Thế giới hôm nay: 01/06/2023

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Lạm phát ở Đức giảm mạnh trong tháng 5. Cụ thể, giá cả tăng 6,3% trong 12 tháng gần nhất, giảm từ mức 7,6% của một tháng trước đó (được đo bằng chỉ số giá tiêu dùng hài hòa, có thể dùng để so sánh giữa các nước). Con số này của Pháp cũng giảm xuống 6%, mức thấp nhất trong một năm qua, dù dự đoán của giới kinh tế là 6,4%. Tin tốt từ hai nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng euro làm dấy lên hy vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể sớm ngừng tăng lãi suất.

Hạ viện Mỹ chuẩn bị bỏ phiếu lần cuối về một thỏa thuận sẽ đình chỉ trần nợ và tránh vỡ nợ công. Chủ tịch Hạ viện thuộc đảng Cộng hòa Kevin McCarthy tiếp tục tìm kiếm sự ủng hộ cho thỏa thuận từ các thành viên trong đảng của ông, trong đó có một số người muốn cắt giảm chi tiêu sâu hơn. Cuộc bỏ phiếu ​​sẽ diễn ra sau đó vào ngày thứ Tư theo giờ Mỹ.

Đức tuyên bố sẽ buộc Nga phải đóng cửa 4 lãnh sự quán vào cuối năm nay bằng cách thu hồi giấy phép. Đây là động thái trả đũa việc Nga giới hạn số lượng quan chức ngoại giao Đức ở mức 350 người từ tuần trước, khiến Đức phải đóng một số lãnh sự quán. Người phát ngôn của Đức cho biết động thái của Nga là một “bước leo thang.”

Sản lượng của các nhà máy Trung Quốc trong tháng 5 giảm so với tháng 4, làm dấy lên lo ngại đà phục hồi kinh tế của nước này đang chậm lại. Cục Thống kê Quốc gia báo cáo chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của ngành sản xuất giảm còn 48,8. (Dưới 50 đồng nghĩa với suy thoái.) Chỉ số PMI “phi sản xuất” của Trung Quốc, bao gồm lĩnh vực xây dựng và dịch vụ, đạt 54,5.

Ít nhất 5 người thiệt mạng và 19 người bị thương do pháo kích ở Luhansk, khu vực do Nga kiểm soát ở miền đông Ukraine. Nga đổ lỗi cho Ukraine về vụ tấn công. Thống đốc Krasnodar, một khu vực ở miền nam nước Nga, cũng cho biết máy bay không người lái của Ukraine đã gây ra hỏa hoạn tại một nhà máy lọc dầu của Nga. Hôm thứ Ba, Vladimir Putin đã thề sẽ cải thiện khả năng phòng không xung quanh Moscow sau khi thủ đô bị tấn công bằng máy bay không người lái.

Quân đội Sudan rút khỏi các cuộc đàm phán ngừng bắn với Lực lượng Hỗ trợ Nhanh tại thành phố Jeddah của Ả Rập Saudi. Quân đội nói nhóm bán quân sự “liên tục vi phạm” hai lệnh ngừng bắn ngắn hạn đã được đàm phán thành công gần đây. Sau sáu tuần giao chiến, cuộc xung đột ở Sudan đã khiến 1,4 triệu người phải tản cư và hơn 350.000 người phải chạy ra nước ngoài.

Các cơ quan thể thao của Kosovo tố cáo Novak Djokovic, một ngôi sao quần vợt người Serbia, làm kích động bất ổn chính trị. Sau khi thắng một trận tại giải Pháp Mở rộng, Djokovic đã lên tiếng ủng hộ cộng đồng thiểu số người Serbia ở Kosovo khi bạo lực nổ ra với lực lượng gìn giữ hòa bình NATO về các cuộc bầu cử gây tranh cãi. Liên đoàn Quần vợt Kosovo cho biết sẽ yêu cầu các tổ chức quần vợt khác phạt Djokovic.

Con số trong ngày: 124, là số quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận tỷ suất sinh năm 2021 dưới 2,1, mức cần thiết để giữ dân số ổn định theo thời gian.

TIÊU ĐIỂM

Tình hình lạm phát của châu Âu

Trong tháng 4, lạm phát ở khu vực đồng euro tăng nhẹ từ 6,9% trong tháng 3 lên 7,0%. Con số này thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 10,6% của tháng 10 năm ngoái. Nhưng việc lạm phát có tăng cho thấy con đường đi xuống mục tiêu lạm phát 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ chậm hơn so với mong đợi. Dữ liệu lạm phát tháng 5 được công bố vào thứ Năm sẽ cho thấy liệu đà tăng có tăng lên trong vài tuần qua hay không.

