Tác giả: Vũ Lê Thái Hoàng* – Đỗ Thị Thủy** – Lê Trung Kiên***
Sự biến động của tình hình thế giới hiện nay tạo ra nhiều thách thức đối với bảo đảm an ninh lương thực của nhiều quốc gia. Trong bối cảnh đó, an ninh lương thực và ngoại giao vì an ninh lương thực trở thành hoạt động được nhiều quốc gia quan tâm và thúc đẩy triển khai, nhất là đối với các nước đang phát triển thường xuyên gặp những vấn đề về lương thực.
Cho đến nay, định nghĩa được trích dẫn phổ biến nhất về “an ninh lương thực” do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đưa ra và được các quốc gia nhất trí thông qua đàm phán ngoại giao tại Hội nghị thượng đỉnh lương thực thế giới năm 1996. Theo đó, an ninh lương thực tồn tại khi tất cả mọi người, ở mọi lúc, được tiếp cận về mặt vật chất và kinh tế với thực phẩm an toàn, đầy đủ, bổ dưỡng mà đáp ứng nhu cầu ăn kiêng và sở thích ăn uống của họ để có một cuộc sống năng động, khỏe mạnh. Tình trạng mất an ninh lương thực tồn tại khi mọi người không được tiếp cận đầy đủ về mặt vật chất, xã hội hoặc kinh tế đối với thực phẩm như đã định nghĩa ở trên[1].
Thuật ngữ “ngoại giao vì an ninh lương thực” đề cập đến việc sử dụng tài nguyên lương thực của một quốc gia để tác động đến thị trường lương thực toàn cầu và các mối quan hệ chính trị, kinh tế quốc tế ngoài thị trường thực phẩm. Sử dụng nguồn lương thực để tác động đến thị trường lương thực bao gồm các khía cạnh liên quan đến thương mại quốc tế, tăng hiệu quả sản xuất lương thực, đáp ứng mức tiêu thụ lương thực tối thiểu, ổn định giá lương thực và phân phối lương thực. Chính chiều hướng ngoại giao vì an ninh lương thực này đã phân biệt một cách rõ ràng nhất các vấn đề an ninh lương thực và sự khác biệt về chính sách giữa các “nước xuất khẩu lương thực” lớn với các nước nhập khẩu lương thực, nhất là các nước nghèo “thâm hụt lương thực”.
Thực tiễn ngoại giao vì an ninh lương thực
Ở góc độ quốc tế
Trong những thập niên qua, đã có nhiều nỗ lực đa phương trên thế giới về bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu. Trên các diễn đàn đa phương, an ninh lương thực được coi là vấn đề đa chiều, liên ngành, đa ngành và có liên quan đến nhiều vấn đề toàn cầu khác, như nghèo đói, biến đổi khí hậu, di cư và dịch bệnh. Hội nghị thượng đỉnh lương thực thế giới năm 1996 thể hiện định hướng chính sách này bằng cách đưa ra mục tiêu chính của hành động quốc tế về an ninh lương thực là giảm một nửa số người đói hoặc thiếu dinh dưỡng vào năm 2015. Bảo đảm an ninh lương thực được coi là một trong những tiền đề quan trọng để đạt các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) của Liên hợp quốc[2]. Đạt được an ninh lương thực và dinh dưỡng cũng đã được xác định là Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG 2, “Zero Hunger”) trong Chương trình nghị sự đến năm 2030 của Liên hợp quốc. SDG 2 hướng đến mục tiêu “chấm dứt nạn đói, đạt được an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy nông nghiệp bền vững” và mục tiêu này cũng được lồng ghép trong hầu hết các SDG khác. Ngày 23-9-2021, tại thành phố Niu Oóc (Mỹ), đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về hệ thống lương thực. Hơn 150 quốc gia đã cam kết chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm của mình, trong đó ưu tiên khuyến khích sự tham gia rộng lớn hơn của xã hội và bảo đảm sự công bằng, nhất là đối với nông dân, phụ nữ, giới trẻ và các nhóm dân tộc địa phương.
