Đại Việt dưới thời vua Lê Thái Tông (P3)

Tác giả: Hồ Bạch Thảo

Trước đây nhà Minh chỉ phong cho các Vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông quyền trông coi quốc sự; bấy giờ triều đình nước ta muốn nhà Vua được phong Vương như các triều đại trước; nên dùng Thượng thư bộ Lễ, Đào Công Soạn, người giỏi về ngoại giao, đảm nhiệm việc cầu phong:

Năm Thiệu Bình thứ 3, mùa xuân, tháng Giêng [2/1436], bàn sai Thẩm hình viện sứ kiêm Lễ bộ thượng thư Đào Công Soạn và Nội mật viện phó sứ Nguyễn Thúc Huệ sang nhà Minh cầu phong.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 34a.

Mấy tháng sau Đào Công Soạn đến Yên Kinh, thu xếp xong điều kiện để được sách phong; rồi vội vã trở về nước mang vàng bạc sang cống vào tháng 6. Như vậy khi bọn Soạn đến Yên Kinh lần thứ nhất, có thể vào tháng 4; mới kịp trở về nước để đi chuyến thứ hai vào tháng 6. Nhưng văn bản Minh Thực Lục dưới đây ghi đến Yên Kinh vào tháng 6, ắt có sự nhầm lẫn về thời gian:

Ngày 27 tháng 6 nhuần năm Chính Thống thứ nhất [9/8/1436]. Quyền trông coi quốc sự nước An Nam Lê Lân sai Bồi thần Đào Công Soạn đến dâng biểu, cống sản phẩm địa phương. Ban cho các vật như lụa.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 9).

Ngày mồng 6 tháng 6 sứ bộ Đào Công Soạn đem đồ cống sang Yên Kinh lần thứ hai, để dọn đường cho việc sách phong:

Tháng 6, ngày mồng 6, sai bọn Thẩm hình viện sứ kiêm Lễ bộ thượng thư Đào Công Soạn và Nội mật viện phó sứ Nguyễn Công Cứ sang nhà Minh nộp cống hằng năm.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 34a.

Minh Thực Lục ghi vào ngày 12 tháng 9, sứ bộ Đào Công Soạn đến triều đình nhà Minh dâng biểu và cống vàng, bạc, vv…:

Ngày 12 tháng 9 năm Chính Thống thứ nhất [ 21/10/1436 ] Nước An Nam sai Bồi thần bọn Đào Công Soạn dâng biểu cống vàng, bạc, sản vật.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 10).

Việc ngoại giao tiến triển tốt đẹp, nên vào cuối tháng 9 Vua Anh Tông sai Thị lang bộ binh Lý Úc làm chánh sứ, mang ấn phong cho Vua Thái Tông chức An Nam quốc vương:

Ngày 28 tháng 9 năm Chính Thống thứ nhất [6/11/1436]. Sai Hữu Thị lang bộ binh Lý Úc làm Chánh sứ, Thông chính sứ ty Tả Thông chính Lý Hanh làm Phó sứ mang ấn đến phong cho quyền trông coi quốc sự nước An Nam Lê Lân làm An Nam Quốc vương. Trước đây Tuyên Tông Hoàng đế mệnh Lê Lợi quyền trông coi quốc sự; sau khi Lợi mất, Lân nối chức, thờ triều đình rất cung kính. Thiên tử cho rằng con cháu nhà Trần không còn ai, chi bằng chính ngôi vị của Lân để thuận việc chiêu phủ kẻ dưới; quần thần bàn bạc đều cho là phải, nên mệnh bọn Úc đến phong tước và ban chiếu cho nước này rằng:

“Trẫm chịu mệnh trời, coi sóc dân trong thiên hạ; mong mọi nơi dưới cõi trời đất che chở đạt được an khang. Nước An Nam lãnh thổ kề cận; ngươi Lân, con của quyền trông coi quốc sự nước An Nam Lê Lợi kế thừa; lấy đức cần cù thận trọng thờ người trên, chăn sóc kẻ dưới, không lười biếng để làm hỏng sự nghiệp. Nay đặc phong ngươi làm An Nam Quốc vương, trao cho ấn chương để vĩnh viễn cai quản người trong nước; thể hiện sự đối xử chung một lòng nhân của Trẫm.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 11)

Ngoài ra vào ngày 11 tháng 11 năm trước [30/12/1435], có một phái đoàn khác là bọn sứ thần Lê Lung khởi trình sang nhà Minh dâng hương cho Vua Tuyên Tông mất và Vua Anh Tông lên ngôi; vào tháng 4 năm nay đến Yên Kinh:

Ngày 22 tháng 4 năm Chính Thống thứ nhất [ 8/5/1436], Lê Lân [vua Lê Thái Tông] quyền coi quốc sự nước An Nam sai Sứ là bọn Lê Lung đến dâng hương, nhân vua Tuyên Tông Hoàng đế chầu trời.

