Thế giới hôm nay: 01/03/2023

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Các đảng đối lập của Nigeria đã bác bỏ kết quả bầu cử tổng thống tuần trước và kêu gọi bỏ phiếu lại. Hệ thống bỏ phiếu điện tử mới khiến kết quả kiểm phiếu bị chậm công bố và làm xói mòn niềm tin vào kết quả. Julius Abure, chủ tịch đảng Lao động đối lập, nói cuộc bầu cử là một “dối trá”. Bola Tinubu, ứng viên của đảng All Progressive Congress cầm quyền, đang dẫn đầu với chỉ hơn 44% số phiếu.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết tình hình ở Bakhmut, một thành phố miền đông đang bị quân Nga bao vây, ngày càng “khó khăn hơn.” Nga nỗ lực chiếm thành phố này trong nhiều tháng qua; và giao tranh trở nên khốc liệt trong những tuần gần đây. Bakhmut sẽ là thắng lợi lớn đầu tiên của Nga ở Ukraine trong hơn nửa năm.

Các công ty nhận tiền từ Đạo luật CHIPS của Mỹ sẽ bị cấm mở rộng hoạt động ở “các quốc gia nước ngoài đáng quan ngại” (ý nói Trung Quốc) trong mười năm. Các quy tắc mới do Bộ Thương mại công bố cũng sẽ ngăn các nhà sản xuất chip dùng tiền tài trợ để mua lại cổ phần và yêu cầu các công ty nộp bản kế hoạch cung cấp dịch vụ giữ trẻ cho con của nhân viên. Dự luật được chính quyền Biden tạo ra để thúc đẩy ngành sản xuất chất bán dẫn của Mỹ.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã tới Bắc Ireland để kêu gọi ủng hộ cho những thay đổi mới trong thỏa thuận thương mại với EU. Đảng Liên minh Dân chủ, đảng thân Anh lớn nhất của Bắc Ireland, vẫn chưa đồng ý với thỏa thuận này. Các điều khoản mới sẽ cho phép hàng hóa đi từ Anh nhập vào Bắc Ireland nhưng không đi tiếp đến EU được đi qua làn đường “xanh,” qua đó tránh được phần lớn thủ tục hải quan.

Lạm phát năm của Pháp đạt mức cao kỷ lục 7,2% trong tháng 2, tăng từ con số 7% của tháng 1. Chi phí thực phẩm và dịch vụ tăng cao đã đẩy giá lên. Lạm phát của Tây Ban Nha cũng tăng, đạt 6,1% trong tháng 2 từ mức 5,9% của tháng trước. Các số liệu trên sẽ gây thêm áp lực tăng lãi suất lên Ngân hàng Trung ương châu Âu.

Nhà chức trách Thụy Sĩ thông báo rằng Credit Suisse, ngân hàng lớn thứ hai của đất nước, đã “vi phạm nghiêm trọng” luật giám sát khi hợp tác với Greensill Capital, một công ty tài chính chuỗi cung ứng. Sự sụp đổ của Greensill vào năm 2021 đã khiến Credit Suisse phải đóng băng 10 tỷ đô la liên quan đến công ty này. Cơ quan giám sát của Thụy Sĩ hiện sẽ thường xuyên đánh giá rủi ro vỡ nợ của các đối tác kinh doanh lớn của Credit Suisse.

Thống đốc bang Florida Ron DeSantis cho biết, “Vương quốc doanh nghiệp cuối cùng cũng đến hồi kết,” khi ký dự luật lấy lại quyền kiểm soát các công viên giải trí của Disney ở Orlando. Disney từ 50 năm qua đã có quyền tự chủ đặc biệt đối với các công viên của mình, bao gồm cả quyền tài phán với những thứ như dịch vụ tiện ích và sở cứu hỏa. Ông DeSantis trở nên khó chịu sau khi Disney phản đối dự luật hạn chế thảo luận về giới tính trong trường học của ông.