Thứ nhất, theo cảnh báo của FAO, số lượng người thiếu dinh dưỡng trên thế giới đang gia tăng, làm đảo ngược tiến bộ về an ninh lương thực quốc tế. Xung đột, biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt góp phần vào xu hướng này. Suy dinh dưỡng hiện là một trong năm nguyên nhân dẫn đến tử vong có thể phòng ngừa được trên toàn cầu. Tình trạng mất an ninh lương thực vượt qua ranh giới sức khỏe cộng đồng và góp phần gây ra tất cả các dạng suy dinh dưỡng. Trên khắp thế giới, các nguồn tài nguyên cho sản xuất nông nghiệp (đất, nước, đa dạng sinh học) đang chịu áp lực khi dân số tăng và biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến các nước nghèo nhất, nơi có tỷ lệ thu nhập cao được chi cho lương thực. Nghèo đói và giá lương thực ngày càng tăng là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực.
Thứ hai, nông nghiệp và thủy sản – những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến an ninh lương thực – là những ngành dễ bị tổn thương nhất trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến hệ thống lương thực theo nhiều cách khác nhau, từ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất cây trồng, đến thay đổi thị trường, giá lương thực và kết cấu hạ tầng chuỗi cung ứng. Ở khu vực Đông Nam Á, với sự ấm lên của các đại dương, việc đánh bắt hải sản tại đây dự kiến sẽ giảm khoảng 20% – 30%, kèm theo việc mất đi khoảng 20% đa dạng sinh học vào năm 2050.
Thứ ba, nông nghiệp đóng góp khoảng 20% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu (CH4 và N2O) và có thể tăng phát thải 50% – 90% vào năm 2050 nếu không có thay đổi công nghệ và các biện pháp giảm thiểu phát thải chuyên dụng. Do đó, các chính sách phát triển theo khu vực nhằm thúc đẩy các hệ thống lương thực thích ứng cần thích ứng bền vững với biến đổi khí hậu hơn nữa, theo tinh thần của Thỏa thuận Pa-ri về biến đổi khí hậu (năm 2015) và Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-26).
Thứ tư, mối quan hệ phức tạp giữa biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực cũng thường được thể hiện thông qua lăng kính di cư. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), hơn 140 triệu người ở khu vực châu Phi cận sa mạc Xa-ha-ra, Nam Á và Mỹ La-tinh có thể bị buộc phải di cư trong nước do tác động của biến đổi khí hậu vào năm 2050. Sự di cư của họ thường là hệ quả của tình trạng mất an ninh lương thực do mùa màng thất bát vì thiên tai, biến đổi khí hậu, kéo theo những lo ngại về an ninh quá lớn hoặc đất nước không có khả năng đáp ứng những nhu cầu cơ bản[3].
Ở góc độ quốc gia
Sử dụng nguồn lương thực để tác động đến các mối quan hệ quốc tế ngoài thị trường lương thực quốc tế bao gồm các mục tiêu chính sách đối ngoại khác, chẳng hạn như thúc đẩy các lợi ích địa – chiến lược ở nước ngoài, tăng cường hợp tác kinh tế hoặc củng cố quan hệ chính trị với một quốc gia khác, trừng phạt các đối thủ. Theo Tiến sĩ An-na-ma-ri Bin-đân-nây-giồ Xê-hô-vích (Annamarie Bindenagel Šehović), nghiên cứu viên tại Viện Chính trị và Nghiên cứu quốc tế (PAIS) thuộc trường Đại học Warwick (Anh), có ba phương thức để hoạt động ngoại giao kết nối an ninh lương thực quốc gia với an ninh lương thực toàn cầu. Thứ nhất, là hoạt động nhằm đưa vấn đề lương thực trở thành một chương trình nghị sự thảo luận ở quy mô khu vực và toàn cầu, nhất là khía cạnh an ninh lương thực. Thứ hai, là hoạt động ngoại giao nhằm tìm ra các giải pháp giữa các quốc gia và các chủ thể phi quốc gia để gia tăng sản lượng lương thực và khả năng tiếp cận lương thực của người dân. Thứ ba, là hoạt động ngoại giao nhằm thu hút các công nghệ về sản xuất lương thực, dự trữ lương thực để gia tăng thế mạnh lương thực của quốc gia[4].
