Nguồn: Katsuji Nakazawa, “China today has fewer ads, cleaner toilets, economic hurdles,” Nikkei Asia, 29/06/2023
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Hiện đại hóa kiểu Trung Quốc đang xa rời các quyền tự do thời Đặng Tiểu Bình.
Tuần này, tôi quay trở lại Trung Quốc, lần đầu tiên sau ba năm tám tháng. Khi đến Bắc Kinh và Thiên Tân, tôi đã chứng kiến vô vàn bất ngờ.
Dù bị cô lập với phần còn lại của thế giới do những hạn chế nghiêm ngặt liên quan đến COVID-19, thủ đô Bắc Kinh vẫn thay đổi chóng mặt. Sự khác biệt không nằm ở số lượng các tòa nhà cao tầng mới, mà ở sự biến mất của các bảng quảng cáo. Tại các ga tàu điện ngầm và bến xe buýt, những tấm áp phích từng thu hút sự chú ý của mọi người nay đã biến mất.
Ở trung tâm Bắc Kinh, những nhà vệ sinh công cộng khó chịu, thường được dùng chung bởi cư dân của các con hẻm tạo nên từ những dãy nhà truyền thống, giờ đã được dọn dẹp sạch sẽ. Chúng là thành quả từ chính sách “cải cách nhà vệ sinh” mang dấu ấn của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Bắc Kinh bây giờ sạch và đẹp hơn bao giờ hết. Nhưng nó cũng kém sôi nổi và thú vị hơn. Nét độc đáo của Trung Quốc, luôn đa sắc và đa diện, dường như đã không còn.
Đáng chú ý là sự vắng mặt của các bảng quảng cáo và biển hiệu của các chung cư cao cấp, phần mềm trò chơi, và trường dạy kèm. Đối với một người đã từng sống lâu năm ở đây, nó trông như một thành phố khác.
Tình trạng này không chỉ có ở Bắc Kinh. Thành phố cảng Thiên Tân gần đó cũng trải qua quá trình chuyển đổi tương tự đối với quảng cáo ngoài trời.
Cứ như thể Trung Quốc đang quay lưng lại với các ý tưởng về chủ nghĩa tư bản và thị trường tự do mà nước này đã theo đuổi trong nhiều thập niên.
Thay thế các quảng cáo thương mại là các thông điệp mang tính chính trị về dịch vụ công, chẳng hạn như quảng cáo tuyên truyền “các giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi” mà Đảng Cộng sản Trung Quốc khuyến nghị.
Thật ra, có thể nói đây là kết quả của quá trình chuyển đổi số. Hầu hết quảng cáo đã được chuyển sang điện thoại thông minh, dưới dạng quảng cáo được nhắm mục tiêu. Nhưng điều đó vẫn không thể giải thích sự biến mất của rất nhiều bảng quảng cáo ngoài trời.
Việc dẹp bỏ các bảng quảng cáo có liên quan chặt chẽ đến các chính sách được đưa ra kể từ đại hội toàn quốc năm 2017 của đảng. Theo sáng kiến của Tập Cận Bình, Trung Quốc đã thực hiện nhiều động thái táo bạo để kiềm chế giá nhà ở tăng cao và hạn chế thời gian trẻ em có thể chơi trò chơi điện tử.
Trung Quốc cũng đã áp đặt lệnh cấm các trường dạy thêm cho trẻ em trong độ tuổi bắt buộc đi học, vì chi phí giáo dục quá cao.
Quảng cáo của các hãng điện thoại thông minh Trung Quốc như Huawei hầu như đã biến mất. Nguyên nhân là do căng thẳng Mỹ-Trung đã ngăn chặn nhập khẩu chip bán dẫn hiệu suất cao. Hiện nay, có rất ít khách xuất hiện ở gian hàng điện thoại thông minh của các trung tâm mua sắm.
Chi tiêu cho các mặt hàng giá cao nhìn chung đã giảm. Dù người dân đã bắt đầu đến nhà hàng, quán ăn, và tắc nghẽn giao thông cũng quay trở lại, sức tiêu thụ sau đại dịch vẫn rất yếu.
Một vấn đề khác là nhiều người trong độ tuổi 20, chuẩn bị tốt nghiệp đại học năm nay, đang gặp khó khăn khi tìm việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ Trung Quốc đang dao động ở mức hơn 20%.
Nhiều người đang trì hoãn ý định mua nhà, vì cho rằng giá nhà đất sẽ còn giảm hơn nữa. Họ đang tính toán các khoản tiền thế chấp trong lúc để mắt đến những chính sách của Tập. Với việc tiếp tục xây dựng các khu chung cư ở ngoại ô của các thành phố lớn, cung nhà ở đang cao hơn đáng kể so với cầu.
Tại Thiên Tân, hội nghị thường niên lần thứ 14 của Diễn đàn kinh tế thế giới các nhà tiên phong, thường được gọi là Diễn đàn Davos Mùa hè, đã khai mạc vào thứ Ba (27/06/2023).
Các pa-nô tuyên truyền ngoài trời có thể được nhìn thấy khắp thành phố. Nhiều trong số chúng bao gồm tên của Tập Cận Bình – điều không thể tưởng tượng được trong thời đại của ba cựu lãnh đạo tối cao – Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, và Hồ Cẩm Đào.
