Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết nước ông sẽ đáp ứng mục tiêu chi tiêu của NATO vào năm tới bằng cách nâng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP. Ông nói với các nhà lập pháp rằng khoản tăng này sẽ giúp quân đội “cuối cùng cũng nhận được trang thiết bị cần thiết.” Trong bài phát biểu trước quốc hội, ông Scholz hứa đảm bảo an ninh cho Ukraine, nhưng nói việc Kyiv gia nhập NATO sẽ không sớm xảy ra. Ông cũng kêu gọi tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan “dọn đường” cho Thụy Điển gia nhập NATO.
Tuần duyên Hoa Kỳ đã thông báo về “vụ nổ thảm khốc” của chiếc tàu lặn bị mất tích ở Bắc Đại Tây Dương vào Chủ nhật. Tất cả năm hành khách đều thiệt mạng. Một phương tiện điều khiển từ xa đã tìm thấy các mảnh vỡ của tàu Titan cách xác tàu Titanic khoảng 500 mét. Chưa rõ thời điểm chiếc tàu lặn phát nổ vì không có phao thuỷ âm nào bắt được tín hiệu của nó.
Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ tăng lãi suất với mức thấp hơn dự kiến là 6,5 điểm phần trăm lên 15%, đảo ngược chính sách hạ lãi suất để giải quyết lạm phát của tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Trong khi đó, mức tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Anh – nửa điểm phần trăm – là cao hơn dự kiến. Nó đưa lãi suất lên 5%, cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009.
Ford sẽ nhận khoản vay 9,2 tỷ đô la của chính phủ Mỹ để liên doanh với SK On, một công ty pin khổng lồ của Hàn Quốc, để xây dựng ba nhà máy ở Mỹ. Khoản vay — lớn nhất đối với bất kỳ nhà sản xuất ô tô Mỹ nào kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2009 — đánh dấu nỗ lực của chính quyền Biden nhằm phá vỡ thế thống trị của Trung Quốc trong ngành. Washington đã cam kết ít nhất 400 tỷ đô la trợ cấp xanh trong thập niên tới.
Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết các nước giàu đã cam kết 100 tỷ đô la cho quyền rút vốn đặc biệt, một loại tiền tệ do quỹ tạo ra, để hỗ trợ các nước đang phát triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trong một diễn biến khác, Senegal công bố gói tài trợ mới trị giá 2,7 tỷ đô la, được hỗ trợ bởi một số nước châu Âu và Canada, để nâng thị phần năng lượng tái tạo trong nước lên 40% cho tới năm 2030.
Một tòa án Nga đã bác bỏ đơn kháng cáo việc bắt giam Evan Gershkovich, một nhà báo người Mỹ, trước khi có phiên tòa xét xử ông này về tội gián điệp. Ông Gershkovich bị bắt hồi tháng 3 khi đang làm phóng viên cho tờ Wall Street Journal. Nếu bị kết án, ông có thể đối mặt án tù 20 năm. Chính phủ Mỹ nói ông bị “giam giữ sai trái.”
Tổng thống Joe Biden đã chủ trì lễ đón chính thức thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và tổ chức hội đàm trên nhiều lĩnh vực bao gồm các thỏa thuận quốc phòng và thương mại. Trước cuộc họp, hãng sản xuất chip Micron của Mỹ đã thông báo đầu tư 800 triệu USD vào một nhà máy bán dẫn ở bang Gujarat, quê hương ông Modi. Ngoài ra General Electric sẽ chế tạo động cơ cho máy bay chiến đấu của Ấn Độ.
Con số trong ngày: 14.000, là số cấp độ trong “Candy Crush Saga”, một trò chơi di động gây nghiện do Activision Blizzard phát hành.
TIÊU ĐIỂM
Ukraine vận động ngoại giao quốc tế
Một chiến dịch phản công bằng ngoại giao của Ukraine đang bắt đầu. Sau hai ngày gây quỹ ở London trong tuần này, các quan chức cấp cao từ Ukraine và phương Tây, cũng như từ các nước thân thiện hơn với Nga, sẽ gặp nhau tại Copenhagen trong những ngày tới. Họ sẽ chuẩn bị cho một “hội nghị thượng đỉnh hòa bình” có thể được tổ chức tại Paris vào tháng sau. Các nước tham dự ở Copenhagen có thể bao gồm Brazil, Ấn Độ và Trung Quốc. Hội nghị thượng đỉnh hòa bình được đề xuất, nhằm thảo luận về kế hoạch hòa bình mười điểm của Ukraine — bao gồm yêu cầu Nga trả lại toàn bộ lãnh thổ cho Ukraine — sẽ không có sự tham dự của Moscow.
