ phóng cho một cuộc tấn công trên bộ mới vào thủ đô Ukraine. Tổng thống Belarus Lukashenko đã nhiều lần nói rằng ông không có ý định đưa quân đội vào Ukraine.
Xem thêm tại: SCMP, Drones attack Ukraine capital again as Russia’s Putin heads to Belarus. Truy cập ngày 19/12/2022
Nga ráo riết sử dụng súng cối 2S4 Tyulpan mạnh nhất thế giới
Lực lượng vũ trang Nga sở hữu một trong những lực lượng pháo binh lớn nhất thế giới và lực lượng này đang được tận dụng tối đa trong cuộc chiến chống lại quân đội Ukraine. Tyulpan M-1975, tên mã NATO là 2S4, là một loại xe bọc thép bánh xích cối 240mm tự hành được coi là hệ thống súng cối cơ động mạnh nhất thế giới. 2S4 được sử dụng cùng với máy bay không người lái để điều chỉnh hỏa lực và tăng độ chính xác. Các khẩu đội di chuyển đến các vị trí mới sau mỗi đợt tấn công vào tuyến phòng thủ của quân đội Ukraine để liên tục gây sát thương bằng hỏa lực mà không bị hệ thống pháo binh của đối phương chú ý. Súng cối tự hành 240mm Tyulpan được thiết kế để tiêu diệt các công trình kiên cố kiểu dã chiến, sở chỉ huy, khẩu đội pháo và tên lửa cũng như các mục tiêu quân sự khác mà hỏa lực trực tiếp không thể tiếp cận. Tầm bắn của loại pháo này lên đến 10 km với đạn thông thường và lên tới 20 km với đạn hỗ trợ tên lửa.
Xem thêm tại: Army Recog, Russian forces in Ukraine use intensively 2S4 Tyulpan most powerful mortar in the world. Truy cập ngày 21/12/2022
Mỹ cáo buộc Liên Hợp Quốc nhượng bộ trước các mối đe dọa của Nga về cuộc điều tra máy bay không người lái của Iran
Mỹ cáo buộc Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhượng bộ trước các mối đe dọa của Nga và không cử các quan chức đến Ukraine để kiểm tra các máy bay không người lái do Nga sử dụng mà Washington cáo buộc do Iran cung cấp. Nga đã phủ nhận lực lượng của mình sử dụng máy bay không người lái của Iran ở Ukraine và lập luận rằng các quan chức Liên Hợp Quốc không có nghĩa vụ phải tới Kiev để điều tra nguồn gốc của máy bay không người lái. Iran đã thừa nhận họ cung cấp máy bay không người lái cho Moscow, nhưng chúng đã được gửi trước khi Nga xâm lược Ukraine hồi tháng Hai.
Xem thêm tại: Reuters, U.S. accuses U.N. of yielding to Russian threats over Iran drone inquiry. Truy cập ngày 20/12/2022
Lầu Năm Góc lên kế hoạch huấn luyện vũ khí kết hợp cho binh sĩ Ukraine
Bộ Quốc phòng Mỹ (DoD) thông báo đã cung cấp cả thiết bị và đào tạo để giúp Ukraine bảo vệ chủ quyền của mình trước cuộc xâm lược bất hợp pháp của Nga. Mỹ sẽ cung cấp cho các binh sĩ Ukraine vũ khí kết hợp và huấn luyện cơ động chung. Ryder, trang web chuyên theo dõi tình hình chiến sự, cho biết thêm rằng các binh sĩ từ Bộ Tư lệnh Huấn luyện Lục quân số 7 của Bộ Tư lệnh Châu Âu và Châu Phi của Quân đội Mỹ sẽ cung cấp vũ khí kết hợp và huấn luyện cơ động chung. Dự kiến khóa đào tạo sẽ diễn ra tại các cơ sở của Mỹ ở Đức và sẽ bắt đầu vào tháng Giêng. Ryder cũng cho biết Ukraine sẽ quyết định lực lượng nào thuộc lực lượng vũ trang Ukraine sẽ tham gia khóa huấn luyện, dự kiến sẽ có khoảng 500 binh sĩ Ukraine tham gia mỗi tháng.
Xem thêm tại: Defence Blog, Pentagon plans combined arms training for Ukrainian soldiers. Truy cập ngày 20/12/2022
Thủ tướng Anh Sunak công bố khoản viện trợ quân sự mới trị giá 304 triệu USD cho Ukraine
Thủ tướng Anh Rishi Sunak chuẩn bị công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 304 triệu USD cho Ukraine để giúp nước này chống lại Nga. Gói này bao gồm hàng trăm nghìn viên đạn pháo nhằm mục đích đảm bảo một luồng tiếp tế đạn pháo liên tục đến Ukraine trong suốt năm 2023. Thủ tướng Sunak được triệu tập để thảo luận về những nỗ lực đang diễn ra nhằm chống lại sự xâm lược của Nga ở khu vực Bắc Âu và Baltic. Hội nghị thượng đỉnh JEF quy tụ các nhà lãnh đạo từ Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Iceland, Latvia, Lithuania, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển và Anh. Kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine vào ngày 24 tháng 2, Anh đã cam kết viện trợ khoảng 7,43 tỷ USD cho Ukraine.
Xem thêm tại: UK’s PM Sunak to announce $304m in new military aid for Ukraine. Truy cập ngày 19/12/2022
Hy Lạp sẵn sàng cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Ukraine chỉ vì Patriot của Mỹ
Hy Lạp sẵn sàng chuyển giao cho Ukraine không chỉ hệ thống phòng không S-300 mà cả hệ thống phòng không Tor-M1 và Osa-AKM. Hy Lạp chỉ sẵn sàng trao đổi hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU1 để đổi lấy hệ thống phòng không PATRIOT do Mỹ sản xuất. Hệ thống tên lửa phòng không đa kênh di động S-300 PMU1 có thể đánh bại máy bay hiện đại và tương lai, tên lửa hành trình chiến lược, tên lửa đạn đạo chiến thuật và các mục tiêu khác có bề mặt phản xạ lên tới 0,02 m2. Tên lửa có thể bay với tốc độ lên tới 2.800 m/s trong môi trường không kích lớn của kẻ thù và môi trường ECM khắc nghiệt và hỗn loạn.
Xem thêm tại: Army Recog, Greece ready to give S-300 air defense missile systems to Ukraine only for US Patriots. Truy cập ngày 16/12/2022
Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Mỹ nói Nga và Trung Quốc đang cùng thực hiện các chiến lược để làm suy yếu NATO
Mỹ cho biết Nga và Trung Quốc đang “chia sẻ công cụ chiến lược” nhằm làm suy yếu các thành viên NATO, đồng thời kêu gọi các thủ đô phương Tây tăng cường nỗ lực tự vệ trước cả Moscow và Bắc Kinh. Washington đang thúc đẩy các thành viên của NATO thể hiện lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, viện dẫn sự phát triển quân sự của Bắc Kinh, các mối đe dọa đối với cơ sở hạ tầng quan trọng của phương Tây như mạng lưới giao thông và năng lượng, quan hệ đối tác “không giới hạn” với Moscow và ủng hộ cuộc chiến chống lại Ukraine. Bắc Kinh không cung cấp vũ khí để Nga sử dụng trong cuộc chiến chống lại Ukraine nhưng đã hỗ trợ chính trị cho Tổng thống Vladimir Putin đồng thời lặp lại cáo buộc của Điện Kremlin đổ lỗi cho Kiev và những người ủng hộ phương Tây về cuộc chiến.
