Thế giới hôm nay: 27/03/2023

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Người đứng đầu ngành an ninh của Ukraine, Oleksiy Danilov, nói Nga đang bắt Belarus làm “con tin” sau tuyên bố đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật ở nước này, vì làm vậy gây bất ổn cho Belarus. Hôm thứ Bảy, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trên truyền hình nhà nước rằng ông đã đạt thỏa thuận trên với người đồng cấp Alexander Lukashenko. Ông nói quyết định không vi phạm các thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân và không có gì bất thường, vì Mỹ đã làm điều tương tự với các đồng minh của mình.

Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu đã sa thải bộ trưởng quốc phòng Yoav Gallant sau khi ông thúc giục chính phủ xem xét lại kế hoạch cắt giảm quyền hạn của Tòa án Tối cao. Việc sa thải ông Gallant được một số người coi là dấu hiệu cho thấy quyết tâm của ông Netanyahu, nhất là sau dòng tweet “Cải cách ngay bây giờ!” của Itamar Ben Gvir, bộ trưởng an ninh quốc gia của đảng cực hữu. Người biểu tình bắt đầu tụ tập bên ngoài trụ sở quân đội ở Tel Aviv.

Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva nói hỗn loạn trong ngành ngân hàng đe dọa ổn định tài chính toàn cầu. Nhà đầu tư đã tháo chạy khỏi Deutsche Bank vào thứ Sáu sau vụ hợp nhất của Credit Suisse và UBS hồi tuần trước. Trong bài phát biểu tại Bắc Kinh, bà Georgieva, nói rủi ro cho kinh tế toàn cầu là “đặc biệt cao” giữa bối cảnh thắt chặt tiền tệ.

Donald Trump nói trong một sự kiện mít tinh ở Waco, Texas, rằng “những kẻ điên cuồng cánh tả” trong chính phủ Mỹ đang bức hại ông và cuộc bầu cử 2024 là “trận chiến cuối cùng” nơi chủ nghĩa Trump sẽ chiến thắng. Cựu tổng thống có thể bị bắt giữ bởi các công tố viên Manhattan, bên cạnh việc bị điều tra trong nhiều vụ khác. Ước tính có khoảng 15.000 người đến nghe ông Trump, người đã khéo léo chọn Waco làm nơi phát biểu. Còn nhớ, chiến dịch liên bang 30 năm trước nhắm vào một giáo phái ở Waco đã dẫn đến cái chết của 80 người.

Ít nhất 29 người di cư trên hai con thuyền nhỏ đã chết đuối ngoài khơi Tunisia trong nỗ lực vượt Địa Trung Hải để đến Ý. Các quan chức đảo Lampedusa của Ý cho biết có kỷ lục 2.000 người đến nơi này chỉ trong 24 giờ tính đến sáng Chủ nhật. Cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng tồi tệ ở Tunisia và cuộc đàn áp người di cư không giấy tờ là nguyên nhân dẫn đến dòng người vượt biển gần đây.

Hồng Kông vừa có cuộc biểu tình có cấp phép đầu tiên kể từ khi thông qua luật an ninh quốc gia nghiêm ngặt vào năm 2020. Song các điều kiện biểu tình rất hạn chế: không được nhiều hơn 100 người, mỗi người phải đeo thẻ đánh số và không được phép đeo khẩu trang. Dù đã bắt giam hơn một nghìn người biểu tình (thường là ôn hòa), chính phủ khẳng định vẫn cho phép quyền tự do hội họp.

Lúc này là mấy giờ ở Lebanon? Còn phải xem bạn tuân theo quyết định hoãn giờ quy ước mùa hè cho đến 20 tháng 4 của chính phủ hay đổi luôn vào Chủ nhật theo nhà thờ Maronite. Chính phủ làm vậy dường như là để làm hài lòng dân Hồi giáo, những người có thể ăn chay tháng Ramadan sớm hơn một giờ. Kết quả là một tình huống hỗn loạn: các tổ chức, đảng phái và trường học Cơ đốc giáo, cũng như một số kênh tin tức, đang đi trước các đồng bào Hồi giáo của họ một giờ.

Con số trong ngày: 43.000, là số người thiệt mạng do hạn hán ở Somalia trong năm ngoái.

TIÊU ĐIỂM

Cựu tổng thống Đài Loan đến Trung Quốc làm lễ Thanh Minh

Vào thứ Hai, tổng thống tiền nhiệm Mã Anh Cửu của Đài Loan sẽ tới thành phố Nam Kinh miền đông Trung Quốc. Chuyến đi 12 ngày của ông là chuyến thăm đầu tiên của một cựu lãnh đạo hòn đảo tự trị tới đại lục kể từ nội chiến Trung Quốc. Ông Mã, người tại vị từ năm 2008 đến 2016, là người của Quốc dân đảng (KMT) vốn có xu hướng thân thiện với Trung Quốc. Ông không có lịch trình gặp gỡ các lãnh đạo ở Bắc Kinh, nhưng sẽ viếng mộ tổ tiên khi đến thăm tỉnh Hồ Nam.

