Thế giới hôm nay: 03/07/2023

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne cảnh báo những kẻ bạo loạn rằng chính phủ sẽ “không bỏ qua cho bất kỳ hành vi bạo lực nào.” Tuyên bố được bà đưa ra trong chuyến thăm L’Hay-les-Roses ở phía nam Paris, nơi mà vào sáng sớm Chủ nhật, nhà riêng của thị trưởng đã bị phóng hỏa. Có ít nhất 486 người bị bắt vào đêm thứ năm của bạo loạn. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hoãn chuyến thăm cấp nhà nước ba ngày tới Đức. Bạo lực bùng phát sau vụ cảnh sát sát hại thiếu niên Nahel M ở ngoại ô Paris hôm 27 tháng 6.

Ba Lan sẽ bố trí thêm 500 cảnh sát dọc biên giới với Belarus trong bối cảnh người di cư vượt biên gia tăng, bên cạnh các lo ngại an ninh xoay quanh nhóm lính đánh thuê Wagner. Thủ lĩnh Wagner Yevgeny Prigozhin, người lãnh đạo một cuộc binh biến ở Nga hôm 24 tháng 6, đã bị trục xuất tới Belarus. Còn nhớ vào năm 2021, nhà độc tài Alexander Lukashenko của Belarus từng bị buộc tội nhập khẩu người di cư và giục họ vượt biên nhằm gây bất ổn cho EU.

Nga tiếp tục tấn công bằng máy bay không người lái trong đêm vào Kyiv, thủ đô Ukraine, sau 12 ngày tạm nghỉ. Theo quân đội Ukraine, các hệ thống phòng không của nước này đã đánh chặn tất cả các mục tiêu đang tiếp cận. Trong khi đó, các chuyên gia luật pháp quốc tế cho rằng những tuyên bố gần đây của Vladimir Putin – rằng Tập đoàn Wagner được chính quyền Nga “tài trợ hoàn toàn” – sẽ tạo điều kiện cho việc truy tố ông về tội ác chiến tranh do lính đánh thuê gây ra.

Tesla đã giao 466.140 xe trong quý 2 năm nay – một kỷ lục vượt mong đợi của các nhà phân tích. Giá giảm đã thúc đẩy nhu cầu ở Trung Quốc, trong khi trợ cấp ô tô điện của chính phủ giúp hỗ trợ doanh số ở Mỹ. Tổng cộng công ty đã bàn giao xe nhiều hơn 10% so với quý I năm nay và hơn 83% so với cùng kỳ 2022.

Israel tấn công tên lửa vào Syria, theo truyền thông nhà nước Syria. Quân đội Syria cho biết tên lửa đã đánh trúng khu vực gần thành phố Homs, gây thiệt hại vật chất. Phòng không Syria được cho là đã bắn hạ hầu hết các tên lửa. Quân đội Israel cho biết các máy bay chiến đấu của họ chỉ tấn công một khẩu đội phòng không Syria đã bắn tên lửa về phía Israel.

Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian cho biết nước ông sẽ trì hoãn cử đại sứ đến Thụy Điển để phản đối vụ đốt kinh Koran hôm thứ Tư bên ngoài một nhà thờ Hồi giáo ở Stockholm. Một người đàn ông Iraq sống ở Thụy Điển đã bị bắt vì vụ việc, vốn xảy ra vào ngày đầu tiên của Eid al-Adha, một ngày lễ của người Hồi giáo.

Các nhà hoạt động ủng hộ tăng cường đại diện của người bản địa trong quốc hội Australia đã tổ chức tuần hành ở Sydney và các thành phố khác. Một cuộc trưng cầu dân ý vào cuối năm nay sẽ quyết định xem thổ dân có nên được đưa vào hiến pháp hay không. Thăm dò mới nhất cho thấy ủng hộ đang ngày càng giảm, với chỉ 49% cử tri có ý định bỏ phiếu “có,” dù được ủng hộ bởi đảng Lao động cầm quyền.

Con số trong ngày: 38%, là tỷ lệ hộ gia đình Nhật chỉ có một thành viên, tăng từ mức 20% năm 1980.

TIÊU ĐIỂM

Chính phủ Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao trước khó khăn kinh tế?

Nhiệt độ cao kéo dài ở Bắc Kinh và miền bắc Trung Quốc đã làm tăng nguy cơ hạn hán và thiếu điện, qua đó tạo thêm gánh nặng cho nền kinh tế Trung Quốc. Các chỉ số quản lý mua hàng của tạp chí kinh doanh Caixin, được công bố vào thứ Hai, có thể cho thấy ngành dịch vụ của Trung Quốc đã mất đà trong tháng 6 trong khi ngành chế tạo tiếp tục yếu. Thị trường bất động sản cũng đang chậm đi. Trong bối cảnh đó, người ta đang nhìn sang phản ứng của chính phủ.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã giảm nhẹ lãi suất vào tháng trước. Bộ tài chính cũng gia hạn giảm thuế đối với xe điện. Hôm 29 tháng 6, Quốc vụ Viện tuyên bố sẽ đưa ra các biện pháp hỗ trợ tiêu dùng hộ gia đình. Đến cuối tháng, Bộ Chính trị có thể sẽ tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, bao gồm đầu tư nhiều hơn vào năng lực ứng phó biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt ở Trung Quốc.