Mừng Thiên tử lên ngôi quí, Thánh Tổ mẫu lên Thái hoàng Thái hậu, Thánh mẫu lên Hoàng Thái hậu; các nước sai sứ đến dâng biểu, cống sản phẩm địa phương. Được ban yến cùng các vật như lụa.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 18).

Đầu năm Thiệu Bình thứ 4 [2/1437], sai quan Hành khiển Nguyễn Trãi cùng với hoạn quan Lương Đăng đốc suất tập luyện nhã nhạc, sắm nhạc khí; vì hai người ý kiến không thống nhất, nên xảy ra tranh chấp lớn:

Năm Đinh Tỵ, Thiệu Bình thứ 4, mùa xuân, tháng giêng Sai Hành khiển Nguyễn Trãi và Lỗ bộ ty giám Lương Đăng đốc suất làm loan giá, nhạc khí, dạy tập nhạc múa.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 35a.

Hành khiển Nguyễn Trãi dâng bản vẽ khánh đá, cùng lời khuyên muôn dân hài hòa là gốc của nhạc; nhà Vua tiếp nhận và cho làm khánh:

Hành khiển Nguyễn Trãi dâng bản vẽ khánh đá và tâu rằng:

‘Kể ra, đời loạn dùng võ, thời bình chuộng văn. Nay đúng là lúc nên làm lễ nhạc. Song không có gốc thì không thể đứng vững, không có văn thì không không thể lưu hành. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Thần vâng chiếu soạn nhạc, không dám không dốc hết tâm sức. Nhưng vì học thuật nông cạn, sợ rằng trong khoảng thanh luật, khó được hài hòa. Xin bệ hạ yêu nuôi muôn dân, để chốn xóm thôn không còn tiếng oán hận buồn than, như thế mới không mất cái gốc của nhạc’.

 Vua khen ngợi và tiếp nhận. Sai thợ đá huyện Giáp Sơn [huyện Kinh Môn, Hải Dương] lấy đá ở núi Kính Chủ để làm.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 35b.

Đến tháng 5. Nguyễn Trãi xin từ chức hiệu đính nhã nhạc, vì bất đồng với Lương Đăng; nhưng Vua vẫn chấp nhận ý kiến của Lương Đăng:

Tháng 5, Hành khiển Nguyễn Trãi tâu rằng:

‘Mới rồi, bọn thần cùng với Lương Đăng hiệu đính nhã nhạc, nhưng kiến giải của thần không giống với Lương Đăng, thần xin trả lại công việc được sai’.

 Trước kia Thái Tổ sai Nguyễn Trãi định ra quy chế mũ áo, chưa kịp thi hành. Đến đây, Lương Đăng dâng sớ thư đại ý nói:

‘Về lễ thì có lễ đại triều và lễ thường triều. Tế trời, cáo miếu, ngày thánh tiết [ngày sinh của vua], ngày chính đán [mồng một tết], thì làm lễ đại triều, hoàng đế mặc áo cổn, đội mũ miện, lên ngồi ngai báu, trăm quan đều mặc triều phục đội mũ chầu. Còn những ngày mồng một, ngày rằm hàng tháng thì Hoàng đế mặc áo bào vàng, đội mũ xung thiên, ngồi ngai báu, trăm quan đều mặc công phục, đội mũ phác đầu. Lễ thường triều thì hoàng đế mặc áo bào vàng, đội mũ xung thiên, ngồi sập vàng, trăm quan mặc thường phục cổ tròn, đội mũ sa đen. Về nhạc thì có nhạc tế Giao, nhạc tế Miếu, nhạc tế Ngũ tự,[1] nhạc cứu khi có nhật thực, nguyệt thực, nhạc đại triều, nhạc dùng trong cung, không thể dùng nhất loạt được. Về lỗ bộ đại giá, như xe kiệu thì có đại lộ, tượng lộ, mã lộ,[2] có cửu long dư, thất long dư,[3] có bộ liễn, có phi liễn;[4] về nghi trượng thì có kim qua, phủ, việt, chàng, phướn, tinh kỳ, mao tiết, chương phiến,[5] long ngũ phượng. Số ngựa đóng vào xe và số đội ngũ theo hầu cũng đều có quy định cả, thần không thể chép hết được’.

 Thư ấy dâng lên, vua sai Lương Đăng định ra các quy chế. Đăng nhân đó dâng lên quy chế về mũ áo và nhạc khí. Đại để, quy chế do Đăng và Trãi định ra phần nhiều không hợp nhau, những chổ bàn về số lượng, trọng lượng các nhạc khí có nhiều điều trái nhau, mà trình bày cũng khác nhau, cho nên Trãi xin thôi việc đó. Vua theo lời bàn của Đăng, rồi làm theo.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 35b.