Qua nghiên cứu thực tiễn quốc tế có thể thấy, ngoại giao vì an ninh lương thực đang nổi lên như một thành tố tiềm năng của “ngoại giao chuyên biệt” của các nước vừa và nhỏ. Với ngoại giao vì an ninh lương thực, các nước này vừa có thể tận dụng lợi thế của ngoại giao nhằm thúc đẩy lợi ích quốc gia qua xuất khẩu lương thực, quảng bá văn hóa, mở rộng ảnh hưởng, vừa xây dựng hình ảnh, vị thế quốc tế như những “công dân toàn cầu mẫu mực”, đóng góp vào việc giải quyết những vấn đề chung cấp bách của nhân loại, như an ninh lương thực và các vấn đề liên quan, như biến đổi khí hậu, xóa đói – giảm nghèo, phát triển bền vững… Thụy Sĩ và Thái Lan được xem là một trong những ví dụ điển hình của ngoại giao vì an ninh lương thực.
Về trường hợp Thụy Sĩ
Thụy Sĩ là một trong các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất và là nước có nền nông nghiệp phát triển cao, mặc dù nghề nông nghiệp chiếm tỷ lệ nhỏ nhất trong cơ cấu việc làm của người lao động Thụy Sĩ. Trong những năm gần đây, Thụy Sĩ thúc đẩy ngoại giao vì an ninh lương thực trên ba khía cạnh.
Một là, ở trong nước, Thụy Sĩ hướng đến việc cung cấp thực phẩm lành mạnh và giá cả phải chăng cho mọi người dân thông qua phát triển nông nghiệp bền vững, thông minh và cải thiện sinh kế của người dân ở các vùng nông thôn.
Hai là, ở cấp độ song phương, Thụy Sĩ đã hỗ trợ phát triển và chuyển đổi sang các hệ thống lương thực bền vững ở nước ngoài trong nhiều năm. Bộ Ngoại giao Liên bang Thụy Sĩ đã tổ chức nhiều cuộc thảo luận và hội thảo về chủ đề nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực thông qua mạng lưới nông nghiệp và an ninh lương thực, thu hút sự quan tâm đặc biệt của quốc tế. Phái đoàn Thụy Sĩ tại thành phố Rô-ma (I-ta-li-a) cũng xúc tiến Dự án “bites of transfoodmation” (chuyển đổi lương thực) nhằm thúc đẩy sự tham gia, nhận thức và sáng kiến của thanh niên về chủ đề chuyển đổi sang lương thực bền vững.
Ba là, ở cấp độ toàn cầu, Thụy Sĩ rất tích cực trong các hoạt động đa phương về an ninh lương thực và ngoại giao nhân đạo. Tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về hệ thống lương thực được tổ chức ở thành phố Rô-ma (tháng 9-2021), Thụy Sĩ tuyên bố ủng hộ việc thực hiện Chương trình nghị sự đến năm 2030 về phát triển bền vững và chuyển đổi hệ thống lương thực ở cấp quốc gia và quốc tế, giúp bảo vệ đa dạng sinh học và khí hậu. Thụy Sĩ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới dưới mọi hình thức và việc thực hiện quyền có đủ lương thực cho tất cả mọi người. Thụy Sĩ đi đầu trong việc thúc đẩy ngoại giao khoa học trong việc vận dụng các phương pháp tiếp cận sáng tạo và nghiên cứu cách thức mà hệ thống lương thực có thể tác động đến khí hậu, nguồn nước, sức khỏe và ngược lại. Thụy Sĩ cũng đang tìm cách thúc đẩy các ưu tiên và củng cố hoặc hình thành các liên minh, đối tác chiến lược thiết lập một khuôn khổ vững chắc cho các hệ thống lương thực bền vững hơn, bao gồm các biện pháp khả thi ở các nước có thu nhập thấp và trung bình[5].
Về trường hợp Thái Lan
Là một nước đang phát triển với khoảng 40% lực lượng lao động tham gia lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời được thế giới biết đến như là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới cũng như nhà cung cấp nhiều mặt hàng nông sản khác, ngoại giao vì an ninh lương thực đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hình ảnh và vị thế của Thái Lan trên trường quốc tế. Với nền tảng đó, ngoại giao Thái Lan có thông điệp đối ngoại thống nhất về hình ảnh và vai trò của Thái Lan trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.
Thứ nhất, ngoại giao Thái Lan góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế về ẩm thực Thái Lan và hình ảnh Thái Lan là một quốc gia sản xuất cũng như xuất khẩu nông sản và thực phẩm. Kể từ năm 2002, Chính phủ Thái Lan đã quảng bá thực phẩm của Thái Lan ra nước ngoài thông qua một chiến dịch đa phương diện. Sự thành công của chiến lược này đã góp phần truyền cảm hứng cho một xu hướng mới trong chính sách đối ngoại của Thái Lan, đó là “chủ nghĩa tiêu dùng”. Với mục tiêu trở thành “nhà bếp của thế giới”, Thái Lan đã tích cực thể hiện vai trò năng động trong ngành công nghiệp thực phẩm và nông nghiệp toàn cầu với tư cách là nhà xuất khẩu thực phẩm lớn thứ hai ở khu vực châu Á và thứ mười một trên thế giới, với trị giá 33 tỷ USD.
