02/03/1929: Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Jones

Nguồn: Congress passes the Jones Act, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1929, Đạo luật Jones (Jones Act), nỗ lực kiểm soát ngành rượu cuối cùng trong Thời kỳ Cấm đoán (Prohibition Era), đã được Quốc hội Mỹ thông qua. Kể từ năm 1920, khi Tu chính án 18 có hiệu lực, Mỹ đã cấm sản xuất, nhập khẩu, và bán các loại đồ uống có cồn. Nhưng luật pháp không có hiệu quả trong việc thực sự ngăn chặn tiêu thụ rượu. Đạo luật Jones đã củng cố các hình phạt của liên bang đối với hành vi buôn lậu rượu. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 5 năm, Thời kỳ Cấm đoán đã bị chấm dứt và Tu chính án 18 đã bị bãi bỏ.

Thời kỳ Cấm đoán chưa bao giờ được thực hiện rộng rãi trên toàn nước Mỹ, và khi người ta nhận ra rằng nó có những tác động tiêu cực khác, nó đã nhanh chóng bị loại bỏ. Vấn đề chính của Thời kỳ Cấm đoán là nó không ngăn được nhu cầu uống rượu của công chúng. Dù lượng tiêu thụ rượu có giảm, nhưng nó vẫn còn đáng kể. Để đáp ứng nhu cầu về rượu, những băng nhóm tội phạm đã được tạo ra gần như chỉ sau một đêm.

Lợi nhuận khổng lồ thu được từ việc buôn bán rượu bất hợp pháp đã giúp tạo ra nhiều băng tội phạm có tổ chức. Các thành phố lớn trên khắp nước Mỹ bị thống trị bởi các tập đoàn tội phạm có khả năng mua chuộc các quan chức trong hệ thống tư pháp hình sự, theo đó đã tạo ra một sự thay đổi đáng kể trong ngành hành pháp. Lần đầu tiên, chính phủ liên bang đóng vai trò chủ chốt trong việc kiểm soát và truy tố những kẻ vi phạm pháp luật.

Nhiều người cảm thấy rằng Thời kỳ Cấm đoán cũng đã gây rạn nứt lớn trong kết cấu xã hội, vì ảnh hưởng của nó đối với tinh thần quốc gia. Khi có quá nhiều người ngang nhiên phớt lờ luật pháp, bầu không khí hoài nghi và đạo đức giả đã xuất hiện. Vào thời điểm Tu chính án 18 bị bãi bỏ, nhiều người đã xem Thời kỳ Cấm đoán là một thất bại toàn tập.