Con số trong ngày: 6,7%, là tỉ lệ sụt giảm diện tích được bao phủ bởi rừng mưa nhiệt đới nguyên sinh kể từ năm 2000.

TIÊU ĐIỂM

G20 họp cấp bộ trưởng ở Ấn Độ

Các ngoại trưởng G20 sẽ khó có được tiếng nói chung khi gặp nhau ở Delhi vào thứ Tư. Ấn Độ muốn dùng chiếc ghế chủ nhà để truyền đạt quan điểm về các vấn đề quốc tế của mình tới các thành viên khác trong câu lạc bộ các nền kinh tế lớn. Nhưng sự kiện này sẽ bị chi phối bởi cuộc chiến của Nga ở Ukraine và căng thẳng Mỹ-Trung (ngoại trưởng của cả ba cường quốc dự kiến sẽ tham dự).

Hội nghị thượng đỉnh các bộ trưởng tài chính G20 vào tuần trước tại Bengaluru, một thành phố khác của Ấn Độ, đã không đạt được nhiều kết quả khi Nga và Trung Quốc từ chối ký vào biên bản cuộc họp có đề cập đến nghị quyết lên án chiến tranh của Liên Hợp Quốc. Các lãnh đạo phương Tây bày tỏ thất vọng vì thiếu các cuộc thảo luận mang tính xây dựng; trong khi Nga cáo buộc phương Tây sử dụng diễn đàn này để đưa ra các văn kiện chống Nga. Bên cạnh các vấn đề trên còn có tranh chấp biên giới kéo dài của Ấn Độ với Trung Quốc. Subrahmanyam Jaishankar, bộ trưởng ngoại giao của Ấn Độ, sẽ chủ trì một cuộc họp căng thẳng.

Tổng thống Pháp Macron công du châu Phi

Với cả Nga lẫn Trung Quốc đều đang thách thức ảnh hưởng của Pháp ở lục địa, Emmanuel Macron sẽ bắt đầu chuyến công du bốn nước châu Phi vào thứ Tư. Tổng thống Pháp sẽ bắt đầu bằng việc đồng tổ chức “hội nghị thượng đỉnh một khu rừng” ở Libreville, Gabon, để kêu gọi bảo tồn đa dạng sinh học ở lưu vực sông Congo, nơi có rừng nhiệt đới lớn thứ hai thế giới sau Amazon. Sau đó, ông sẽ đến Angola, Congo, và Cộng hòa Dân chủ Congo.

Trước khi rời Paris, ông Macron kêu gọi “quan hệ đối tác bình đẳng” với châu Phi, một tầm nhìn ông đã đặt ra ngay sau khi đắc cử năm 2017. Nhưng chuyến công du của tổng thống sẽ diễn ra trong bối cảnh tâm lý bài Pháp gia tăng ở nhiều khu vực bởi tuyên truyền của Nga. Các lực lượng vũ trang của Pháp, vốn tham gia chiến dịch chống khủng bố ở Mali, đã rời đi vào năm ngoái sau khi chính quyền Mali thuê tập đoàn Wagner của Điện Kremlin để đảm bảo an ninh. Quân đội Pháp gần đây cũng đã rời Burkina Faso. Tại Paris, ông Macron tuyên bố tiếp tục thu hẹp các căn cứ quân sự của Pháp trên lục địa và biến chúng thành trung tâm huấn luyện cho quân đội địa phương — nhưng sẽ không đóng cửa hoàn toàn.

Hội nghị bảo thủ thường niên ở Mỹ khai mạc

Những người cánh hữu Mỹ sẽ tề tựu về Washington, DC, vào thứ Tư để dự Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ năm nay. Sau một cuộc bầu cử giữa kỳ đáng thất vọng vào năm ngoái, các nhân vật Cộng hòa với tham vọng chạy đua vào năm 2024 sẽ muốn dùng sự kiện 4 ngày này để kêu gọi ủng hộ. Cựu tổng thống Donald Trump, người đã tuyên bố chạy đua từ tháng 11, và cựu ngoại trưởng của ông, Mike Pompeo, nằm trong số “những người yêu nước phi thường” dự kiến sẽ phát biểu. Ngoài ra còn có Nikki Haley, đại sứ của chính quyền Trump tại Liên Hợp Quốc, người đã tuyên bố chạy đua trong tháng này.

