Vì sao Tập không tiếp cựu tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu?

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Why Xi Jinping did not meet Taiwan’s ex-president,” Nikkei Asia, 13/04/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Sự hữu ích của Mã Anh Cửu đối với Bắc Kinh có thể đang suy giảm.

Trong lúc Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn gặp Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy ở California vào tuần trước, người tiền nhiệm của bà, Mã Anh Cửu, đã xuất hiện ở Trung Quốc đại lục.

Thoạt tiên, có vẻ như Trung Quốc đang trải thảm đỏ chào đón Mã – cựu tổng thống Đài Loan đầu tiên đặt chân lên đại lục. Nhưng khi chuyến đi kết thúc, người ta lại bắt đầu nghĩ đến câu thành ngữ tiếng Trung “đầu rồng, đuôi rắn.” Mọi chuyện đã khởi đầu khá tốt đẹp, nhưng cuối cùng vẫn thất bại.

Mã đã không được gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và hành trình của ông cũng không bao gồm điểm dừng ở Bắc Kinh.

Quá trình đón tiếp này có phần hời hợt so với năm 2015, khi Tập có cuộc hội đàm với Mã ở Singapore và cả hai đã đứng trước máy quay bắt tay trong 80 giây. Đó là cuộc gặp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Đài Loan kể từ khi hai bên chia cắt vào năm 1949, sau cuộc nội chiến giữa phe cộng sản và phe quốc gia.

Mã cũng không gặp Vương Hỗ Ninh, một trong bảy thành viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị đầy quyền lực, dù có nhiều tin đồn rằng hai người sẽ gặp nhau. Vương, nhân vật số 4 của Trung Quốc, là người phụ trách xây dựng một chiến lược toàn diện để thống nhất với Đài Loan.

Cái bắt tay lịch sử kéo dài 80 giây được coi là một biểu tượng của nền chính trị Đài Loan bị nhiều người chỉ trích dữ dội. © Reuters

Người ta đã dự đoán sẽ có một cuộc gặp Mã-Vương, được tổ chức ở Thượng Hải, nơi Vương từng làm việc với tư cách là học giả về chính trị quốc tế tại Đại học Phúc Đán. Thượng Hải cũng đã đóng một vai trò lịch sử trong các hoạt động trao đổi xuyên eo biển.

Nhưng sau cùng, điểm nổi bật trong 12 ngày Mã Anh Cửu ở đại lục lại là cuộc gặp với Tống Đào, Giám đốc Văn phòng Sự vụ Đài Loan của Quốc vụ viện, tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.

Tống bị loại khỏi Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc gồm hơn 200 thành viên vào năm ngoái, và địa vị của ông không cao.

Mã đã gặp một số lãnh đạo địa phương đồng thời là Ủy viên Bộ Chính trị, bao gồm Bí thư Thành ủy Thượng Hải và Trùng Khánh. Nhưng không có người nào trong bảy Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đã tiếp ông.

Khi Andrew Hạ Lập Ngôn – phó chủ tịch đương nhiệm của Quốc Dân Đảng, hiện là đảng đối lập chính ở Đài Loan, đảng mà Mã từng là người đứng đầu – đến thăm Trung Quốc hồi tháng 2, ông đã có cuộc gặp với Vương Hỗ Ninh.

Cuộc gặp của Mã Anh Cửu với Tống Đào, Giám đốc Văn phòng Sự vụ Đài Loan của Quốc vụ viện Trung Quốc, tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, có thể là điểm nhấn tiêu biểu nhất trong chuyến đi của ông. © Reuters

Bắc Kinh đã chọn cách an toàn. Mã Anh Cửu là một nhân vật thân Trung Quốc, có ích cho Bắc Kinh. Nhưng sau bảy năm rời khỏi chiếc ghế quyền lực, người ta đang đặt câu hỏi liệu ông còn giữ được bao nhiêu ảnh hưởng trong xã hội Đài Loan, kể cả trong Quốc Dân Đảng, trước cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới.

Một lý do khác khiến Bắc Kinh do dự là tình cảm mạnh mẽ của Mã đối với Trung Hoa Dân Quốc, tên chính thức của Đài Loan, một quốc gia mà Trung Quốc chưa bao giờ công nhận. Bất chấp việc ông kêu gọi cải thiện quan hệ giữa hai bờ eo biển, Mã rốt cuộc vẫn là một cựu tổng thống Đài Loan, đến từ Quốc Dân Đảng, lực lượng đã tham gia cuộc nội chiến khốc liệt chống lại những người cộng sản.

Nỗi lo của Trung Quốc đã trở thành hiện thực trong chuyến thăm của Mã tới tỉnh Hồ Nam, vốn là quê gốc của ông. Khi đến thăm nghĩa trang của dòng họ, Mã đã xúc động báo cáo với tổ tiên những thành quả mà mình đạt được trong thời gian làm tổng thống của Trung Hoa Dân Quốc.

Mã cũng có những nhận xét đầy bất ngờ trong một sự kiện được tổ chức tại Đại học Hồ Nam. Ông nói, “Đất nước chúng ta đã bị chia cắt thành hai phần. Một phần là Đài Loan và phần còn lại là đại lục.” Trước sự khó chịu của Bắc Kinh, ông kết luận, “Cả hai đều là một phần của Trung Hoa Dân Quốc, cả hai đều là Trung Quốc.”