Lính gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc rút khỏi Mali

Tuần này khoảng 13.000 lính gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc sẽ bắt đầu rút khỏi Mali. Tháng trước, chính quyền quân sự cầm quyền của Mali đã yêu cầu lực lượng mũ nồi xanh rời đi “không chậm trễ.” Hôm thứ Sáu, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu kết thúc sứ mệnh và rút quân trong năm nay.

Việc kết thúc sứ mệnh gìn giữ hòa bình kéo dài mười năm qua sẽ gây nguy hiểm cho một thỏa thuận hòa bình do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn giữa chính phủ với Tuareg và các nhóm ly khai Ả Rập. Bên cạnh đó còn có mối đe dọa lớn hơn là các phần tử thánh chiến có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo và al-Qaeda. Xung đột với các nhóm này đã giết chết hơn 10.000 người ở Mali kể từ năm 2016.

Sau khi lên nắm quyền trong đảo chính 2020, chính quyền quân sự đã tranh cãi với Liên Hợp Quốc và các lực lượng Pháp. Từ năm 2021, họ bắt đầu thuê lính đánh thuê Wagner của Nga. Kết quả là Pháp rút đi; trong khi Mỹ cho rằng Wagner đẩy Liên Hợp Quốc khỏi Mali. Tuy nhiên, tương lai của Wagner giờ đây bất định sau cuộc binh biến thất bại vừa qua. Người dân Mali vẫn chưa được thấy ánh sáng cuối đường hầm.

EU ve vãn Nam Mỹ

Vào thứ Hai, Argentina sẽ tổ chức hội nghị Mercosur, một nhóm thương mại Nam Mỹ có Argentina, Brazil, Paraguay Uruguay, và sáu thành viên liên kết khác bao gồm Chile. Ảnh hưởng của khối này đang ngày càng lên cao.

EU và Mercosur đặt mục tiêu phê chuẩn một hiệp định thương mại tự do đã được lên kế hoạch từ lâu vào cuối năm nay. Châu Âu (và Mỹ) muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc và Nga, đồng thời tìm nguồn khoáng sản cần thiết cho quá trình chuyển đổi xanh. Trong khi đó hơn một nửa lượng lithium (nguyên liệu sản xuất pin) trên thế giới nằm ở Mỹ Latinh. Brazil có trữ lượng lớn nikel, than chì, mangan và kim loại đất hiếm. Nhưng nhiều chính phủ muốn tăng cường kiểm soát nhà nước đối với giao dịch hàng hoá cơ bản và ưu tiên sản xuất các sản phẩm có giá trị cao hơn là xuất khẩu nguyên liệu thô.

Vào tháng 6, chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã đến thăm Nam Mỹ và hứa hẹn khoản đầu tư trị giá 10 tỷ euro (11 tỷ USD). Sau đó các lãnh đạo của hơn 30 quốc gia Mỹ Latinh và Caribe đã được mời đến Brussels vào tháng 7. Với các cam kết phát thải ròng bằng 0 của EU, những cuộc gặp này rất quan trọng.

10 năm cầm quyền của al-Sisi ở Ai Cập

Một thập niên trước, người dân Ai Cập đã reo hò khi Abdel-Fattah al-Sisi lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính quân sự. Ông đã lật đổ một tổng thống Hồi giáo thiếu năng lực được bầu một cách dân chủ, người đã kế vị một vị tướng nắm quyền suốt 30 năm.

Ông Sisi hứa hẹn nhiều. Ngay từ đầu, ông đảm bảo cho người dân của mình quyền tự do ngôn luận và cam kết đầu tư vào các dự án mang lại thịnh vượng. Nhưng ông lại không phải là người giữ lời, và khiến cho nền kinh tế ngày càng đi xuống. Lạm phát lương thực đang ở mức 60%, trong khi đồng bảng Ai Cập đã mất 5/6 giá trị so với đồng đô la. Bản thân tự do ngôn luận cũng chỉ là một giấc mơ. Ông Sisi cho bắt những người bất đồng chính kiến, và từng thề sẽ “loại bỏ khỏi mặt đất” những người chống lại ông.

Người Ai Cập không còn reo hò cho ông nữa. Nếu không sợ bị trả thù tàn bạo, họ có thể đã một lần nữa xuống đường.