Xem thêm tại: Financial Times, Russia and China are sharing strategies to undermine Nato, says top US diplomat. Truy cập ngày 21/12/2022
Tàu do thám Yuan Wang 5, lập bản đồ Ấn Độ Dương cho các hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc
Trung Quốc đang dốc hết sức để mở rộng dấu ấn của mình ở Ấn Độ Dương. Tàu theo dõi tên lửa đạn đạo, vệ tinh và bản đồ đáy biển Yuan Wang 5 của PLA đã tiến vào Khu vực Ấn Độ Dương ngày 5 tháng 12 và rời đi qua Sahul Banks, phía tây bắc Australia, vào ngày 12 tháng 12 dường như trong một nhiệm vụ theo dõi hoạt động không gian của Trung Quốc. Hoạt động thường xuyên của các tàu theo dõi chiến lược lớp Yuan Wang cho thấy Hải quân PLA đang lập bản đồ eo biển Sunda và Lombok cho các hoạt động của tàu ngầm trong tương lai ở Ấn Độ Dương.
Xem thêm tại: Hindustan Times, PLA spy ship, Yuan Wang 5, mapping Indian Ocean for Chinese submarine operations. Truy cập ngày 16/12/2022
Triển vọng máy bay chiến đấu Trung Quốc tại Nam Mỹ tan tành khi Argentina rút kế hoạch mua
Tham vọng bành trướng vũ khí quân sự hạng nặng tại châu Mỹ – Latinh đã thụt lùi khi Tổng thống Alberto Fernandez thông báo rằng Argentina sẽ không vội thực hiện bất kỳ giao dịch mua máy bay quân sự nào. Thông báo này đã dội một gáo nước lạnh vào hy vọng của Trung Quốc về bước đột phá lớn đầu tiên ở Nam Mỹ với máy bay chiến đấu JF-17. Máy bay chiến đấu Thành Đô FC-1/JF-17 “Thunder” của Trung Quốc, sản xuất chung với Pakistan, được cho là đi đầu trong các cuộc kiểm tra và đánh giá nhằm lấp đầy khoảng trống của Không quân Argentina về máy bay chiến đấu siêu thanh.
Xem thêm tại: SCMP, Chinese fighter jets’ South American hopes grounded as Argentina pulls purchase plan. Truy cập ngày 18/12/2022
Nga, Trung Quốc tổ chức tập trận hải quân chung
Các tàu chiến của Nga đã khởi hành hôm thứ Hai để tham gia một cuộc tập trận hải quân chung với Trung Quốc, một cuộc tập trận thể hiện mối quan hệ quốc phòng ngày càng chặt chẽ giữa hai nước khi họ đối mặt với căng thẳng với Mỹ. Bộ Quốc phòng Nga cho biết tàu tuần dương tên lửa Varyag, tàu khu trục Marshal Shaposhnikov và hai tàu hộ tống của Hạm đội Thái Bình Dương Nga sẽ tham gia cuộc diễn tập ở Biển Hoa Đông bắt đầu từ thứ Tư. Máy bay của Nga và Trung Quốc cũng sẽ tham gia cuộc tập trận. Moscow và Bắc Kinh đã thể hiện sự hợp tác quân sự ngày càng tăng trong những tháng gần đây. Trung Quốc và Nga nằm trong số những mối đe dọa mà Nhật Bản cho rằng đang de dọa đến môi trường an ninh khu vực và các cuộc tập trận sắp tới là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự hợp tác ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Nga xung quanh Nhật Bản, bao gồm các cuộc tập trận không quân chung gần không phận Nhật Bản và thậm chí là hoạt động đi vòng quanh các đảo chính của Nhật Bản bởi một đội tàu chung Trung Quốc-Nga ở Biển Đông hồi 2021.
Xem thêm tại: Reuters, Russia, China to hold joint naval drills. Truy cập ngày 20/12/2022; CNN, Russia and China unite for live-fire naval exercises in waters near Japan. Truy cập ngày 21/12/2022
Trung Quốc bị cáo buộc xây dựng trên các rạn san hô không có người ở Biển Đông
Trung Quốc đang xây dựng trên một số thực thể không người ở tại Biển Đông, đây là một phần trong nỗ lực lâu dài của Bắc Kinh nhằm củng cố các yêu sách đối với lãnh thổ tranh chấp và có khả năng tăng cường sự hiện diện quân sự của nước này trong một khu vực quan trọng đối với thương mại toàn cầu. Trong khi Trung Quốc trước đây đã xây dựng trên các rạn san hô, xây đảo– và quân sự hóa chúng với các cảng, đường băng và cơ sở hạ tầng khác-trên các khu vực mà mình đã kiểm soát từ lâu, thì các hình ảnh gần đây cho thấy lần đầu tiên Trung Quốc đã tiến hành xây dựng trên các thực thể mà nước này không thực sự chiếm đóng. Đây là điều chưa từng có tiền lệ.
Lực lượng dân quân biển Trung Quốc hoạt động dưới danh nghĩa các tàu cá đã tiến hành các họa động xây dựng trên 4 thực thể mà không quốc gia nào chiếm đóng trước đây, trong suốt 10 năm. Các bức ảnh vệ tinh cho thấy một tàu hải quân Trung Quốc đang dỡ hàng khỏi một máy đào thủy lực được sử dụng trong các dự án cải tạo đất tại đá Én Đất (Eldad Reef) ở phía bắc Quần đảo Trường Sa vào năm 2014. Các hoạt động tương tự được phát hiện tại đá An Nhơn (Lankiam Cay). Các thực thể nửa chìm nửa nổi như đá Ba Đầu (Whitsun Reef) hay Hoài Ân (Sandy Cay) cũng chứng kiến những thay đổi quan trọng về cấu tạo, khiến chúng dần biến thành các thực thể nổi hoàn toàn trên mặt biển khi triều lên.
Các quan chức cảnh báo rằng hoạt động xây dựng mới nhất của Bắc Kinh cho thấy nỗ lực mới nhằm thay đổi nguyên trạng, mặc dù còn quá sớm để kết luận liệu Trung Quốc có tìm cách quân sự hóa chúng hay không. Theo sau đó, Bộ Ngoại giao Philippines đã lên án Trung Quốc vì các hoạt động cải tạo được cho là liên tục của Bắc Kinh ở các thực thể không có người ở trên Biển Đông khi các hoạt động này vi phạm thỏa thuận hiện có về vùng biển tranh chấp. Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila bác bỏ báo cáo và gọi đó là “tin giả”. Đại sứ quán cũng trích dẫn một cuộc điều tra được cho là về một tài khoản Twitter thuộc về một cơ quan nhất định, SCS Probing Initiative, đã bác bỏ tính xác thực của báo cáo.
Xem thêm tại: Bloomberg, China accused of building on unoccupied reefs in South China Sea. Truy cập ngày 22/12/2022; Manila Bulletin, PH calls out China for ‘reclamation activities’ in WPS. Truy cập ngày 22/12/2022
Quân đội Trung Quốc mô phỏng tấn công quần đảo Nansei
Một nhóm tàu sân bay tấn công của Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận mô phỏng các cuộc tấn công vào quần đảo Nansei của Nhật Bản kể từ ngày 16 tháng 12. Chủ tịch Tập Cận Bình được cho là đã chỉ thị cho quân đội bắt đầu cuộc tập trận vào ngày chính phủ Nhật Bản công bố ba văn kiện quan trọng liên quan đến quốc phòng. Một đơn vị hoạt động ở tây Thái Bình Dương phía nam tỉnh Okinawa do tàu sân bay Liêu Ninh (Liaoning) của Hải quân Trung Quốc dẫn đầu đã tham gia cuộc tập trận dự kiến kết thúc vào ngày 26/12. Trung Quốc được cho là sẽ tiến hành các cuộc tập trận tấn công tầm xa từ vùng biển phía tây Thái Bình Dương, mô phỏng các vụ phóng tên lửa nhắm vào các đảo trong chuỗi Nansei, nơi Nhật Bản đang xem xét triển khai tên lửa. Máy bay trên tàu Liêu Ninh đã bắt đầu diễn tập hạ cánh và cất cánh vào ban đêm.
