Nguồn: Mordechai Chaziza, “The Global Security Initiative: China’s New Security Architecture for the Gulf,” The Diplomat, 05/05/2023
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI) là biểu hiện mới nhất về nỗ lực của Trung Quốc nhằm thách thức hệ thống quản trị toàn cầu do phương Tây lãnh đạo. Nó sẽ được triển khai như thế nào ở Vùng Vịnh?
Trong bài phát biểu quan trọng tại thượng đỉnh Trung Quốc-Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) vào tháng 12/2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lưu ý rằng chuyến đi của ông tới Ả Rập Saudi đã báo trước một “kỷ nguyên mới” trong quan hệ đối tác Trung Quốc-Ả Rập và mời các quốc gia Vùng Vịnh tham gia Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI) “trong một nỗ lực chung nhằm duy trì hòa bình và ổn định khu vực.”
“Trung Quốc sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ các nước GCC trong việc bảo vệ an ninh của họ, và ủng hộ nỗ lực của các nước trong khu vực nhằm dung hòa những khác biệt thông qua đối thoại và tham vấn, cũng như xây dựng một cấu trúc an ninh chung cho Vùng Vịnh,” Tập tuyên bố.
Phải chăng đang có sự thay đổi trong lập trường trung lập lâu nay của Trung Quốc đối với Vùng Vịnh, đặc biệt là khi Mỹ đang từ bỏ các cam kết an ninh của mình tại khu vực này? Liệu GSI có ảnh hưởng đến cấu trúc an ninh ở Vùng Vịnh và quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ và các quốc gia Vùng Vịnh hay không?
Sáng kiến An ninh Toàn cầu
GSI, được Tập đưa ra tại hội nghị thường niên của Diễn đàn Châu Á Bát Ngao tháng 4/2022, bao gồm các nguyên tắc chung, trong đó nhắc lại các tuyên bố an ninh và chính sách đối ngoại trước đây của Trung Quốc. Sang tháng 2 năm nay, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công bố một tài liệu định nghĩa mới về GSI, trong đó nêu chi tiết về “sáu cam kết” và xác lập các lĩnh vực hợp tác ưu tiên. Dù nội dung chủ yếu trình bày lại các nguyên tắc và hoạt động đã có từ lâu dưới một tên gọi mới, tài liệu này đã được dán nhãn là một “sáng kiến toàn cầu”. Nó nên được coi là một tuyên bố về ý định của Trung Quốc, nhằm khẳng định một vai trò quan trọng hơn nhiều trong chính trường quốc tế. Chương trình an ninh của Trung Quốc khác biệt đáng kể so với chương trình của Mỹ, cả về nguyên tắc và thực tiễn, khiến lĩnh vực này trở thành đấu trường cạnh tranh mới giữa hai cường quốc.
GSI là biểu hiện mới nhất trong lập luận quốc tế của Trung Quốc nhằm thách thức hệ thống quản trị toàn cầu do phương Tây lãnh đạo, chủ yếu là để phi chính danh hóa vai trò của Mỹ ở châu Á và ủng hộ cách tiếp cận loại trừ Mỹ đối với quản trị an ninh châu Á. Tuy nhiên, không có cam kết nào trong số sáu cam kết này là mới đối với chính sách đối ngoại và an ninh của Trung Quốc. Chúng chỉ củng cố các chuẩn tắc cơ bản của chính sách đối ngoại Trung Quốc hiện đại, như đã được hệ thống hóa trong Năm Nguyên tắc Chung sống Hoà bình. Tài liệu định nghĩa GSI nêu bật 20 ưu tiên, cùng với 5 nền tảng và cơ chế hợp tác chính cho các vấn đề lớn, gồm thiếu hòa bình, phát triển, an ninh, và quản trị.
GSI đã nhanh chóng được đưa vào các hoạt động ngoại giao và chính sách đối ngoại khác nhau trên khắp châu Phi và Trung Đông. Trong bối cảnh quan hệ đối tác chiến lược hiện có giữa Trung Quốc với các quốc gia Vùng Vịnh, vốn tuân thủ nguyên tắc không can thiệp, nhiều chính phủ Vùng Vịnh có thể sẽ coi GSI là phù hợp với quan điểm an ninh khu vực và quốc tế của họ. Xét đến hồ sơ đầu tư và thương mại quan trọng của Trung Quốc, GSI nhiều khả năng sẽ thu hút được sự ủng hộ ở một số nước thuộc Vùng Vịnh. Hơn nữa, giống như Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), GSI có thể được một số quốc gia Vùng Vịnh coi là cơ hội để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trong kinh tế và chính trị toàn cầu.
