11/06/1788: Nhà thám hiểm người Nga Izmailov đến Vịnh Yakutat, Alaska

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Russian explorer Izmailov arrives at Yakutat Bay, Alaska, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1788, trong chuyến đi nhằm tìm kiếm lông rái cá biển và các loại lông thú khác, nhà thám hiểm người Nga Gerasim Grigoriev Izmailov đã đến bờ biển Alaska khi con tàu của ông thả neo tại Vịnh Yakutat.

Trong khi người Mỹ cho rằng việc khám phá miền Viễn Tây sẽ phải bắt đầu từ phía đông và tiến dần về phía tây, người Nga lại làm điều ngược lại. Từ phía bắc Thái Bình Dương xa xôi, họ chỉ bị ngăn cách với lục địa Bắc Mỹ bởi Biển Bering tương đối dễ vượt qua. Sa hoàng Peter Đại đế và những người kế vị ông đã bảo trợ cho nhiều chuyến đi tiến về phía đông đến bờ biển Alaska, gồm chuyến đi năm 1741 của Vitus Bering, người có tên được đặt cho eo biển hẹp ngăn cách phía bắc Alaska và Nga.

Bering cũng báo tin cho người Nga rằng có rất nhiều rái cá biển ở vùng đất mà họ gọi là Alaska, một từ tiếng Nga phát xuất từ tiếng Aleut, có nghĩa là “bán đảo” hoặc “đất liền.” Các công ty kinh doanh lông thú của Nga được thành lập và nhanh chóng trở thành đại diện thám hiểm bán chính thức của các sa hoàng. Cuối thế kỷ 18, các tàu của Anh, Tây Ban Nha, và Mỹ bắt đầu đi qua vùng biển ngoài khơi bờ biển Alaska, và người Nga ngày càng lo ngại về việc bảo vệ các yêu sách lãnh thổ của mình tại khu vực này.

Năm 1776, Gerrasim Grigoriev Izmailov đã tham gia nỗ lực thám hiểm và tuyên bố chủ quyền của Nga ở Alaska, thực hiện một chuyến đi buôn lông thú thành công, mang về một lô hàng trị giá khoảng 86.000 đô la. Sau đó, ông tiếp tục có nhiều chuyến đi đến Alaska để thu thập lông thú, ra khơi từ cảng Okhotsk trên Bờ Đông nước Nga.

Cuối những năm 1780, Izmailov đã trở thành một trong số ít thuyền trưởng người Nga dày dạn kinh nghiệm về Bờ biển Alaska. Mong muốn thúc đẩy tuyên bố chủ quyền của Nga tại Eo biển Hoàng tử William và vùng bờ biển Alaska, những người bảo trợ của Izmailov đã phái ông thực hiện một hành trình thám hiểm và ngoại giao tại khu vực này. Trước tiên, Izmailov đến được một số hòn đảo ngoài khơi Alaska, nơi ông dựng những cây thánh giá lớn bằng gỗ nhằm tuyên bố lãnh thổ này là tài sản của nước Nga. Sau đó, ông tiến về phía đông dọc theo bờ biển Alaska và cuối cùng cập bờ tại Vịnh Yakutat vào ngày 11/06/1788.

Tại Vịnh Yakutat, Izmailov ngay lập tức bắt đầu một chương trình buôn bán lông thú thành công và hòa bình với tộc người Tlingit bản địa. Ông đã tặng cho Tù trưởng Tlingit, Ilkhak, một bức chân dung của Sa hoàng Paul, có lẽ với ẩn ý rằng vị vua ở nơi xa nên được coi là người cai trị mới của tộc Tlingit. Trong một nỗ lực không hiệu quả nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của Nga, Izmailov đã cho chôn hai tấm biển bằng đồng lớn ở gần vịnh, đánh dấu “phạm vi lãnh thổ của Nga.” Là cử chỉ mang tính biểu tượng hơn là sự khẳng định quyền sở hữu, hai tấm biển bằng đồng được thiết kế để chứng minh rằng Nga là quốc gia phương Tây đầu tiên đến khu vực này. Nhưng phải đến khi các trạm buôn bán lông thú và các khu định cư được xây dựng trong những thập niên tiếp theo thì quyền kiểm soát thực sự của Nga đối với khu vực mới được thiết lập.

Sau khi khám phá bờ biển Alaska, Izmailov cuối cùng đã trở về quê hương Okhotsk, nơi ông qua đời vào khoảng năm 1796. Dù người Nga tiếp tục củng cố quyền kiểm soát Alaska trong nửa đầu thế kỷ 19, nhưng đến thập niên 1860, tuyên bố chủ quyền của họ đã trở nên mong manh và quá tốn kém. Năm 1867, Nga chính thức bán Alaska cho Mỹ với giá 7 triệu USD.