Xem thêm tại: Jap News, Chinese military simulating attacks on Nansei Islands. Truy cập ngày 17/12/2022
Đài Loan điều máy bay cảnh cáo không quân Trung Quốc
Đài Loan đã điều máy bay chiến đấu để cảnh cáo 39 máy bay Trung Quốc xâm phạm vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) phía đông nam của mình. Đài Loan đã phàn nàn về các nhiệm vụ lặp đi lặp lại của lực lượng không quân Trung Quốc trong hai năm qua, thường là ở các khu vực phía nam của ADIZ. Bộ Quốc phòng Đài Loan cho cuộc xâm nhập hôm thứ Năm bao gồm 21 máy bay chiến đấu và 4 máy bay ném bom H-6, cũng như máy bay cảnh báo sớm, chống tàu ngầm và tiếp nhiên liệu trên không.
Xem thêm tại: Reuters, Taiwan scrambles jets to warn away Chinese air force incursion. Truy cập ngày 22/12/2022
Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo ra biển ngoài khơi phía đông
Triều Tiên đã bắn hai tên lửa đạn đạo tầm trung về phía biển ngoài khơi bờ biển phía đông của bán đảo Triều Tiên. Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (SCJ) cho biết các vụ phóng cách nhau khoảng 50 phút diễn ra từ khu vực Tongchang-ri của Triều Tiên vào sáng Chủ nhật. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết tên lửa đã bay tới độ cao 550km (342 dặm) và bao phủ một phạm vi 250km (155 dặm). Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Toshiro Ino cho biết các tên lửa dường như đã hạ cánh bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này và cho đến nay chưa có báo cáo về thiệt hại.
Xem thêm tại: Al Jazeera, North Korea fires ballistic missiles towards sea off east coast. Truy cập ngày 18/12/2022
Triều Tiên sẵn sàng chứng minh các tiến bộ trong phát triển ICBM bằng cách bắn theo quỹ đạo thông thường
Triều Tiên sẵn sàng bắn thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) theo quỹ đạo bình thường, một mô hình bay có thể chứng minh vũ khí có thể đe dọa lục địa Mỹ. Bà Kim Yo-jong cũng bác bỏ sự hoài nghi của các chuyên gia xung quanh tiến bộ công nghệ ICBM của Triều Tiên, đặc biệt là về khả năng tái nhập khí quyển của vũ khí. ICBM được bắn vào không gian, nơi chúng tăng tốc bên ngoài bầu khí quyển trước khi tải trọng của chúng – đầu đạn hạt nhân – trải qua quá trình tái nhập khí quyển, giống như tàu con thoi, trước khi lao xuống mục tiêu. Cho đến nay, Triều Tiên đã bắn tên lửa đạn đạo bay hàng trăm dặm vào không gian sau đó quay trở lại bầu khí quyển ở những góc dốc, hầu hết rơi xuống vùng biển giữa Triều Tiên và Nhật Bản.
Xem thêm tại: CNN, North Korea ready to prove ICBM progress by firing at normal trajectory, Kim’s sister claims. Truy cập ngày 21/12/2022
Triều Tiên chỉ trích Nhật tăng cường quân sự, Mỹ điều máy bay tàng hình
Triều Tiên hôm thứ Ba đã lên án việc tăng cường quân sự của Nhật Bản được vạch ra trong một chiến lược an ninh mới, gọi đó là hành động nguy hiểm và thề sẽ đáp trả, đồng thời cảnh báo về một vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa sắp xảy ra. Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết Nhật Bản đã hợp thức hóa khả năng tấn công phủ đầu một cách hiệu quả với chiến lược mới sẽ thay đổi triệt để môi trường an ninh của Đông Á. Đồng thời, Bình Nhưỡng cũng chỉ trích Mỹ vì đồng lõa và xúi giục kế hoạch tái vũ trang và xâm lược của Nhật Bản và nói rằng Mỹ không có quyền đặt câu hỏi về khả năng phòng thủ của Triều Tiên.
Xem thêm tại: Reuters, North Korea slams Japan’s military buildup, U.S. flies stealth jets. Truy cập ngày 20/12/2022
Ngoại trưởng Nhật ‘giải thích’ thay đổi chính sách quốc phòng với Vương Nghị
Ngoại trưởng Nhật Yoshimasa Hayashi sẽ gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị để “giải thích” lý do đằng sau những thay đổi trong lập trường quốc phòng của Nhật Bản, mặc dù những người chỉ trích cái mà họ gọi là cách tiếp cận ôn hòa của ông đối với Bắc Kinh cho rằng Tokyo không cần phải biện minh cho các chính sách an ninh của mình. Quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh đã xấu đi trong ba năm vừa qua, với việc hai bên bất đồng về một số vấn đề, đáng chú ý nhất là vấn đề Đài Loan và các vấn đề lãnh thổ ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Xem thêm tại: SCMP, Japan’s China-friendly foreign minister to ‘explain’ defence policy changes to Wang Yi. Truy cập ngày 19/12/2022
Nhật Bản tặng trực thăng Huey cho Quân đội Philippines
Nhật Bản sẽ tặng máy bay trực thăng đa năng UH-1J Huey cho Quân đội Philippines như một phần của khoản tài trợ nhằm tăng cường khả năng quốc phòng hạn chế của Philippines và là dấu hiệu của mối quan hệ quốc phòng ngày càng thắt chặt giữa hai nước. UH-1J Huey là biến thể do Nhật cải tiến từ trực thăng Bell UH-1 do Không quân Philippines vận hành. Những cải tiến của trực thăng này bao gồm hệ thống giảm rung, buồng lái tương thích với kính nhìn đêm và các biện pháp đối phó hồng ngoại.
Xem thêm tại: Inquirer, Japan to donate Huey helicopters to PH Army. Truy cập ngày 19/12/2022
Nga lên án hành động ‘quân sự hóa’ Nhật Bản dưới thời Kishida
Nga cáo buộc Nhật Bản từ bỏ chính sách hòa bình kéo dài hàng thập kỷ và thực hiện việc “quân sự hóa không kiểm soát” nhằm đáp trả kế hoạch quốc phòng trị giá 430 nghìn tỷ yên (320 tỷ USD) do Thủ tướng Nhật Fumio Kishida công bố vào tuần trước. Bộ Ngoại giao Nga cho biết Tokyo đã bắt tay vào con đường xây dựng sức mạnh quân sự chưa từng có của mình, bao gồm cả việc đạt được khả năng tấn công. Kế hoạch của Thủ tướng Kishida sẽ tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng lên khoảng 2% GDP trong 5 năm.
Xem thêm tại: Nikkei Asia, Russia condemns Japan’s ‘militarization’ under Kishida. Truy cập ngày 22/12/2022
Tàu Trung Quốc bám đuôi tàu tiếp tế Philippines đến bãi Cỏ Mây
Một tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc (CCG) đã thách thức và theo dõi một tàu tiếp tế của Philippines ngày 17/12. Con tàu mang số hiệu 5205 bám đuôi các tàu tiếp tế dân sự đang thực hiện nhiệm vụ tiếp thường xuyên cho quân đội Philippines tại BRP Sierra Madre đóng tại Bãi cạn Ayungin (Bãi Cỏ Mây). Phó Đô đốc Alberto Carlos lưu ý rằng BRP Sierra Madre đóng vai trò là tiền đồn gần nhất của Philippines đối với đơn vị đồn trú quân sự của Trung Quốc trên Đá Vành Khăn, là một phần của vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) của nước này.
