Thế giới hôm nay: 29/03/2023

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Công tố viên Mỹ buộc tội Sam Bankman-Fried, nhà sáng lập của sàn giao dịch tiền điện tử FTX, hối lộ quan chức Trung Quốc. Chính phủ Mỹ cáo buộc ông Bankman-Fried trả 40 triệu đô la tiền điện tử để lấy lại quyền truy cập các tài khoản giao dịch có hơn 1 tỷ đô la bị chính quyền Trung Quốc đóng băng. Ngoài ra ông Bankman-Fried còn mười hai cáo buộc hình sự khác (ông hầu hết không nhận tội) sau vụ sụp đổ của FTX hồi tháng 11.

Alibaba công bố kế hoạch tách đế chế công nghệ khổng lồ của mình thành sáu công ty độc lập, cuộc tái cấu trúc lớn nhất trong lịch sử hãng. Trong số sáu công ty này, ngoài một chỉ kinh doanh thương mại điện tử trong nước, số còn lại sẽ huy động vốn từ bên ngoài để hướng đến lên sàn. Alibaba đang hy vọng khôi phục giá cổ phiếu sau cuộc đàn áp công nghệ của chính quyền Trung Quốc từ năm 2020, vốn góp phần làm cổ phiếu của họ mất tới 70% giá trị.

Một thẩm phán đã yêu cầu Mike Pence, cựu phó tổng thống của Donald Trump, ra làm chứng trước đại bồi thẩm đoàn về các cuộc hội thoại của ông với Trump dẫn đến bạo động 6 tháng 1 tại Điện Capitol. Cuộc điều tra của bộ tư pháp về nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử 2020 của ông Trump là một trong những thách thức pháp lý cựu tổng thống sắp phải đối mặt. Bản cáo trạng cho hành vi chi tiền bịt miệng nữ diễn viên khiêu dâm có thể sẽ được công bố trong tuần này.

Các công tố viên Pháp đã lục soát văn phòng Paris của 5 ngân hàng lớn, bao gồm HSBC và BNP Paribas, trong cuộc điều tra gian lận thuế và rửa tiền. Các tổ chức này bị cáo buộc tiến hành chuyển nhượng cổ phiếu tạm thời để trốn thuế cổ tức. Họ đứng trước khoản tiền phạt tổng cộng hơn 1 tỷ euro (1,08 tỷ USD).

MI5, cơ quan an ninh của Anh, đã nâng mức cảnh báo đe dọa khủng bố ở Bắc Ireland lên “nghiêm trọng.” Cho đến gần đây họ duy trì thang cảnh báo ở mức “đáng kể” – như phần còn lại của nước Anh – nhưng rồi chủ nghĩa cộng hòa bạo lực leo thang ở Ireland đã khiến MI5 phải điều chỉnh. Tháng trước, nhóm cộng hòa”Tân IRA” đã bắn một thám tử cảnh sát cấp cao, John Caldwell, tại thành phố Omagh.

Kate Forbes, ứng viên về nhì trong cuộc đua lãnh đạo Đảng Quốc gia Scotland SNP cầm quyền, đã từ chức khỏi chính phủ sau khi từ chối lời đề nghị giữ một vị trí từ tân thủ hiến Humza Yousaf. Được biết ông Yousaf đã đề nghị bà Forbes giữ vị trí phụ trách các vấn đề nông thôn – rõ ràng là giáng chức khi bà đang là đương kim bộ trưởng tài chính. Việc bà từ chức khiến ông Yousef khó thống nhất SNP sau cuộc bầu cử đầy tranh cãi.

Một công ty Úc đã sản xuất thịt viên voi ma mút từ hỗn hợp DNA của voi ma mút và voi để chứng minh tiềm năng của các loại thịt từ phòng thí nghiệm. Chưa có người ăn thủ món thịt viên tiền sử này, nhưng khó mà kiểm chứng được hương vị khi voi ma mút đã tuyệt chủng cách đây 4.000 năm.

Con số trong ngày: 118.000, là số vụ sa thải của các công ty công nghệ Mỹ trong năm nay, theo hãng dữ liệu Crunchbase.

TIÊU ĐIỂM

Đàm phán trong quốc hội Israel về dự luật tư pháp của Netanyahu

Các nhóm đàm phán đại diện cho các bên trong quốc hội Israel sẽ dành ngày thứ Tư để đi đến một thỏa hiệp về cải cách hiến pháp. Cuộc đàm phán, được trung gian bởi văn phòng của tổng thống Isaac Herzog, diễn ra sau ba tháng biểu tình lan rộng xoay quanh dự luật đại tu nhánh tư pháp của thủ tướng Binyamin Netanyahu. Dự luật của ông sẽ làm suy yếu Tòa án Tối cao và cho phép chính phủ bổ nhiệm thẩm phán.

