Chuyển động Quốc Phòng (30/6 – 6/7/2023)

Thực hiện: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Chiến tranh Nga – Ukraine:

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương:

Đông Nam Á:

Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi – Mỹ-Latinh:

Chuyên mục Phân tích:

Chiến tranh Nga – Ukraine:

Nga triển khai xe bọc thép hiếm tới Ukraine

Một chiếc xe bọc thép hiếm KAMAZ-43269 của Nga đã được phát hiện ở phía đông nam Ukraine. Xe bọc thép KAMAZ-43269 được trang bị tháp pháo điều khiển từ xa BM-30D, trang bị pháo tự động 2A42 30mm, súng máy đồng trục PKTM 7,62x51mm và súng phóng lựu tự động AG-17. Hệ thống súng mới cung cấp hỏa lực mạnh hơn trong khi vẫn duy trì tính cơ động cao trong mọi điều kiện địa hình.

Xem thêm tại: Defence Blog, Russia deploys rare armored vehicles to Ukraine. Truy cập ngày 2/7/2023

Putin trấn an các quốc gia châu Á về sự ổn định sau cuộc nổi loạn của Wagner

Tổng thống Vladimir Putin trấn an các nhà lãnh đạo ở châu Á rằng Nga ổn định và thống nhất bất chấp cuộc nổi loạn chóng vánh của tập đoàn Wagner. Ông Putin cũng nói rằng Nga cũng sẽ chống lại áp lực, các biện pháp trừng phạt và “các hành động khiêu khích” của phương Tây đối với “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine. Tháng trước, lãnh đạo tập đoàn Wagner Yevgeny Prigozhin đã chiếm giữ thành phố Rostov-on-Don và hành quân về phía Moscow, yêu cầu cách chức Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Putin reassures Asian nations of stability after Wagner mutiny. Truy cập ngày 5/6/2023

185.000 binh sĩ mới đã gia nhập lực lượng vũ trang Nga trong năm nay

Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev hôm thứ ba cho biết 185.000 tân binh đã gia nhập quân đội Nga với tư cách lính đánh thuê kể từ đầu năm. Năm ngoái, Nga đã công bố kế hoạch tăng quy mô lực lượng vũ trang của mình hơn 30% lên 1,5 triệu binh sĩ, một nhiệm vụ đầy tham vọng nhưng khó khăn do thương vong nặng nề trong cuộc chiến. Ông Dmitry Medvedev cũng cho biết các nhà máy đang làm việc suốt ngày đêm để cung cấp trang thiết bị cho lực lượng Nga ở Ukraine.

Xem thêm tịa: Reuters, Russia’s Medvedev: 185,000 new contract soldiers have joined armed forces this year. Truy cập ngày 5/7/2023

Nga cáo buộc Ukraine sử dụng drone tấn công Moscow

Bộ Quốc phòng Nga cho biết bốn drone được cho là của Ukraine đã bị lực lượng phòng không bắn hạ trong khi chiếc thứ năm bị kẹt và rơi xuống quận Odintsovo của khu vực Moscow. Một drone đã bị bắn hạ ở khu vực thị trấn Kubinka, nơi có một căn cứ không quân ở gần. Các cuộc tấn công bằng drone vào sâu trong lãnh thổ Nga đã gia tăng trong những tháng gần đây với các cuộc tấn công vào Điện Kremlin vào tháng 5 và cơ sở hạ tầng dầu mỏ vào tháng trước.

Xem thêm tại: Jerusalem Post, Russia says Ukraine attacked Moscow with at least five drones. Truy cập ngày 5/7/2023

Ukraine nói cuộc phản công ‘đặc biệt hiệu quả’ trong vài ngày qua

Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov nói rằng cuộc phản công “đặc biệt hiệu quả” trong những ngày gần đây. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cũng báo cáo những thắng lợi xung quanh thành phố Bakhmut trong bối cảnh Nga kháng cự quyết liệt. Tại Makiivka, một thị trấn thuộc khu vực Donetsk phía đông do Nga kiểm soát, quân đội Ukraine đã phá hủy một đội hình lực lượng Nga.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Ukraine says ‘particularly fruitful’ few days in counteroffensive. Truy cập ngày 6/7/2023

Tư lệnh lực lượng vũ trang Anh cho biết Nga đã mất một nửa khả năng chiến đấu ở Ukraine

Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Anh, Đô đốc Sir Tony Radakin cho biết hiệu quả chiến đấu của quân đội Nga đã mất một nửa, trong đó có tới 2.500 xe tăng bị tiêu diệt. Sir Tony Radakin thừa nhận rằng mật độ dày đặc của các bãi mìn của Nga, thiếu sự yểm trợ của không quân Ukraine và việc Kyiv không có được vũ khí theo yêu cầu đã làm phức tạp chiến dịch. Tuy nhiên, Sir Radakin nói rằng Nga năm ngoái đã bắn 10 triệu quả đạn pháo nhưng chỉ có thể sản xuất 1 triệu một năm và đã mất 2.500 xe tăng trong khi chỉ có thể sản xuất 200 xe tăng mới mỗi năm.

Xem thêm tại: Financial Times, Russia has lost half its combat capability in Ukraine, says UK armed forces chief. Truy cập ngày 6/7/2023

Mỹ sắp phê duyệt viện trợ tên lửa ATACMS cho Ukraine

Mỹ sắp phê duyệt việc chuyển giao hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) cho Ukraine, thứ có thể thay đổi cục diện cuộc chiến. ATACMS có tầm bắn khoảng 307 km, đủ để lực lượng Ukraine tấn công các mục tiêu của Nga ở xa phía sau chiến tuyến như Crimea, nơi đang được Moscow sử dụng để triển khai drone do Iran sản xuất. Trước đó, Tổng thống Biden đã không thông qua quyết định chuyển giao một phần do các quan chức Mỹ lo ngại Ukraine có thể sử dụng nó để tấn công lãnh thổ Nga và leo thang xung đột thành một cuộc chiến rộng lớn hơn với phương Tây.