Xem thêm tại: CNN Philippines, Chinese vessel tails PH supply boat to Ayungin Shoal. Truy cập ngày 21/12/2022
Ấn Độ sử dụng khí tài hải quân cho biên giới đất liền giữa căng thẳng LAC
Ấn Độ đang thường xuyên sử dụng năng lực trinh sát hải quân để tăng cường giám sát biên giới đất liền với Trung Quốc, vừa để giám sát việc xây dựng quân đội cũng như nâng cấp cơ sở hạ tầng trong bối cảnh căng thẳng gia tăng dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC). Hải quân đang triển khai máy bay tuần tra tầm xa P-8I và máy bay không người lái hạng nặng Hộ vệ Biển khi được giao nhiệm vụ theo yêu cầu của Lục quân cho các nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo dọc biên giới phía bắc. Căng thẳng ở khu vực phía đông giáp với Trung Quốc đã gia tăng thêm sau cuộc đụng độ giữa các binh sĩ tại hôm 9 tháng 12.
Xem thêm tại: Times of India, Amid LAC tension, India using naval assets for land border surveillance. Truy cập ngày 19/12/2022
Việt Nam cần nghiên cứu tác chiến với chiến tranh công nghệ cao
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Bộ Quốc phòng tích cực nghiên cứu, phát triển nghệ thuật quân sự, tác chiến với các loại hình chiến tranh công nghệ cao trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực dự báo còn diễn biến phức tạp; có những vấn đề, sự việc xảy ra ngoài dự báo. Xu hướng chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao, chiến tranh từ xa là phổ biến, đặt ra những yêu cầu mới, cấp thiết về quốc phòng. Vì vậy, Tổng bí thư yêu cầu đổi mới, cải tiến chất lượng huấn luyện, diễn tập, đáp ứng điều kiện tác chiến mới; đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học, phát triển công nghiệp quốc phòng hiện đại, lưỡng dụng, gắn kết chặt chẽ và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia.
Xem thêm tại: VNExpress, Tổng bí thư: Nghiên cứu tác chiến với chiến tranh công nghệ cao. Truy cập ngày 20/12/2022
Lực lượng cứu hộ Thái Lan tìm thấy năm thi thể, một người sống sót sau vụ chìm tàu chiến
Lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thêm một người sống sót và vớt được 5 thi thể từ một tàu chiến Thái Lan bị chìm vào cuối tuần qua ở Vịnh Thái Lan, trong khi hy vọng tìm kiếm hơn 20 người mất tích đang mờ dần. HTMS Sukhothai, một tàu hộ tống đã phục vụ trong 35 năm, bị chìm vào đêm Chủ nhật trong vùng biển động với 105 người trên tàu. Hải quân đã triển khai bốn tàu lớn, hai máy bay tuần tra hàng hải, hai máy bay trực thăng và một máy bay không người lái, và lực lượng không quân đã đóng góp một máy bay và một trực thăng.
Xem thêm tại: Al Jazeera, Thai rescuers find five bodies, one survivor after warship sinks. Truy cập ngày 21/12/2022
Tư lệnh mới của Indonesia lên kế hoạch hoạt động đặc biệt trên Biển Đông
Đô đốc Yudo Margono, tư lệnh mới của quân đội Indonesia dự kiến sẽ tiếp tục các kế hoạch của người tiền nhiệm là tổ chức các cuộc tập trận chung lớn hơn với Mỹ và các đồng minh của Washington đồng thời tăng cường tuần tra gần Biển Đông. Margono nói sẽ làm cho Siêu Lá chắn Garuda (Super Garuda Shield) toàn diện hơn và rộng hơn. Đây là tên gọi của cuộc tập trận có quy mô lớn với 13 quốc gia tham gia bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc – Bộ tứ (QUAD) đối thoại an ninh được thành lập để chống lại sự hung hăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Xem thêm tại: Nikkei Asia, Indonesia’s new commander plans special South China Sea operation. Truy cập ngày 21/12/2022
Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi:
Đức trấn an NATO về lực lượng đặc nhiệm sau sự cố thiết bị
Đức đã tìm cách trấn an NATO rằng mình vẫn đáng tin cậy để lãnh đạo lực lượng đặc nhiệm phản ứng nhanh của liên minh ngay cả sau khi tất cả 18 phương tiện bọc thép tiên tiến nhất do Đức sản xuất gặp trục trặc trong một cuộc tập trận hồi đầu tháng. 18 chiếc Pumas gặp trục trặc nằm trong số 42 chiếc được cho là sẽ được triển khai như một phần của lực lượng đặc nhiệm hỗn hợp sẵn sàng cao của NATO. Bộ trưởng QP Đức Lambrecht nói rằng quân đội sẽ không đặt hàng thêm loại xe này, vốn được phát triển bởi các công ty vũ khí Rheinmetall Landsysteme và Krauss-Maffei Wegmann nhưng đã gặp phải các vấn đề kỹ thuật từ lâu.
Xem thêm tại: Financial Times, Germany reassures Nato on task force after equipment failure. Truy cập ngày 20/12/2022
Thụy Điển, Đức và Anh hợp tác mua ATV BvS10
Cơ quan quản lý vật tư quốc phòng Thụy Điển (FMV), cơ quan trung tâm cho việc mua sắm quốc phòng, cho biết họ đã ký một thỏa thuận khung với BAE Systems Hägglunds (BSH) sản xuất thiết giáp bánh xích BvS10 có hiệu lực đến tháng 12 năm 2029. Đơn đặt hàng đầu tiên trị giá 760 triệu USD dành cho 436 chiếc BvS10 – 236 chiếc sẽ được giao cho FMV; 140 cho Văn phòng Liên bang Đức về Thiết bị, Công nghệ Thông tin và Hỗ trợ Tại chức; và 60 cho Bộ Quốc phòng Anh. BSH cho biết rằng các phương tiện này sẽ dựa trên phiên bản mới nhất của BvS10 đang phục vụ tại Thụy Điển và sẽ bao gồm các biến thể vận chuyển binh lính, sơ tán y tế, hồi sức, bộ chỉ huy và hậu cần. Đơn đặt hàng thứ hai đang được phát triển để mua thêm 200 chiếc ATV cho Đức.
Xem thêm tại: Janes, Sweden, Germany, and UK jointly procure BvS10 ATVs. Truy cập ngày 20/12/2022
Lithuania ký thỏa thuận trị giá 495 triệu đô la để mua HIMARS, ATACM
Lithuania và Mỹ đã hoàn tất một thỏa thuận trị giá 495 triệu đô la để mua tới 8 Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao M142, chính phủ Lithuania công bố hôm thứ Sáu. Thỏa thuận này bao gồm Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội, hay ATACMS, có tầm bắn 300 km và các loại đạn dược khác. Thỏa thuận đã được hoàn tất khi Bộ trưởng Quốc phòng Arvydas Anušauskas gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và các quan chức Mỹ khác tại Washington trong tuần này. Bộ trưởng QP Mỹ Austin ca ngợi chi tiêu quốc phòng mạnh mẽ của Litva và đầu tư vào các khả năng mới như HIMARS.
Xem thêm tại: Defense News, Lithuania signs $495 million deal to buy HIMARS, ATACMs. Truy cập ngày 17/12/2022
Chuyên mục Phân tích
Nga có đang cạn kiệt đạn dược?
Liệu Nga có đang cạn kiệt đạn dược? Các quan chức phương Tây đã nói về cuộc khủng hoảng đạn dược của Nga trong nhiều tháng. Một số cho rằng Nga đang chuyển nguồn cung sang Triều Tiên. Thêm vào đó với tốc độ sử dụng hiện tại, Nga chỉ có thể duy trì các loại đạn pháo ống và tên lửa có thể sử dụng được cho đến đầu năm 2023. Số khác thì không đồng ý. Những người này nói rằng Nga có khoảng 10 triệu quả đạn pháo và khả năng sản xuất thêm 3 tới 4 triệu quả nữa trong vòng một năm. Tiếp đó, với tốc độ bắn cao nhất vào mùa hè ở khu vực Donbas, Nga đã sử dụng khoảng 20.000 viên đạn mỗi ngày, nghĩa là có đủ đạn dược để chiến đấu trong ít nhất một năm nữa, nếu không muốn nói là lâu hơn.