Tháng 11, ban bố các nghi thức mới do hoạn quan Lương Đăng đặt ra; bị các quan đại thần như Nguyễn Trãi, Nguyễn Liễu cực lực phản đối. Riêng Nguyễn Liễu mạt sát Lương Đăng nặng lời, bị lưu đày:

Ban bố các nghi thức mới định lại trong các dịp lễ thánh tiết, chính đáng, sóc vọng, thường triều, đại yến .

Trước kia, vua sai Lương Đăng định các nghi thức đại triều, đến đây hoàn thành dâng lên. Vua bái yết Thái miếu, các quan mặc triều phục làm lễ theo nghi thức mới bắt đầu từ đây.

Bọn Hành khiển Nguyễn Trãi, Tham tri bạ tịch Nguyễn Truyền, Đào Công Soạn, Nguyễn Văn Huyến, Tham nghị Nguyễn Liễu dâng sớ tâu rằng:

‘Muốn chế tác lễ nhạc, phải đợi có người rồi hãy làm, được như Chu Công thì sau mới không có lời chê trách. Nay sai kẻ hoạn quan Lương Đăng chuyên định ra lễ nhạc, chẳng nhục cho nước lắm sao! Vả lại, quy chế lễ nhạc của y là dối vua lừa dưới, không dựa vào đâu cả, như đánh trống là báo giờ ra chầu triều sớm, nay vua ra chầu rồi mới đánh. Theo quy chế xưa, khi vua ra, thì bên tả đánh chuông hoàng chung, rồi năm chuông bên hữu ứng theo, lúc vua vào đánh chuông chưng tân rồi năm chuông cũng ứng theo. Nay vua ra chầu, đánh 108 tiếng chuông, đó là số lần đếm tràng hạt của nhà sư. Nếu theo quy chế của nhà Minh, thì khi vua ngồi ở cửa Phụng Thiên phải có ngai báu, nay chỉ có một điện Hội Anh, lại chỉ có sập vàng, nếu di chuyển thì sợ không yên, đặt cả hai thứ cũng không được, thế là lễ nghi gì? Làm xe thì đằng trước có diềm, đằng sau mở cửa. Nay lại mở cửa đằng trước, quy chế xưa làm như thế hay sao? Khi vua ra thì có hô thét, khi vào thì có thu dẹp, đó là quy định của nghi lễ. Nay quan coi cửa xướng tâu mọi việc xong, các quan lui ra, vua con ngồi mà người thu dẹp đã la thét dọn dẹp là làm sao? Vả lại, Đăng là đứa hoạn quan, thần trộm lấy làm ngờ lắm”.

Đăng tâu:

 “Thần không có học thức, không biết quy chế cổ, các nghi thức nay đã làm, chỉ trông cả vào hiểu biết của thần mà thôi, còn ban hành hay không là quyền của bệ hạ, thần đâu dám chuyên quyền”.

 Nguyễn Liễu tâu rằng:

 “Từ xưa đến nay chưa bao giờ có cảnh hoạn quan chuyên phá hoại thiên hạ như thế này”.

Đinh Thắng từ trong bước ra, mắng rằng:

 “Hoạn quan làm gì mà phá hoại thiên hạ? Nếu phá hoại thiên hạ thì chém đầu ngươi trước”.

Cuối cùng phải giao Liễu cho hình quan xét hỏi. Án xử xong, tội đáng chém, nhưng được lệnh riêng, cho thích chữ vào mặt, đày ra châu xa.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 47b.

Năm ngoái vào ngày 28 tháng 9 [6/11/1436], Vua Anh Tông sai Hữu Thị lang bộ binh Lý Úc làm Chánh sứ mang sắc ấn phong Vua Lê Thái Tông làm An Nam Quốc vương; ngày 13 tháng giêng đến nước ta. Mấy ngày sau nhà Vua sai sứ sang triều Minh tạ ơn, cùng làm lễ tấu cáo trước thái miếu:

Ngày 13 [17/2/1437], nhà Minh sai chánh sứ là Binh bộ thượng thư Lý Úc, phó sứ là Thông chính ty hữu thông chính Lý Hanh mang chiếu sắc ấn vàng sang phong vua làm An Nam Quốc Vương (ấn nặng 100 lạng, núm hình con lạc đà, làm bằng vàng). Khi bọn Úc về nước, vua ban cho lễ vật rất hậu, nhưng bọn Úc từ chối không nhận.

Ngày 17 [21/2/1437], lấy Quản lĩnh quân Hùng tiệp là Thái Sĩ Minh làm chánh sứ; đồng tri Thẩm hình viện sự Hà Phủ và Hữu hình viện đại phu Nguyễn Nhật Thăng làm phó sứ sang tạ ơn nhà Minh.