Xem thêm tại: WSJ, U.S. Close to Approving Long-Range ATACMS Missiles to Bolster Ukraine’s Fight. Truy cập ngày 30/6/2023

Phát hiện hệ thống vũ khí dẫn đường bằng laze do Mỹ sản xuất ở Ukraine

Lực lượng Vũ trang Ukraine đã bắt đầu triển khai các hệ thống vũ khí dẫn đường bằng laze do Mỹ sản xuất trên chiến trường ở khu vực Zaporizhzhia. Theo đó, Ukraine triển khai xe M1152A1 Humvee được trang bị bệ phóng LAND-LGR4. LAND-LGR4 là một hệ thống vũ khí dẫn đường bằng laze hiện đại gồm tên lửa 70 mm dẫn đường bằng laser APKWS. Bệ phóng tên lửa 2,75 inch có thể được tích hợp trên bất kỳ phương tiện mặt đất chiến thuật hoặc tàu nổi nào.

Xem thêm tại: Defence Blog, US-made laser-guided weapon system spotted in Ukraine. Truy cập ngày 1/7/2023

Brazil từ chối yêu cầu cung cấp xe bọc thép của Ukraine

Bộ Ngoại giao Brazil đã từ chối yêu cầu cung cấp 450 xe bọc thép chở quân Guarani của Ukraine để sơ tán dân thường và binh lính bị thương khỏi các vùng xung đột. Ukraine đã quan tâm đến xe bọc thép Guarani 6×6, hay còn được gọi là VBR-MR, vốn có khả năng phục vụ tác chiến đổ bộ trên biển, được Iveco Defense Vehicles và Quân đội Brazil hợp tác phát triển theo hợp đồng được ký kết vào năm 2009.

Xem thêm tại: Defence Blog, Brazil rejects Ukrainian requests to supply armored vehicles. Truy cập ngày 1/7/2023

Ukraine chuẩn bị nhận xe tăng Leopard 1A5 DK do Đức và Đan Mạch cung cấp

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius tuyên bố Ukraine sắp nhận được hàng chục xe tăng Leopard 1A5. Xe tăng Leopard 1A5 DK là một biến thể của xe tăng Leopard 1A5 được trang bị pháo nòng trơn 105mm và giáp tổng hợp. Biến thể này còn được trang bị hệ thống phát hiện tiên tiến và kiến ​​trúc liên lạc cải tiến. Trước đó vào tháng 1, chính phủ Đan Mạch đã lên kế hoạch mua 20 xe tăng Leopard 1A5 DK để tân trang lại và triển khai tới Ukraine.

Xem thêm tại: Army Recog, Ukraine is preparing to receive Leopard 1A5 DK tanks provided by Germany and Denmark. Truy cập ngày 5/7/2023

Ukraine đàm phán với Ba Lan để mua hệ thống phòng thủ tên lửa bờ biển

Ba Lan đang thảo luận với Ukraine về việc cung cấp các bộ phận của hệ thống phi đội tên lửa bờ biển. Hệ thống phi đội tên lửa bờ biển có vũ khí chính là NSM (Tên lửa tấn công hải quân), một tên lửa diệt hạm và tấn công mặt đất. NSM có tốc độ cận âm cao khiến nó trở thành một đối thủ đáng gờm trong chiến tranh hiện đại. Ngoài ra, NSM cũng được trang bị hệ thống nhận dạng mục tiêu tự động (ATR) trong thiết bị tìm kiếm. Hệ thống tên lửa bờ biển tiên tiến này đảm bảo phát hiện mục tiêu, nhận dạng và tấn công chính xác – một tính năng quan trọng khi hoạt động trong môi trường phức tạp, dù trên biển hay trên đất liền.

Xem thêm tại: Army Recog, Ukraine negotiates with Poland to acquire coastal missile defense systems. Truy cập ngày 5/7/2023

 

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương:

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đối thoại quân sự cùng Tư lệnh Hải quân Nga

Trong cuộc đối thoại quân sự vào thứ hai, bộ trưởng bộ Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc nói với Đô đốc Nga Nikolai Yevmenov rằng Bắc Kinh hy vọng tăng cường trao đổi, tập trận chung và các hình thức hợp tác khác sẽ đưa quan hệ quốc phòng hai nước “lên một tầm cao mới”. Trước đó, sau khi cuộc nổi dậy do thủ lĩnh Wagner Yevgeny Prigozhin lãnh đạo, Trung Quốc ủng hộ các nỗ lực của Nga nhằm “ổn định tình hình trong nước”. Việc hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và Nga là hiện thân của liên minh không chính thức của Bắc Kinh và Nga nhằm chống lại trật tự thế giới tự do do Mỹ lãnh đạo.

Xem thêm tại: Defense News, China’s defense minister, Russia’s naval chief meet for military talks. Truy cập ngày 4/7/2023

Quân đội Mỹ đầu tư hơn 1,4 tỷ USD vào xe chiến đấu M10 Booker do GDLS sản xuất

General Dynamics đã được trao một hợp đồng trị giá 257,6 triệu USD để sản xuất xe chiến đấu bánh xích M10 Booker 105mm. Đây có thể được coi là nỗ lực chế tạo phương tiện chiến đấu lớn đầu tiên của Mỹ kể từ những năm 1980. M10 Booker được trang bị một loạt các tính năng tiên tiến, chẳng hạn như súng chính 105 mm, giáp đàn hồi, súng phóng lựu khói, tấm xả và hệ thống dập lửa tự động. Những cải tiến này nhằm cải thiện tỷ lệ sống sót của xe trước hỏa lực trực tiếp và gián tiếp, lựu đạn phóng tên lửa và các mối đe dọa từ dưới gầm xe.

