Cuộc đàm phán đáng lẽ đã kết thúc Chiến tranh Ukraine (P1)

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Samuel Charap và Sergey Radchenko, “The Talks That Could Have Ended the War in Ukraine,” Foreign Affairs, 16/04/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Một sự kiện ngoại giao bí mật, tuy chỉ tồn tại ngắn ngủi, nhưng chứa đựng bài học cho các cuộc đàm phán trong tương lai.

Rạng sáng ngày 24/02/2022, không quân Nga đồng loạt tấn công các mục tiêu trên khắp Ukraine. Cùng lúc đó, bộ binh và thiết giáp của Moscow từ phía bắc, phía đông, và phía nam tràn vào Ukraine. Trong những ngày tiếp theo, quân Nga đã cố gắng bao vây Kyiv.

Đó là những ngày và những tuần đầu tiên của cuộc xâm lược vốn dĩ có thể dẫn đến việc Ukraine bị Nga đánh bại và khuất phục. Khi nhìn lại, thật kỳ diệu là điều đó đã không xảy ra.

Chúng ta đã tương đối hiểu những diễn biến sau đó trên chiến trường. Nhưng điều ít được biết đến hơn là hoạt động ngoại giao diễn ra cùng lúc đó, với sự tham gia của Moscow, Kyiv, và một loạt các chủ thể khác – một hoạt động lẽ ra đã dẫn đến một thoả thuận chỉ vài tuần sau khi chiến tranh bắt đầu.

Cuối tháng 3/2022, một loạt các cuộc gặp trực tiếp ở Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các cuộc họp trực tuyến khác đã tạo ra cái gọi là Thông cáo Istanbul, trong đó vạch ra khuôn khổ cho một thoả thuận kết thúc cuộc chiến ở Ukraine. Các nhà đàm phán Ukraine và Nga sau đó bắt đầu soạn thảo văn bản của một hiệp ước, đạt được tiến bộ đáng kể nhằm hướng tới một thỏa thuận. Tuy nhiên, đến tháng 5, đàm phán bất ngờ kết thúc. Chiến tranh vẫn tiếp tục, và theo đó cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người ở cả hai bên chiến tuyến.

Chuyện gì đã xảy ra? Các bên đã tiến gần đến hồi kết của chiến tranh đến mức nào? Và tại sao họ không bao giờ hoàn tất một thỏa thuận?

Để làm sáng tỏ giai đoạn quan trọng nhưng thường bị bỏ qua này, chúng tôi đã xem xét các dự thảo thỏa thuận được trao đổi giữa hai bên, một số chi tiết trong đó chưa từng được công bố trước đây. Chúng tôi cũng đã phỏng vấn một số nhân vật tham gia các cuộc đàm phán, cũng như các quan chức phục vụ tại các chính phủ chủ chốt của phương Tây vào thời điểm đó, những người mà chúng tôi xin phép giấu tên để thảo luận về các vấn đề nhạy cảm. Chúng tôi còn xem xét nhiều cuộc phỏng vấn được thực hiện gần đây hơn, có chứa các tuyên bố của các quan chức Ukraine và Nga đang phục vụ tại thời điểm diễn ra cuộc đàm phán. Hầu hết những nội dung này đều có trên YouTube, nhưng không phải bằng tiếng Anh, và do đó không được biết đến rộng rãi ở phương Tây. Cuối cùng, chúng tôi đã xem xét kỹ lưỡng dòng thời gian của các sự kiện kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược cho đến cuối tháng 5, khi đàm phán đổ vỡ. Khi ghép tất cả những mảnh này lại với nhau, những điều chúng tôi tìm thấy thật đáng ngạc nhiên, và có thể có ý nghĩa quan trọng đối với những nỗ lực ngoại giao trong tương lai nhằm chấm dứt chiến tranh.

Một số nhà quan sát và quan chức (trong đó nổi bật nhất là Tổng thống Nga Vladimir Putin) tuyên bố rằng đã có một thỏa thuận được đặt lên bàn đàm phán để có thể kết thúc chiến tranh, nhưng người Ukraine đã từ bỏ nó do sự kết hợp giữa áp lực từ các nhà bảo trợ phương Tây và những giả định ngạo mạn của chính Kyiv về sự yếu kém của quân đội Nga. Những người khác đã bác bỏ hoàn toàn tầm quan trọng của cuộc đàm phán, cho rằng các bên chỉ đang đàm phán cho có lệ và cố gắng câu giờ để sắp xếp lại thế trận, hoặc rằng các dự thảo thỏa thuận là không nghiêm túc.