 Làm lễ tấu cáo Thái miếu, vì nhà Minh sang phong. Hạ lệnh cho các Hành khi Ban cho quan võ đội mũ cao sơn. Trước đây, quan võ đội mũ chiết xung, đến nay cho đội mũ cao sơn cũng như quan văn.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 35a.

Vào cuối tháng giêng, triều đình ra lệnh cho 5 đạo làm sổ hộ tịch; cùng thi tuyển được 690 người làm thuộc lại cho các cơ quan trong triều và các đạo:

Hạ lệnh cho các Hành khiển năm đạo làm sổ hộ tịch.

Thi viết chữ làm tính, lấy đỗ 690 người, bổ làm thuộc lại các nha môn trong ngoài.

 Phép thi: Kỳ thứ nhất, thi viết ám tả cổ văn. Kỳ thứ hai, thi viết chữ chân, chữ thảo. Kỳ thứ ba, thi phép làm tính. Người dân và sinh đồ đều được vào thi, giám sinh và những người đã ở sổ quân thì không được thi.

 Bấy giờ quan tể tướng đều là đại thần khai quốc, không thích Nho thuật, chuyên lấy việc sổ sách, giấy tờ và kiện tụng để xét thành tích của các quan, bọn lại thuộc phần nhiều chiều hót quan trên, cho nên quan trong ngoài có chức nào khuyết thì tiến cử để bổ dùng. Bọn hãnh tiến chán ghét học thuật, theo nghề đao bút.[6] Giám sinh cũng muốn bỏ việc học hành mà xin vào làm lại, cho nên cấm không cho thi. Lần thi này, những kẻ luồn lọt, thỉnh thác có tới một nửa.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 35b.

Tháng 2, Vua đích thân tới đấu trường xem luyện tập võ nghệ. Cùng khảo xét võ nghệ các tướng hiệu; người nào dưới tiêu chuẩn bị giảm lương:

Tháng 2, vua tới trường đua xem tập võ nghệ.

Khảo xét võ nghệ của các tướng hiệu. Phép khảo xét: bắn cung là một môn, ném tên là một môn, đánh mộc là một môn. Cả ba môn đều được thì cấp lương toàn phần, ai không được môn nào thì bị giảm lương, sau coi đó làm lệ thường.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 37a.

Bổ nhiệm các viên chức, trong đó có Lưu Bá Cung trước kia là Thông dịch viên của Thành sơn hầu Vương Thông, từng cung cấp tin tức mật cho Vua Lê Lợi, nay được đề bạt:

Lấy Tả hình viện đại phu Đinh Lan làm An phủ phó sứ lộ Bắc Giang thượng. Đổi Đoàn Quốc Sĩ làm An phủ phó sứ lộ An Bang, lấy bọn nội thị Nguyễn Đình Trạc ba người làm Chuyển vận phó sứ, Vũ đội khách đội trưởng Lưu Bá Cung làm Tứ sương chỉ huy sứ.

Trước kia, Bá Cung làm thông sự cho Thành Sơn hầu Vương Thông. Năm Đinh Mùi (1427), Thái Tổ đóng bản doanh ở Bồ Đề, Vương Thông thường sai Bá Cung đi lại thông tin tức. Thái Tổ bảo Bá Cung rằng:

‘Nếu Vương Thông quả rút quân về nước, ta sẽ phong ngươi tước hầu’.

 Khi đất nước bình yên, được cất nhắc làm đội trưởng. Đến đây, các đại thần đều nhắc tới việc đó, cho nên có lệnh này.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 36a.

Tháng 3, trời hạn hán; ra lệnh cho các địa phương cầu mưa. Vào giữa tháng, có nguyệt thực, viên Thái sử biết trước, mật tâu lên:

Hạn hán, hạ lệnh cho các lộ, huyện trong nước làm lễ cầu mưa.

Ngày Ất Tỵ 15 tháng 3 [20/4/1437], có nguyệt thực. Thái sử Bùi Thì Hanh mật tâu nên ẩn đi, không hộ cứu.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 37b. Tư liệu phương Tây trong Catalog of Lunar Eclipses cũng ghi nhận rằng ngày 20/4/1437 có nguyệt thực.

Tháng 4, làm lễ cầu mưa. Vua muốn xem thơ văn của Hồ Quí Ly, Nguyễn Trãi dâng lên; khi làm lễ Thái miếu, bỏ hát chèo và nhạc dân gian:

Mùa hạ, tháng 4 [5/1437], làm lễ cầu mưa ở cung Cảnh Linh.

 Vua muốn xem thủ chiếu và thơ văn của họ Hồ,[7] Nguyễn Trãi sưu tập được vài chục bài thơ, văn bằng quốc ngữ dâng lên.

Vua yết Thái miếu bãi trò hát chèo, không tấu nhạc dâm nữa.”[8] Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 38a.