Xem thêm tại: Army Recog, US Army invests over $1.4B in Modern Combat Vehicle M10 Booker manufactured by GDLS. Truy cập ngày 2/7/2023

Tàu tấn công đổ bộ Trung Quốc tập trận ở Tây Thái Bình Dương

Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm thứ sáu thông báo rằng hai tàu của hải quân Trung Quốc đã bị phát hiện đi qua eo biển Osumi, phía nam Kyushu và tiến vào Thái Bình Dương. Theo đó, hai tàu được xác định là tàu tấn công đổ bộ Type 075 Quảng Tây (Guangxi) và tàu khu trục Type 052 Bao Đầu (Baotou) cùng hai tàu khác tới nhập quân sau đó – khinh hạm Type 054 An Dương (Anyang) và tàu hỗ trợ Type 903 Sào Hồ (Chaohu). Phía Trung Quốc cho biết các cuộc tập trận không có bất kỳ mục tiêu cụ thể nào, và chúng nhằm mục đích để các thủy thủ làm quen với khả năng và điều kiện tự nhiên trên đại dương rộng mở, cách xa bờ biển.

Xem thêm tại; Taiwan News, Chinese amphibious assault ship conducts exercises in west Pacific. Truy cập ngày 2/7/2023

Khinh khí cầu do thám Trung Quốc không thu thập thông tin tại Mỹ

Lầu Năm Góc hôm thứ năm cho biết một khinh khí cầu do thám Trung Quốc bay qua Mỹ hồi đầu năm nay trước khi bị bắn hạ đã không thu thập thông tin tình báo khi bay ngang qua nước này. Vào đầu năm nay, khinh khí cầu gián điệp Trung Quốc đã bay qua Mỹ và Canada trong một tuần trước khi không quân Mỹ bắn hạ nó ngoài khơi bờ biển Đại Tây Dương theo lệnh của tổng thống  Biden.

Xem thêm tại: Reuters, Chinese spy balloon did not collect information over US, Pentagon says. Truy cập ngày 30/6/2023

Trung Quốc quyết thôn tính Đài Loan bất chấp kết quả bầu cử 2024

Cựu Tổng tham mưu trưởng Đài Loan Lý Hiển Minh (Lee Hsi-ming) cho biết Trung Quốc quyết tâm sáp nhập Đài Loan bất chấp kết quả của cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới. Ông Lý cho biết nếu không sáp nhập Đài Loan, Bắc Kinh không thể tuyên bố rằng họ đã đạt được cuộc chấn hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa. Do đó, bất kể ứng cử viên nào trở thành tổng thống tương lai của Đài Loan, tư duy và kế hoạch tổng thể của ông Tập sẽ không thay đổi. Ngoài ra, ông Lý cũng gợi ý rằng Đài Loan nên thành lập một lực lượng phòng vệ hoàn toàn tự nguyện để khi lực lượng này lớn mạnh, hòn đảo có thể chứng minh cho thế giới thấy tinh thần đấu tranh mạnh mẽ của người dân. Đồng thời, ông cũng kêu gọi Mỹ làm rõ việc sẽ sẵn sàng bảo vệ Đài Loan để nâng cao tinh thần của các quân nhân Đài Loan.

Xem thêm tại: Taiwan News, China determined to annex Taiwan regardless of 2024 election results. Truy cập ngày 1/7/2023

Đài Loan và Mỹ ký thỏa thuận cung cấp hệ thống rải mìn chống tăng Volcano trị giá 146 triệu USD

Đài Loan đã ký với Mỹ một thỏa thuận trị giá 146 triệu USD để mua 14 hệ thống rải mìn chống tăng Volcano. Hệ thống rải mìn chống tăng Volcano sẽ mang lại lợi thế khi nó có thể triển khai nhanh các loại mìn chống tăng trên một khu vực rộng lớn, đóng vai trò ngăn chặn các cuộc đổ bộ tiềm năng. Hệ thống rải mìn Volcano bao gồm ba thành phần chính: đạn chống tăng (AT) M87A1, đạn huấn luyện M88 và M89.

Xem thêm tại: Army Recog, Taiwan and US sign $146 Million deal for Volcano Anti-Tank mine laying system. Truy cập ngày 1/7/2023

Bộ Ngoại giao Mỹ phê duyệt hợp đồng hậu cần và đạn dược trị giá 440 triệu USD cho Đài Loan

Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt doanh số bán hàng quốc phòng tiềm năng cho Đài Loan trị giá ước tính 440,2 triệu USD. Thỏa thuận lớn hơn trong hai thỏa thuận, trị giá 332,2 triệu USD, dành cho đạn 30 mm và các thiết bị liên quan, đặc biệt là đạn đánh dấu chất nổ cao, đạn đa năng và đạn huấn luyện. Hợp đồng tiềm năng khác, trị giá 108 triệu USD, dành cho Thỏa thuận hỗ trợ cung ứng hậu cần hợp tác (CLSSA) và Đơn đặt hàng bán hàng quân sự nước ngoài II (FMSO II).

Xem thêm tại: Defense News, US State Dept. approves $440 million ammo, logistics deals for Taiwan. Truy cập ngày 2/7/2023

Quân đội Đài Loan tiến hành cuộc tập trận Thiên Mã

Quân đội Đài Loan hôm thứ hai đã tiến hành cuộc tập trận Thiên Mã định kỳ tại căn cứ quân sự Jialutung ở huyện Bình Đông. Cuộc tập trận sử dụng các mục tiêu ở các khu vực được chỉ định ngoài biển để mô phỏng các lực lượng của kẻ thù. Các binh sĩ bắn tên lửa TOW gắn trên xe Humvee và bắn trúng tất cả các mục tiêu. Đài Loan tổ chức các cuộc tập trận bắn đạn thật là nhằm huấn luyện binh lính tốt hơn, trong khi để các sĩ quan làm quen với các quy trình ra lệnh bắn tên lửa. Ngoài ra, các cuộc tập trận cũng cho phép Đài Loan kiểm tra các cơ chế hoạt động và hiệu suất của hệ thống vũ khí để xác định nhu cầu đào tạo trong tương lai, đáp ứng nhu cầu hoạt động và tăng cường đào tạo quân đội.

