Putin đã sẵn sàng cho một cuộc chiến đường dài với phương Tây?

Nguồn: Masahiro Okoshi, “Putin plays long game with West over Ukraine: former U.S. diplomats,” Nikkei Asia, 09/02/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Trong lúc cuộc xâm lược Ukraine của Nga tiến gần đến cột mốc một năm, một cựu đại sứ Mỹ tại Nga cảnh báo thế giới rằng Tổng thống Vladimir Putin đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến đường dài, chấp nhận việc giao tranh có thể kéo dài trong nhiều năm.

John Sullivan đã phục vụ ở Nga gần ba năm, dưới thời Tổng thống Donald Trump và người kế nhiệm Joe Biden, cho đến tháng 9 vừa qua.

Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia, ông nói rằng Putin sẽ không từ bỏ cho đến khi đạt được các mục tiêu đã đặt ra cho chiến dịch quân sự tại Ukraine, và rằng lập trường của Nga chưa bao giờ bị dao động.

Dù Nga ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc, nhưng ông tin rằng quan hệ của họ không phải là quan hệ đối tác không có giới hạn, như quan hệ giữa Nhật Bản và Mỹ

Dưới đây là bản biên tập của bài phỏng vấn.

Hỏi: Ông đã thảo luận điều gì với các quan chức Nga ngay trước khi chiến tranh bắt đầu?

Đáp: Tháng 10/2021, tôi quay trở về Mỹ để nghỉ phép trong một thời gian ngắn, và đó là thời điểm mà đánh giá của cộng đồng tình báo của chúng tôi trở nên đáng báo động, rằng Nga đang lên kế hoạch xâm lược Ukraine.

Tổng thống Biden đã cử Giám đốc CIA William Burns đến nói chuyện trực tiếp với Tổng thống Vladimir Putin, Thư ký Hội đồng An ninh Nikolai Patrushev, và những nhân vật khác ở Moscow. Tôi đã đi cùng Burns khi ông tới Moscow.

Theo tôi, giai đoạn trước khi chiến tranh nổ ra về cơ bản đã bắt đầu kể từ ngày 1/11, khi Burns có chuyến đi đến Moscow và nói với giới lãnh đạo cấp cao của Nga rằng “chúng tôi biết các ông đang định làm gì, hậu quả đối với Nga sẽ rất thảm khốc.”

Giữa tháng 12, tôi đến Bộ Ngoại giao Nga cùng với Karen Donfried, Trợ lý Ngoại trưởng về các vấn đề châu Âu và Á-Âu. Chính phủ Nga đã trao cho chúng tôi hai dự thảo hiệp ước. Họ tìm kiếm sự đảm bảo an ninh cho nước Nga.

Họ đưa các bản dự thảo cho chúng tôi. Chúng được viết bằng tiếng Nga và không được dịch sang tiếng Anh, đây là điều bất thường trong những cuộc gặp kiểu này.

Ý tưởng rằng họ sẽ triệu tập chúng tôi vào thứ Tư, trình bày những dự thảo này, rồi nói rằng “Trong vòng hai ngày, Tổng thống Biden phải cử một đoàn đến Geneva để đàm phán”, cho thấy họ không nghiêm túc. Họ hoàn toàn không có ý định đàm phán. Tất cả chỉ là một màn kịch công khai.

Đến ngày 6/2/2022, tôi tin rằng Nga sẽ xâm lược Ukraine. Chúng tôi đã chứng kiến một lượng lớn quân Nga tập trung ở Belarus, một số lượng lớn chưa từng thấy, ngay cả so với các cuộc tập trận trước đây. Tất cả bằng chứng đều ủng hộ kết luận rằng Tổng thống Putin sẽ ra lệnh tiến hành một cuộc xâm lược quy mô lớn.

Tôi đã rất lo sợ. Tôi sợ cái cách mà mọi chuyện sẽ diễn ra. Tôi đã không ngạc nhiên vào sáng sớm ngày 24/2, khi cuộc xâm lược bắt đầu. Nhưng tôi rất đau lòng vì đó là một bước ngoặt của lịch sử. Nó không chỉ phá vỡ hòa bình ở châu Âu, mà còn là cuộc chiến xâm lược được thực hiện bởi một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, và điều đó có những tác động quốc tế quan trọng.