Đầu tháng 6 hạn hán vẫn tiếp tục, hạ lệnh cho các địa phương làm lễ cầu mưa. Đến ngày 12 kinh sư có mưa, Vua sai người đến các lộ xem có mưa không; hôm sau xuống chiếu giảm thuế, bớt hình phạt để yên lòng dân:

Tháng 6, hạn hán, có sâu hại lúa. Hạ lệnh cho các lộ, trấn làm lễ cầu mưa.

Ngày Canh Ngọ 12 [14/7/1437], kinh sư có mưa, các quan đều chúc mừng, vua sai người đi các lộ xem có mưa không.

Ngày Tân Mùi 13 [15/7/1437], xuống chiếu rằng: Mấy năm nay hạn hán sâu bọ xảy ra liên tiếp, tai dịch có luôn, phải bớt hình phạt, giảm thuế khóa, để yên lòng dân.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 39b.

Lúc này Vua đã trưởng thành, tự xét đoán công việc; ghét Lê Sát chuyên quyền; bèn sai Trịnh Khả người đối kháng với Sát vào giữ cấm binh, đuổi những người thân cận của Sát ra khỏi triều đình. Rồi xuống chiếu bãi chức Lê Sát, bổ nhiệm trọng thần tại các đạo để củng cố quyền lực:

Bấy giờ, vua đã lớn tuổi, xét đoán mọi việc đã sáng suốt, mà Lê Sát vẫn tham quyền cố vị nên vua càng ghét Sát, nhưng ngoài mặt vẫn tỏ vẻ bao dung. Sát không nhận ra điều đó.

Đến đây, vua cùng những người hầu cận bàn mưu cho rằng Lê Ê, Lê Hiệu là người thân thích của Sát, mà Trịnh Khả thì trước có hiềm khích với Sát, bèn cho bọn Ê ra ngoài rồi trao cấm binh cho Khả nắm giữ. Sát xin giữ Hiệu lại nói rằng:

‘Nếu Khả được hầu trong cung thì sợ thần nguy mất’.

 Vua trở vào cung. Ngày hôm sau, vua sai người báo cho Đinh Cảnh An:

 ‘Đại tư đồ Sát cho thăng chức mà không nhận, ta muốn lấy Lê Văn An làm Hải Tây đạo đồng đô đốc tổng quản, mà Lê Sát ngăn trở’.

 Đinh Cảnh An, Nguyễn Vĩnh Tích liền hặc tội rằng:

‘Lê Sát quen thói chuyên quyền, tội ấy khó lòng dung thứ’.

Tờ tâu dâng lên, vua trao cho Hình quan xét hỏi. Sát bỏ mũ tâu rằng:

 ‘Nay khép cho thần tội chuyên quyền, thế là tội của thần do Tiên đế mà có cả’.

Bấy giờ bọn Lê Văn Linh, Lê Ngân đều cứu gỡ cho Sát, nhưng vua không nghe.

Ngày Bính Tuất 28 [30/7/1437], bãi chức tước của Đại tư đồ Lê Sát. Xuống chiếu rằng:

‘Lê Sát chuyên quyền nắm giữ việc nước, ghen ghét bậc hiền tài, giết Nhân Chú để hòng ra oai, truất Trịnh Khả bắt người ta phục, bãi chức tước của Ư Đài khiến đình thần không còn ai dám nói, đuổi Cầm Hổ ra biên giới cho gián quan đều bịt miệng im hơi. Xét mọi việc làm của hắn đều không phải là phép tắc của kẻ làm tôi. Nay muốn khép nó vào hình luật để tỏ rõ phép nước, nhưng vì là viên cố mệnh đại thần, có công với xã tắc, nên đặc cách khoan tha, nhưng phải bãi chức tước’.

Cho Bùi Ư Đài được phục chức Đồng tri môn hạ tả ty sự, tước Trí tự, thành tri Tây đạo quân dân bạ tịch như cũ. Đưa Tây đạo tham tri quân dân bạ tịch Đặng Đắc ra làm An phủ sứ trấn Lạng Sơn, ít lâu sau bắt hạ ngục.

 Lấy Phạm Bôi làm Đông đạo hành quân tổng quản: Lê Lý làm Nhập nội thiếu úy tham tri Tây đạo chư vệ quân sự. Tước bỏ chữ “Công thần” và chức tước của bọn Lê Văn Linh, giáng xuống làm Bộc xạ. Lấy Lê Thận làm Tư mã tri Bắc đạo chư vệ quân sự; Tham tri chính sự Lê Định làm Tư mã; Tham tri Nam đạo chư vệ quân sự Lê Lãng làm Tham tri Bắc đạo chư vệ quân sự; Lê Lan làm Bắc Giang Hạ vệ đồng tổng quản. Lấy Thiên ngưu vệ hành quân tổng quản quản lĩnh tả dực thánh quân kiêm Nghệ An lộ đại tổng quản Lê Chuyết làm Bảo chính công thần hành quân tổng quản tri Kim ngô vệ chư quân sự quản lĩnh hữu dực thánh quân. Đưa Lê Ê ra làm Đồng tổng quản lộ Quy Hóa. Lấy Nhập nội tư khấu Bắc đạo hành quân đô tổng quản Lê Ngân làm Nhập nội đại đô đốc Quy Hóa trấn phiêu kỵ thượng tướng quân đặc tiến khai phủ nghi đồng tam ty thượng trụ quốc, Quốc huyện thượng hầu.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 40b.