Dù những cách giải thích đó chứa đựng một phần sự thật, nhưng chúng lại che khuất nhiều hơn là làm sáng tỏ vấn đề. Không có một bằng chứng rõ ràng nào, nên câu chuyện này thách thức những lời giải thích đơn giản. Hơn nữa, những giải thích nhân quả giản đơn như vậy đã bỏ qua một thực tế mà khi nhìn lại có thể được cho là điều phi thường: ngay giữa cuộc xâm lược chưa từng có của Moscow, người Nga và người Ukraine gần như đã hoàn tất một thỏa thuận có thể chấm dứt chiến tranh, và cung cấp cho Ukraine những đảm bảo an ninh đa phương, mở đường hướng tới trạng thái trung lập vĩnh viễn, và cuối cùng là tư cách thành viên EU.

Tuy nhiên, thỏa thuận cuối cùng vẫn khó đạt được vì một số lý do. Các đối tác phương Tây của Kyiv không muốn bị lôi kéo vào cuộc đàm phán với Nga, nhất là một cuộc đàm phán có thể tạo ra những cam kết mới buộc họ phải đảm bảo an ninh cho Ukraine. Dư luận ở Ukraine cũng trở nên căng thẳng hơn sau khi những tội ác của Nga tại Irpin và Bucha bị phát hiện. Và sau khi Nga thất bại trong việc bao vây Kyiv, Tổng thống Volodymyr Zelensky lại càng tự tin rằng, với sự hỗ trợ đầy đủ của phương Tây, ông có thể giành chiến thắng trên chiến trường. Sau cùng, dù nỗ lực của các bên nhằm giải quyết các tranh chấp kéo dài về cấu trúc an ninh đã mang lại triển vọng về một giải pháp lâu dài cho chiến tranh và ổn định khu vực, nhưng họ đã đặt mục tiêu quá cao và quá sớm. Họ đã cố gắng đạt được một giải pháp toàn diện ngay cả khi lệnh ngừng bắn cơ bản vẫn còn nằm ngoài tầm với.

Ngày nay, khi triển vọng đàm phán trở nên mờ mịt và quan hệ giữa các bên gần như không còn tồn tại, câu chuyện về cuộc đàm phán mùa xuân năm 2022 dường như chỉ gây xao nhãng mà không mang lại những hiểu biết có thể áp dụng trực tiếp vào hoàn cảnh hiện tại. Tuy nhiên, Putin và Zelensky từng khiến mọi người ngạc nhiên khi sẵn sàng xem xét những nhượng bộ sâu rộng để chấm dứt chiến tranh. Họ có thể sẽ làm mọi người ngạc nhiên một lần nữa trong tương lai.

TRẤN AN HAY ĐẢM BẢO?

Nga muốn đạt được điều gì khi xâm lược Ukraine? Vào ngày 24/02/2022, Putin đã có một bài phát biểu trong đó ông biện minh cho cuộc xâm lược của mình bằng cách đề cập đến mục tiêu mơ hồ là “phi phát xít hóa” Ukraine. Cách giải thích hợp lý nhất cho cụm từ “phi phát xít hóa” là Putin muốn tìm cách lật đổ chính phủ ở Kyiv, có thể giết hoặc bắt giam Zelensky trong quá trình đó.

Tuy nhiên, vài ngày sau khi cuộc xâm lược nổ ra, Moscow lại bắt đầu thăm dò để tìm cơ sở cho một sự thỏa hiệp. Cuộc chiến mà Putin mong đợi là một cuộc chiến dễ dàng hoá ra lại khó hơn tưởng tượng, và việc sẵn sàng thoả hiệp từ sớm cho thấy ông dường như đã từ bỏ ý tưởng lật đổ chế độ. Zelensky, như ông từng làm trước chiến tranh, đã bày tỏ sự quan tâm đến một cuộc gặp cá nhân với Putin. Dù từ chối nói chuyện trực tiếp với Zelensky, nhưng Putin đã chỉ định một nhóm đàm phán, và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã đóng vai trò hòa giải.

Đàm phán bắt đầu vào ngày 28/02 tại một trong những khu dinh thự rộng rãi của Lukashenko gần làng Liaskavichy, cách biên giới Belarus-Ukraine khoảng 48 km. Phái đoàn Ukraine được dẫn đầu bởi Davyd Arakhamia, lãnh đạo tại quốc hội của đảng chính trị của Zelensky, và cũng bao gồm cả Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov, cố vấn tổng thống Mykhailo Podolyak, cùng nhiều quan chức cấp cao khác. Trong khi đó, Vladimir Medinsky, cố vấn cấp cao của Tổng thống Nga, người trước đây từng giữ chức Bộ trưởng Văn hóa, đã dẫn đầu phái đoàn Nga, đi cùng các thứ trưởng quốc phòng và ngoại giao, và một số nhân vật khác.