Xem thêm tại: Taiwan News, Military carries out Tian Ma drill in southern Taiwan. Truy cập ngày 5/7/2023

Nhật Bản chuẩn bị cơ sở sửa chữa máy bay chiến đấu F-35

Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm thứ năm thông báo rằng công ty kỹ thuật IHI sẽ bắt đầu sửa chữa động cơ trong các máy bay chiến đấu F-35 được Lực lượng Phòng vệ (SDF) và quân đội Mỹ sử dụng. Trong khi đó, Tokyo có kế hoạch triển khai F-35B và đưa vào sử dụng thực tế khi nó cất cánh dễ dàng hơn và có thể hạ cánh xuống các căn cứ và sân bay của Nhật Bản với đường băng tương đối ngắn. Hai loại máy bay phản lực này cũng có thể được quân đội Úc và các lực lượng khác sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Nhật Bản đang chuẩn bị trong trường hợp Trung Quốc xâm lược Đài Loan hoặc lãnh thổ của mình xung quanh quần đảo Senkaku ở tỉnh Okinawa.

Xem thêm tại: Nikkei Asia, Japan readies F-35 fighter jet repair base for faster response. Truy cập ngày 30/6/2023

Hàn Quốc công bố ý tưởng thiết kế của xe tăng chiến đấu chủ lực tương lai K3

Hàn Quốc đã công bố ý tưởng thiết kế của xe tăng chiến đấu chủ lực K3 trong tương lai để thay thế K2 Black Panther, vốn không còn đáp ứng được yêu cầu chiến thuật trong tác chiến hiện đại và các mối đe dọa chiến trường mới nổi. K3 có một thiết kế đáng chú ý là vị trí của cả ba thành viên kíp lái đều được đặt trong một khoang bọc thép ở phần phía trước của thân tàu. Một trong những tính năng nổi bật khác K3 là cấu hình thấp, kết hợp với khả năng ẩn mình trước radar và tia hồng ngoại khiến nó gần như vô hình trước quân địch. Ngoài ra, hệ thống tên lửa chống tăng của K3 và các vũ khí khác cũng sẽ có khả năng tàng hình do được tích hợp trong tháp pháo, nâng cao hơn nữa khả năng sống sót của xe tăng này trên chiến trường.

Xem thêm tại: Army Recog, South Korea unveils design concept of future K3 MBT Main Battle Tank. Truy cập ngày 1/7/2023

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo Mỹ thăm Hàn Quốc trong tháng này

Một tàu ngầm lớp Ohio, trọng tải 8.000 tấn được trang bị 20 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) có thể đến Hàn Quốc vào cuối tháng này. Các nhà phân tích quốc phòng địa phương cho rằng ngày 27 tháng 7 sẽ là ngày khả dĩ nhất để tàu ngầm của Mỹ đến. Theo đó, ngày 27 tháng 7 là “Ngày Chiến thắng” ở miền Bắc, ngày Triều Tiên tuyên bố đánh bại cuộc xâm lược của Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên. Vào ngày này, Bình Nhưỡng dự kiến ​​sẽ tổ chức một cuộc duyệt binh quy mô lớn, trong đó có màn trình diễn vũ khí hạt nhân mới nhất của nước này.

Xem thêm tại: Korea Times, US ballistic missile submarine to visit S. Korea this month.       Truy cập ngày 4/7/2023

Hàn Quốc nói vệ tinh do thám của Triều Tiên không có chức năng quân sự

Hàn Quốc cho biết phân tích của họ về mảnh vỡ của một vệ tinh do thám của Triều Tiên bị rơi xuống biển cho thấy thiết bị này không thể sử dụng cho mục đích quân sự. Trước đó, Bình Nhưỡng đã phóng vệ tinh do thám quân sự nhưng nó đã rơi ngay sau khi cất cánh, lao xuống biển ngoài khơi bờ biển phía tây của Hàn Quốc. Phía quân đội Hàn Quốc bắt đầu chiến dịch trục vớt gần như ngay lập tức, thu hồi các mảnh vỡ từ tên lửa cũng như chính vệ tinh trong một chiến dịch phức tạp có sự tham gia của máy bay, hải quân và thợ lặn biển sâu.

Xem thêm tại: Al Jazeera, ‘No military utility’: S Korea rubbishes N Korea’s spy satellite. Truy cập ngày 6/7/2023

Úc và Nhật Bản đang tiến hành các cuộc tập trận ở vùng biển tranh chấp với sự giám sát chặt chẽ từ Trung Quốc

Một tàu chiến và máy bay giám sát của Úc đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự với Nhật Bản ở Biển Đông dưới sự giám sát chặt chẽ của quân đội Trung Quốc. Cuộc tập trận diễn ra vào cuối tuần qua tại vùng biển tranh chấp chiến lược, tập trung vào các hoạt động chiến thuật, bao gồm cả tác chiến chống tàu nổi và phòng không, nhưng không được Lực lượng Phòng vệ Úc công bố. Hai tàu chiến bao gồm tàu khu trục trực thăng JS Izumo và tàu khu trục JS Samidare của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản đã tham gia cuộc tập trận huấn luyện song phương sau khi thực hiện chuyến thăm cảng Việt Nam trong khuôn khổ sáng kiến Triển khai Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Xem thêm tại: ABC, Australia and Japan conduct war games in contested waters, closely watched by Chinese military. Truy cập ngày 1/7/2023

Nhật Bản cho biết phát hiện tàu chiến Nga gần đảo Đài Loan, Okinawa

Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm thứ sáu cho biết đã phát hiện hai tàu Hải quân Nga ở vùng biển gần Đài Loan và quần đảo Okinawa trong bốn ngày trước đó. Theo đó, hai khinh hạm lớp Steregushchy lần đầu tiên được phát hiện cách đảo Yonaguni, cực tây của Nhật Bản 70 km về phía tây nam, thuộc tỉnh Okinawa gần Đài Loan. Trước đó, Bộ QP Đài Loan hôm thứ ba cho biết họ đã phát hiện hai tàu khu trục nhỏ của Nga ở ngoài khơi bờ biển phía đông của hòn đảo và đã gửi máy bay và tàu để theo dõi.