Có một số lý giải khả thi cho những quan điểm khác nhau này. Đầu tiên là sự khác nhau giữa các chủng loại đạn được tính toán. Michael Kofman, think-tank của CNA gợi ý rằng số lượng đạn dược “hoàn toàn có thể sử dụng được” của Mỹ có thể đề cập đến những loại còn hạn sử dụng, được bảo quản đúng cách và không cần tân trang lại trước khi sử dụng. Đạn dược của Nga thường được cất giữ trong điều kiện tồi tàn và trong khoảng thời gian dài hơn nhiều so với trường hợp của quân đội NATO. Việc tính toán xem Nga đã mất bao nhiêu đạn dược trong các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa của Ukraine sẽ phức tạp hơn một chút. Đặc biệt rất khó xác định tốc độ mà Nga bổ sung các kho dự trữ này. Một số số liệu, chẳng hạn như sản lượng thép, có thể giúp đưa ra lời giải. Nhưng chúng cũng có thể gây hiểu nhầm. Jack Watling của Viện Các Lực lượng Vũ trang Hoàng gia (RUSI) giải thích rằng những đánh giá trước đó về sản xuất pháo binh của Nga từ tháng 6 đã bị phóng đại vì chúng tập trung vào khả năng đúc và nạp đạn của Nga hơn là sản xuất thuốc nổ. Tình báo Mỹ và Anh đều nói rằng tỷ lệ sản xuất của Nga bị hạn chế rất nhiều. Cũng như việc chế tạo vỏ đạn, Nga có thể nhập khẩu chúng. Theo các quan chức phương Tây, Belarus đã cung cấp một lượng lớn đạn dược từ kho dự trữ thời Liên Xô cho Nga. Nhưng phần lớn trong số đó có khả năng có giá thấp, nhưng nguồn cung này hiện tại không đáng kể. Tốc độ bắn đạn pháo của Nga đã giảm kể từ các trận pháo kích dữ dội vào mùa hè. Về lý thuyết, nếu tình trạng thiếu đạn dược nghiêm trọng như một số tuyên bố, thì tốc độ bắn pháo của Nga sẽ giảm hơn nữa trong những tháng tới. Trong trường hợp đó, nếu không có một bước đột phá bất ngờ trong việc sản xuất hoặc một nhà hảo tâm hào phóng, quân đội Nga sẽ không có khả năng tiến hành một cuộc tấn công lớn vì lượng đạn hạn chế. Nhưng William Owen, một cựu quân nhân và hiện là biên tập viên của Tạp chí Chiến lược Quân sự, cảnh báo về những tính toán không thực tế như vậy. Ngay cả khi một số quả đạn pháo của Nga là đồ rởm, thì số lượng vẫn có thể mang lại tác dụng áp đảo.
Xem thêm tại: Economist, Is Russia running out of ammunition? Truy cập ngày 20/12/2022
Cuối cùng Ukraine cũng có được hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot?
Chính quyền Biden dường như sẵn sàng cung cấp cho Ukraine hệ thống tên lửa Patriot để phòng thủ trước các cuộc tấn công của Nga. Mặc dù việc giao hàng muộn màng thể hiện thói quen của Nhà Trắng trong việc trì hoãn chuyển giao các loại vũ khí mà rốt cuộc rồi cũng sẽ phải chuyên giao (khi mà những điều tệ hại đã xảy ra), đây vẫn là tin tốt. Ukraine cũng đang chờ đợi chuyển giao sáu hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến (NASAMS) theo đơn đặt hàng, nhưng Kiev hiện cần nhiều hỏa lực hơn thế.
Vậy tại sao đến bây giờ, sau gần 10 tháng tham chiến Mỹ mới cân nhắc nghiêm túc việc chuyển giao Patriot cho Ukraine? Các quan chức quốc phòng Mỹ hồi tháng 3 cho rằng không có bất cứ một cuộc thảo luận nào về việc đặt một khẩu đội Patriot ở Ukraine bởi vì Mỹ triển khai binh lính để vận hành. Nhưng thực tế Mỹ có thể đào tạo binh lính Ukraine vận hành hệ thống này ở Tây Âu. Ukraine đã nhanh chóng đưa hệ thống HIMARS vào sử dụng, và đáng lẽ giờ đây họ có thể vận hành được Patriot. Việc đưa một hệ thống phòng không như Partriot vào vận hành một cách gấp gáp, và khá trễ, mang lại rủi ro nhiều hơn việc đưa chúng vận hành ngay từ đầu cuộc chiến. Triển khai nhanh chóng các hệ thống Patriot trong hiện tại đòi hỏi một sự sáng tạo trong việc rút ngắn thời gian huấn luyện và thiết lập chu trình bảo dưỡng trong lãnh thổ NATO. Các hệ thống Patriot có thể được chuyển giao từ kho dự trữ của Mỹ hay từ các đồng minh. Hiện tại, nước Mỹ hiện tại có quá ít hệ thống này cho việc đảm bảo nhu cầu phòng thủ tên lửa ngày càng tăng trên toàn cầu.
Tin tốt là các nhà lập pháp Mỹ đã chi thêm 700 triệu đô la cho hai đơn vị Patriot, cũng như thêm nhiều tiền hơn cho việc mở rộng cơ sở công nghiệp quốc phòng. Một phần của dự luật yêu cầu Lục quân xem xét lại kho dự trữ và nhu cầu sử dụng Patriot. Một số thành viên Đảng Cộng hòa có thể phàn nàn rằng Đài Loan xứng đáng được ưu tiên trang bị Patriot hơn, nhưng Mỹ không có thể bảo vệ lợi ích của mình chỉ ở một phần của thế giới. Sự thiếu hụt Patriot cho thấy Washington đã ngó lơ việc chuẩn bị cho một thế giới ngày càng nguy hiểm như thế nào.
Xem thêm tại: WSJ, A Patriot Missile Defense for Ukraine, At Last? Truy cập ngày 16/12/2022
Hệ thống Patriot sẽ tạo ra điểm khác biệt gì cho khả năng phòng thủ của Ukraine?
Ukraine cuối cùng cũng đã có được hệ thống Patriot sau cuộc gặp gỡ giữa tổng thống Zalenskyy và tổng thống Joe Biden tại Washington vừa qua. Hệ thống Patriot sẽ là một trong những thiết bị tân tiến nhất trong hệ thống vũ khí phương Tây cho đến nay mà Kyiv có được. Dù hệ thống này sẽ là một công cụ bổ trợ mạnh mẽ cho hệ thống phòng không của Ukraine, các nhà phân tích lại cho rằng Patriot sẽ không giúp Ukraine trì hoãn các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái hàng loạt của Nga đang phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng của đất nước.
Oleksiy Melnyk, cựu trung tá không quân Ukraine cho rằng tuy hệ thống này có khả năng bảo vệ cơ sở hạ tầng trọng yếu và thủ đô khỏi tên lửa đạn đạo, đây vẫn chỉ là khả năng phòng thủ. Các tên lửa đánh chặn của hệ thống Patriot có tầm bắn xa hơn – lên tới 75km, bán kính 150km, tùy thuộc vào loại đạn được sử dụng – và chính xác hơn so với S300 và Buk do Liên Xô thiết kế vốn tạo nên xương sống của hệ thống phòng không Ukraine. Điều quan trọng là chúng có thể bắn hạ các tên lửa đạn đạo di chuyển nhanh mà Nga có thể sẽ sử dụng với số lượng lớn hơn khi nước này cạn kiệt kho tên lửa hành trình cận âm. Hệ thống Patriot cũng sẽ cung cấp thêm một lớp phòng thủ nếu Nga cố gắng thực hiện các nhiệm vụ ném bom tầm cao trên lãnh thổ Ukraine. Các tên lửa S300 của Ukraine đã đủ để ngăn cản các máy bay ném bom của Nga. Nhưng Kyiv đang đốt hết kho dự trữ tên lửa đánh chặn S300 và cần chuyển sang thiết bị của phương Tây với khả năng tiếp tế lớn hơn. Patriot cũng sẽ bổ sung thêm một lớp nữa vào hệ thống phòng không đa lớp vốn đã phức tạp của Ukraine. Ngoài S300 và Buks, Ukraine đã mua hai hệ thống NASAM – với các bệ phóng của Na Uy và đạn dược của Mỹ – và một đơn vị phòng không Iris-T tối tân từ Đức.
