Kết nạp Phần Lan, NATO thu được những nguồn lực quân sự nào?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn:芬兰加入,北约获得多少军事资源”, 环球时报 (Thời báo Hoàn Cầu), 6/4/2023

Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Ngày 4/4/2023, Phần Lan chính thức trở thành quốc gia thành viên thứ 31 của NATO. Đồng thời với “sự che chở” mà Phần Lan nhận được, sự kiện nước này gia nhập NATO cũng làm tăng cường thực lực của NATO. Một khi các căn cứ địa quân sự trong lãnh thổ Phần Lan được cung cấp cho NATO sử dụng, điều đó sẽ nâng cao tiềm lực quân sự cho NATO như thế nào? Nga sẽ dùng cách nào để đối phó lại?

Biên giới trên bộ hơn nghìn km với Nga sẽ “trở thành mặt trận bất cứ lúc nào”

Ngày 4/4, hãng tin CNN của Mỹ cho biết, sự kiện Phần Lan trở thành thành viên thứ 31 của NATO đánh dấu một chuyển biến trọng đại về tình trạng an ninh Bắc Âu. Tổng thống Phần Lan nói trong một bản tuyên bố: “Hôm nay Phần Lan đã trở thành thành viên NATO. Thời đại không liên kết về quân sự trong lịch sử của chúng tôi đã chấm dứt, một thời đại mới đã bắt đầu.” Ông cho biết, là đối tác hợp tác của NATO, lâu nay Phần Lan đã tích cực tham dự các hoạt động của NATO. Sau này, Phần Lan sẽ đóng góp phần mình vào hoạt động răn đe tập thể và phòng thủ tập thể của NATO.

Theo CNN, trước khi Phần Lan vào NATO, Nga có tổng cộng 1215 km đường biên giới trên bộ với các quốc gia NATO. Biên giới trên bộ giữa Phần Lan với Nga vào khoảng 1300 km. Việc Phần Lan gia nhập NATO sẽ tăng hơn gấp đôi đường biên giới trên bộ giữa NATO với Nga.

Bản tin của CNN cho biết, việc Phần Lan trở thành thành viên của NATO sẽ bảo đảm khi Phần Lan bị tấn công, quốc gia Bắc Âu này sẽ nhận được nguồn lực của toàn bộ liên minh NATO.

Gia nhập NATO còn có thể giúp quân đội Phần Lan tham dự hoạt động huấn luyện và lập kế hoạch cùng với các thành viên NATO. Trên thực tế, việc hợp tác giữa Phần Lan với NATO không có gì mới, trước đây quân đội Phần Lan với tư cách quốc gia đối tác, từng định kỳ tham dự các cuộc tập trận của NATO. Website của NATO ngày 4/4 đăng bản tin dưới tiêu đề “Quốc kỳ Phần Lan được kéo lên tại trụ sở Bộ Tư lệnh Không quân NATO”. Bản tin cho biết: hơn 10 năm nay, trong thời gian các cuộc tập trận, Bộ Tư lệnh Không quân NATO đã hợp tác với Không quân Phần Lan nhằm ủng hộ hành động của NATO. Trước đó Không quân Phần Lan còn tham gia Lực lượng Phản ứng của NATO và định kỳ tham gia các chuyến bay cảnh giới của NATO, thực hiện bay cảnh giới trên vùng trời biển Baltic.

Trang mạng “Đời sống” của Nga ngày 5/4 đưa tin, trong quá trình Phần Lan xin gia nhập NATO, số lần tập trận chung giữa NATO với Phần Lan đã tăng lên nhanh chóng. Mùa hè năm ngoái, Phần Lan tham dự một cuộc tập trận có tên “Vệ sĩ châu Âu”, diễn tập một cuộc chiến tranh giả tưởng với Nga từ Biển Đen tới biển Baltic. Khoảng cách từ biên giới Phần Lan đến Murmansk (một cảng biển của Nga) chỉ có 200 km, đến Bắc Morsk (căn cứ chính của Hạm đội phương Bắc Nga) thì xa hơn một chút, đến Bắc Dvansk (trung tâm đóng tàu của Nga) là 500 km và cách St. Petersburg chỉ có 152 km. Sau khi Phần Lan gia nhập NATO thì biên giới trên bộ hơn nghìn km giữa Phần Lan với Nga bất cứ lúc nào cũng có thể trở thành mặt trận. Trong tương lai, Phần Lan sẽ không thể ngăn cản Mỹ bố trí đầu đạn hạt nhân trong lãnh thổ Phần Lan, thậm chí bố trí tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Mới đây chính quyền Phần Lan cam kết không cho phép bố trí vũ khí hạt nhân bên trong lãnh thổ Phần Lan, nhưng có quan chức NATO nói, NATO không cam kết với Nga rằng nếu kết nạp Thuỵ Điển và Phần Lan, thì NATO sẽ không bố trí vũ khí hạt nhân bên trong lãnh thổ hai nước này. Đồng thời, phần lớn thiết bị quân sự và dân dụng của Nga trong vùng Bắc cực thuộc Nga sẽ nằm trong tầm bắn của các vũ khí của NATO.