Tháng 7, nhà Vua phế Nguyên phi Ngọc Dao, con gái Lê Sát, làm dân thường. Định xử chém Lê Sát, nhưng các quan như Bùi Cầm Hổ khuyên can, nên bắt tự tử tại nhà:

Mùa thu, tháng 7, lấy Chiêu nghi Lê Nhật Lệ, con gái Đại đô đốc Lê Ngân, làm Huệ phi, phế Nguyên phi Ngọc Dao, con gái Lê Sát, làm thứ nhân. Xuống chiếu rằng:

Lê Sát tội không thể dung thứ, đáng phải chém để rao, nhưng trẫm tha không cho giết. Duy Đặng Đắc là kẻ bày mưu cho Sát, định hại xã tắc thì phải chém bêu đầu. Nguyễn Gia Nô vì biết chuyện lại không tố cáo thì phải đày ra châu xa. Còn bọn Lê Văn Linh, Lê Lĩnh, Lê Thụ, Lê Ê, Lê Hiệu, đều phải xử phạt theo pháp luật, có ân xá cũng không được hưởng. Lê Bang vì là con rể của Sát, tự tiện ra vào nhà Sát, cho đày ra châu xa’.

 Lấy An phủ sứ lộ Lạng Sơn là Bùi Cầm Hổ làm Ngự sử trung thừa, vì Hổ trước đã hặc tội Lê Sát.[9]

Cho Lê Sát được tự tử ở nhà.

Tờ chiếu viết:

 ‘Lê Sát nay lại ngầm nuôi bọn võ sĩ, liều chết, mưu hại bậc trung thần lương tướng, mưu kế giảo quyệt, dấu tích gian phi mỗi ngày một lộ rõ, đáng phải chém đem rao’.

Lê Ngân và Bùi Cầm Hổ cùng tâu rằng:

‘Tội Sát đáng chết, nhưng Sát từng là đại thần, nếu đem xác đi rao để làm nhục thì sợ rằng để tiếng chê cười cho đời sau’.

 Bèn cho được chết ở nhà. Vợ con và điền sản nhà Sát đều bị tịch thu. Đem đồ đạc của cải nhà Sát ban cho các quan.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 42b.

Vào tháng 8 thuyền buôn nước Xiêm La đến cống; riêng Ai Lao mang quân quấy phá vùng Sơn La, bị đánh đuổi:

Tháng 8 [9/1437], thuyền buôn nước Xiêm La sang cống.

Bấy giờ, Ai Lao đem quân sang tranh châu Mã Giang [Sơn La] và châu Mộc, Xa Tham đánh lại, chém được tù trưởng của chúng là bọn Man Nữu hơn 20 thủ cấp, bắt sống hơn 20 người giải về kinh sư. Ai Lao sai sứ sang xin lại. Vua tha cho về.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 44a.

Sau khi Lê Sát bị thất sủng, Bùi Cầm Hổ người từng chống đối Sát được trở về triều giữ chức Ngự sử trung thừa; Cầm Hổ tiếp tục đàn hặc các quan lại thiếu khả năng hoặc lầm lỗi, như Lê Đổ, Lương Đăng:

Lấy Ngự tiền cường nỗ hỏa đồng tri quân Lê Đổ làm Chính sự viện đồng tham nghị. Trung thừa Bùi Cầm Hổ tâu rằng:

‘Chức Tham nghị quan hệ đến việc phụ chính, không phải là bậc lão thành thì không được. Nay Lê Đổ là người nhiều lầm lỗi mà thăng lên chức ấy thì làm sao cho được?’

 Vua không nghe.”

“Trung thừa Bùi Cầm Hổ tâu rằng:

‘Bệ hạ lên ngôi tới nay, hay thay đổi phép cũ của Thái Tổ, như Lỗ bộ ty đồng giám Lương Đăng, Tiên đế cho là người hơi hiểu biết, dùng làm Nội nhân phó chưởng, sau thấy hắn khúm núm, không thể gần gũi được, cho ra làm văn đội. Nay lại thấy hắn làm quan xin bệ hạ nghĩ lại“. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 45a.