Ít nhiều cũng có hy vọng. Hôm thứ Ba, có thông tin cho rằng lạm phát của Tây Ban Nha đã giảm xuống 2,9%, gần chạm mục tiêu của ECB. Số liệu từ Pháp và Đức, được công bố vào thứ Tư, cũng tích cực. Song lạm phát cơ bản của Tây Ban Nha, tức không tính giá năng lượng và lương thực, chỉ giảm 0,5% xuống mức cao khó chịu 6,1%. Và tiền lương ở Hà Lan tăng 5,7% trong tháng 4 so với một năm trước đó. Lạm phát khu vực đồng Euro có thể vẫn còn cao trong thời gian tới.

Cộng đồng Chính trị châu Âu họp thượng đỉnh ở Moldova

Gần 50 nhà lãnh đạo châu Âu sẽ gặp nhau gần Chisinau, thủ đô Moldova, vào thứ Năm để tham dự cuộc họp thứ hai của “Cộng đồng Chính trị châu Âu” (EPC). Là đứa con tinh thần của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, EPC ra mắt vào tháng 10 năm ngoái. Những người hoài nghi cho rằng nó là chiêu trò của Pháp nhằm ngăn Liên minh châu Âu mở rộng. Nhưng ông Macron lập luận rằng câu lạc bộ mang đến một cách khác để thể hiện sự thống nhất của châu Âu ngoài 27 thành viên EU và để thảo luận về an ninh tập thể. Các nước tham dự có Anh và Ukraine, trong khi tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan rút lui.

Hôm thứ Tư, ông Macron đã có một bài phát biểu tại Slovakia, trong đó ông nói việc mở rộng EU nên diễn ra “càng nhanh càng tốt” và kêu gọi một “con đường hướng tới” tư cách thành viên NATO cho Ukraine. Và ông cũng hầu như tránh dùng thuật ngữ “quyền tự chủ chiến lược,” tức lời kêu gọi châu Âu tự bảo vệ mình thay vì dựa vào Mỹ. Hội nghị thượng đỉnh EPC chắc chắn sẽ nhấn mạnh sự đoàn kết. Được biết nó diễn ra ở nơi chỉ cách biên giới Moldova-Ukraine 21 km.

Tranh cãi về xe scooter điện ở các nước phát triển

Vào thứ Năm, một số công ty đường sắt ở London và đông nam nước Anh sẽ bắt đầu cấm xe scooter điện (như trong hình) trên các chuyến tàu của họ. Đây là động thái phản ứng trước những lo ngại về nguy cơ hỏa hoạn từ pin lithium-ion của loại xe này, thường được quảng cáo là một cách hiệu quả để di chuyển quanh các thành phố mà không gây ô nhiễm. Trong những tháng gần đây các nhà khai thác đường sắt trên khắp nước Anh cũng đã ra các lệnh cấm tương tự. Hồi tháng 4, sau một loạt vụ tai nạn, người dân Paris đã bỏ phiếu cấm sử dụng xe scooter điện cho thuê.

Những người phản đối cho rằng các chương trình chia sẻ xe scooter điện, vốn cho phép người dùng dùng và trả các xe được đặt ở khắp trung tâm thành phố, gây mất an toàn. Người dùng thường để xe trên vỉa hè, nơi chúng thường xuyên bị va chạm và làm tăng nguy cơ cháy pin. Dù thế, trong bối cảnh các thành phố phải chạy đua để đối phó với ô nhiễm không khí và các thách thức khí hậu, di chuyển “sạch” vẫn là một ý tưởng hấp dẫn. Nhưng để xe scooter điện trở thành một giải pháp bền vững, có thể cần chính sách quản lý cẩn thận hơn.

Venice chuẩn bị cho tương lai nước biển dâng cao hơn

Hội nghị Bền vững hai năm một lần đầu tiên của Venice, khai mạc vào thứ Năm, sẽ nói nhiều về hàng rào biển di động của thành phố, lớn nhất thế giới. Được gọi là MOSE, gợi nhắc tên nhân vật Moses trong Kinh thánh, hệ thống này có 78 cửa chặn lũ định kỳ trồi lên từ dưới nước để chặn thủy triều dâng cao nhằm ngăn nước vào làm ngập Venice và đầm phá của thành phố. Công trình này tốn 5,5 tỷ euro để xây dựng và bắt đầu hoạt động từ năm ngoái. Nhưng mực nước biển đang dâng nhanh hơn dự báo và MOSE sẽ không thể bảo vệ Venice mãi mãi. Các cuộc triển lãm và sự kiện của Hội nghị sẽ khám phá các lựa chọn khi MOSE không còn hiệu quả nữa.

Viễn cảnh đó vẫn còn xa. Nhưng Hội nghị muốn nhấn mạnh sự cần thiết phải có giải pháp. Một cách tương đối rẻ tiền được các kỹ sư thủy lực đưa ra là bơm nước biển xuống sâu dưới lòng đất với áp suất đủ cao để nâng Venice lên 25 cm trong hơn một thập niên. Đề xuất này khiến một số người sợ hãi. Nhưng nó có thể tốt hơn là niêm phong hoàn toàn vùng đầm phá — hoặc tháo dỡ các tòa nhà quý giá của Venice để lắp ráp lại ở nơi khác.