Vốn liếng lực lượng quân sự Phần Lan có những gì?

Lực lượng quân sự trên mặt đất, trên biển và trên không của Phần Lan đều đã trải qua huấn luyện và đều có một mục tiêu chính là đánh lui sự xâm nhập của Nga. Hãng tin Anh Reuters ngày 4/4 đưa tin, sau Thế chiến 2, Phần Lan là một trong số ít vài quốc gia trong thời kỳ hoà bình mấy chục năm vẫn bảo lưu một quân đội sẵn sàng chiến đấu, nước này luôn cảnh giác với Nga — nước láng giềng phía Đông.

Hàng năm Phần Lan huấn luyện khoảng 21 nghìn tân binh, lực lượng này sau đó sẽ trở thành một phần của đội quân dự bị 280 nghìn lính thời chiến của Phần Lan, trong đó mỗi năm có chừng 10 nghìn người thay nhau được gọi đi tham gia huấn luyện quân sự. Khoảng 870 nghìn người Phần Lan tuổi từ 17 đến 60 có nghĩa vụ nhập ngũ khi cần thiết. Lực lượng nhân viên theo hợp đồng gồm 12 nghìn người, trong đó 8000 là quân nhân. Tổng Biên tập Nikolai Korotchenko của tạp chí “Quốc phòng” Nga nói, tiềm lực huy động quân đội Phần Lan có thể lên tới 1 triệu người. Đó sẽ là một đội quân được huấn luyện tốt. Về mặt quân sự, Phần Lan chẳng những có tiềm lực quân sự mà còn có nguồn lực tình báo điện tử mạnh mẽ. Các máy bay trinh sát tầm xa của NATO có thể sẽ xuất hiện trên bầu trời Phần Lan, làm tăng sức ép đối với Nga.

Lục quân Phần Lan được trang bị khoảng 650 xe tăng, trong đó khoảng 200 xe “Leopard 2” kiểu A6 và “Leopard 2” kiểu A4. Hơn nữa, Phần Lan còn có “Bộ đội pháo binh mạnh nhất Tây Âu” gồm khoảng 1500 khẩu pháo, trong đó có 700 khẩu lựu pháo và ca-nông, 700 pháo cối (howitzers) và khoảng 100 pháo hoả tiễn nhiều nòng loại nặng và nhẹ. Hoả lực pháo binh Phần Lan mạnh hơn hoả lực tổng cộng của pháo binh Ba Lan, Đức, Na Uy và Thuỵ Điển hiện nay. Phần Lan còn nhập hệ thống ra đa chống pháo binh ELTA của Israel, có thể định vị và theo dõi đạn hoả tiễn, đạn pháo và đạn cối bắn tới.

Trang bị phòng không của Phần Lan gồm 650 tên lửa, ngoài ra còn đang mua nhiều tên lửa của Thuỵ Điển và Israel. Hệ thống phòng không quan trọng nhất của Phần Lan là hệ NASAMS 2 do Na Uy và Mỹ liên kết nghiên cứu chế tạo và tương thích với NATO. Phần Lan hiện đang ở trong giai đoạn cuối cùng quá trình mời thầu hệ thống phòng không tầm cao kiểu mới sẽ mua từ Công ty Aerospace Industries hoặc Rafael Advanced Systems của Israel.

Phần Lan có một số máy bay không người lái không vũ trang kiểu “Orbiter” chưa rõ số lượng và đang mua 1000 đến 2000 chiếc nữa.

Không quân Phần Lan có 61 chiếc chiến đấu cơ F/A-18 “Hornet” sẽ được thay thế bằng 64 chiếc F-35A được bàn giao vào năm 2026. Vào tháng trước, Đan Mạch, Phần Lan, Thuỵ Điển và Na Uy tuyên bố sẽ chung tay vận hành một đội máy bay tổng số 250 chiếc chiến đấu cơ. Tướng James Hecker, Tư lệnh Không quân NATO, đã dự lễ ký Bản Ghi nhớ hợp tác tại một căn cứ Không quân Đức, khi ấy ông đã nói rõ rằng biên đội chiến đấu cơ mới này sẽ “hoà nhập” chức năng vào Bộ Tư lệnh tác chiến NATO quy mô lớn hơn.

