Thế giới hôm nay: 14/03/2023

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Tổng thống Joe Biden trấn an người Mỹ là “hệ thống ngân hàng vẫn an toàn” sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank, ngân hàng lớn thứ 16 nước Mỹ, và Signature Bank. Ông Biden cũng hứa yêu cầu các cơ quan quản lý và Quốc hội tăng cường các quy định tài chính. Hôm Chủ nhật, nhà chức trách Mỹ đã công bố một loạt các biện pháp được thiết kế để hoàn trả đầy đủ cho người gửi tiền tại cả hai ngân hàng trên. Lợi suất trái phiếu kho bạc hai năm đã giảm mạnh nhất 30 năm qua vào thứ Hai khi thị trường cho rằng SVB sụp đổ sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang phải giảm tốc độ thắt chặt tiền tệ.

Chính quyền Biden phê duyệt một dự án khoan dầu  lớn do ConocoPhillips điều hành trên đất liên bang ở Alaska. Các nhà bảo vệ môi trường đã vận động mạnh mẽ để phản đối ­dự án, vốn mang tên Willow và đủ sức sản xuất 180.000 thùng dầu thô mỗi ngày. Nhưng kể từ khi chiến tranh Ukraine làm tăng giá năng lượng, Joe Biden trở nên chú trọng thúc đẩy hoạt động khoan dầu.

Pfizer đã chi 43 tỷ đô để mua lại Seagen, một công ty công nghệ sinh học chuyên về ung thư của Mỹ, ở mức 229 đô la một cổ phiếu, cao hơn 33% so với giá đóng cửa hôm thứ Sáu. Pfizer đang dùng lợi nhuận trời cho từ vắc-xin covid để đa dạng hóa kho sản phẩm. Hãng dược Mỹ kỳ vọng tăng doanh thu dự kiến của Seagen từ 2,2 tỷ đô la năm 2023 lên 10 tỷ đô la vào năm 2030.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tới Nga gặp người đồng cấp Vladimir Putin ngay trong tuần tới, theo Reuters. Điện Kremlin nhiều lần kêu gọi Trung Quốc viện trợ vũ khí mà nước này có thể sử dụng ở Ukraine; nhưng đến nay Bắc Kinh vẫn từ chối. Trung Quốc và Nga tuyên bố tình hữu nghị “không giới hạn” vào tháng 2 năm 2022, chỉ vài tuần trước khi chiến sự bắt đầu.

Porsche công bố lợi nhuận bội thu 6,7 tỷ euro (7,2 tỷ USD) trong năm 2022, tăng 27% so với năm trước đó. Nhà sản xuất ô tô hạng sang của Đức đang bay cao kể từ khi trở thành công ty ô tô có giá trị nhất ở châu Âu, vượt qua công ty mẹ Volkswagen, sau vụ IPO thành công vào năm 2022. Công ty tuyên bố kỳ vọng lợi nhuận tương tự trong năm 2023, trừ khi “các điều kiện đầy thách thức” gây khó khăn cho nền kinh tế.

Oleksandr Syrskyi, một vị tướng hàng đầu của Ukraine, nói lính đánh thuê Wagner của Nga đang chịu “tổn thất đáng kể” ở Bakhmut. Nga nỗ lực chiếm thị trấn miền đông Ukraine suốt nhiều tháng qua dù nó có ít giá trị chiến lược. Lãnh đạo Yevgeny Prigozhin của Wagner cho biết lực lượng của ông đang ở gần trung tâm thị trấn nhưng lính Ukraine quyết tâm “giữ từng mét đất.”

Con số trong ngày: 10%, là tỉ lệ giảm số học sinh ghi danh vào các trường công lập của thành phố New York trong ba năm kể từ đầu đại dịch covid-19.

TIÊU ĐIỂM

Liệu có phải SVB phá sản vì Fed quá mạnh tay?

Hệ luỵ từ sự sụp đổ của Silicon Valley Bank đang quét qua khắp các thị trường. Các ngân hàng khu vực khác của Mỹ bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề. Chỉ trong ngày thứ Hai, giá cổ phiếu của First Republic Bank và Western Alliance Bank đã giảm lần lượt hơn 61% và 47%. Giao dịch của hai mã này và các mã ngân hàng hạng trung khác bị gián đoạn nhiều lần trong ngày vì biến động cao khiến hệ thống phải tạm dừng. Trong khi đó, chỉ số Stoxx của châu Âu về giá cổ phiếu ngân hàng cũng giảm 7% trong thứ Hai.

SVB phá sản là do tích trữ quá nhiều chứng khoán dài hạn, vốn sẽ bị giảm giá trị khi lãi suất tăng. Nhiều người cho rằng nhiều năm lãi suất thấp đã khiến các ngân hàng khác cũng liều lĩnh tương tự. Bên cạnh đó là một vấn đề xưa cũ của ngân hàng trung ương: đó là để dập tắt lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang phải thắt chặt chính sách tiền tệ cho đến khi có điều gì đó xảy ra. Hệ luỵ từ SVB có thể được kiềm chế, nhưng việc nó phá sản cho thấy tình hình dường như đã chạm đến mức trần đó.