Tại cuộc gặp đầu tiên, phía Nga đã đưa ra một loạt điều kiện khắc nghiệt, đòi hỏi Ukraine phải đầu hàng. Đề xuất đã không được chấp nhận. Nhưng khi tình thế của Moscow trên chiến trường tiếp tục xấu đi, vị thế của nước này trên bàn đàm phán cũng dần suy giảm. Vì vậy, vào ngày 03 và ngày 07/03, các bên đã tổ chức vòng đàm phán thứ hai và thứ ba, lần này là ở Kamyanyuki, Belarus, ngay bên kia biên giới với Ba Lan. Phái đoàn Ukraine đã đưa ra yêu cầu của riêng họ: ngừng bắn ngay lập tức và thiết lập các hành lang nhân đạo cho phép dân thường rời khỏi vùng chiến sự một cách an toàn. Chính trong vòng đàm phán thứ ba này, Nga và Ukraine đã lần đầu tiên xem xét các dự thảo. Theo Medinsky, đây là bản dự thảo của Nga được phái đoàn của ông mang từ Moscow đến, và nó phản ánh sự kiên quyết của Moscow về tình trạng trung lập của Ukraine.

Vào lúc đó, các cuộc họp trực tiếp đã bị tạm dừng trong gần ba tuần, dù các phái đoàn vẫn tiếp tục gặp nhau qua Zoom. Trong những cuộc trao đổi này, phía Ukraine bắt đầu tập trung vào vấn đề sẽ trở thành trọng tâm trong tầm nhìn của họ về kết cục của cuộc chiến: những đảm bảo an ninh sẽ buộc các quốc gia khác phải đến bảo vệ Ukraine nếu Nga tấn công một lần nữa trong tương lai. Vẫn chưa rõ thời điểm mà Kyiv lần đầu tiên nêu ra vấn đề này trong các cuộc thảo luận với Nga hay các nước phương Tây. Nhưng vào ngày 10/03, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba – khi đó đang ở Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, chuẩn bị cuộc gặp với người đồng cấp Nga, Sergey Lavrov – đã nói về một “giải pháp bền vững, có hệ thống” cho Ukraine, đồng thời nói thêm rằng Ukraine “sẵn sàng thảo luận” về những đảm bảo mà họ hy vọng sẽ nhận được từ các quốc gia thành viên NATO và từ Nga.

Podolyak và Đại sứ Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ Vasyl Bodnar sau cuộc gặp với phái đoàn Nga, Istanbul, tháng 3/2022. © Kemal Aslan / Reuters

Điều mà Kuleba dường như đã nghĩ đến là một đảm bảo an ninh đa phương (multilateral security guarantee), một thỏa thuận trong đó các cường quốc đối thủ cam kết đảm bảo an ninh cho một nước thứ ba, thường với điều kiện là nước này sẽ không liên kết với bất kỳ bên nào. Những thỏa thuận như vậy gần như không còn được ưa chuộng sau Chiến tranh Lạnh. Trong khi các liên minh như NATO thường nhằm duy trì phòng thủ tập thể chống lại kẻ thù chung, thì các đảm bảo an ninh đa phương lại được thiết kế để ngăn chặn xung đột giữa các bên về sự liên kết của quốc gia được đảm bảo, và nói rộng hơn, là để đảm bảo an ninh của quốc gia đó.

Ukraine đã có một trải nghiệm cay đắng với phiên bản ít bền vững hơn của loại thỏa thuận này: một sự trấn an an ninh đa phương (multilateral security assurance), vốn khác với một sự đảm bảo. Năm 1994, nước này đã ký vào cái gọi là Bản ghi nhớ Budapest, quyết định tham gia Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân với tư cách là một quốc gia không có vũ khí hạt nhân, và đồng ý từ bỏ kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba thế giới khi đó. Đổi lại, Nga, Anh và Mỹ hứa sẽ không tấn công Ukraine. Tuy nhiên, trái ngược với quan niệm sai lầm phổ biến, trong trường hợp Ukraine bị xâm lược, Bản ghi nhớ Budapest chỉ yêu cầu các bên ký kết triệu tập một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, chứ không phải đưa quân đến bảo vệ Ukraine.