Tiếp đó, Patriot không thể giúp Ukraine chống lại các cuộc oanh tạc bằng tên lửa và máy bay không người lái liên tục của Nga trong thời gian ngắn và có thể mất vài tuần để huấn luyện nhân sự. Nhưng Mỹ đang gửi một khẩu đội duy nhất với 8 bệ phóng và như vậy chỉ có thể giúp bảo vệ một khu vực của Ukraine. Thêm vào đó, Ukraine có lẽ sẽ không sử dụng tên lửa đánh chặn Patriot tinh vi và đắt tiền để bắn hạ máy bay không người lái tự sát mà Nga đang sử dụng hàng loạt vào cơ sở hạ tầng điện của Ukraine. Một tên lửa đánh chặn Patriot duy nhất được cho là có giá 3 triệu đô la – gấp 100 lần chi phí ước tính của loại đạn tuần kích Shahed-136 do Iran cung cấp. Nga đã triển khai trăm máy bay Shahed nhắm vào Ukraine, phần lớn với ý định làm tê liệt cơ sở hạ tầng quan trọng và nhấn chìm đất nước này trong bóng tối.
Xem thêm tại: Financial Times, What difference will US Patriots make to Ukraine’s defence? Truy cập ngày 22/12/2022
Ấn Độ diễu hành tên lửa đạn đạo được mệnh danh là ‘sát thủ Trung Quốc’ chỉ vài ngày sau khi hai nước đụng độ tại biên giới tranh chấp. Chuyện gì đang xảy ra?
Chỉ vài ngày sau cuộc đụng độ tại biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ, Chính phủ Ấn Độ đã tiến hành một cuộc thử nghiệm được lên lịch trước đối với một trong những vũ khí có tính sát thương nhất của mình. Đó là một loại tên lửa đạn đạo hạt nhân có thể vươn tới bất kỳ phần nào của Trung Quốc. Khi một cuộc chiến sắp xảy ra với Trung Quốc ở khu vực Nam Á, người ta lo ngại về điều gì sẽ xảy ra tiếp theo giữa hai quốc gia sở hữu năng lượng hạt nhân.
Khi xuất hiện những lo ngại rằng căng thẳng sẽ leo thang sau cuộc đụng độ, chính phủ Ấn Độ đã thử nghiệm một tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân trong tuần này, và tuyên bố Vịnh Bengal là vùng cấm bay. Đây là một trong những vũ khí nguy hiểm nhất của Ấn Độ và các chuyên gia cho rằng nó có thể bắn tới phía bắc Trung Quốc với tầm bắn 5.000 km, mang biệt danh “Sát thủ Trung Quốc”. Trung Quốc dường như đáp trả bằng việc thể hiện sức mạnh quân sự của chính mình. Trước vụ thử tên lửa, một tàu do thám của Trung Quốc tên Yuang Wang 5 đã đi vào Ấn Độ Dương và đi qua Sahul Banks ở phía tây bắc nước Úc theo các trang web giám sát tàu thuyền. Con tàu lần đầu tiên gây báo động khi cập cảng Hambantota có tầm quan trọng chiến lược ở Sri Lanka vào tháng 8, với việc Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết nó nằm dưới sự chỉ huy của PLA và có thể theo dõi các vệ tinh cũng như các vụ phóng tên lửa.
Vậy có phải Trung Quốc đang ‘gửi tín hiệu’ nào đó liên quan tới khu vực tranh chấp? Các chuyên gia nói rằng khu vực này có tầm quan trọng mang tính biểu tượng đối với Trung Quốc. Cùng năm sáp nhập Tây Tạng, Ấn Độ đã cử hàng trăm quân vào Tawang để tiếp quản khu vực này, nhưng Trung Quốc vẫn nói toàn bộ bang Arunachal Pradesh thuộc về Bắc Kinh. Khu vực Tawang cũng có tầm quan trọng chiến lược đối với cả hai nước sau đèo Bum La, nơi PLA xâm chiếm vùng đông bắc Ấn Độ trong cuộc chiến tranh năm 1962. Vũn lãnh thổ này sẽ rất quan trọng đối với bất kỳ hoạt động phòng thủ nào của Ấn Độ trong tương lai. Cuộc đụng độ mới nhất giữa Trung Quốc và Ấn Độ là tin tức đầu tiên về xung đột kể từ cuộc giao tranh chết người vào năm 2020 ở Ladakh, một khu vực biên giới tranh chấp khác ở phía tây Ấn Độ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đây không phải là vụ đụng độ duy nhất xảy ra trong hai năm qua.
Xem thêm tại: ABC, India parades a ballistic missile dubbed the ‘China killer’ just days after the two countries clash at a contested border. What’s going on? Truy cập ngày 19/12/2022
Trung Quốc phải chuẩn bị cho một nước Nga suy yếu vì chiến tranh Ukraine
Các chuyên gia Trung Quốc đã cảnh báo rằng Bắc Kinh phải chuẩn bị cho một nước Nga suy yếu hoặc thậm chí là một nước Nga “hậu Putin” khi khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh kéo dài ở Ukraine ngày càng tăng. Các nhà phân tích địa chính trị cho rằng có rất ít hy vọng về một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột, đồng thời cho biết thêm rằng nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân vẫn chưa giảm bớt. Trung Quốc đã bị phương Tây chỉ trích vì từ chối lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Thay vào đó, Bắc Kinh đã tăng cường hợp tác kinh tế và chính trị với Moscow khi các cường quốc Mỹ và châu Âu trừng phạt Nga vì khơi mào chiến tranh. Bắc Kinh muốn thấy một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột thông qua các cuộc đàm phán nhưng chẳng có dấu hiệu gì về bất kỳ tiếng nói chung tiềm năng nào kể từ khi cuộc chiến bắt đầu. Ngụy Đát Huệ (Wu Dahui), phó giám đốc Viện Nghiên cứu Nga tại Đại học Thanh Hoa, cho biết rõ ràng ảnh hưởng của Nga tại sân sau địa chính trị thời hậu Xô Viết ở Trung Á, ảnh hưởng kinh tế và lợi thế của nước này trong cuộc chiến ở Ukraine đã suy yếu. Ông cho rằng cần theo dõi việc Putin có kêu gọi tổ chức bầu cử tổng thống sớm vào năm tới hay không, và nếu có, ai là ứng cử viên tiềm năng mà Putin có thể chuyển giao quyền lực. Tuy nhiên, bất kể ai trở thành nhà lãnh đạo Nga, thì cũng không cần phải tăng cường quan hệ của giữa Bắc Kinh với Moscow để trở thành đồng minh. Ngô Tân Bạc (Wu Xinbo), giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ của Đại học Phúc Đán, cho biết Trung Quốc vẫn nên kêu gọi hòa bình ngay cả khi có rất ít tiến triển đối với một giải pháp như vậy trước cuộc bầu cử tổng thống Nga tiếp theo. Các chuyên gia cũng kêu gọi Trung Quốc hỗ trợ hàng triệu thường dân Ukraine đang phải chịu đựng trong mùa đông khắc nghiệt mà không có ánh sáng, nước và nhiệt. Tất cả để cho thấy mặt nhân đạo của Trung Quốc.