Xem thêm tại: Reuters, Japan says Russian warships spotted near Taiwan, Okinawa islands. Truy cập ngày 2/7/2023

Đông Nam Á:

Ấn Độ, Philippines nâng cấp quan hệ đối tác quốc phòng; tăng cường an ninh hàng hải

Ấn Độ và Philippines hôm thứ năm đã quyết định mở rộng quan hệ đối tác quốc phòng thông qua việc nâng cấp trao đổi chính thức giữa các cơ quan quốc phòng, mở văn phòng Tùy viên Quốc phòng thường trú tại Manila và xem xét đề nghị của Ấn Độ về hạn mức tín dụng ưu đãi để mua thiết bị quốc phòng. Philippines và Ấn Độ đều bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác để đáp ứng các yêu cầu quốc phòng của Manila, bao gồm mua sắm khí tài hải quân, mở rộng huấn luyện và diễn tập chung về an ninh hàng hải và ứng phó thiên tai. Manila và New Delhi cũng sẽ ký Bản ghi nhớ về Tăng cường hợp tác hàng hải giữa Lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ (ICG) và Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines (PCG) và kêu gọi sớm triển khai Quy trình hoạt động tiêu chuẩn (SOP) cho thỏa thuận vận chuyển hàng hải trắng.

Xem thêm tại: Economics Times, India, Philippines to upgrade defence partnership; boost maritime security. Truy cập ngày 1/7/2023

Philippines cáo buộc Trung Quốc ‘quấy rối’ nhiều hơn gần rạn san hô tranh chấp

Philippines hôm thứ tư đã cáo buộc lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc quấy rối, cản trở và “hành động nguy hiểm” chống lại các tàu của họ, sau một sự cố khác gần Bãi Cỏ Mây. Người phát ngôn lực lượng bảo vệ bờ biển (PCG) Jay Tarriela cho biết tàu hỗ trợ của PCG phải giảm tốc độ để tránh va chạm với tàu Trung Quốc sau khi bị bám đuôi. Quân đội Philippines thường xuyên tiến hành các nhiệm vụ tiếp tế cho binh lính trên tàu Sierra Madre, kể cả vào tháng 2, khi nước này cáo buộc Trung Quốc gây hấn và chiếu “tia laser cấp độ quân sự” vào các tàu của họ.

Xem thêm tại: Reuters, Philippines accuses China of more ‘harassment’ near disputed reef. Truy cập ngày 6/7/2023

Nhóm tàu sân bay 5 của Mỹ chào đón các thủy thủ Hải quân Philippines tham gia chương trình hội nhập hậu cần hàng hải

Hải quân Philippines đã cử các sĩ quan liên lạc hải quân (LNO) đến một số tàu trực thuộc nhóm tàu sân bay 5 (CSG 5) để trao đổi kiến ​​thức về hoạt động hậu cần hàng hải nhằm củng cố liên minh Mỹ-Philippines. Các thủy thủ của Hải quân Philippines đã làm việc và sẽ sử dụng kinh nghiệm này để tăng cường các hoạt động của hải quân của nước này. Trong khi tiến hành, các thủy thủ đã tham gia vào các hoạt động bổ sung trên biển (RAS) và tiếp nhiên liệu trên biển (FAS). Một số thủy thủ đã được gửi đến tàu sân bay triển khai tiền phương duy nhất của Hải quân Hoa Kỳ USS Ronald Reagan (CVN 76), soái hạm của CSG 5.

Xem thêm tại: CPF, Carrier Strike Group 5 Welcomes Philippine Navy Sailors for Maritime Logistics Integration. Truy cập ngày 1/7/2023

Nhóm các nhà nghiên cứu kêu gọi Ấn Độ chấm dứt xuất khẩu vũ khí sang Myanmar

Nhóm các nhà nghiên cứu tên Công lý cho Myanmar đang kêu gọi Ấn Độ ngừng bán vũ khí cho chính quyền quân sự của đất nước và yêu cầu các đồng minh phương Tây tham gia lời kêu gọi này, nhất là Thụy Điển và Mỹ. Theo đó, nhóm này cho biết nghiên cứu của họ đã tìm thấy các bộ phận vũ khí được sản xuất tại Ấn Độ nhưng theo thiết kế của Thụy Điển được chuyển đến Myanmar, ngay cả sau cuộc đảo chính quân sự vào năm 2021. Trong khi Mỹ, EU và các nước khác đã áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Myanmar, thì Ấn Độ, quốc gia có chung đường biên giới dài 1.600 km với nước này, vẫn là một trong số ít các nhà cung cấp vũ khí còn lại của chế độ quân sự.