Thứ hai, ngoại giao Thái Lan thu hút nguồn lực quốc tế cho các chương trình lương thực và nông nghiệp ở trong nước. Trong nước, Thái Lan nhấn mạnh chiến lược “3-S” trong các chính sách về nông nghiệp và lương thực, bao gồm an toàn thực phẩm (food safety), an ninh lương thực (food security), tính bền vững của tài nguyên thiên nhiên và sinh thái nông nghiệp (sustainability). Dự án nông nghiệp cho bữa trưa học đường là một trong những câu chuyện thành công trong việc giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng ở những người trẻ tuổi ở các vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa của Thái Lan. Ngoài ra, Thái Lan cũng đang thúc đẩy mô hình kinh tế sinh thái – tuần hoàn – xanh (bio – circular – green economy) để theo đuổi tăng trưởng kinh tế, đồng thời bảo đảm tính bền vững, cân bằng và bao trùm về mặt xã hội.
Thứ ba, ngoại giao Thái Lan chủ động đề xuất các sáng kiến, lồng ghép những giải pháp bảo đảm an ninh lương thực vào các chương trình nghị sự ở khu vực và toàn cầu. Trên phạm vi toàn cầu, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh hệ thống lương thực của Liên hợp quốc vào ngày 23-9-2021, Thủ tướng Thái Lan Pray-út Chan Ô-cha cho rằng, là một quốc gia sản xuất nông nghiệp lớn, Thái Lan đánh giá cao tầm quan trọng của hệ thống lương thực trong việc duy trì cuộc sống của người dân. Đại dịch COVID-19 đã bộc lộ rõ ràng sự bất bình đẳng xã hội và tính dễ bị tổn thương của hệ thống lương thực ở mỗi quốc gia. Vì vậy, ông kêu gọi tất cả các quốc gia cần cùng nhau thảo luận để chuyển đổi hệ thống thực phẩm theo hướng bền vững và cân bằng hơn, đồng thời tăng cường an ninh lương thực và bảo đảm quyền tiếp cận bình đẳng đối với thực phẩm an toàn, lành mạnh cho tất cả mọi người để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Thái Lan sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với các đối tác và liên minh ở cả cấp quốc gia và toàn cầu để tăng cường khả năng phục hồi của hệ thống lương thực toàn cầu và cho rằng Hội nghị của Liên hợp quốc đánh dấu một bước tiến quan trọng trong “thập niên hành động” trong việc chuyển đổi hệ thống lương thực theo hướng đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau[6]. Trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Thái Lan thúc đẩy xây dựng chiến lược bảo đảm an ninh lương thực. Trọng tâm là nâng cao hiệu quả phân phối lương thực và tiếp cận lương thực, bảo đảm lương thực tới được những người cần thiết[7].
Một số hàm ý chính sách đối với Việt Nam
Việt Nam là một trong những quốc gia đạt các thành tựu lớn về sản xuất nông nghiệp. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) khẳng định: “Nông nghiệp có bước chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng và hiệu quả, tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế; kinh tế nông thôn tiếp tục phát triển; chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng, hoàn thành sớm hơn gần hai năm so với kế hoạch đề ra, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân”[8]. Từ một nước nhập khẩu lương thực, Việt Nam đã trở thành một quốc gia tự chủ về lương thực và là một trong những nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới. Việt Nam, Ấn Độ và Thái Lan là những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Từ năm 2016, kim ngạch xuất khẩu rau, quả của Việt Nam đã vượt dầu thô[9]. Trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản của Việt Nam có sự tăng trưởng vượt bậc, đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2021. Đến nay, Việt Nam đã có 9 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD/năm, bao gồm cà phê, cao su, điều, rau quả, gạo, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ, đầu vào phục vụ sản xuất[10].