Xem thêm tại: SCMP, China must prepare for a Russia weakened by Ukraine war, analysts say. Truy cập ngày 18/12/2022
Úc để mắt B-21 để kiềm chế Trung Quốc, nhưng liệu Mỹ có bán máy bay ném bom tàng hình tiên tiến nhất?
Các nhà phân tích quốc phòng đang tranh luận xem Úc có nên hay có thể mua máy bay ném bom tân tiến B-21 Raider của Mỹ mới được chào sân hồi đầu tháng này nhằm ngăn chặn sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hay không. Suy đoán về việc này đã gia tăng kể từ khi bộ trưởng quốc phòng Úc Richard Marles cho biết hồi tháng Tám rằng Canberra đang xem xét khả năng mua một phi đội B-21, cung cấp gợi ý về các ưu tiên chi tiêu quân sự trong thập kỷ tới và xa hơn nữa. Cùng lúc, bộ trưởng Không quân Mỹ Frannk Kendall cũng nói rằng Washington sẽ xem xét cung cấp B-21 cho Úc dù chưa công bố ngày chính xác. Trong khi một số nhà phân tích cho rằng Washington sẽ cung cấp B-21 cho nước khác, số khác nói rằng liên minh AUKUS giữa Anh, Úc, Mỹ sẽ giúp Canberra có khả năng mua được các máy bay ném bom chiến lược. Với khả năng xuyên phá hệ thống phòng thủ của Trung Quốc mà không bị phát hiện, B-21 sẽ giúp Úc ngăn các cuộc tấn công và tăng cường khả năng tấn công của mình.
Vậy liệu AUKUS có thay đổi mọi thứ? David Silbey, sử gia quân sự tại Đại học Cornell, nghi ngờ việc Mỹ sẽ cho phép Canberra mua B-21 khi các mẫu B-52, B-1 hay B-2 chưa từng được bán cho nước khác. Silbey cho rằng AUKUS sẽ thay đổi điều đó khi liên mình này cho thấy Mỹ và các đồng minh sẵn lòng thực hiện các sáng kiến táo bạo và chưa từng có nhằm ngăn chặn Trung Quốc. Marcus Nicholls, chuyên viên phân tích cấp cao tại ASPI, và Andrew Nicholls, cố vấn cho ba bộ trưởng QP Úc, cho rằng gió đã đổi chiều có lợi cho Úc khi Mỹ tìm kiếm nguồn đóng góp lớn hơn từ các các đồng minh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Brad Martin, nhà nghiên cứu chính sách cấp cao tại RAND Coporation, cho biết sẽ không ngạc nhiên khi thấy Mỹ và Úc hợp tác cải thiện khả năng tấn công tầm xa xét trên quan hệ lâu dài của hai nước. Tuy nhiên, câu hỏi rằng liệu điều đó có đáng để Úc chi một khoản tiền khổng lồ để mua B-21 khi Mỹ vốn đã luân chuyển một số máy bay ném bom của mình đến Úc. Các nhà quan sát nói rằng việc Úc cố gắng mua B-21 sẽ chọc tức Trung Quốc và làm leo thang căng thẳng giữa hai nước.
Xem thêm tại: SCMP, Australia eyes B-21 to contain China, but will US sell its most advanced stealth bomber? Truy cập ngày 19/12/2022
Quân đội Đài Loan gặp vấn đề nhân khẩu học trước lo ngại ngày càng tăng về Trung Quốc
Đài Loan đang đối mặt với thách thức đang gia tăng trong việc tuyển dụng đủ thanh niên để đáp ứng chỉ tiêu nhập ngũ. Nguyên nhân của vấn đề đến từ tỷ lệ sinh thấp khi lượng nhập ngũ năm 2022 sẽ là mức thấp nhất trong một thập kỷ và việc dân số trẻ tiếp tục giảm sẽ đặt ra một thách thức lớn cho tương lai. Đây là tin xấu vào thời điểm Đài Loan đang cố gắng củng cố lực lượng để ngăn chặn bất kỳ cuộc xâm lược tiềm tàng nào của Trung Quốc. Tình trạng ngày càng xấu hơn khi từ đây đến năm 2035, tỷ lệ sinh của Đài sẽ ít hơn 20,000 mỗi năm và cũng sẽ vượt qua Hàn Quốc để trở thành quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Những dự đoán như vậy đang tạo thành một cuộc tranh luận về việc liệu chính phủ có nên tăng thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc mà những thanh niên đủ điều kiện phải nhập ngũ hay không. Hiện tại, Đài Loan có một lực lượng quân sự chuyên nghiệp gồm 162.000 người (tính đến tháng 6 năm nay) – ít hơn 7.000 so với mục tiêu. Thêm vào đó, tất cả đàn ông đủ điều kiện phải phục vụ bốn tháng huấn luyện với tư cách là quân dự bị. Thay đổi yêu cầu nghĩa vụ bắt buộc sẽ là bước ngoặt lớn đối với Đài Loan, vốn trước đây đã cố gắng cắt giảm nghĩa vụ quân sự và rút ngắn nghĩa vụ bắt buộc từ 12 tháng gần đây nhất là vào năm 2018. Su Tzu-yun, giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Đài Loan, cho biết trước năm 2016 nhóm nam giới đủ điều kiện gia nhập quân đội – với tư cách là quân nhân chuyên nghiệp hoặc quân nhân dự bị – là khoảng 110.000 người. Ông cho biết kể từ đó, con số này đã giảm đi hàng năm và tổng số có thể sẽ xuống mức thấp nhất là 74.000 vào năm 2025. Và trong thập kỷ tới, số lượng thanh niên sẵn sàng cho quân đội Đài Loan tuyển dụng có thể giảm xuống một phần ba. Tỷ lệ sinh của Đài Loan là 0,98, thấp hơn nhiều so với mức 2,1 cần để duy trì dân số ổn định.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng xu hướng này đặt ra một vấn đề đặc biệt đối với quân đội Đài Loan, do quy mô tương đối của hòn đảo và các mối đe dọa mà hòn đảo này phải đối mặt. Chang Yan-ting, cựu phó chỉ huy lực lượng không quân của Đài Loan, nói rằng trong khi tỷ lệ sinh thấp phổ biến ở Đông Á thì tình hình ở Đài Loan rất khác khi hòn đảo này đang phải đối mặt với ngày càng nhiều áp lực (từ Trung Quốc) và tình hình sẽ trở nên gay gắt hơn so với các phần khác của khu vực. Bên cạnh nguồn tuyển dụng ngày càng thu hẹp, sự sụt giảm dân số thanh niên cũng có thể đe dọa đến hiệu quả lâu dài của nền kinh tế Đài Loan – vốn là trụ cột bảo vệ hòn đảo.