Hỏi: Ông nghĩ đâu là lý do khiến Mỹ và cộng đồng quốc tế thất bại trong việc ngăn chặn Putin xâm lược Ukraine?

Đáp: Bởi vì ông ta đã đặt mục tiêu cho một chiến dịch quân sự đặc biệt, họ gọi nó là “chiến dịch quân sự đặc biệt”, vì họ tin rằng nó sẽ bắt đầu và kết thúc chỉ trong vòng vài tuần hoặc vài tháng.

Tuy nhiên, sau khi thất bại với mục tiêu đó, họ đã phải thay đổi phần nào cách tiếp cận cuộc chiến, thể hiện qua ngôn ngữ mà họ sử dụng. Chẳng hạn, vào tháng 9, Tổng thống Putin đã phải ra lệnh động viên đối với 300.000 người Nga. Không thể tưởng tượng ông nói ra điều đó vào thời điểm ngày 24/2.

Putin buộc phải phản ứng với những thất bại trên chiến trường. Nhưng ông vẫn nhất quyết không thay đổi các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt. Người Nga đã mô tả chúng như thế nào? Họ mô tả chúng là “phi phát xít hóa” và “phi quân sự hóa” Ukraine. Cá nhân tôi diễn giải điều đó trước tiên là lật đổ chính phủ của Volodymyr Zelenskyy ở Kyiv, và thứ hai là buộc người dân Ukraine phải khuất phục.

Tôi đã cố gắng chứng minh, vào tháng 1 và tháng 2, rằng Nga sẽ xâm lược Ukraine, nhưng nhiều người không tin chúng tôi, và một phần phản ứng của họ là “điều đó thật phi lý.”

Điều đó có hợp lý không? Từ góc nhìn của Putin, nó hợp lý. Tôi nói ra điều này bởi vì việc chúng ta nhìn nhận từ quan điểm của ông ta có ý nghĩa quan trọng.

Putin chưa bao giờ chấp nhận việc Liên Xô tan rã. Ông đã nói rõ điều đó trong những thập niên vừa qua. Ông mô tả nó là một bi kịch lớn của thế kỷ 20. Và ông không nói đến sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản, mà là sự chia cắt của dân tộc Nga, thể hiện qua những đường biên giới xuất hiện trở lại trên bản đồ.

Tầm nhìn của ông là thống nhất người Nga, đưa họ về dưới một chính phủ chung. Theo quan điểm của ông, hành động đó là hợp lý, và đáng để hy sinh vì nó.

Hỏi: Ông nghĩ chiến tranh sẽ tiếp tục trong bao lâu?

Đáp: Trong bối cảnh này, tôi tin rằng chính phủ Nga và Tổng thống Putin thực sự nói ra đúng những điều họ nghĩ. Người phát ngôn của Điện Kremlin, Dmitry Peskov, luôn nói rằng họ sẽ đạt được các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt. Họ chưa bao giờ thay đổi mục tiêu kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

Putin sẽ không chấp nhận bất cứ điều gì ít hơn như vậy, và ông vẫn còn thời hạn rất dài. Đây không phải là một hành động ngẫu nhiên nào đó nhằm củng cố cơ hội tái đắc cử của ông vào năm 2024. Bức tranh toàn cảnh lớn hơn nhiều – nó là một vấn đề chiến lược, dài hạn đối với Tổng thống Nga.

Tôi cho rằng ông ta sẽ không từ bỏ mục tiêu đó cho đến khi ông tin chắc rằng mình hoàn toàn không thể đạt được nó. Putin nghĩ rằng mình có thể vượt qua phương Tây về lâu dài, rằng ông có thể làm suy yếu người Ukraine. Dù điều đó xảy ra vào năm 2023, 2024, 2025, hay 2026 đi chăng nữa.

Tôi hiểu lý do tại sao các nhà lãnh đạo cấp cao của Nga lại nói theo cách này – họ nói rằng “Chúng ta đã hy sinh hàng triệu sinh mạng trong Thế chiến II để giải phóng Ukraine. Sự hy sinh hiện tại của chúng ta chẳng thấm vào đâu cả.”

(Ảnh của Masahiro Okoshi)

Hỏi: Vậy tức là, ông cho rằng Putin sẽ không nghiêm túc trong việc đàm phán lệnh ngừng bắn?