Gói lập pháp đầy tham vọng của EU

“Châu Âu gắn kết trong khủng hoảng, và sẽ cùng tạo nên giải pháp cho các cuộc khủng hoảng đó.” Jean Monnet, cha đẻ của EU, đã viết như vậy vào những năm 1970. Các lãnh đạo châu Âu hiện nay có vẻ như muốn lặp lại triết lý đầy tham vọng đó bằng cách giải quyết đồng thời ba thách thức. Các giải pháp đề xuất của họ sẽ định hình lại chính sách kinh tế của EU.

Một đề xuất lập pháp mới từ Ủy ban châu Âu, được công bố vào thứ ba, sẽ cùng lúc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, sự phụ thuộc của châu Âu vào hàng xuất khẩu Trung Quốc (đặc biệt là các loại hàng như tấm pin năng lượng mặt trời), và chính sách công nghiệp bảo hộ của Mỹ (Đạo luật Giảm Lạm phát).

Đề xuất này, phải được các lãnh đạo quốc gia thảo luận và thông qua, sẽ dùng trợ cấp để thúc đẩy sản xuất công nghệ xanh của châu Âu — chẳng hạn như pin mặt trời, chất điện phân, và máy bơm nhiệt – đồng thời đẩy nhanh quá trình triển khai chúng. Điều đó nghe có vẻ không quá ghê gớm. Nhưng nó yêu cầu EU nới lỏng các hạn chế viện trợ nhà nước vốn rất mất công mới có được. Để xây dựng một châu Âu sẵn sàng cho tương lai, các nhà hoạch định chính sách có nguy cơ làm suy yếu nền tảng của nó.

Nga muốn tranh thủ ủng hộ của quốc tế

Vào thứ Ba, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ tham dự phiên họp đầu tiên của Phong trào Russophile Quốc tế tại Moscow. Tổ chức này có liên kết với Tsargrad, một nhóm truyền thông Chính thống giáo Nga hữu khuynh, và hoạt động nhằm mục đích quảng bá văn hóa và xã hội Nga ở nước ngoài. Người phát ngôn của ông Lavrov tuyên bố nó sẽ chống lại “chiến dịch chống Nga” của phương Tây, và các đại biểu từ “vài chục” quốc gia sẽ tham dự.

Cuộc xâm lược Ukraine đã khiến Nga bị hầu hết bạn bè quốc tế xa lánh. Hồi đầu tháng này, chỉ có năm nước (Belarus, Eritrea, Syria, Bắc Triều Tiên và chính Nga) bác bỏ một nghị quyết tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lên án cuộc xâm lược, trong số 181 quốc gia đã bỏ phiếu. Nhưng vẫn có 35 nước bỏ phiếu trắng, bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ. Ngoài ra, một nghiên cứu về dữ liệu thăm dò ý kiến toàn cầu của Đại học Cambridge cho thấy ở một số nơi trên thế giới, đặc biệt là Nam và Đông Nam Á cũng như châu Phi cận Sahara, nhìn chung quan điểm của công chúng về Nga vẫn tích cực. Ở những nơi như vậy, cuộc chiến thông tin vẫn diễn ra quyết liệt.

San Francisco xem xét bồi thường cho công dân da đen

Bồi thường cho chế độ nô lệ, đang được tranh luận ở Mỹ, là nhằm mục đích thừa nhận cả sự khủng khiếp của buôn bán nô lệ và di sản phân biệt chủng tộc của nó. Hồi năm 2019, Evanston, Illinois, đã trở thành thành phố đầu tiên phê duyệt chương trình bồi thường của chính phủ, theo đó sẽ phân phối 10 triệu đô la trong mười năm.

Thứ Ba tuần này đến lượt hội đồng thành phố San Francisco tổ chức phiên điều trần công khai đầu tiên về kế hoạch bồi thường cho cư dân da đen bị tổn hại bởi các chính sách phân biệt đối xử trong quá khứ. Ủy ban soạn thảo đề xuất thành phố nên trả cho mỗi cư dân đủ điều kiện 5 triệu đô la, đồng thời tạo ra các chính sách nhà ở, giáo dục và y tế để giải quyết vấn đề chênh lệch chủng tộc.

Chế độ nô lệ chưa bao giờ là hợp pháp ở California, nhưng các thành viên ủy ban lập luận rằng thành phố nên bồi thường cho người da đen ở San Francisco vì tình trạng phân biệt đối xử diễn ra trong nhiều thế hệ. Không nhiều khả năng các quan chức thành phố sẽ chấp nhập kế hoạch tốn kém này. Viện nghiên cứu bảo thủ Hoover Institution ước tính rằng chỉ tính riêng số tiền 5 triệu ban đầu đã có thể khiến thành phố, vốn đang bị thâm hụt ngân sách, chi thêm 175 tỷ đô la. Và bản thân kế hoạch cũng không cho biết tiền sẽ đến từ đâu.