Căng thẳng lên đến đỉnh điểm trong những ngày gần đây. Hôm Chủ nhật, ông Netanyahu đã sa thải bộ trưởng quốc phòng vì công khai phản đối các cải cách, khiến hàng chục nghìn người Israel xuống đường phản đối. Sau đó là cuộc tổng đình công vào sáng thứ Hai khiến phần lớn đất nước phải ngừng hoạt động. Đến tối cùng ngày, ông Netanyahu cuối cùng phải chấp nhận “đình chỉ” dự luật. Nhưng ông nói đây chỉ là biện pháp “câu giờ”: kể cả khi các bên không đạt được thỏa thuận, dự luật vẫn sẵn sàng được đưa ra trước quốc hội vào tháng 5.

Lộ diện chủ tịch tiếp theo của Ngân hàng Thế giới

Thứ Tư là ngày cuối cho các bên đề cử chủ tịch tiếp theo của Ngân hàng Thế giới (WB). Như trong mọi cuộc bầu cử trừ cuộc bầu cử năm 2012, luôn chỉ có một ứng viên. Mỹ đã chọn mọi chủ tịch Ngân hàng Thế giới kể từ khi ký thỏa thuận năm 1944 với châu Âu, bên có quyền chọn người đứng đầu IMF. Mỹ cũng có ảnh hưởng lớn lên WB, và được hưởng nhiều quyền biểu quyết đối với các quyết định cho vay hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Lần này, lựa chọn của Nhà Trắng là cựu CEO Mastercard Ajay Banga, người sẽ nhậm chức vào tháng Sáu. Một doanh nhân có ít kinh nghiệm trong chính phủ dường như là một lựa chọn bất thường để giải quyết bộ máy quan liêu đang phình to của WB, vốn đang vật lộn để tăng khả năng cho vay và cơ cấu lại các khoản nợ. Nhưng đối với thách thức lớn nhất của ngân hàng – giúp các nước nghèo giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu – thì ông Banga là một lựa chọn phù hợp. Tại Mastercard, ông từng đăng nhiều bài blog về các vấn đề khí hậu và khởi động dự án trồng 100 triệu cây xanh. Bấy nhiêu có thể là không nhiều, nhưng ít nhất nó khiến ông Banga khác biệt với người tiền nhiệm David Malpass, người đôi khi hoài nghi vấn đề nóng lên toàn cầu.

Tòa án Nhân quyền châu Âu xét xử vụ kiện khí hậu đầu tiên trong lịch sử

Vào thứ Tư, Tòa án Nhân quyền Châu Âu tại Strasbourg sẽ xét xử vụ kiện khí hậu đầu tiên trong lịch sử của minh. Hơn 2.000 phụ nữ Thụy Sĩ lớn tuổi cho rằng sự bất cẩn của chính phủ trong giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu đã làm tổn hại đến quyền của họ. Với độ tuổi trung bình 73, những người này cho rằng tuổi cao khiến họ đặc biệt dễ bị tổn thương trước nóng lên toàn cầu. Các nghiên cứu thực sự cho thấy nhiệt độ tăng là nguy hiểm hơn cho người lớn tuổi. Một trong số đó, được công bố vào năm ngoái, cho thấy người trưởng thành trên 65 tuổi chiếm 87% số ca tử vong liên quan đến nắng nóng ở Thụy Sĩ từ năm 1969 đến năm 2017. Và thống kê cũng cho thấy phụ nữ lớn tuổi dễ bị tổn thương hơn nam giới.

Vụ kiện này, do Tổ chức Hòa bình xanh Thụy Sĩ khởi xướng và kéo dài sáu năm qua, đã bị các tòa án trong nước bác bỏ hai lần. Liệu ECHR có chấp nhận nó hay không — và nếu có, phán quyết ra sao — có thể tạo án lệ cho các trường hợp tương tự trên khắp châu Âu. Ngoài vụ này ECHR còn có thêm hai phiên điều trần liên quan đến khí hậu nữa.

Biden tổ chức hội nghị dân chủ toàn cầu

Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ lần thứ hai của tổng thống Joe Biden sẽ khai mạc vào thứ Tư. Mục đích như công bố của nó là giúp nâng tầm và tăng số lượng các nền dân chủ trên thế giới. Hai ngày họp trực tuyến sẽ bao gồm đại diện của 120 chính phủ: từ những nước có môi trường dân chủ hoàn toàn (Na Uy và New Zealand) cho đến các nước có thành tích kém thuyết phục (Ấn Độ, Israel hay Mexico).

Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên, được tổ chức vào tháng 12 năm 2021, đã nhất trí tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong chính phủ, tăng cường luật chống tham nhũng, và củng cố các cơ quan tư pháp độc lập. Nhưng không ai kiểm chứng được tiến độ cả. Do đó, sự kiện năm nay có thể chỉ nhằm đáp trả lại cuộc gặp của hai lãnh đạo Nga-Trung vào tuần trước tại Moscow. So với Mỹ, cách tiếp cận thuần tuý dựa trên lợi ích của hai nước này phần lớn được các nước đang phát triển ưa chuộng hơn. Cả Nga và Trung Quốc đều không nằm trong danh sách khách mời của ông Biden — bên cạnh Thổ Nhĩ Kỳ, một nền dân chủ trên danh nghĩa nhưng đang xích lại gần Nga.