Tài liệu về GSI coi Trung Quốc là một bên trung gian trung thực, sẵn sàng đóng vai trò là người bảo trợ và bảo vệ an ninh toàn diện trên toàn thế giới. Ở Trung Đông, tài liệu GSI kêu gọi thiết lập một “khuôn khổ an ninh mới” dựa trên đề xuất năm điểm của Trung Quốc, nhằm đạt được hòa bình và ổn định trong khu vực, “bao gồm ủng hộ sự tôn trọng lẫn nhau, duy trì công bằng và công lý, thực hiện không phổ biến vũ khí hạt nhân, cùng nhau củng cố an ninh tập thể, và thúc đẩy hợp tác phát triển.” Hơn nữa, Trung Quốc hứa sẽ sử dụng GSI để hỗ trợ nỗ lực của các nước trong khu vực nhằm “tăng cường đối thoại và cải thiện quan hệ của họ, đáp ứng các quan ngại an ninh hợp lý của tất cả các bên, tăng cường lực lượng nội bộ để bảo vệ an ninh khu vực và hỗ trợ Liên đoàn Ả Rập cùng các tổ chức khu vực khác đóng vai trò xây dựng trong vấn đề này.”
GSI và Kiến trúc An ninh ở Vùng Vịnh
Quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia Vùng Vịnh đã phát triển mạnh trong những thập niên gần đây, thể hiện qua các quan hệ ngày càng chặt chẽ về năng lượng, thương mại, chính trị, đầu tư, công nghệ, du lịch và văn hóa. Các quốc gia Vùng Vịnh cũng đóng một vai trò quan trọng trong BRI và giúp Trung Quốc mở rộng về phía tây, nhờ vào vị trí địa lý thuận lợi gần Biển Đỏ của họ. Trao đổi kinh tế Vùng Vịnh-Trung Quốc không chỉ giới hạn ở năng lượng và hóa chất (dù nó là khía cạnh trung tâm của mối quan hệ), cũng không vận hành chỉ theo một hướng. Thay vào đó, nó đã trở thành một quá trình hai chiều được đa dạng hóa và củng cố bởi cả hai bên, để bao gồm cả phát triển năng lượng tái tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng, và giao thông. Ngoài ra, hợp tác Trung Quốc-Vùng Vịnh cũng đã bắt đầu chuyển sang các hình thức hoạt động kinh tế khác tiên tiến hơn, có giá trị gia tăng cao hơn, bao gồm đầu tư vào tài chính, du lịch, và nền kinh tế kỹ thuật số.
GSI của Trung Quốc đại diện cho một nỗ lực lớn nhằm can dự vào khu vực Vùng Vịnh và thúc đẩy sự ổn định và thịnh vượng. Khi ảnh hưởng của Trung Quốc tăng lên, sự can dự của nước này sẽ tác động đáng kể đến cấu trúc an ninh trong khu vực. Hiện tại, Trung Quốc đã tích cực hợp tác cùng các quốc gia Vùng Vịnh trong nhiều vấn đề an ninh khác nhau, bao gồm xuất khẩu vũ khí, trao đổi và tập trận quân sự, chống khủng bố, an ninh hàng hải và an ninh mạng. Hai bên cũng đã ký thỏa thuận hợp tác, đào tạo các quan chức an ninh, các nhà nghiên cứu và quân nhân, đồng thời thành lập các chi nhánh của các học viện và trường đại học thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân.
Nhìn chung, GSI của Trung Quốc đại diện cho một sự thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận của nước này đối với các vấn đề an ninh toàn cầu. Trung Quốc đang tìm cách trở thành một nhân vật có vị thế hơn trong các vấn đề an ninh quốc tế, bằng cách mở rộng sự hiện diện và ảnh hưởng của mình trong các vấn đề an ninh ở Trung Đông. Do đó, việc họ gắn kết hơn với các quốc gia Vùng Vịnh là một thành phần quan trọng của chiến lược này.
Chuyến thăm của Tập Cận Bình tới Ả Rập Saudi vào tháng 12/2022 đã đánh dấu một bước ngoặt trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc đối với các quốc gia Vùng Vịnh. Trung Quốc tuyên bố rằng họ sẽ hỗ trợ các quốc gia Vùng Vịnh duy trì an ninh, giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, cũng như phát triển một cấu trúc an ninh mới và toàn diện hơn cho Vùng Vịnh. Tập lưu ý rằng chuyến đi của ông báo trước một “kỷ nguyên mới” trong quan hệ đối tác Trung Quốc-Ả Rập. Những nước tham gia thượng đỉnh đã công bố một kế hoạch hành động chung 5 năm về đối thoại chiến lược, kế hoạch này cũng sẽ phát triển quan hệ đối tác của họ trong nhiều vấn đề an ninh và kinh tế khu vực.