Sự phát triển mạnh mẽ của ngành nông nghiệp Việt Nam là một trong những thành tựu của thời kỳ đổi mới. Đây cũng là cơ sở để Việt Nam thể hiện vai trò, hình ảnh, trách nhiệm quốc tế, đóng góp vào an ninh lương thực của thế giới và khu vực. Đáng chú ý, trong bối cảnh bất ổn an ninh lương thực trên thế giới hiện nay, từ đầu năm 2022, Việt Nam đã tích cực xuất khẩu nông sản, thủy sản để góp phần đáp ứng nhu cầu lương thực của thế giới. Ông Ri-mi Nâu-nâu Uôn-dim (Rémi Nono Womdim), Trưởng đại diện của FAO tại Việt Nam đánh giá bối cảnh hiện nay mang lại nhiều rủi ro với các quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu nông sản, do đó nguồn cung cấp lương thực từ Việt Nam là hết sức quan trọng[11]. Trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc giai đoạn 2020 – 2021, Việt Nam đã chủ trì soạn thảo Nghị quyết số 2573 của Hội đồng Bảo an (được thông qua vào tháng 4-2021), trong đó Đoạn 6 có nội dung thúc giục tất cả các bên xung đột bảo vệ các kết cấu hạ tầng dân sự thiết yếu đối với sản xuất lương thực và hoạt động bình thường của hệ thống lương thực và thị trường trong các cuộc xung đột.
Trong bối cảnh bất ổn an ninh lương thực hiện nay, Việt Nam đứng trước các cơ hội và thách thức mới.
Trước hết, đó là phát huy vai trò, vị thế của Việt Nam trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu – một vấn đề được cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm. Sự quan tâm của cộng đồng quốc tế về phát triển bền vững, trong đó các vấn đề an ninh kinh tế, an ninh môi trường, an ninh lương thực,… là ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh hiện nay. Đây là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy hợp tác quốc tế về an ninh lương thực gắn với phát triển bền vững. Việc phát huy vai trò, đóng góp của Việt Nam về bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu góp phần tạo lợi thế trong chính trị đối ngoại, thể hiện hình ảnh Việt Nam là thành viên có trách nhiệm, chủ động, tích cực trong cộng đồng quốc tế cũng như xây dựng thương hiệu quốc gia (country brand) – hiện thực hóa mục tiêu tạo thương hiệu cho nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng “minh bạch, trách nhiệm, bền vững”. Từ đó biến “thế” thành “lực”, huy động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn theo hướng xanh, hữu cơ, tuần hoàn, góp phần chuyển đổi mô hình từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp dựa trên nền tảng khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, thích ứng với biến đổi khí hậu và góp phần giảm nghèo bền vững.
Thứ hai, nhu cầu hợp tác của thế giới về lương thực tạo cơ hội để Việt Nam phát huy thế mạnh về sản xuất và xuất khẩu nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy hải sản trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Bối cảnh bất ổn an ninh lương thực, đứt gẫy chuỗi cung ứng trên thế giới do tác động của cuộc xung đột Nga – U-crai-na và biến đổi khí hậu làm gia tăng vai trò của các quốc gia có thế mạnh về sản xuất và xuất khẩu lương thực. Kim ngạch về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy hải sản của Việt Nam trong những năm gần đây tăng mạnh. Năm 2021 đạt 48,6 tỷ USD, tăng 14,9%, vượt giá trị xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực, như dầu thô. Qua trao đổi đối ngoại ở các cấp, lãnh đạo nhiều nước đánh giá cao thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam, đồng thời bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam về thúc đẩy thương mại nông sản và Việt Nam đóng vai trò lớn hơn trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu. Tại các diễn đàn và trong trao đổi với đối tác, lãnh đạo cấp cao Việt Nam nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác, hỗ trợ của các nước cho phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu của Việt Nam và mở rộng tiếp cận thị trường cho nông sản Việt Nam.
Thứ ba, tạo thêm đòn bẩy để Việt Nam nâng cao khả năng bảo vệ đất nước “từ sớm, từ xa”, duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển. Ngoại giao vì an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thể hiện tinh thần tiên phong của ngoại giao góp phần gia tăng sự đan xen lợi ích, làm sâu sắc quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác, gia tăng giá trị chiến lược của Việt Nam. Đồng thời, góp phần hỗ trợ cho hoạt động của các bộ, ngành chuyên môn trong các kế hoạch, đề án liên quan như Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đến năm 2030 của Chính phủ. Bên cạnh đó, phát huy vị thế đối ngoại của Việt Nam về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, tạo “dư địa” để lồng ghép các lợi ích an ninh – phát triển của Việt Nam trong vấn đề Mê Công, vấn đề Biển Đông, biến đổi khí hậu…
Tuy nhiên, bối cảnh mới cũng đặt ra những thách thức đối với việc phát huy vai trò của Việt Nam trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.
