Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Tổng thống Joe Biden nói Mỹ sẽ bảo vệ “từng tấc đất” của NATO khi gặp 9 nhà lãnh đạo sườn phía đông của liên minh tại Ba Lan. Trước đó, người đồng cấp Nga Vladimir Putin nói quan hệ Trung-Nga đã ghi “những cột mốc mới” trong cuộc gặp với Vương Nghị, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc. Chuyến thăm của ông sẽ tạo cơ sở cho cuộc gặp giữa ông Putin và chủ tịch Tập Cận Bình, có thể là vào mùa xuân. Căng thẳng ngoại giao đến ngay trước dịp kỷ niệm một năm Nga xâm lược Ukraine vào thứ Sáu.
Các lực lượng Israel đã giết chết ít nhất 10 người Palestine và làm bị thương nhiều người khác trong một cuộc đột kích ban ngày tại thành phố Nablus ở Bờ Tây. Quân đội Israel cho biết chỉ nhắm mục tiêu vào những kẻ khủng bố Palestine từ hai nhóm chiến binh Lion’s Den và Palestine Islamic Jihad. Israel và Palestine đã gia tăng bạo lực trong năm nay, bao gồm một cuộc đột kích gây chết người ở thành phố Jenin tháng trước.
Toyota, nhà sản xuất ô tô lớn nhất Nhật Bản, đã tăng lương cho 68.000 công nhân thành viên công đoàn. Đây là lần tăng lương lớn nhất của công ty trong hai thập niên qua, khiến Honda cũng phải làm theo và tăng lương 5% cho công nhân. Đây là tin đáng mừng đối với Ngân hàng trung ương Nhật Bản, vốn đã cam kết giữ lãi suất cực thấp để đưa Nhật thoát khỏi tình trạng kinh tế trì trệ kéo dài ba mươi năm qua.
McKinsey được cho là có kế hoạch sa thải 2.000 nhân viên, đánh dấu một trong những đợt sa thải lớn nhất từ trước đến nay của công ty. Bất chấp những cáo buộc bê bối gần đây — bao gồm cáo buộc tham nhũng ở Nam Phi — công ty tư vấn quản lý hàng đầu thế giới vẫn duy trì doanh số tốt. (McKinsey phủ nhận hành vi sai trái.) Nhưng McKinsey muốn cắt giảm số lượng nhân viên để duy trì quỹ lương cho các đối tác (partner), theo báo cáo của Bloomberg.
Shamima Begum kháng án bất thành về việc bị tước quốc tịch Anh vì đến Syria gia nhập Nhà nước Hồi giáo ở tuổi 15. Chính phủ Anh tước quyền công dân của Begum vào năm 2019 và đã từ chối cho cô hồi hương từ một trại tị nạn ở miền bắc Syria. Họ cho rằng cô Begum là một rủi ro an ninh.
Hàn Quốc phá kỷ lục của chính mình về tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Năm ngoái, số trẻ sơ sinh mà một phụ nữ Hàn có thể sinh trong đời đã giảm từ 0,81 xuống 0,78. Tỷ lệ cần thiết để duy trì ổn định dân số là 2,1. Cho đến năm 2100, dân số của nước này dự kiến sẽ giảm 53% xuống còn 24 triệu người. Hàn Quốc là nước có dân số giảm nhanh nhất trong số các nền kinh tế giàu.
Clarkesworld, một nhà xuất bản các tác phẩm khoa học viễn tưởng, đã tạm ngừng nhận bản thảo sau khi làn sóng bản thảo AI gần đây khiến ban biên tập của công ty bị quá tải. Neil Clarke, biên tập viên sáng lập, cho biết ông thường từ chối khoảng mười bài gửi mỗi tháng vì đạo văn. Nhưng con số đó đã tăng vọt sau khi ChatGPT ra mắt vào năm ngoái. Tính đến tháng 2, tạp chí đã nhận được 500 bản thảo rác gửi đến.
Con số trong ngày: 40%, là tỷ lệ lưới điện của Philippines thuộc sở hữu của các công ty Trung Quốc.
TIÊU ĐIỂM
Châu Âu sắp công bố dữ liệu lạm phát tháng 1
Các sự cố kỹ thuật ngay lúc đang bị chú ý thường đặc biệt đáng xấu hổ. Khi thế giới chờ đón số liệu lạm phát tháng 1 của khu vực đồng euro vào ngày 1 tháng 2, Eurostat, cơ quan thống kê của EU, bỗng thông báo bị thiếu số liệu của Đức vì một vấn đề kỹ thuật. Do đó, phải đến thứ Năm này dữ liệu giá cả của châu Âu mới được cập nhật và phát hành.