Sự bành trướng trên toàn thế giới của Trung Quốc đã tạo ra một quyết tâm mạnh mẽ, để tham gia nhiều hơn vào chính trị và an ninh khu vực, đáng chú ý nhất là thông qua GSI như một cấu trúc an ninh mới cho Vùng Vịnh. Khuôn khổ GSI cho phép Trung Quốc hợp tác với các quốc gia Vùng Vịnh về các vấn đề an ninh và trở thành nhà cung cấp chính của các hàng hóa công liên quan đến an ninh.
Về phần mình, các quốc gia Vùng Vịnh đã thất vọng trước việc Mỹ từ bỏ khu vực bị chiến tranh tàn phá này để xoay trục sang châu Á. Kết quả là vào tháng 3, Ả Rập Saudi và Iran đã đồng ý thiết lập lại quan hệ ngoại giao trong một thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian. Thỏa thuận này báo hiệu sự gia tăng mạnh mẽ ảnh hưởng của Trung Quốc ở Vùng Vịnh, nơi Mỹ từ lâu đã là trung gian nổi bật, và có thể làm phức tạp hóa các nỗ lực của Washington và Israel nhằm củng cố liên minh khu vực để đối đầu với Iran khi nước này mở rộng chương trình hạt nhân. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc can thiệp trực tiếp vào các cuộc cạnh tranh chính trị ở Vùng Vịnh.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Vương Nghị, cho biết cuộc đối thoại giữa hai nước đã “trở thành một thực tiễn thành công cho việc triển khai mạnh mẽ Sáng kiến An ninh Toàn cầu.” Vương mô tả thỏa thuận Iran-Saudi là một chiến thắng cho đối thoại và hòa bình, đồng thời nói thêm rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu đầy thách thức. Việc Trung Quốc tổ chức đàm phán dẫn đến bước đột phá đã cho thấy thiện chí và nỗ lực thúc đẩy hòa bình ở Trung Đông thông qua đối thoại chính trị, cũng như nỗ lực thúc đẩy việc thực hiện GSI.
Tuy nhiên, có thể sẽ mất nhiều thời gian để giảm bớt căng thẳng an ninh và phe phái lâu đời vốn đã chia rẽ Ả Rập Saudi và Iran suốt hàng chục năm và thúc đẩy cuộc cạnh tranh giữa hai bên nhằm giành quyền thống trị khu vực. Rạn nứt Iran-Ả Rập Saudi thể hiện qua những vụ bạo lực thường xuyên nổ ra giữa người Hồi giáo Shiite và Sunni đã thống trị Trung Đông trong nhiều thập niên.
Hơn nữa, thỏa thuận Ả Rập Saudi-Iran đã được ký kết sau khi có báo cáo cho rằng Riyadh đề nghị bình thường hóa quan hệ với Israel để đổi lấy cam kết của Mỹ đối với an ninh Vùng Vịnh, hỗ trợ cho chương trình hạt nhân của Ả Rập Saudi và mở rộng chương trình bán vũ khí cho vương quốc này. Theo một bài viết trên tờ Wall Street Journal, sau khi ký kết thỏa thuận nối lại quan hệ với Iran do Trung Quốc làm trung gian, các quan chức Ả Rập Saudi cho biết Thái tử Mohammed bin Salman hy vọng rằng bằng cách khiến cho các cường quốc chống lại nhau, ông sẽ có thể gia tăng áp lực lên Mỹ như một phần trong nỗ lực nhằm đạt được các đảm bảo an ninh và được bật đèn xanh để phát triển chương trình hạt nhân dân sự.
Kết luận
Cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ trước tiên là cuộc đấu tranh xem ai sẽ là người đặt ra các quy tắc toàn cầu, về cơ bản là cuộc đấu tranh giành quyền có tiếng nói trên trường quốc tế. GSI là một phần trong nỗ lực lớn hơn của Trung Quốc nhằm thiết lập một thế giới đa cực hậu phương Tây và thiết lập các chương trình nghị sự toàn cầu phản ánh lợi ích và giá trị của nước này. Giống như bất kỳ cường quốc nào khác, Trung Quốc theo đuổi lợi ích quốc gia của mình, nhưng với tư cách là một siêu cường đang lên, nước này cũng tìm cách thiết lập vai trò lãnh đạo toàn cầu.