Nhiều đoàn từ Brazil, Trung Quốc và các nước châu Phi đã đến thăm Moscow và Kiev trong những tuần gần đây để tìm kiếm một lệnh ngừng bắn. Phương Tây từng coi những lời kêu gọi như vậy tương đương với việc “đóng băng” những vùng đất đã bị Nga chiếm. Nhưng phương Tây giờ đang ủng hộ hoạt động ngoại giao với mong muốn đảm bảo Ukraine có tiếng nói ở khu vực các nước phương Nam (đang phát triển). Phương Tây hy vọng rằng, buộc phải đối mặt với thực tế của chiến tranh, ngay cả những nước không liên kết cũng có thể ngừng ủng hộ Nga xâm lược. Dù gì thì ngoại giao cũng cho thấy Ukraine sẵn sàng nói chuyện.
Các ứng viên Cộng hoà Mỹ lôi kéo cử tri Tin lành
Vào thứ Sáu, Mike Pence (một người theo đạo Tin lành) và Ron DeSantis (một người Công giáo) sẽ phát biểu trước một sự kiện của các nhà hoạt động Ki tô giáo bảo thủ do Liên minh Đức tin và Tự do tổ chức. Ngày hôm sau sẽ đến lượt Donald Trump (người mà nhà thờ ở Manhattan cho biết vào năm 2015 rằng ông “không phải là thành viên có hoạt động”).
Khoảng một phần tư cử tri Mỹ xem mình là người da trắng theo đạo Tin Lành. Họ phần lớn ủng hộ ông Trump trong hai cuộc bầu cử vừa qua. Nhưng với nhóm lớn các đảng viên Cộng hòa đang cạnh tranh cho đề cử năm 2024, tất cả đều kỳ vọng giành được phiếu bầu bằng cách thể hiện thiện chí tôn giáo của mình.
Kể từ mùa xuân, họ đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo tôn giáo ở Iowa, nơi 2/3 cử tri Cộng hòa sơ bộ là người Tin lành. Một điểm yếu của ông Trump có thể là phá thai. Tổng thống, người được công nhận vì đã đảo ngược phán quyết vụ Roe kiện Wade, tỏ ra không hào hứng với lệnh cấm cấp liên bang. “#IowaCaucuses”, một nhà lãnh đạo Tin lành từng tweet vào tháng 5, “rất cởi mở.”
Rắc rối trên hành trình tổ chức Thế vận hội Paris
Ngày Olympic, kỷ niệm ngày thành lập Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) tại Paris năm 1894, sẽ được đánh dấu vào thứ Sáu khi IOC ra lời kêu gọi người hâm mộ thể thao trên toàn thế giới tập thể dục. Thủ đô của Pháp, nơi sẽ lần thứ ba tổ chức Thế vận hội vào năm 2024, sẽ rất sôi động. Paris đã sẵn sàng, với một trung tâm dưới nước mới và làng vận động viên đang được xây dựng.
Nhưng không phải tất cả đều diễn ra suôn sẻ. Hôm 20 tháng 6, các nhà điều tra chống tham nhũng đã đột kích vào các văn phòng của Ủy ban Tổ chức Thế vận hội Paris và cơ quan công quyền phụ trách các địa điểm tổ chức Olympics. Trước đó một tháng, người đứng đầu Ủy ban Thể thao và Olympic Quốc gia Pháp đã từ chức do những bất đồng nội bộ. Amélie Oudéa-Castéra, bộ trưởng thể thao, đã kêu gọi một “sự thay đổi về đạo đức và dân chủ” tại ủy ban. Với Olympics chỉ còn một năm nữa là khai mạc, bà cần đảm bảo thành phố sẽ tổ chức sự kiện một cách trong sạch, có trật tự, nhưng không kém phần sôi động.
Tác động của lạm phát Anh lên thị trường nhà đất
Để chống lại lạm phát cao dai dẳng, vào thứ Năm Ngân hàng Trung ương Anh đã tăng lãi suất lần thứ 13 trong 18 tháng, lên 5%, từ mức chỉ 0,1% hồi tháng 12 năm 2021. Lãi suất cơ bản tăng đến đâu, lãi suất thế chấp theo đến đó. Trong ba tuần, trung bình lãi suất năm đối với hợp đồng hai năm đã tăng gần 3/4 điểm phần trăm lên 6,2%, ngay dưới mức đỉnh sau đề xuất thuế thảm hoạ của cựu thủ tướng Truss vào năm ngoái. Đây là lần thắt chặt nhanh nhất kể từ năm 1989, khi lãi suất đạt gần 15%.
Đơn vị nghiên cứu The Resolution Foundation tính toán rằng tới cuối năm 2024, trung bình các khoản thanh toán thế chấp theo năm sẽ tăng thêm 2.000 bảng Anh (2.547 đô la). Vào thứ Sáu, bộ trưởng tài chính Jeremy Hunt sẽ gặp các bên cho vay để xem họ sẽ giúp đỡ như thế nào.
Chi phí cao hơn gây áp lực lên giá nhà. Mặc dù lãi suất thấp hơn so với 35 năm trước, nhưng các hộ gia đình thế chấp đang có đòn bẩy nợ cao hơn nhiều, khiến tỷ lệ 6% ngày nay không kém đau đớn so với 13% của khi ấy là bao. Đến năm 1992, giá nhà đã giảm 30% theo giá trị thực. Thị trường bất động sản ngày nay có vẻ cũng tương tự.