20/04/1871: Đạo luật Ku Klux được Quốc Hội Mỹ thông qua

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Ku Klux Act passed by Congress, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1871, với việc thông qua Đạo luật Lực lượng Thứ Ba (Third Force Act), thường được gọi là Đạo luật Ku Klux, Quốc Hội Mỹ đã ủy quyền cho Tổng thống Ulysses S. Grant được tuyên bố thiết quân luật, áp dụng hình phạt nặng đối với các tổ chức khủng bố, và được sử dụng lực lượng quân sự để đàn áp lực lượng Ku Klux Klan (KKK).

Được thành lập vào năm 1865 bởi một nhóm cựu chiến binh Hợp bang miền Nam, KKK nhanh chóng phát triển từ một hội huynh đệ kín thành một lực lượng bán quân sự nhằm đảo ngược những tiến bộ trong Kỷ nguyên Tái thiết (Reconstruction Era) của chính phủ liên bang ở miền Nam, đặc biệt là các chính sách trao quyền cho người Mỹ gốc Phi.

Tên gọi Ku Klux Klan bắt nguồn từ chữ kyklos trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “vòng tròn,” và chữ clan (gia tộc) trong tiếng Scottish-Gaelic, có lẽ đã được chọn vì điệp âm. Dựa trên nền tảng thuyết Người da trắng thượng đẳng, KKK sử dụng bạo lực như là một phương tiện để đẩy lùi Tái thiết, cũng như các nỗ lực trao quyền bầu cử cho người Mỹ gốc Phi. Cựu tướng miền Nam, Nathan Bedford Forrest, là thầy pháp vĩ đại đầu tiên (the first grand wizard) của KKK, và từng thất bại khi cố gắng giải tán tổ chức vào năm 1869, sau khi ông nhận ra tính bạo lực quá mức của KKK.

Hoạt động mạnh nhất ở các hạt nơi mà chủng tộc tương đối cân bằng, KKK tổ chức nhiều cuộc tấn công khủng bố vào ban đêm nhắm vào người Mỹ gốc Phi và cả người da trắng theo Đảng Cộng hòa. Tổ chức này chủ trương sử dụng hành động uy hiếp, phá hoạt tài sản, hành hung và giết người để giành lấy ảnh hưởng trong cuộc bầu cử sắp tới. Ở một số bang miền Nam, Đảng Cộng hòa đã tổ chức các đơn vị dân quân chống lại Klan. Năm 1871, việc thông qua Đạo luật Ku Klux đã khiến 9 hạt ở bang South Carolina bị đặt dưới thiết quân luật và hàng ngàn người đã bị bắt giữ. Năm 1882, Tối cao Pháp viện ra phán quyết rằng Đạo luật Ku Klux là vi hiến, nhưng vào thời điểm đó, Tái thiết đã kết thúc và KKK đã biến mất.

Thế kỷ 20 sẽ chứng kiến hai lần phục hưng của KKK: lần đầu là nhằm phản ứng với làn sóng nhập cư vào những năm 1910 và 1920, và lần tiếp theo là nhằm đáp trả phong trào dân quyền của người Mỹ gốc Phi trong thập niên 1950 và 1960.