Một là, thách thức đến từ sự cạnh tranh ở mức độ nhất định của các nước cũng có thế mạnh về an ninh lương thực. Thực tiễn một số nước ở khu vực, như In-đô-nê-xi-a, Thái Lan đang có những động thái phát huy mạnh mẽ vai trò này và sử dụng an ninh lương thực trở thành công cụ trong hoạt động ngoại giao. Thách thức này đặt ra yêu cầu cần cách tiếp cận toàn chính phủ, đồng bộ và liên thông giữa các cấp, các ngành để nâng cao hiệu quả tối ưu của hoạt động ngoại giao vì an ninh lương thực.
Hai là, thách thức về bảo đảm uy tín của Việt Nam trong hoạt động cung ứng lương thực cho thị trường quốc tế khi nhu cầu gia tăng cả về quy mô và chất lượng. Công tác dự báo, thông tin về thị trường sản xuất, tiêu thụ nông sản còn hạn chế. Ngoài ra, sự biến động của thị trường quốc tế do diễn biến khó lường của tình hình địa – chính trị cũng tạo ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng với hoạt động sản xuất lương thực của Việt Nam. Điều này đặt ra yêu cầu hoạt động củng cố tính biện chứng trong ngoại giao vì an ninh lương thực, khi một mặt, nâng cao vai trò của Việt Nam trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu; mặt khác, góp phần nâng cao nhận thức của quốc tế về việc hỗ trợ, duy trì hoạt động sản xuất lương thực ở các quốc gia như Việt Nam.
Ba là, thách thức xử lý các mối quan hệ đối ngoại trong hoạt động ngoại giao vì an ninh lương thực trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn gia tăng. Các sáng kiến hợp tác đa phương về bảo đảm an ninh lương thực ở một số diễn đàn đa phương trong khuôn khổ Liên hợp quốc có thể gặp khó khăn về đạt đồng thuận. Việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với một số đối tác trong việc xuất, nhập khẩu các nguyên liệu và thành phẩm lương thực có thể gặp khó khăn trong bối cảnh cuộc xung đột Nga – U-crai-na chưa có hồi kết.
Có thể thấy, triển khai ngoại giao vì an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững là nhu cầu tất yếu của ngoại giao phục vụ phát triển, lấy người dân, doanh nghiệp, địa phương làm trung tâm phục vụ, góp phần thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16-6-2022, của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và phù hợp với chủ trương mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Từ cơ sở lý luận và thực tiễn nêu trên, để tận dụng các cơ hội và hóa giải tối đa thách thức đối với hoạt động ngoại giao vì an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững của Việt Nam cần lưu ý các vấn đề sau:
Thứ nhất, triển khai chủ trương của Đại hội XIII của Đảng về đối ngoại, hội nhập quốc tế, ngoại giao phục vụ phát triển lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Xây dựng thông điệp nhất quán, xuyên suốt của Việt Nam qua kênh song phương, đa phương ở các cấp.
Thứ hai, nâng cao và duy trì nhận thức (nuôi vấn đề) của cộng đồng quốc tế về vai trò và đóng góp của Việt Nam trong bảo đảm an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững ở khu vực và toàn cầu.
Thứ ba, tăng cường đan xen lợi ích, huy động tri thức, kinh nghiệm và nguồn lực quốc tế về các giải pháp đa phương và song phương nhằm thúc đẩy hợp tác bảo đảm an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững và mở rộng, đa dạng hóa thị trường quốc tế cho nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản của Việt Nam, nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung lương thực toàn cầu.
Thứ tư, mở rộng mạng lưới quan hệ giữa các đối tác của khu vực chính phủ, tư nhân, học giả, tổ chức xã hội để góp phần tranh thủ tối đa nguồn lực quốc tế cho phát triển nông nghiệp và nông thôn theo hướng xanh, hữu cơ và tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện các Mục tiêu SDGs và các cam kết tại Hội nghị COP-26.
Thứ năm, xác định các nội dung, lĩnh vực mà ngoại giao có thế mạnh để hỗ trợ, phối hợp, kết nối, đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong lĩnh vực an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững.