Vào tháng 9, có người dâng mũ đẹp, rồi xin người vào làm tại cục chế tạo mũ; Vua định dùng 12 người. Nguyễn Vĩnh Tích và Bùi Cầm Hổ can ngăn; Vua không bằng lòng, giáng Bùi Cầm Hổ xuống 2 cấp:

Tháng 9 [10/1437], người thợ Cao Liệt dâng hai chiếc mũ cỏ và lấy dân xin vào làm ở cục đó. Thị ngự sử Nguyễn Vĩnh Tích can rằng:

‘Thời xưa, người làm vua không hề quý nghề đua lạ khoe khéo. Cho nên vua Thuấn đóng đồ sơn mà có đến 17 người can ngăn. Nay có người dâng mũ thì xin bệ hạ hãy nghĩ tới thời Tiên đế phải dãi gió dầm mưa, chưa bao giờ có thứ đó?’.

 Khi bãi chầu vua đưa mũ cho đại thần và đài quan xem và hỏi họ:

‘Cái mũ này có gì là lạ mà quan phải can?’

 Vĩnh Tích trả lời:

‘Thần muốn vua hơn cả Nghiêu Thuấn, cho nên can trước cái điều chưa manh nha đó thôi!”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 45b.

Tháng 10, đày tay chân thân tín của quyền thần Lê Sát; con Cầm Quí châu Ngọc Ma qui thuận triều đình, bắt nạp người em chống đối; Hoạn quan Lương Đăng dâng 5 kiểu xe, được thăng chức Đô giám:

Mùa đông, tháng 10 [11/1437], đày bọn Lê Thảo ra châu xa. Bấy giờ bọn Lê Thảo, Lê Khản, Lê Khắc Hài đều là võ sĩ, là bọn thân tín của Lê Sát. Đến khi Sát bị tội, có người nói bọn chúng là thích khách của Sát, tra khảo thế nào chúng cũng không nhận. Hình quan cho là bọn Thảo nghe Lê Sát định giết Đại đô đốc Lê Ngân, tội đáng chém. Có chỉ đặc ân tha cho tội chết, bắt đày ra châu xa, tịch thu vợ con, điền sản.

Đạo Mộ ở châu Ngọc Ma [Cam Môn, Cam Cớt thuộc Ai Lao] bắt em hắn là bọn Đạo Muộn và hơn 50 thủ hạ giải về kinh sư. Muộn là em khác mẹ của Mộ, đều là con của Cầm Quý. Khi quan quân đánh Ngọc Ma, thì Mộ quy thuận triều đình, còn Muộn thì theo cha sang Ai Lao. Sau khi Quý bị giết, Mộ gọi Muộn về. Đến khi về, lại âm mưu giết Mộ, cho nên Mộ bắt đem nộp.

 Ngày Canh Ngọ 14 [11/11/1437], năm kiểu xe lộ[10] làm xong. Cho Lỗ bộ ty đồng giám Lương Đăng làm đô giám.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 46b.

Tháng 11, ban hành nghi thức mới lúc thiết triều. Sứ thần Xiêm La đến cống; Vua ra lệnh giảm thuế buôn và tặng quà Quốc vương cùng Vương phi nước này:

Ngày Bính Ngọ 20 [17/12/1437], vua ra coi chầu! Khi ra, khi vào có vút roi dẹp đường. Vút roi dẹp đường bắt đầu từ đó.

Ngày Mậu Thân 22 [19/12/1437] là lễ tế Kế Thiên thánh tiết. Hôm ấy, buổi sáng vua bái yết Thái miếu, làm lễ 4 lạy. Khi về cung, Lỗ bộ ty[11] bày nghi trượng ở Đan Trì. Vua mang triều phục, áo cổn, mũ miện, ngự ở điện Hội Anh. Đại đô đốc Lê Ngân dẫn các quan mặc triều phục, làm lễ dâng biểu chúc mừng. Vua mặc áo cổn, mũ miện, các quan mặc triều phục bắt đầu từ đây. Ban đại yến cho các quan, việc treo hoa dâng cỗ đều theo nghi lễ mới.

 Nước Xiêm La sai sứ là bọn Trai Cương Lạt sang cống. Vua đưa cho sắc thư bảo mang về và trừ cho phần thuế buôn gỉảm xuống bằng nửa phần năm trước, cứ 20 phần thu 1 phần, rồi thưởng cho rất hậu. Ngoài ra, về phần chúa nước ấy, cho 20 tấm lụa màu, 30 bộ bát sứ, phần của bà phi nước ấy là 5 tấm lụa màu, 3 bộ bát sứ, mỗi bộ 35 chiếc.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 48b.