Có thể nói đây là lần đầu tiên một cựu tổng thống Đài Loan lên tiếng về biên giới của Trung Hoa Dân Quốc ngay tại Trung Quốc đại lục.

“Trung Quốc dường như lo lắng, thậm chí tức giận, trước phát ngôn bất ngờ của Mã Anh Cửu,” một chuyên gia am hiểu về quan hệ hai bờ eo biển nhận định. “Điều này có thể ảnh hưởng đến cách Trung Quốc sẽ sử dụng Mã trong tương lai.”

Có quan điểm cho rằng nếu Mã không tuyên bố mình là cựu tổng thống của Trung Hoa Dân Quốc, hoặc không tuyên bố rằng đại lục là một phần của Trung Hoa Dân Quốc, thì cuộc gặp của ông với Vương ở Thượng Hải đã có thể diễn ra.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy tươi cười tại Thư viện Tổng thống Ronald Reagan ở Thung lũng Simi, California, vào ngày 5/4. ©AP

Tuy nhiên, một nguồn tin khác cũng có hiểu biết sâu sắc về quan hệ hai bờ eo biển lại có cách nhìn khác.

Người này cho biết cuộc gặp Tập-Mã đã nằm trong kế hoạch của Bắc Kinh, nhưng chính Mã mới là người do dự vì nhiều quan ngại khác nhau. Việc Quốc Dân Đảng vẫn chưa chọn ứng viên tổng thống của mình dường như là một trong những quan ngại đó.

Nguồn tin cho biết, cũng có một kế hoạch để Mã gặp Vương Hỗ Ninh, nhưng kế hoạch này đã bị hủy bỏ từ trước khi chuyến đi bắt đầu.

Một cách diễn giải là, bằng việc không gặp Mã, giới lãnh đạo Trung Quốc đã tận dụng chuyến đi của cựu tổng thống Đài Loan để tránh gây hại thêm cho quan hệ với Mỹ

Đối với cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới ở Đài Loan, Mã đóng một vai trò nhất định.

Quốc Dân Đảng của ông đang cảnh báo rằng nếu Đảng Dân Tiến có khuynh hướng độc lập tiếp tục nắm quyền, điều đó có thể dẫn đến một cuộc xâm lược vũ trang của Trung Quốc. Khi Quốc Dân Đảng thắng lớn trong cuộc bầu cử địa phương ở Đài Loan vào tháng 11/2022, khẩu hiệu của họ là “Đừng biến Đài Loan thành Ukraine tiếp theo.”

Quốc Dân Đảng gợi ý rằng họ có thể tránh được nguy cơ xâm lược vũ trang thông qua hòa giải với Bắc Kinh. Nhưng điều này có thể dễ dàng được hiểu là “bắt tay” với Trung Quốc và sẽ kích động phản ứng dữ dội từ các cử tri của hòn đảo.

Trong khi đó, Đảng Dân Tiến cầm quyền khẳng định rằng nếu Quốc Dân Đảng, vốn ủng hộ “một Trung Quốc,” giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, Đài Loan sẽ trở thành Hong Kong tiếp theo và sẽ bị tước mất các quyền tự do.

“Đừng biến Đài Loan thành Hong Kong tiếp theo,” là khẩu hiệu của Đảng Dân Tiến. Họ ủng hộ ý tưởng ngăn chặn các động thái chống lại Đài Loan của Trung Quốc thông qua quan hệ đối tác an ninh mạnh mẽ với thế giới tự do do Mỹ lãnh đạo.

Một bức ảnh ghi lại cảnh máy bay chiến đấu cất cánh từ tàu Sơn Đông, ngày và địa điểm chụp ảnh chưa được công bố. © Bộ Quốc phòng/Kyodo

Các diễn biến cho thấy rằng Trung Quốc vẫn quan tâm đến Mã. Họ đã trì hoãn việc bắt đầu một cuộc tập trận quân sự xung quanh hòn đảo cho đến khi cựu tổng thống Đài Loan rời khỏi đại lục.

Với sự tham gia của tàu sân bay Sơn Đông, một cuộc tập trận quy mô lớn – nhằm trả đũa Thái Anh Văn vì dám gặp McCarthy – đã bắt đầu vào ngày 8/4, sau khi Mã Anh Cửu trở về Đài Loan.

Nếu quân đội Trung Quốc phô trương lực lượng ở quy mô lớn trong lúc Mã vẫn đang thăm Trung Quốc, thì ông sẽ bị mất mặt và bị chỉ trích ở quê nhà, thậm chí có thể không thể quay lại hòn đảo.

Nếu việc đó xảy ra, nó sẽ có lợi cho ứng viên tổng thống của Đảng Dân Tiến, William Lại Thanh Đức, người sẽ có thêm cái cớ để tấn công Quốc Dân Đảng.

Quốc Dân Đảng hiện vẫn chưa chọn được ứng viên tổng thống, một yếu tố có thể giải thích cho việc Tập Cận Bình “hắt hủi” Mã.

Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn sẽ nắm chắc quân bài Mã Anh Cửu, dù họ có thể nhận ra rằng Mã chưa bao giờ là con át chủ bài bí mật của họ.

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.