Có phải Nga đang cạn kiệt nguồn đạn?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: “Is Russia running out of ammunition?”, The Economist, 20/12/2022

Biên dịch: Phạm Quốc Hào

Nhiều quả đạn pháo có lẽ còn nhiều tuổi hơn cả những người lính bắn chúng

“Vậy tối nay hãy để tôi nói với Putin những gì các tướng lĩnh và bộ trưởng của ông ấy quá sợ hãi không dám nói,” Đô đốc Tony Radakin, tham mưu trưởng quân đội Anh, tuyên bố vào ngày 14 tháng 12: “Nga phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược nghiêm trọng.” Mười ngày trước đó, Avril Haines, quan chức tình báo hàng đầu của Mỹ, đã đưa ra nhận định tương tự. Vậy có phải Nga sắp hết đạn?

Các quan chức phương Tây đã nói về cuộc khủng hoảng nguồn đạn của Nga trong nhiều tháng qua. Vào tháng 9, họ nói rằng Nga đã tìm đến Triều Tiên để bổ sung đạn dược. Vào tháng 11, Lloyd Austin, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, đã nói về “tình trạng thiếu hụt đáng kể”. Tại một cuộc họp báo vào ngày 12 tháng 12, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói rằng, với tốc độ sử dụng hiện tại, Nga chỉ có thể duy trì đạn pháo và tên lửa ở tình trạng “có thể sử dụng đầy đủ” cho đến đầu năm 2023.

Tuy nhiên, nhiều người khác không đồng ý. Vào ngày 9 tháng 12, Đại tá Margo Grosberg, người đứng đầu cơ quan tình báo quốc phòng Estonia, cho biết Nga có khoảng 10 triệu quả đạn pháo và có đủ năng lực sản xuất thêm 3,4 triệu quả nữa trong vòng một năm tới. Với tốc độ bắn cao nhất vào mùa hè ở khu vực Donbass miền đông Ukraine, Nga đã sử dụng khoảng 20.000 viên đạn mỗi ngày, có nghĩa là nước này có đủ đạn dược “để chiến đấu trong ít nhất một năm, nếu không muốn nói là lâu hơn”. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với The Economist, Tướng Valery Zaluzhny, tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine, cảnh báo rằng Nga đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới vào mùa xuân, thậm chí có thể bao gồm một nỗ lực quân sự khác nhằm vào Kiev. “Đạn dược đang được chuẩn bị,” Tướng Zaluzhny nói. “Đây không phải tin tốt.”

Có một số cách giải thích cho những quan điểm khác nhau này. Một là sự khác biệt về loại đạn được tính. Ông Michael Kofman đến từ viện nghiên cứu chính sách CNA cho biết số lượng đạn dược “có thể sử dụng được” mà Mỹ tính có thể là loại đạn còn hạn sử dụng, được bảo quản đúng cách và không cần tân trang lại trước khi sử dụng. Còn số đạn mà Estonia ước tính có thể bao gồm một loạt các loại đạn có thể không đáng tin cậy hoặc không an toàn — mặc dù không nhất thiết là thiếu hiệu quả.

Đạn dược của Nga thường được bảo quản trong điều kiện kém hơn nhiều so với quân đội NATO. Nếu đánh giá của Lầu Năm Góc là chính xác thì Nga đang bắn một số quả đạn pháo được sản xuất vào đầu những năm 1980. “Bạn nạp đạn, bắt chéo ngón tay (để cầu may) và hy vọng nó sẽ khai hoả,” quan chức quốc phòng Mỹ nói. (Ukraine cũng phải sử dụng các đạn pháo cũ.)

Hiện nay, chúng ta cũng không biết rõ Nga đã mất và thu được bao nhiêu đạn trong mười tháng chiến tranh. Tỷ lệ tiêu hao đạn dược trong chiến sự có thể được tính toán khá chính xác. Nhưng việc tìm ra lượng đạn mà Nga đã mất trong các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa của Ukraine vào các kho đạn của nước này, vốn đặc biệt hiệu quả trong mùa hè, phức tạp hơn một chút. Đặc biệt, rất khó xác định tốc độ mà Nga có thể bổ sung cho các kho đạn này.

Một số chỉ số, chẳng hạn như sản lượng thép, có thể cung cấp manh mối cho câu trả lời. Nhưng chúng cũng có thể rất dễ đánh lừa. Vào tháng 9, Jack Watling đến từ Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về quốc phòng và an ninh (RUSI) giải thích rằng các đánh giá trước đây hồi tháng 6 về sản lượng đạn pháo của Nga đã phóng đại năng lực sản xuất của nước này vì chúng tập trung vào khả năng đúc và nạp đạn của Nga hơn là sản xuất chất nổ bên trong. Tình báo Mỹ và Anh đều nhận định rằng tốc độ sản xuất của Nga đã bị hạn chế rất nhiều.

Bên cạnh tự sản xuất đạn, Nga có thể nhập khẩu chúng. Belarus đã cung cấp một lượng lớn đạn từ các kho dự trữ thời Liên Xô, theo các quan chức phương Tây. Nhưng số đạn này có thể không đáng kể. Trong bài phát biểu của mình, Đô đốc Radakin cáo buộc Triều Tiên đang “tìm cách buôn lậu đạn pháo sang Nga.” Tuy nhiên nguồn cung này hiện tại là không đáng kể, theo bà Haines.

Tốc độ bắn pháo của Nga đã giảm kể từ cuộc pháo kích dữ dội vào mùa hè. Về lý thuyết, nếu tình trạng thiếu đạn dược thực sự nghiêm trọng như một số nhận định, tốc độ bắn sẽ giảm hơn nữa trong những tháng tới. Trong trường hợp đó, nếu không có một bước đột phá bất ngờ trong sản xuất hoặc một nhà cung cấp hào phóng, thì quân đội Nga sẽ không có khả năng tiến hành một cuộc tấn công ồ ạt lớn bằng pháo binh như Tướng Zaluzhny dự đoán. Nhưng William Owen, một cựu quân nhân và hiện là biên tập viên của Tạp chí Chiến lược Quân sự, cảnh báo về những tính toán lạc quan như vậy. Ngay cả khi một số quả đạn pháo của Nga bị tịt, thì rất nhiều trong số đó vẫn có thể sử dụng được. “Bạn sẽ không bao giờ sai lầm khi cho rằng người Nga có đủ những thứ đạn mà họ cần,” William Owen nói. Nhận định ngược lại là một điều “cực kỳ vô nghĩa và nguy hiểm một cách ngu ngốc.”