Con số mới có thể sẽ cao hơn. Đức đã công bố số liệu đầy đủ cho tháng 1 vào thứ Tư. Họ cho thấy giá tiêu dùng tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái, hoặc 0,5% so với tháng trước (không điều chỉnh theo mùa). Dữ liệu năng lượng lý giải tại sao. Khi khoản trợ giá một lần của chính phủ cho các hóa đơn điện nước qua đi, giá năng lượng đã tăng 8,3% từ tháng 12 đến tháng 1. Dù chi phí năng lượng đã giảm ở các thị trường bán buôn, chưa rõ liệu giá bán tới người tiêu dùng có giảm hay chưa. Dù thế nào, dữ liệu lạm phát của châu Âu trong những tháng tới vẫn sẽ rất khó đoán.
Bảng cân đối của Fed giảm đáng kể
Cục Dự trữ Liên bang sẽ công bố số liệu bảng cân đối kế toán mới vào thứ Năm. Kể từ giữa năm 2022, Fed đã thu hẹp bản cân đối từ 9 nghìn tỷ đô la xuống còn 8,4 nghìn tỷ đô la. Chính sách đầy cẩn trọng này còn được gọi là thắt chặt định lượng (QT), ngược lại của nới lỏng định lượng (QE) — mua trái phiếu trên quy mô lớn — vốn được Fed sử dụng để hỗ trợ nền kinh tế trong suy thoái.
Fed muốn QT diễn ra trong lặng lẽ. Họ muốn loại khoảng 2,5 nghìn tỷ đô la khỏi bảng cân đối cho tới giữa năm 2024 để đưa nó về gần với quy mô trước covid. Nhưng các chính sách tiền tệ của Fed sẽ sớm trở nên phức tạp hơn. Nhiều nhà đầu tư cho rằng Fed sẽ chuyển từ tăng lãi suất sang cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay một khi kinh tế chững lại. Điều đó có thể tạo ra xung đột: Fed một mặt cắt giảm lãi suất (nới lỏng), một mặt thu hẹp tài sản (thắt chặt).
Alibaba sắp công bố kết quả kinh doanh quý 4/2022
Việc Trung Quốc mở cửa lại sau ba năm zero covid là tin tuyệt vời cho những gã khổng lồ công nghệ tiêu dùng như Alibaba và Tencent. Nỗ lực chống dịch của chủ tịch Tập Cận Bình đã khiến tiêu dùng suy giảm và các công ty này phải chịu thiệt hại. Thị trường sẽ biết được thiệt hại lớn tới đâu khi Alibaba báo cáo thu nhập quý bốn vào thứ Năm.
Hầu hết giới phân tích dự đoán doanh thu giảm một chút so với cùng kỳ năm ngoái, dù thu nhập trên mỗi cổ phiếu có thể đã tăng so với quý trước. Nhà đầu tư sẽ đặc biệt xem xét các tuyên bố của công ty với hy vọng tìm ra dấu hiệu cho thấy điều tồi tệ nhất đã qua. Một số người tin sẽ có bùng nổ tiêu dùng khi các hộ gia đình chi tiêu các khoản tiết kiệm trong đại dịch. Điều này giúp thúc đẩy doanh số bán hàng trên các nền tảng hàng thương mại điện tử của Alibaba như quần áo hay mỹ phẩm. Số còn lại sẽ đi tìm chỉ dấu cho thấy cuộc đàn áp các công ty công nghệ lớn đã kết thúc.
Một năm tốt đẹp của BAE Systems
Chỉ số danh mục FTSE 100 của Anh đang trên đà giảm, và rất ít công ty trong danh mục làm tốt như BAE Systems. Trước khi báo cáo kết quả tài chính năm 2022 vào thứ Năm, nhà thầu quốc phòng lớn nhất châu Âu đã chứng kiến cổ phiếu của mình tăng hơn 50% trong năm qua. Vì sản xuất gần như mọi thứ, từ tàu khu trục nhỏ và máy bay chiến đấu cho đến các hệ thống tác chiến điện tử, BAE đã thu lời từ cuộc xâm lược Ukraine của Nga.
Một sản phẩm của BAE, lựu pháo 155mm, là tâm điểm trong nỗ lực viện trợ của phương Tây. Sau khi dùng hết kho đạn từ thời Liên Xô, quân đội Ukraine ngày càng phụ thuộc vào các nước NATO để có được những loại đạn như vậy. Tuy nhiên, Mỹ và châu Âu kết hợp lại trong 1 năm cũng chỉ có thể cung cấp đủ ba tháng liên tiếp. Đây là mối lo ngại lớn khi Ukraine đứng trước một cuộc tấn công mới từ Nga. Nhà đầu tư quan tâm đến thu nhập của BAE. Nhưng điều quan trọng hơn là liệu họ có thể tăng tốc sản xuất nhanh đến đâu.