Cuộc xâm lược toàn diện của Nga – và thực tế tàn nhẫn rằng Ukraine đang tự mình chiến đấu trong một cuộc chiến sinh tồn – đã thúc đẩy Kyiv vừa tìm cách chấm dứt hành vi xâm lược, vừa đảm bảo điều đó không bao giờ xảy ra nữa. Vào ngày 14/03, ngay khi hai phái đoàn đang gặp nhau qua Zoom, Zelensky đã cho đăng một thông báo trên kênh Telegram của mình, kêu gọi thực hiện “những đảm bảo an ninh bình thường, hiệu quả, khác với những đảm bảo ở Budapest.” Trong một cuộc phỏng vấn với các nhà báo Ukraine hai ngày sau đó, cố vấn của Zelensky, Podolyak giải thích rằng: điều Kyiv tìm kiếm là “sự đảm bảo an ninh tuyệt đối” vốn đòi hỏi “các bên ký kết… không đứng bên lề trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vào Ukraine, như những gì đang xảy ra. Thay vào đó, họ [sẽ] tham gia tích cực vào việc bảo vệ Ukraine trong một cuộc xung đột.”

Việc Ukraine yêu cầu không bị bỏ mặc để họ tự bảo vệ mình một lần nữa là hoàn toàn dễ hiểu. Kyiv muốn (và vẫn muốn) có một cơ chế đáng tin cậy hơn là chỉ dựa vào thiện chí của Nga để bảo vệ an ninh của Ukraine trong tương lai. Nhưng để đạt được một đảm bảo an ninh là điều rất khó. Naftali Bennett là Thủ tướng Israel vào thời điểm đàm phán Ukraine-Nga diễn ra và đã tích cực làm trung gian hòa giải giữa hai bên. Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Hanoch Daum được đăng trực tuyến vào tháng 2/2023, ông kể lại rằng mình đã cố gắng khuyên Zelensky đừng mắc kẹt trong câu hỏi đảm bảo an ninh. “Có một câu chuyện cười về một anh chàng đang cố bán Cầu Brooklyn cho một người qua đường,” Bennett giải thích. “Tôi nói: ‘Mỹ sẽ đảm bảo cho các vị hay sao? Họ sẽ cam kết rằng trong vài năm nữa nếu Nga tái phạm thì họ sẽ cử binh lính đến à? Ngay cả khi chính họ đã rời khỏi Afghanistan?’ Tôi nói tiếp, ‘Volodymyr, điều đó sẽ không xảy ra đâu.’”

Để trình bày lại theo cách dễ hiểu hơn: nếu Mỹ và các đồng minh của họ không sẵn lòng cung cấp cho Ukraine những đảm bảo an ninh như vậy (chẳng hạn như dưới hình thức thành viên NATO) ngay từ trước chiến tranh, thì tại sao họ lại làm thế sau khi Nga đã thể hiện họ sẵn sàng tấn công Ukraine? Các nhà đàm phán Ukraine đã đưa ra câu trả lời cho câu hỏi này, nhưng sau cùng vẫn không thể thuyết phục được các đồng nghiệp phương Tây vốn lo ngại rủi ro. Quan điểm của Kyiv là, như được ngụ ý trong khái niệm đảm bảo, Nga cũng sẽ là một bên đảm bảo, điều đó có nghĩa là Moscow về cơ bản đã đồng ý rằng các bên đảm bảo khác sẽ có nghĩa vụ can thiệp nếu họ tấn công lần nữa. Nói cách khác, nếu Moscow chấp nhận rằng bất kỳ hành động gây hấn nào trong tương lai chống lại Ukraine cũng đồng nghĩa với một cuộc chiến giữa Nga và Mỹ, thì Moscow sẽ ít có xu hướng tấn công Ukraine một lần nữa bởi nó tương tự như khi nước này tấn công một đồng minh NATO.

BƯỚC ĐỘT PHÁ

Xuyên suốt tháng 3, giao tranh ác liệt tiếp tục diễn ra trên mọi mặt trận. Nga cố gắng chiếm Chernihiv, Kharkiv, và Sumy nhưng thất bại thảm hại, dù cả ba thành phố đều bị thiệt hại nghiêm trọng. Đến giữa tháng 3, cuộc tiến công của quân đội Nga về phía Kyiv đã bị đình trệ và họ cũng phải chịu thương vong nặng nề. Hai phái đoàn tiếp tục hội đàm qua cầu truyền hình nhưng sau đó đã quay trở lại gặp mặt trực tiếp vào ngày 29/03, lần này là tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Ở đó, họ dường như đã đạt được một bước đột phá. Sau cuộc gặp, hai bên tuyên bố đã đồng ý ra thông cáo chung. Các điều khoản đã được mô tả trong thông cáo báo chí của hai bên ở Istanbul. Nhưng chúng tôi đã thu thập được bản sao toàn văn của dự thảo thông cáo, có tựa đề “Những điều khoản chính của Hiệp ước về Đảm bảo An ninh của Ukraine.” Theo những người tham gia đàm phán được chúng tôi phỏng vấn, thông cáo phần lớn được soạn bởi phía Ukraine, trong khi Nga tạm thời chấp nhận ý tưởng sử dụng nó làm khuôn khổ cho một hiệp ước.