Tháng chạp, giết Nhập nội đại đô đốc Lê Ngân, tịch thu cả nhà. Giáng truất Huệ phi Lê Thị, con gái Lê Ngân:

Có người cáo tỏ rằng nhà Lê Ngân thờ phật Quan Âm để cầu khẩn cho con gái là Huệ phi được vua yêu chiều. Bấy giờ nhà vua đang ngự ở cửa Đông trong thành, bèn sai thái giám Đỗ Đại đem 50 võ sĩ đến khám nhà Lê Ngân, soát thấy có pho tượng Phật để thờ, vàng, bạc và lụa màu. Nhà vua sai bắt nô tì của Lê Ngân để xét hỏi. Hôm sau, Lê Ngân vào chầu, bỏ mũ ra, tạ tội rằng:

 ‘Tôi từ trẻ, theo đi khởi nghĩa Lam Sơn, may được trông thấy cảnh thanh bình; về già, vì dồn chứa nhọc nhằn vất vả đã lâu, nên sinh lắm bệnh. Thầy bói đoán rằng chỗ đất nhà tôi ở là ngôi chùa cổ đã hoang phế, nay sinh yêu ma làm cho động trệ, không yên, nên sùng mộ đạo Phật để cầu âm phúc. Chẳng ngờ nay bị người vợ lẽ mà tôi đã bỏ, cùng với Trần Thị, là vợ lẽ của Lê Sát ngày trước mà nhà vua ban cho nhà tôi[12] xui xiểm, kết hợp với tên đầy tớ gian ngoan, nhân dịp thêu dệt cho thành tội lỗi. Nếu được nhà vua soi xét định đoạt thì buông tha cho tôi về điền viên để được trót đời tàn rạc này

 Nhà vua chưa nguôi giận, giao Lê Ngân cho tòa pháp ti luận tội. Khi án đã thành, nhà vua cho phép Lê Ngân được chết, tịch thu cả nhà, phế Huệ phi Nhật Lệ, con gái Lê Ngân xuống làm Tu dung [cung phi loại thấp]. Bà đồng[13] cũng bị đày đi châu xa.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 17.

Vua ra lệnh người Trung Quốc ngụ cư phải mặc Việt phục, đốc suất các đạo đào kênh, sửa sang chiến thuyền để chuẩn bị tập thủy trận:

Ra lệnh cho người Minh phải mặc quần áo người Kinh người Việt và cắt tóc ngắn.

 Đốc suất dân chúng năm đạo đào các kênh.

Ra lệnh cho các quan Đô tổng quản năm đạo sửa sang thuyền chiến, thuyền tuần tiễu và cờ xí cho nghiêm chỉnh, đầy đủ để tháng giêng năm sau diễn tập thủy trận.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 11, trang 50a.

———————–

[1] Ngũ tự: theo Lễ kinh, thiên Nguyệt lệnh, thì Ngũ tự là năm lễ tế các thần Hộ (cửa), Táo (bếp) Trung lựu (giữa nhà), Môn (cửa lớn), Hành (đường đi).

[2] Đại lộ: xe lớn, tượng lộ: xe trang sức bằng ngà voi; mã lộ: xe ngựa.

[3] Cửu long dư: kiệu chín rồng; thất long dư: kiệu bảy rồng.

[4] Bộ liễn: xe đi thong thả, phi liễn: xe đi nhanh.

[5] Tinh kỳ, mao tiết: là các loại cờ. Chương phiến: loại quạt lớn làm bằng lông chim.

[6] Đao bút: chỉ bọn thư lại chuyên nắm giấy tờ sổ sách, nguy hiểm như người cầm đao.

[7] Họ Hồ: Tức Hồ Quý Ly, Hồ Quý Ly có nhiều thơ văn bằng chữ Nôm, nhưng hiện nay chưa tìm lại được.

[8] Dâm nhạc: Đối lập với nhã nhạc, ở đây chỉ các làn điệu dân gian.

[9] Bùi Cầm Hổ trước làm quan ngự sử, mâu thuẫn với Lê Sát, bị đổi ra làm An phủ sứ trấn Lạng Sơn. Xem sự việc năm Thiệu Bình thứ 1 (1434), tháng 9.

[10] Năm kiểu xe lộ: 5 loại xe lớn gồm Ngọc lộ (xe nạm ngọc), Kim lộ (xe trang sức bằng vàng), Tượng lộ (xe trang sức bằng ngà voi), Cách lộ (xe bọc da), Mộc lộ (xe đóng gỗ). Xe của vua và hoàng hậu, cung phi, có quy chế sẵn; các xe ấy đều gọi chung là “lộ”.

[11] Lỗ bộ ty: cơ quan chuyên trông coi về nghi trượng của Vua.

[12] Trần thị vợ lẽ của Lê Sát cùng gia quyến đều bị sung công làm nô tì khi Lê Sát phải tội, do đó nàng bị nhà vua chia phát cho nhà Lê Ngân.

[13] Bà đồng: người phụ trách việc thờ cúng tại nhà Lê Ngân.