Xem thêm tại: VOA, India Urged to End Arms Exports to War-Torn Myanmar. Truy cập ngày 30/6/2023

Chính quyền Myanmar thu giữ số vũ khí trị giá hơn 200,000 USD ở thị trấn Sagaing

Lực lượng quân đội Myanmar đã thu giữ một kho vũ khí trị giá hơn 215.000 USD tại thị trấn Sagaing vào tuần trước. Các loại vũ khí đã được chuyển đi trước các cuộc tấn công đã được lên kế hoạch trước ​​bởi một đội quân gồm khoảng 200 binh sĩ đang thực hiện các hoạt động đánh phá dọc theo bờ phía tây của sông Ayeyarwady kể từ cuối tháng trước. Lô hàng bao gồm 5 tên lửa tầm ngắn 107mm, 1 súng cối 60mm, 1 súng trường bắn tỉa, 3 súng ngắn, 35 súng hỏa mai tự chế, 123 lựu đạn Trung Quốc, 35 lựu đạn thông thường, 31 bom phóng từ trên không, 5 lựu đạn chống tăng ENERGA, 32 thiết bị nổ tự chế, và vài bộ đồng phục.

Xem thêm tại: Myanmar Now, Myanmar junta seizes more than $200,000 in weapons in Sagaing Township. Truy cập ngày 4/7/2023

Việt Nam – Ý tổ chức đối thoại chính sách quốc phòng lần thứ 4

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến hôm thứ hai đồng chủ trì Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam – Ý lần thứ 4 cùng với Quốc vụ khanh quốc phòng Ý Matteo Perego Cremnago. Trong cuộc đối thoại, thượng tướng Hoàng Xuân Chiến và Quốc vụ khanh Matteo Perego Cremnago trao đổi, thống nhất định hướng tăng cường hợp tác ở các lĩnh vực như trao đổi đoàn cấp, công nghiệp quốc phòng, chuyển giao công nghệ sản xuất sản phẩm lưỡng dụng, trao đổi kinh nghiệm hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, hợp tác an ninh mạng, v/v.

Xem thêm tại: QDND, Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam – Italy lần thứ 4. Truy cập ngày 5/7/2023

Việt Nam mong muốn duy trì biên giới hòa bình với Campuchia

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam và Campuchia luôn hợp tác chặt chẽ trên các vấn đề quản lý, bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm ở khu vực biên giới. Theo truyền thông Campuchia, vụ xâm nhập bằng máy bay không người lái xảy ra tại tỉnh Mondulkiri, nằm ở phía Đông Campuchia, giáp với các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước thuộc khu vực Tây Nguyên của Việt Nam. Đêm 27/6, Thủ tướng Campuchia Hun Sen ra lệnh triển khai 500 binh sĩ và 200 vũ khí phòng không tới biên giới phía đông sau khi phát hiện máy bay không người lái.

Xem thêm tại: TTO, Vietnam keen on maintaining peaceful border with Cambodia: foreign ministry. Truy cập ngày 4/7/2023

Hàn Quốc có thể là hình mẫu công nghiệp quốc phòng cho Việt Nam

Các chuyên gia nhận định Hàn Quốc có nền công nghiệp quốc phòng phát triển, có thể là hình mẫu để Việt Nam xây dựng công nghiệp quốc phòng chính quy, hiện đại. Theo đó, Hàn Quốc đã phát triển mạnh ngành công nghiệp quốc phòng nội địa và trở thành một trong những quốc gia chế tạo vũ khí và phương tiện chiến đấu hàng đầu thế giới. Các công nghệ hiện đại mà Hàn Quốc có thể chuyển giao cho Việt Nam gồm điều khiển từ xa, đóng tàu cỡ lớn, chế tạo phương tiện chiến đấu bọc thép và hàng không quân sự. Ngoài ra, Hàn Quốc và Việt Nam còn có tiềm năng hợp tác trong ngành công nghiệp đóng tàu và một số khía cạnh trong công nghệ tên lửa nói chung, trong đó có tên lửa diệt hạm, phòng không hoặc chương trình không gian.

Xem thêm tại: VN Express, Hàn Quốc có thể là hình mẫu công nghiệp quốc phòng cho Việt Nam. Truy cập ngày 30/6/2023

Indonesia trễ hạn thanh toán mới cho dự án máy bay chiến đấu chung

Cơ quan mua sắm vũ khí của Seoul cho biết Indonesia đã trễ hạn trong việc cung cấp cho Hàn Quốc thời gian biểu thanh toán mới cho dự án phát triển máy bay chiến đấu KF-21 chung. Vào tháng 5, Hàn Quốc cho biết Indonesia đã đồng ý cung cấp kế hoạch thanh toán mới vào cuối tháng 6 trong một nỗ lực rõ ràng nhằm giảm bớt lo lắng về phần chi phí dự án chưa thanh toán. Indonesia đã đồng ý gánh vác khoảng 20% ​​trong dự án trị giá 6,73 tỷ USD được khởi động vào năm 2015 để phát triển một máy bay chiến đấu siêu thanh tiên tiến.

Xem thêm tại: Yonhap News, Indonesia misses deadline on new payment timetable for joint fighter project. Truy cập ngày 3/7/2023

 

Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi – Mỹ-Latinh:

NATO kéo dài nhiệm kỳ của ông Stoltenberg thêm một năm

NATO hôm thứ ba đã gia hạn nhiệm kỳ của Tổng thư ký Jens Stoltenberg thêm một năm, trước lựa chọn gắn bó với một nhà lãnh đạo có kinh nghiệm hơn là cố gắng thỏa thuận về người kế nhiệm khi chiến tranh đang diễn ra ngay ngưỡng cửa của liên minh. Quyết định này đồng nghĩa rằng tổng thư ký của NATO sẽ phải vật lộn với thách thức hỗ trợ Ukraine đẩy lùi cuộc xâm lược của Moscow đồng thời tránh xung đột trực tiếp giữa các lực lượng NATO và Nga. Ông Jens Stoltenberg, 64 tuổi, được nhiều người trong liên minh coi là một nhà lãnh đạo kiên định và kiên nhẫn xây dựng sự đồng thuận.