Hiệp ước được hình dung trong thông cáo sẽ tuyên bố Ukraine là một quốc gia phi hạt nhân và trung lập vĩnh viễn. Ukraine sẽ từ bỏ mọi ý định tham gia các liên minh quân sự, hoặc cho phép các căn cứ quân sự hoặc quân đội nước ngoài hiện diện trên đất của mình. Thông cáo liệt kê những chủ thể có thể trở thành bên đảm bảo là các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (gồm cả Nga) cùng với Canada, Đức, Israel, Ý, Ba Lan, và Thổ Nhĩ Kỳ.

Thông cáo cũng nói rằng nếu Ukraine bị tấn công và yêu cầu hỗ trợ, tất cả các bên đảm bảo đều có nghĩa vụ, sau khi đã tham khảo ý kiến với Ukraine và với nhau, để cung cấp hỗ trợ cho Ukraine nhằm khôi phục an ninh. Đáng chú ý, những nghĩa vụ này được nêu ra với mức độ chính xác cao hơn nhiều so với Điều 5 của NATO: áp đặt vùng cấm bay, cung cấp vũ khí, hoặc can thiệp trực tiếp bằng lực lượng quân sự của chính quốc gia đảm bảo.

Dù Ukraine sẽ trung lập vĩnh viễn theo khuôn khổ được đề xuất, con đường trở thành thành viên EU của Kyiv vẫn được để ngỏ và các bên đảm bảo (gồm cả Nga) sẽ “xác nhận rõ ràng ý định của họ là tạo điều kiện thuận lợi cho Ukraine trở thành thành viên EU.” Điều này không có gì là bất thường: hồi năm 2013, Putin từng gây áp lực mạnh mẽ lên Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych, yêu cầu rút lui khỏi một thỏa thuận liên kết đơn thuần với EU. Giờ đây, Nga đã đồng ý “tạo điều kiện thuận lợi” cho Ukraine gia nhập đầy đủ vào EU.

Dù lợi ích của Ukraine trong việc có được những đảm bảo an ninh này là rõ ràng, nhưng vẫn chưa rõ tại sao Nga lại đồng ý với bất kỳ điều khoản nào trong số này. Chỉ vài tuần trước đó, Putin đã cố gắng chiếm thủ đô Ukraine, lật đổ chính phủ nước này, và áp đặt một chế độ bù nhìn. Thật khó tin khi ông ấy đột nhiên chấp nhận rằng Ukraine – quốc gia đang thù địch với Nga hơn bao giờ hết, vì chính những hành động của Putin – sẽ trở thành thành viên của EU và được Mỹ đảm bảo độc lập và an ninh (cùng nhiều thứ khác). Nhưng bản thông cáo cho thấy đó chính xác là điều mà Putin sẵn sàng chấp nhận.

Chúng ta chỉ có thể phỏng đoán lý do tại sao. Cuộc tấn công chớp nhoáng của Putin đã thất bại; điều đó đã rõ vào đầu tháng 3. Có lẽ khi đó ông đã sẵn sàng chấp nhận từ bỏ nếu được đáp ứng yêu cầu lâu dài nhất của mình: rằng Ukraine sẽ từ bỏ nguyện vọng gia nhập NATO và không bao giờ tiếp nhận lực lượng NATO trên lãnh thổ của mình. Nếu ông không thể kiểm soát toàn bộ đất nước Ukraine, chí ít ông cũng có thể đảm bảo những lợi ích an ninh cơ bản nhất của mình, ngăn chặn tình trạng chảy máu của nền kinh tế Nga, và khôi phục danh tiếng quốc tế của đất nước.

Thông cáo cũng bao gồm một điều khoản khác gây ấn tượng mạnh khi nhìn lại: nó kêu gọi hai bên tìm cách giải quyết tranh chấp ở Crimea một cách hòa bình trong vòng 10 đến 15 năm tới. Kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo vào năm 2014, Moscow chưa bao giờ đồng ý thảo luận về tình trạng của nó, nói rằng nó chỉ là một khu vực thuộc về Nga giống như bao khu vực khác. Bằng cách đề nghị đàm phán về tình trạng của Crimea, Điện Kremlin đã ngầm thừa nhận rằng thực tế không phải như vậy.

(Còn tiếp 1 phần)