Đáp: Không phải bây giờ. Ông ta sẽ chấp nhận một lệnh ngừng bắn theo nghĩa một sự tạm dừng để ông có thể củng cố lực lượng và tái trang bị cho họ, rồi tiếp tục cuộc chiến của mình. Putin có thể chấp nhận một lệnh ngừng bắn như vậy.

Nhưng nó sẽ không giống như cuộc chiến ở Triều Tiên, nơi vẫn chưa có một công cụ hòa bình nào để chấm dứt chiến tranh. Sẽ không có một lệnh ngừng bắn trong tình trạng đóng băng vĩnh viễn như thế. Lệnh ngừng bắn ở Ukraine sẽ là tạm thời, vài tuần hoặc vài tháng, và sau cùng, mối đe dọa đối với Ukraine vẫn còn đó.

Hỏi: Ông có suy nghĩ gì về quan hệ Trung Quốc và Nga? Có vẻ như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ sớm đến thăm Moscow.

Đáp: Vâng, tôi có xem những tin tức đó. Tất nhiên, cũng khoảng thời gian này năm ngoái Putin đã đến Bắc Kinh để tham dự Thế vận hội Olympics, nơi hai bên công bố một tài liệu dài mô tả quan hệ đối tác của họ là quan hệ đối tác không giới hạn – nhưng vẫn không phải là quan hệ “đồng minh.”

Tuy nhiên, điều gây tò mò là kể từ đó đến nay, Tập Cận Bình đã ít nhất hai lần nói rằng vẫn có những giới hạn. Ông đã nói rõ với Nga rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân để hỗ trợ cho chiến dịch quân sự đặc biệt nằm ngoài phạm vi thỏa thuận hợp tác của họ, và là điều mà Trung Quốc sẽ không dung thứ.

Đúng là quan hệ Trung-Nga đã trở nên gần gũi hơn, và Nga đã trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc. Nhưng nó có phải là một mối quan hệ chiến lược, không giới hạn, tương tự như quan hệ hiệp ước giữa Mỹ và Nhật Bản hay không? Không, không phải như thế.

Tôi nghĩ rằng nếu anh có thể nghe được ý kiến trung thực từ một nhà lãnh đạo Nga, họ sẽ nói rằng mình đã không nhận được tất cả sự hỗ trợ mà họ mong muốn, và phía Trung Quốc cũng sẽ nói thế. Tôi nghĩ rằng Tập Cận Bình vạch ra một ranh giới rất rõ ràng ở đây.

Hỏi: Mỹ đang ở giai đoạn mà đối thoại với Trung Quốc là rất quan trọng, nhưng Ngoại trưởng Antony Blinken lại hoãn chuyến thăm Trung Quốc vì sự cố khinh khí cầu do thám.

Đáp: Anh biết đấy, có một sự cố nổi tiếng hồi năm 1960, về chiếc máy bay do thám U-2 bay qua Liên Xô, ngay trước khi Lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev gặp Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower. Liên Xô đã bắn hạ máy bay. Khrushchev hủy bỏ cuộc gặp giữa hai bên. Mọi thứ dần đi xa hơn trong quan hệ Mỹ-Xô, dẫn đến cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba.

Mọi người sẽ nhớ đến sự kiện “khí cầu gián điệp Trung Quốc.” Nó kích thích trí tưởng tượng, và đại loại là hình ảnh tượng trưng cho những lo ngại về sự hiếu chiến của Trung Quốc và PLA, dưới thời Tập Cận Bình.

Hỏi: Ông có lời khuyên nào cho Nhật Bản, dựa trên bài học kinh nghiệm từ Ukraine?

Đáp: Khi nhắc đến Nhật Bản, tôi nghĩ đến khu vực lân cận xung quanh các hòn đảo của nước Nhật. Tất nhiên, chúng ta có gã khổng lồ Trung Quốc, nhưng cũng có cả Triều Tiên và Nga. Tôi nghĩ rằng, điều quan trọng là Mỹ, Nhật, và các nền dân chủ đồng minh – không nhất thiết chỉ ở châu Á, mà trên toàn thế giới – phải tập trung vào an ninh ở Thái Bình Dương, bởi vì không quốc gia nào có thể hành động một mình.

Tại các nền dân chủ, những người ủng hộ tự do trên khắp thế giới đang đối mặt với mối đe dọa từ các quốc gia không chia sẻ cam kết về tự do, dân chủ, và lối sống của chúng ta, và điều quan trọng là chúng ta phải đoàn kết với nhau.