Việc ông Mã về quê hương làm lễ Thanh Minh, được tổ chức ở cả hai bờ eo biển Đài Loan, được xem như một nỗ lực làm nổi bật di sản chung của hai nước. Các chính trị gia từ Đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền của Đài Loan cáo buộc ông phục vụ cho tham vọng thôn tính của Trung Quốc. Tranh cãi leo thang khi DPP và KMT đưa ra những quan điểm đối nghịch trước cuộc bầu cử tổng thống tháng 1 năm 2024. DPP muốn nhấn mạnh chủ quyền; trong khi ông Mã muốn kéo hai bên xích lại gần nhau hơn về mặt xã hội để giảm bớt căng thẳng.

Triển vọng cải thiện của kinh tế Đức

Giới doanh nghiệp Đức đang trở nên lạc quan hơn, ít nhất là theo chỉ số môi trường kinh doanh công bố vào thứ Hai của viện nghiên cứu Ifo. Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức, một cơ quan học thuật, cũng đang tỏ ra lạc quan hơn. Trong báo cáo gần đây, kỳ vọng của họ đối với nền kinh tế đã cải thiện so với cuối năm 2022. Họ hiện dự kiến ​​GDP tăng 0,2% trong năm thay vì giảm. Một lý do có thể là nhờ giá năng lượng giảm từ mức cao chóng mặt của mùa hè năm ngoái.

Dù vậy, lạm phát giảm chậm hơn so với kỳ vọng của nhiều người, qua đó làm giảm tiêu dùng. Hội đồng dự đoán giá cả ở Đức sẽ tăng 6,6% trong năm nay, rồi 3% trong năm tới. Và Klaus Mueller, người đứng đầu cơ quan quản lý năng lượng của Đức, gần đây cảnh báo vẫn có nguy cơ thiếu hụt khí đốt tự nhiên vào mùa đông. Khả năng nó xảy ra phụ thuộc vào thời tiết và việc người tiêu dùng (cả công nghiệp lẫn dân sự) duy trì thói quen tiết kiệm gas.

Scotland sắp có thủ hiến mới

Đảng cầm quyền Scotland sẽ có lãnh đạo mới vào thứ Hai. Một cuộc bỏ phiếu của các thành viên Đảng Quốc gia Scotland (SNP) đã được kích hoạt vào giữa tháng 2 khi Nicola Sturgeon, nhà lãnh đạo từ năm 2014, từ chức. Người chiến thắng sẽ tuyên thệ nhậm chức thủ hiến của Scotland vào thứ Tư. Hai ứng viên hàng đầu là bộ trưởng y tế Humza Yousaf và bộ trưởng tài chính Kate Forbes.

Người đắc cử đứng trước những nhiệm vụ khó khăn. Một là đoàn kết nội bộ sau một cuộc bầu cử chìm trong đấu đá nội bộ và các chỉ trích về thành tích cầm quyền kể từ năm 2007. Cả ba ứng viên trên lá phiếu đều hứa dẫn dắt Scotland giành độc lập, một viễn cảnh xa vời khi chủ nghĩa ly khai không còn được ủng hộ như trước. Và liên minh cầm quyền của SNP với Đảng Xanh Scotland có thể bị thử thách. Bà Forbes và Ash Regan, ứng viên thứ ba, đều phản đối luật công nhận giới tính, vốn được Đảng Xanh thúc đẩy mạnh mẽ. Vấn đề này có khả năng làm suy yếu liên minh.

El Salvador mạnh tay với tội phạm

Thứ Hai đánh dấu một năm El Salvador ban hành “tình trạng ngoại lệ.” Tình trạng khẩn cấp này, được đưa ra sau một loạt các vụ giết người băng đảng và cho tới nay luôn được gia hạn hàng tháng, cho phép đình chỉ một số quyền hiến định. Lực lượng an ninh có thể bắt giữ người mà không cần đưa ra lý do và giam giữ họ trong thời gian dài. Các nhóm nhân quyền đã chỉ trích các chiến thuật trên. Gần 2% của 6,3 triệu dân số trưởng thành hiện đang ở sau song sắt, trong đó có nhiều người vô tội.

Nhưng cuộc đàn áp vẫn được ủng hộ. Người lãnh đạo nó cũng vậy: tổng thống Nayib Bukele có tỷ lệ ủng hộ trên 90%. Nhiều người Salvador sẵn sàng bỏ qua xu hướng ngày càng độc đoán của nhà lãnh đạo, bao gồm việc mua chuộc các thể chế và đe dọa những người chỉ trích, để đổi lấy tỉ lệ tội phạm giảm. Tỷ lệ giết người đã giảm và người dân nói những khu dân cư nguy hiểm giờ trở nên an toàn hơn. Dường như tình trạng ngoại lệ đã trở thành bình thường mới.