Xem thêm tại: CNN, Taiwan’s military has a fertility problem: As China fears grow, its recruitment pool shrinks. Truy cập ngày 18/12/2022
Chính sách quốc phòng Nhật Bản mới dưới góc nhìn của học giả phương Tây
Alessio Patalano, Giáo sư về Chiến tranh & Chiến lược tại King’s College London, đã có một vài phân tích về bản kế hoạch quốc phòng và an ninh mới của Nhật. Tokyo đã chọn gọi Trung Quốc là “thách thức chiến lược” (strategic challenge) thay vì “mối đe dọa”. Có hai nguyên nhân lý giải điều trên. Một là xét về mặt :chiến lược” – đối nghịch với từ “mang tính hệ thống”, Tokyo đang liên kết với Mỹ khi định nghĩa câu hỏi Trung Quốc dưới góc độ quân sự. Điều này nói lên rằng ngoài các vấn đề quân sự Trung Quốc và Nhật có thể đối thoại với nhau. Hai là từ “thách thức” – ngược với “mối đe dọa”. Khi dùng từ này Tokyo cho thấy chính sách của mình có vẻ tương tự với Anh khi cả Anh và Nhật đều chia sẻ một góc nhìn chung về Trung Quốc. Xét tới nội dung, đầu tiên là khuôn khổ, ông cho rằng rất nhiều người đang hiểu sai về “nước Nhật hòa bình” trong hiến pháp. Môi trường an ninh quốc tế từ lâu đã định nghĩa ngoại diên của chính sách quốc phòng Nhật như ngân sách, khả năng tấn công, v/v. Từ 2005, Bộ Quốc phòng Nhật đã liệt kê những năng lực nào mà Nhật không thể tiến hành, và danh sách này khá ngắn. Về khả năng, Tokyo ra mắt tên lửa Tomahawks về ngắn hạn, trong khi vẫn tiếp tục nhấn mạnh khả năng của tên lửa đánh chặn Type-12 như một giải pháp nội địa. Patalano cho rằng sự chuyển dịch không liên quan đến việc từ bỏ Hiến pháp mà cho thấy những năng lực cần thiết để đáp ứng hình thái bố trí phòng thủ mới. Ở đây, quá trình phổ biến tên lửa ở Đông Á là chìa khóa.
Về bố trí quốc phòng, có một số thay đổi về năng lực nchỉ huy và kiểm soát (C2) cần thiết để triển khai có hiệu quả các năng lực quốc phòng. Những thay đổi này dẫn đến một vấn đề về chính sách khác, để khả năng phản công đạt được hiệu quả thì một khả năng phản công trên biển là một trong những ưu thế tiềm năng nhất, dẫn đến việc truy ngược lại câu hỏi về các tàu ngầm hạt nhân (SSN) của Nhật. Cuối cùng, những tài liệu này nói gì về sự chuyển đổi chính sách rộng lớn hơn? Gần đây đã có rất nhiều thông tin về việc tăng 2% GDP cũng như tăng thuế để chi trả cho chi phí quốc phòng. Có hai điểm có thể rút ra được từ việc trên, một là khía cạnh 2% của cuộc tranh luận cần tương xứng với thực tế rằng một phần lớn của khoản này sẽ được dùng để tái cấp vốn cho các hạng mục trước đây nằm ngoài phạm vi phòng thủ. Hai là, Nhật Bản trước đây có hậu phương/chiều sâu phòng thủ tương đối hẹp trong toàn bộ thế trận phòng thủ. Hậu quả chính của những thay đổi này nằm trong 2 lĩnh vực: 1. Vượt ra ngoài khuôn khổ chiến lược chiếc khiên và ngọn giáo Mỹ-Nhật (Mỹ là Giáo còn Nhật là Khiên), 2. Củng cố di sản học thuyết Abe. Nhật Bản dưới thời Abe đã thúc đẩy vai trò của mình trong thỏa thuận ba bên trong việc chủ động định hình môi trường an ninh.
Xem thêm tại: Twitter, Alessio Patalano. Truy cập ngày 16/12/2022
Bước ngoặt trong chính sách quốc phòng Nhật Bản
Nhật Bản đã đánh đấu một cột mốc trọng điểm về những nỗ lực tái hoạch định chính sách quốc phòng của mình, tăng chi tiêu quốc phòng và cho phép Tokyo đạt được khả năng phản công tên lửa. Ngày 16 tháng 12 vừa qua, nội các của Thủ tướng Nhật Kishida Fumio đã thông qua văn kiện an ninh quốc gia ba điểm đánh dấu một bước ngoặt lớn trong chính sách quốc phòng Nhật hậu chiến. Theo đó, Nhật Bản đang trong quá trình trở lại “một quốc gia bình thường” về lâu dài bằng cách cho phép quốc gia này sở hữu và khả năng sử dụng các năng lực tấn công để tấn công các căn cứ tên lửa của đối phương trong trường hợp Tokyo bị tấn công vũ trang. Văn kiện thứ nhất là bản Chiến lược an ninh quốc gia (NSS9), thứ hai là bản Chiến lược quốc phòng quốc gia (NDS) và Chương trình xây dựng quốc phòng (DBP). Cùng nhau, ba văn kiện này sẽ định hình chiến lược tổng thế, chính sách quốc phòng, và các mục tiêu cần đạt về quốc phòng của Nhật. NSS cung cấp hướng dẫn chiến lược cấp cao nhất của quốc gia về ngoại giao, quốc phòng, an ninh kinh tế, công nghệ, mạng và tình báo trong thập kỷ tới. NDS, chính thức được gọi là Hướng dẫn Chương trình Phòng thủ Quốc gia, đặt ra các mục tiêu quốc phòng và trình bày các cách thức và phương tiện để đạt được các mục tiêu đó. DBP, trước đây được gọi là Chương trình Phòng thủ Trung hạn, đưa ra tổng chi tiêu quốc phòng và khối lượng mua sắm các thiết bị chính trong vòng 5 đến 10 năm tới. Liệu đây có phải là một sự chuyển hướng từ chính sách định hướng phòng thủ độc quyền của Nhật Bản? Các quan chức chính phủ nhấn mạnh rằng khả năng tấn công tên lửa trong khu vực đã được cải thiện đáng kể cả về chất lượng và số lượng, vì vậy Tokyo buộc phải tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa của mình. Nếu Nhật Bản tiếp tục chỉ dựa vào hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD), Tokyo sẽ ngày càng khó giải quyết triệt để các mối đe dọa tên lửa chỉ với mạng lưới phòng thủ tên lửa hiện có của mình.
Vậy Trung Quốc có phải là mối đe dọa không? Trọng tâm lớn nhất của ba tài liệu an ninh là làm thế nào để đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy. Nhật Bản sẽ tự bảo vệ mình như thế nào trước sự trỗi dậy quân sự nhanh chóng của Trung Quốc? Nhật Bản cần bao nhiêu năng lực quốc phòng và ngân sách quốc phòng để đối đầu với Trung Quốc? Đó là những câu hỏi cơ bản đằng sau các tài liệu, mặc dù không bao giờ được nêu rõ ràng. Nhật Bản đã tránh chỉ định Trung Quốc là một “mối đe dọa” ngay cả trong các tài liệu cập nhật. Một lý do chính cho điều đó là sự cân nhắc chính trị của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền đối với đối tác liên minh cấp dưới của họ, Komeito, được hỗ trợ bởi Soka Gakkai, nhóm cư sĩ Phật giáo lớn nhất của Nhật Bản. Mặt khác, cũng đúng là một thái độ mơ hồ sẽ làm suy yếu khả năng răn đe đối với các quốc gia khác và có thể làm tăng nguy cơ xung đột. Một chiến lược mơ hồ có thể gây ra hiểu lầm và xung đột bất ngờ, dẫn đến những tình huống nguy hiểm. Đúng là trong khuôn khổ nhị nguyên – chẳng hạn như coi một quốc gia khác là “mối đe dọa” hoặc “không phải là mối đe dọa” – có xu hướng khuấy động sự đối đầu và bất ổn. Ngược lại, một chiến lược rõ ràng dễ lan tỏa đến các thể chế quốc gia và tăng cường khả năng thực thi chính sách, đồng thời tăng tính minh bạch bên trong và bên ngoài. Mỹ coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh duy nhất” có cả ý định định hình lại trật tự quốc tế và ngày càng có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để thúc đẩy mục tiêu đó. Washington đã định vị thập kỷ tới cùng thời kỳ được đề cập trong ba tài liệu an ninh mới của Nhật Bản là một giai đoạn quan trọng.
Xem thêm tại: Diplomat, Japan’s Major Turning Point on Defense Policy. Truy cập ngày 18/12/2022