02/07/1917: Hy Lạp tuyên chiến với Liên minh Trung tâm

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Greece declares war on Central Powers, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1917, vài tuần sau khi Vua Constantine I thoái vị tại Athens dưới áp lực của quân Đồng minh Hiệp ước, Hy Lạp đã tuyên chiến với các cường quốc thuộc Liên minh Trung tâm, kết thúc ba năm trung lập bằng việc tham gia Thế chiến I, cùng phe với Anh, Pháp, Nga, và Italy.

Được đào tạo ở Đức và còn kết hôn với em gái của Hoàng đế Wilhelm II, Constantine vốn có thiện cảm với người Đức khi Thế chiến I nổ ra vào mùa hè năm 1914. Ông từ chối thực hiện nghĩa vụ của Hy Lạp trong việc hỗ trợ Serbia, đồng minh của nước này trong hai cuộc Chiến tranh Balkan năm 1912-1913. Bất chấp áp lực từ chính phủ thân phe Hiệp ước, bao gồm cả Thủ tướng Eleutherios Venizelos, và những lời hứa của Anh và Pháp về lợi ích lãnh thổ ở Thổ Nhĩ Kỳ, Constantine vẫn duy trì sự trung lập của Hy Lạp trong ba năm đầu tiên của cuộc chiến, dù ông đã cho phép các lực lượng Anh và Pháp đổ bộ tại Salonika vào cuối năm 1914, trong một kế hoạch hỗ trợ Serbia chống lại các lực lượng Áo-Hung và Bulgaria.

Đến cuối năm 1915, khi các chiến dịch của phe Hiệp ước bị sa lầy ở Salonika và thậm chí thất bại ở Dardanelles, Constantine ngày càng ít ủng hộ phe Hiệp ước, tin rằng Đức rõ ràng đã chiếm thế thượng phong. Ông cách chức Venizelos vào tháng 10/1915, thay thế ông bằng một loạt các thủ tướng, những người về cơ bản là con rối của hoàng gia. Trong khi đó, nội chiến có nguy cơ nổ ra ở Hy Lạp, còn Constantine tuyệt vọng tìm kiếm những lời hứa về hỗ trợ hải quân, quân sự, và tài chính từ Đức, nhưng chẳng được hồi đáp. Sau khi mất kiên nhẫn với Constantine, phe Hiệp ước cuối cùng đã gửi tối hậu thư yêu cầu ông thoái vị vào ngày 11/06/1917. Cùng ngày, lực lượng Anh phong tỏa Hy Lạp và quân Pháp đổ bộ lên Piraeus, thuộc Eo đất Corinth, ngang nhiên coi thường nền trung lập của Hy Lạp. Ngày hôm sau, Constantine thoái vị, nhường ngôi cho con trai thứ hai, Alexander.

Ngày 26/06, Alexander phục chức cho Venizelos, người đã trở về sau khi lưu vong ở Crete, nơi ông đã thành lập một chính phủ Hy Lạp lâm thời với sự hỗ trợ của quân Hiệp ước. Với một thủ tướng kiên định ủng hộ phe Hiệp ước, Hy Lạp đã tiến gần đến bờ vực tham gia Thế chiến I. Ngày 01/07, Alexander Kerensky, Tổng tư lệnh Nga, kiêm lãnh đạo chính phủ lâm thời sau sự sụp đổ của Sa hoàng Nicholas II hồi tháng 3, ra lệnh mở một cuộc tấn công lớn ở Mặt trận phía Đông, bất chấp sự hỗn loạn bên trong nước Nga và tình trạng kiệt quệ của quân đội Kerensky. Cuộc tấn công sẽ kết thúc với tổn thất nặng nề cho người Nga, nhưng vào thời điểm đó, nó dường như là một sự kiện tốt đẹp đối với quân Đồng minh, vì nó làm tiêu hao tài nguyên của quân Đức. Ngày hôm sau, Hy Lạp chính thức tuyên chiến với Liên minh Trung tâm.

Vị vua mới, Alexander, đã tuyên chiến một cách kịch tính trong bài diễn văn đăng quang chính thức của mình vào ngày 4/8: “Hy Lạp phải bảo vệ lãnh thổ của mình trước những kẻ xâm lược man rợ. Nhưng nếu trong những thử thách của quá khứ, Hy Lạp đã có thể, nhờ vào sức mạnh văn minh của tinh thần chủng tộc, chiến thắng những kẻ chinh phạt và vươn lên giữa đống tro tàn, thì ngày nay lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Trận đại hồng thủy hiện nay sẽ quyết định số phận của Hy Lạp (Hellenism), mà nếu mất đi thì sẽ không bao giờ khôi phục lại được.” Trong 18 tháng tiếp theo, khoảng 5.000 binh sĩ Hy Lạp sẽ hy sinh trên chiến trường Thế chiến I.