Tất cả các ứng viên Cộng hòa ngoài Trump đều đứng trước một câu hỏi hóc búa. Họ vừa muốn đánh bại ông vừa muốn thu hút người ủng hộ của ông, hiện vẫn là lực lượng lớn nhất và nhiệt tình nhất trong đảng Cộng hòa. Và càng nhiều người tranh cử ông Trump càng có nhiều khả năng chiến thắng. Thống đốc bang Florida Ron DeSantis hiện là người có tiềm năng nhất để thách thức ông Trump, nhưng ông vẫn chưa tuyên bố tranh cử. Ông DeSantis vắng mặt trong đội hình phát biểu, nhưng chắc chắn sẽ được nhắc đến nhiều: ông đã công bố bản “kế hoạch chi tiết cho sự hồi sinh của nước Mỹ” vào thứ Ba.

Liệu Úc có thoát được suy thoái?

Úc có một khả năng tránh suy thoái rất kỳ lạ. Họ đi qua khủng hoảng tài chính châu Á 1997 không hề hấn, rồi đứng vững trong khủng hoảng tài chính toàn cầu và bất ổn giá khoáng sản sau đó. Ngay cả khi đại dịch chấm dứt 30 năm tăng trưởng, Úc cũng chỉ trải qua suy thoái ngắn. Và các số liệu được công bố vào thứ Tư dự kiến sẽ cho thấy Úc đang chầm chậm đi qua đà giảm kinh tế toàn cầu hiện nay. Các dự báo cho thấy GDP tăng 2,7% trong cả năm 2022 và 0,7% trong quý cuối năm.

Nhưng rủi ro suy thoái đang gia tăng. IMF dự đoán tăng trưởng sẽ giảm hơn nữa trong năm nay, xuống còn 1,6%. Sau khi dự đoán lạm phát đạt đỉnh vào cuối năm ngoái, ngân hàng trung ương Úc đã trở nên diều hâu hơn. Họ đã tăng lãi suất chín lần liên tiếp, nhưng tỷ lệ lạm phát hàng năm vẫn ở mức 7,8%. Thị trường đang dự đoán nhiều đợt tăng hơn nữa. Hãy chờ xem Úc có kéo dài được vận may kinh tế của mình hay không.

UAE khánh thành trung tâm thờ phượng chung cho ba tôn giáo khởi nguồn từ Abraham

Ngôi nhà Gia đình Abraham, một trung tâm liên tôn bao gồm một nhà thờ Thiên chúa giáo, một giáo đường Do Thái, và một nhà thờ Hồi giáo, sẽ khai trương vào thứ Tư trên đảo Saadiyat ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. UAE từ lâu đã tự coi mình là một quốc gia hoà hợp; họ là nước đầu tiên ở bán đảo Ả Rập đón Giáo hoàng thăm chính thức (năm 2019) và bình thường hóa quan hệ với Israel (năm 2020). Trung tâm Abraham được lập ra bởi Sir David Adjaye, một kiến trúc sư người Anh-Ghana, người cũng đã thiết kế Nhà thờ Quốc gia Ghana ở Accra và Bảo tàng Quốc gia về Lịch sử và Văn hóa của người Mỹ gốc Phi ở Washington, DC, Mỹ.

Ba tòa nhà của trung tâm nằm trong một khu vườn khép kín sẽ làm không gian chung cho các cộng đồng liên tôn của UAE. Trong một tuyên bố chung để đánh dấu lễ khánh thành, Giáo hoàng Francis và Đại Imam al-Tayeb của al-Azhar, người thường được xem là nhân vật có thẩm quyền cao nhất của Hồi giáo Sunni, nói “Chúng ta đã bước vào một giai đoạn mới trong lịch sử của các tôn giáo.”