Thứ sáu, thúc đẩy sự liên kết giữa các viện nghiên cứu nông nghiệp quốc tế và các đối tác liên quan, xây dựng Việt Nam thành trung tâm (hub) ở khu vực về nông nghiệp bền vững hoặc trên một khía cạnh cụ thể, như Trung tâm đổi mới sáng tạo về lương thực, thực phẩm khu vực (Regional Food Innovation Hub)./.
——————————
* TS, Học viện Ngoại giao;
** PGS, TS, Phái đoàn đại diện Việt Nam tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ;
*** TS, Học viện Ngoại giao
Bài viết được đăng lần đầu trên Tạp chí Cộng sản, số 1.005 (tháng 1/2023).
Chú thích
[1] FAO: “The State of Food Insecurity in the World 2009” (Tạm dịch: Thực trạng vấn đề không an toàn thực phẩm trên thế giới năm 2009), Electronic Publishing Policy and Support Branch Communication Division, 2009, tr. 8, https://www.fao.org/3/i0876e/i0876e.pdf
[2] Jacques Diouf: “Food Security and the Challenge of the MDGs: The Road Ahead” (Tạm dịch: An ninh lương thực và thách thức của MDGs: Con đường phía trước), United Nations, https://www.un.org/en/chronicle/article/food-security-and-challenge-mdgs-road-ahead, ngày 26-7-2022
[3] Chase Sova – Kimberly Flowers – Christian Man: “Climate change and food security: A test of US leadership in a fragile world” (Tạm dịch: Biến đổi khí hậu và an ninh lương thực: Phép thử khả năng lãnh đạo của Mỹ trong một thế giới mong manh), Center for Strategic and International Studies, https://www.csis.org/analysis/climate-change-and-food-security-test-us-leadership-fragile-world, ngày 15-10-2019
[4] Annamarie Bindenagel Šehović: “Food fights for life: Food diplomacy for food security” (Tạm dịch: Cuộc chiến lương thực vì sự sống: Ngoại giao lương thực vì an ninh lương thực), https://ojs.openagrar.de/index.php/JKA/article/download/10602/9671, tháng 10-2018
[5] “Food systems impact on the climate, water and health – and vice versa” (Tạm dịch: Hệ thống lương thực ảnh hưởng đến khí hậu, nước và sức khỏe – và ngược lại), Federal Department of Foreign Affairs, https://www.eda.admin.ch/eda/en/fdfa/fdfa/aktuell/newsuebersicht/2021/07/food-systems-summit-schweizer-delegation.html, ngày 26-7-2021
[6] “Statement by H.E. General Prayut Chan-o-Cha (Ret.) Prime Minister of the Kingdom of Thailand at the UN Food Systems Summit” (Tạm dịch: Tuyên bố của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Pray-út Chan Ô-cha tại Hội nghị thượng đỉnh về hệ thống lương thực của Liên hợp quốc), Ministry of Foreign Affairs Thailand, https://www.mfa.go.th/en/content/fss2021-2, ngày 23-9-2021
[7] “Thailand advocates for APEC to make food security more sustainable” (Tạm dịch: Thái Lan ủng hộ APEC để bảo đảm an ninh lương thực bền vững hơn), Royal Thai Embassy in Washington DC, https://thaiembdc.org/2022/04/22/thailand-advocates-for-apec-to-make-food-security-more-sustainable/, truy cập ngày 26-7-2022
[8] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 61, 62
[9] Bộ Công Thương Việt Nam: “Nông sản Việt xuất khẩu vượt dầu thô”, Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương Việt Nam, https://moit.gov.vn/tin-tuc/thi-truong-nuoc-ngoai/nong-san-viet-xuat-khau-vuot-dau-tho.html, ngày 14-10-2016
[10] Đỗ Minh: “Xuất khẩu nông sản 6 tháng đầu năm đạt 27,88 tỷ USD”, Báo Hà Nội mới điện tử, https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Nong-nghiep/1035590/xuat-khau-nong-san-6-thang-dau-nam-dat-2788-ty-usd, ngày 28-6-2022
[11] Quang Thuần – Chí Nhân: “Việt Nam đẩy mạnh cung lương thực ra thế giới”, Báo Thanh niên điện tử, https://thanhnien.vn/viet-nam-day-manh-cung-luong-thuc-ra-the-gioi-post1464931.html, ngày 3-6-2022