Sự phổ biến của hoạt động tuyên truyền đã gợi nhớ đến thời kỳ Mao Trạch Đông, người cha sáng lập của Trung Quốc cộng sản.
Từ thế kỷ 19, Thiên Tân đã phát triển dọc theo sông Hải Hà, đổ ra biển Hoàng Hải. Vào những năm 1980, đây là một trong những khu vực tiên phong thực hiện chính sách “cải cách và mở cửa” của Đặng Tiểu Bình, vốn đã được tăng tốc khi bước sang thế kỷ mới.
Và đó là một sự phát triển lớn đối với một thành phố có lịch sử bi thảm như Thiên Tân.
Năm 1870, dưới triều đại nhà Thanh, một đám đông các nhà hoạt động chống Công giáo đã giết chết một lãnh sự người Pháp tại Thiên Tân, cùng nhiều tín đồ Công giáo Trung Quốc và những người khác. Người ta nói rằng có hơn 20 công dân nước ngoài – gồm nữ tu, linh mục, và nhân viên lãnh sự quán – cùng hơn 30 tín đồ Trung Quốc đã trở thành nạn nhân của vụ thảm sát.
Vụ việc bắt nguồn từ những tin đồn dựa trên thiên kiến chống lại nhà thờ, nơi bảo vệ trẻ mồ côi. Sau sự kiện này, các cường quốc nước ngoài như Pháp, Anh, và Đức đã tập hợp các tàu hải quân ngoài khơi bờ biển Thiên Tân để gây sức ép với nhà Thanh.
Nhà thờ cũng bị đốt cháy trong Phong trào Nghĩa Hòa Đoàn, nổ ra vào cuối thế kỷ 19, trong những ngày cuối cùng của nhà Thanh.
Ngày nay, cư dân Thiên Tân vẫn biết đến sự cố này, vốn là một trong những sự kiện quan trọng trong giai đoạn các cường quốc phương Tây xâm lược Trung Quốc.
Điều luôn được nhấn mạnh ở Trung Quốc dưới thời Tập là “Trung Hoa mộng” và sự phục hưng dân tộc Trung Hoa.
Khẩu hiệu chính trị yêu nước này là câu trả lời cho lịch sử bị sỉ nhục trong thời hiện đại của Trung Quốc, bao gồm cả những gì đã xảy ra ở Thiên Tân vào thế kỷ 19.
Tại Diễn đàn Davos Mùa hè năm nay, tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã có bài phát biểu, hứa hẹn sẽ thúc đẩy “mở cửa với tiêu chuẩn cao.”
Phát biểu này xuất hiện vài ngày sau khi Lý trở về từ chuyến thăm Đức và Pháp.
Nhưng số lượng người có mặt tại hội nghị – cả người tham dự và nhà báo – đã giảm đáng kể so với trước đại dịch COVID. Các quan hệ đối ngoại đang xấu đi của Trung Quốc, bao gồm quan hệ với Mỹ và Ấn Độ, là một yếu tố góp phần vào thực trạng này.
Tại đại hội toàn quốc của đảng năm ngoái, Tập đã lên tiếng ủng hộ “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc” và đưa khẩu hiệu này lên vị trí trung tâm, trong khi các khẩu hiệu cũ như “chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc,” có từ thời Đặng, bị đẩy lùi ra sau.
Các đặc điểm của hiện đại hóa kiểu Trung Quốc bao gồm việc sử dụng công nghệ thông tin trong chính trị, kinh tế, và giám sát cá nhân. Nó cũng nhấn mạnh “an ninh” – điều mà Thủ tướng Lý nhắc đến trong bài phát biểu của mình.
Những từ thường thấy nhất trên các pa-nô tuyên truyền là “Tập Cận Bình” và “các giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi.” Cùng nhau, chúng gợi ý về sự xa rời bầu không khí kinh tế tự do kiểu phương Tây từng lan rộng nhờ “cải cách và mở cửa.”
Điều cốt lõi của hiện đại hóa kiểu Trung Quốc là nó không thể trở thành hiện thực nếu không có quyền lực mạnh mẽ của Tập Cận Bình.
Gần 100 triệu đảng viên đang ủng hộ hiện đại hóa kiểu Trung Quốc, vì họ biết rằng Tập sẽ vẫn trị vì với tư cách là nhà lãnh đạo tối cao của đất nước trong tương lai gần. Mục tiêu của họ là đạt được hiện đại hóa kiểu Trung Quốc vào năm 2035.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc bắt đầu đi trên con đường tự lực, tách biệt khỏi các nền kinh tế tư bản và tự do của phương Tây? Điều gì sẽ xảy ra nếu những pa-nô tuyên truyền mới thực sự muốn định hướng người Trung Quốc đi theo con đường này?
Liệu Trung Quốc có thể tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế 5%, nhất là khi quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục xấu đi?
Hơn nữa, điều đó đi ngược lại lời cam kết của Thủ tướng Lý, rằng Trung Quốc sẽ “thúc đẩy mở cửa với tiêu chuẩn cao.”
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.