Xem thêm tại: Reuters, NATO extends boss Stoltenberg’s term by a year. Truy cập ngày 6/7/2023

Anh, Hà Lan phát triển tàu tấn công mới

Anh và Hà Lan đang đàm phán để phát triển một nền tảng tấn công ven biển trong tương lai. Các tàu hỗ trợ đa nhiệm (MRSS) trong tương lai của Anh sẽ được trang bị khả năng tấn công đất liền từ biển, được thiết kế để hoạt động trong các nhóm đặc nhiệm đổ bộ – được gọi là Nhóm phản ứng ven biển – giúp Thủy quân lục chiến được đào tạo bài bản triển khai các cuộc khủng hoảng trên toàn cầu, được trang bị đầy đủ các phương tiện của họ thuyền, máy bay và vũ khí.

Xem thêm tại: UKDJ, Britain and Netherlands to develop new assault ship. Truy cập ngày 1/7/2023

Glasgow tổ chức cuộc tập trận hải quân chung NATO-Ukraine

Một hạm đội lớn gồm các tàu chiến của NATO và Ukraine đã đến Glasgow trước cuộc tập trận Sea Breeze lần thứ 22. Cuộc tập trận Sea Breeze 22 sẽ diễn ra trên đất liền và trên biển, đồng thời sẽ tập trung vào các hoạt động ổn định và an ninh hàng hải với trọng tâm là biện pháp đối phó với bom mìn và khu vực nhiệm vụ hoạt động lặn. Ngoài ra, các hoạt động huấn luyện hàng hải sẽ kiểm tra hiệu quả của các tàu mới mua của Ukraine, UNS Cherkasy và UNS Chernihiv, đồng thời giúp xây dựng năng lực của chúng.

Xem thêm tại: UKDJ, Glasgow hosts large NATO-Ukraine joint naval exercise. Truy cập ngày 30/6/2023

Ba Lan hy vọng tham gia thỏa thuận chia sẻ hạt nhân NATO trước mối đe dọa của Nga

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết nước ông muốn tham gia chương trình chia sẻ vũ khí hạt nhân của NATO trong bối cảnh Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus. Chương trình chia sẻ hạt nhân của NATO là một phần trong chính sách răn đe hạt nhân, cho phép cung cấp vũ khí hạt nhân cho các nước thành viên NATO, các nước đối tác và đồng minh không có kho vũ khí hạt nhân của riêng mình. Đức, Bỉ, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan đều tham gia chương trình và hiện đang lưu trữ vũ khí hạt nhân của Mỹ trên lãnh thổ của họ.

Xem thêm tại: Jerusalem Post, Poland hopes to join NATO nuclear sharing agreement over Russian threat. Truy cập ngày 3/7/2023

Phái đoàn quân sự Trung Quốc thăm Anh, Pháp

Một phái đoàn quân sự Trung Quốc đã đến thăm Anh và Pháp từ ngày 24 tháng 6 đến ngày 1 tháng 7 để thảo luận về việc phát triển quan hệ quốc phòng song phương trong khuôn khổ Đối thoại Chiến lược Quốc phòng Mỹ-Trung Quốc tại London. Cuộc thảo luận đề cập đến các Chiến lược Quốc phòng như tình hình Ukraine; an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; Ổn định và Phổ biến Chiến lược; Biển Đông và Đài Loan; và mối quan hệ quân sự Anh-Trung. Ngoại trưởng Anh James Cleverly có thể thăm Trung Quốc vào tháng 7 khi Anh đang tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc và tham gia vào các lĩnh vực như thương mại, đầu tư và biến đổi khí hậu, đồng thời tự bảo vệ mình trước các mối đe dọa an ninh quốc gia.

Xem thêm tại: Reuters, Chinese military delegation visited UK, France. Truy cập ngày 2/7/2023

Israel mua phi đội máy bay chiến đấu F-35 mới do Mỹ tài trợ

Israel sẽ mua phi đội máy bay chiến đấu tàng hình F-35 thứ ba trị giá 3 tỷ USD được Mỹ tài trợ. Bộ Quốc phòng Israel đã phê duyệt thương vụ với 25 máy bay bổ sung do Lockheed Martin sản xuất, nâng số lượng máy bay phản lực F-35 trong lực lượng không quân Israel lên 75 chiếc. Israel là quốc gia đầu tiên mua F-35, và vẫn là quốc gia duy nhất ở Trung Đông có vũ khí tiên tiến của Mỹ trong kho vũ khí của mình. UAE từ ​​lâu đã tìm cách mua máy bay phản lực F-35 từ Mỹ, nhưng mối quan hệ của quốc gia vùng Vịnh với Trung Quốc đã cản trở thỏa thuận này.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Israel to buy new fleet of F-35 fighter jets financed by US aid. Truy cập ngày 3/7/2023

Quân đội và drone Israel tấn công Jenin trong chiến dịch lớn ở Bờ Tây

Các lực lượng Israel hôm thứ hai đã tấn công thành phố Jenin bằng các cuộc tấn công bằng drone trong một trong những chiến dịch lớn nhất ở Bờ Tây khiến ít nhất 8 người Palestine thiệt mạng. Các cuộc đụng độ tiếp tục diễn ra giữa quân đội Israel và các chiến binh từ Lữ đoàn Jenin, một đơn vị gồm các nhóm chiến binh đóng tại trại tị nạn đông đúc của thành phố. Trong hơn một năm, các cuộc tấn công của quân đội vào các thành phố như Jenin đã trở thành thông lệ, trong khi đã có một loạt các cuộc tấn công chết người của người Palestine chống lại người Israel và các cuộc tàn sát của đám đông định cư Do Thái nhằm vào các ngôi làng của người Palestine. Quân đội Israel cho biết các lực lượng của họ đã tấn công một tòa nhà từng là trung tâm chỉ huy của các máy bay chiến đấu từ Lữ đoàn Jenin bằng cái mà họ gọi là các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái “chính xác” sử dụng trọng tải nhỏ.