Thoạt nhìn, mức độ can dự ngày càng tăng ở Vùng Vịnh chứng tỏ rằng Trung Quốc đang tìm cách đóng một vai trò quan trọng hơn trong việc định hình triển vọng của các thỏa thuận an ninh khu vực. Sự hiện diện ngày càng mở rộng của Trung Quốc đã dẫn đến một quyết tâm mạnh mẽ hơn trong việc can dự nhiều hơn vào chính trị và an ninh khu vực, đáng chú ý nhất là thông qua GSI như một cấu trúc an ninh mới cho Vùng Vịnh.
Tuy nhiên, sự tham gia ngày càng tăng của Trung Quốc ở Vùng Vịnh không nhất thiết có nghĩa là nước này mong muốn thay thế Mỹ và cung cấp tài chính cho một hệ thống an ninh mới. Sẽ không có sự thay thế nào cho sự thống trị về an ninh và ngoại giao của Washington trong khu vực. Trung Quốc không thể, và trên thực tế không quan tâm đến việc thay thế Washington ở Vùng Vịnh. Mỹ vẫn là nhà cung cấp an ninh hàng đầu của khu vực, không chỉ ở việc trở thành nước bán nhiều vũ khí nhất cho các quốc gia Vùng Vịnh mà còn là nước có hiện diện quân sự lớn nhất. GSI của Trung Quốc cần cung cấp các giải pháp thay thế khả thi cho sự răn đe tích hợp của Washington ở Vùng Vịnh. Dù ngày càng có nhiều lựa chọn đến từ Trung Quốc về hàng hóa an ninh công, công nghệ quân sự và lưỡng dụng, nhưng Trung Quốc vẫn chưa thể thay thế khả năng răn đe tổng thể của Mỹ ở Vùng Vịnh.
Tuy nhiên, Trung Quốc hiện đang cung cấp các giải pháp thay thế an ninh hạn chế, có thể trực tiếp và gián tiếp làm suy yếu sự thống trị của Mỹ, ngay cả khi không thể hoàn toàn thay thế họ.
Dù tầm nhìn thay thế của Trung Quốc về một cấu trúc an ninh mới (đáng chú ý nhất là thông qua GSI) ở Vùng Vịnh vẫn cần được phát triển để giải quyết các nhu cầu an ninh thực tế, nhưng Trung Quốc có thể định hình lại đáng kể môi trường địa chính trị, xét đến sự can dự chiến lược ngày càng tăng của nước này tại các quốc gia Vùng Vịnh. Sự can dự này đôi khi sẽ có lợi cho Mỹ hoặc các đồng minh của Mỹ. Washington không thể mong đợi các đồng minh Vùng Vịnh từ chối GSI, nhưng Trung Quốc cũng không thể trông đợi họ từ bỏ cấu trúc an ninh và mạng lưới liên minh của Mỹ. Trong khi Trung Quốc đã bắt đầu trình bày một tầm nhìn táo bạo về quản trị an ninh toàn cầu, thì sự thành công và tác động của sáng kiến này ở Vùng Vịnh cuối cùng vẫn phụ thuộc vào thiện chí hợp tác của các đối tác địa phương trong khuôn khổ GSI.
Rốt cuộc, điều cần thiết là phải theo dõi sự phát triển của GSI và mối liên hệ của nó với những tham vọng rộng lớn hơn của Trung Quốc nhằm cải cách quản trị toàn cầu trong những năm tới. Bất chấp quan điểm của chính quyền Biden, việc Mỹ thực sự rút khỏi khu vực là rất khó xảy ra. Điều này đặc biệt đúng đối với Vùng Vịnh, nơi sự hiện diện quân sự của Mỹ đã tăng lên đều đặn trong thập niên qua. Washington vẫn duy trì những lợi ích sống còn trong việc đảm bảo tự do hàng hải và bảo vệ nguồn cung dầu toàn cầu.
Thậm chí nếu người Mỹ cuối cùng cũng rút khỏi Vùng Vịnh, Trung Quốc vẫn phải mở rộng khả năng triển khai sức mạnh của mình thì mới có thể thay thế cấu trúc an ninh của Mỹ. Hiện tại, Trung Quốc thiếu khả năng quân sự – đặc biệt là khả năng yểm trợ trên không, đòi hỏi phải có các căn cứ quân sự trong khu vực – và thiếu ý chí chính trị để cung cấp một giải pháp thay thế khả thi. Tuy nhiên, các dự án đang phát triển trong khuôn khổ BRI và các biến động trong khu vực có thể thay đổi những tính toán này trong dài hạn.
Tiến sĩ Mordechai Chaziza là nghiên cứu viên tại Khoa Nghiên cứu Châu Á, Đại học Haifa, đồng thời là giảng viên cao cấp tại Khoa Chính trị và Quản trị và Khoa Nghiên cứu Đa ngành về Khoa học Xã hội tại Viện Học thuật Ashkelon, Israel.