Lực lượng hải quân Phần Lan tương đối nhỏ yếu, có 4 tàu chỉ huy, 5 tàu rải thuỷ lôi, 8 tàu tên lửa, 3 tàu chống thuỷ lôi, 13 tàu vớt thuỷ lôi và các tàu đổ bộ loại nhỏ. Phần Lan đang mua 3 tàu hộ vệ đa dụng kiểu mới dùng cho tác chiến trên mặt nước. Các tàu này hiện đang được đóng tại Phần Lan và năm 2029 sẽ đưa vào sử dụng.

Nga sẽ xây dựng một cụm đơn vị quân sự mới ở phía Tây

Theo CNN, Phần Lan gia nhập liên minh an ninh do Mỹ đứng đầu là một đòn giáng vào nước Nga. Về vấn đề NATO sẽ sử dụng các nguồn lực quân sự của Phần Lan như thế nào, tờ “Rossiskaya Gazeta” ngày 5/4 trích dẫn lời chuyên gia quân sự Nga Alexei Leonkov cho rằng: “Trên thực tế, NATO trước tiên cần một mạng lưới rộng lớn các sân bay trong lãnh thổ Phần Lan, nước này hiện có 18 sân bay, rất dễ dàng sử dụng làm sân bay lưỡng dụng quân sự và dân sự. NATO đã từ lâu muốn triển khai bố trí các lực lượng căn cứ tiền duyên, hệ thống tên lửa, hệ thống phòng không chống tên lửa đạn đạo tại các sân bay này. Ngoài ra, các nước phương Tây tin rằng việc Phần Lan và Thuỵ Điển tham gia NATO sẽ “đóng cửa” vịnh Phần Lan vì nó sẽ hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của hoả lực NATO. Biển Baltic sẽ trở thành biển nội địa của NATO. Theo tin của truyền thông Nga, vào tháng trước, một máy bay ném bom chiến lược B-52H của không lực Mỹ đã diễn tập một cuộc tấn công hạt nhân mô phỏng đối với thành phố lớn thứ hai của Nga là St. Petersburg trong vùng biển trung lập của vịnh Phần Lan.

Theo tin ngày 5/4 của tuần báo “Luận chứng và sự kiện” (Nga), giáo sư Vitaly Struygowitz của Học viện khoa học Quân sự Nga cho biết, khoảng cách từ thành phố Phần Lan gần nhất đến thành phố Viburg của Nga chỉ có 65 km. Hiện nay, để đi tới St. Petersburg, xe tăng NATO chỉ cần một lần đổ xăng.

Sự kiện Phần Lan gia nhập NATO gây nguy hiểm cực lớn cho an ninh quốc gia của Nga, vì thế Nga đã phản ứng mạnh. Theo CNN, Nga đã cảnh báo rằng sự mở rộng NATO sẽ không làm cho châu Âu thêm ổn định, nếu NATO gửi quân đội hay thiết bị đến các nước thành viên mới của NATO thì Nga sẽ tăng cường triển khai binh lực ở vùng gần Phần Lan.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko nói với Thông tấn xã Nga TASS: “Nếu các thành viên NATO triển khai quân đội và trang bị trên lãnh thổ Phần Lan, chúng ta sẽ tăng cường khả năng quân sự ở phía Tây và Tây Bắc”. Peskov, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, nhắc lại rằng việc Phần Lan gia nhập NATO sẽ buộc Moscow “phải dùng biện pháp phản ứng ngược nhằm đảm bảo an ninh của chúng ta trên mặt chiến thuật và chiến lược”.

Theo tin ngày 5/4 của tờ “Newspaper” (Nga), quân đội Nga sẽ tổ chức một cụm các đơn vị bộ đội mới ở phía Tây và Tây Bắc. Hồi đầu năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoygu cho biết, sẽ tăng cường cụm đơn vị quân đội đóng ở vùng gần Phần Lan (gồm nước Cộng hoà Karelia và tỉnh Leningrad), cụm này sẽ gồm 3 sư đoàn bộ binh cơ giới hoá và 2 sư đoàn dù đột kích, đồng thời sẽ xem xét việc hoàn thiện hệ thống trinh sát ra đa, tên lửa phòng không và hệ thống hàng không tiêm kích. Quân đội Nga cần tổ chức đơn vị bộ đội tên lửa phòng không mới, đơn vị bộ đội kỹ thuật vô tuyến, tái xây dựng các binh đoàn hàng không thời kỳ Liên Xô từng đóng tại vùng này. Có thể sẽ tăng bộ đội phòng thủ bờ biển và bộ đội trên đất liền. Số lượng bộ đội tên lửa và pháo binh sẽ tăng nhiều. Khi lập kế hoạch tác chiến, có thể sẽ xét tới việc dùng vũ khí chính xác cao tầm xa để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Phần Lan và Thuỵ Điển, trước tiên sẽ sử dụng bộ đội hàng không tầm xa và biên đội Hải quân trang bị tên lửa hành trình “Calibr”.