Xem thêm tại: Reuters, Israeli troops and drones hit Jenin in major West Bank operation. Truy cập ngày 5/7/2023

Iran cất giữ kho vũ khí tên lửa đạn đạo trong hàng chục boong-ke trong thung lũng khuất

Iran đặt tên lửa đạn đạo Qiam-1 tại một thung lũng ở Kermanshah. Các tên lửa được cho là được cất giữ trong hàng chục boong-ke ở ba địa điểm dưới lòng đất. Một trong số đó là ở Konesht Canyon. Họ cũng nói rằng họ đã xác định được 80 boong-ke khác tại một địa điểm có tên là Panj Pelleh. Chúng có thể chứa tên lửa Qiam hoặc Fatteh. Địa điểm hẻm núi cũng có vũ khí phòng không. Trung tâm nghiên cứu cho thấy vị trí của các địa điểm và bối cảnh chung của khu vực. Nó cũng cho thấy có các địa điểm tên lửa đất đối không tại căn cứ không quân Kermanshah.

Xem thêm tại: Jerusalem Post, Iran stores arsenal of ballistic missiles in dozens of bunkers in hidden valley. Truy cập ngày 3/7/2023

Giao tranh tái diễn giữa quân đội Sudan, RSF ở Khartoum

Hôm chủ nhật, giao tranh ác liệt giữa quân đội Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) đã làm rung chuyển thủ đô Khartoum trong bối cảnh bệnh tật và suy dinh dưỡng đe dọa số lượng người phải di dời ngày càng tăng. Các cuộc không kích đã được tiến hành ở các khu vực phía bắc của thủ đô và pháo binh hạng nặng đã được sử dụng ở phía đông thành phố. Các trận chiến kể từ ngày 15 tháng 4 giữa lực lượng trung thành với chỉ huy quân đội Abdel Fattah al-Burhan và RSF đã giết chết gần 3.000 người.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Fighting reignites between Sudan army, RSF in Khartoum. Truy cập ngày 3/7/2023

Hải quân Trung Quốc thực hiện bước đột phá hiếm hoi vào Tây Phi với chuyến thăm Nigeria

Một hạm đội hải quân của hải quân Trung Quốc do tàu khu trục Nam Ninh dẫn đầu đã đến Nigeria vào Chủ nhật trong chuyến thăm hiếm hoi của quân đội Trung Quốc tới bờ biển Đại Tây Dương của Châu Phi. Tàu khu trục và một tàu khu trục nhỏ đi cùng, Tam Á (Sanya), cùng với một tàu tiếp tế, Vi Sơn Hồ (Weishanhu), đã đến cảng Lagos, với cảng Nam Ninh thực hiện một cuộc ghé cảng cho đến thứ Năm. Đại sứ Trung Quốc tại Nigeria ca ngợi chuyến thăm kéo dài 5 ngày là một cột mốc quan trọng trong quan hệ và hải quân Nigeria bày tỏ sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để giải quyết các mối đe dọa an ninh hàng hải và duy trì ổn định ở Vịnh Guinea.

Xem thêm tại: US News, Chinese Navy Makes Rare Foray Into West Africa With Nigeria Visit. Truy cập ngày 4/7/2023

 

Chuyên mục Phân tích:

Tại sao cuộc phản công của Ukraine lại chậm chạp?

Nhiều ý kiến cho rằng cuộc phản công của Ukraine đang diễn ra rất chậm chạp. Trên thực tế, cuộc phản công thực sự đang loại trừ hệ thống tác chiến của Nga một cách chậm mà chắc. Vậy hệ thống tác chiến (operational system) là gì? Để hiểu hệ thống tác chiến có hai khái niệm cơ bản cần phải xem xét: nghệ thuật tác chiến (operational art) và chiến tranh hủy diệt hệ thống (systems destruction warfare). Trước nhất, nghệ thuật tác chiến là việc lên kế hoạch, phối hợp, duy trì và thích nghi với các hành động tác chiến trong một thời gian dài nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược. Kế đến, chiến tranh hủy diệt hệ thống được cắt nghĩa từ lối tiếp cận hệ thống của quân đội Trung Quốc đối với mọi khía cạnh như huấn luyện, tổ chức, và trang bị cho chiến tranh. Như vậy, hệ thống tác chiến là các thành phần của lực lượng quân sự, đóng vai trò liên kết các lực lượng với nhau nhằm thực hiện các hoạt động tác chiến đồng thời và tuần tự, và củng cố khả năng thực hiện kế hoạch cấp tác chiến nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược. Có 6 thành tố chính trong hệ thống tác chiến của quân đội Nga: hệ thống chỉ huy, hỏa lực-tấn công, thông tin, trinh sát-tình báo, hỗ trợ (hậu cần) và hệ thống học hỏi và thích nghi. Về cơ bản, hệ thống tác chiến là não và hệ thần kinh của lực lượng Nga tại Ukraine và là mục tiêu tấn công hàng đầu trong kế hoạch phản công. Khi Ukraine đánh giá rằng hệ thống tác chiến của Nga đã xuống cấp thì đây sẽ là tín hiệu cho thấy thời điểm giao tranh quy mô lớn bắt đầu.

Tuy nhiên, Ukraine lại thiếu kiểm soát trên không, và phương Tây đã thất bại trong việc cung cấp các chiến đấu cơ hiện đại hay lượng lớn hệ thống tên lửa tầm xa như ATACMS. Do đó, Ukraine sẽ phải cân nhắc và lên kế hoạch sáng tạo sao cho có nhiều cách để tiêu diệt hệ thống tác chiến của Nga, bao gồm thu thập tình báo truyền thống (HUMINT) tại hậu phương, sử dụng tình báo quân sự và dân sự, và các hành động chiến thuật có chọn lọc để khiến Nga phản ứng. Mục tiêu của việc này là xem xét cách hệ thống chỉ huy và kiểm soát của Nga đưa ra quyết định và cách mà mạng lưới liên lạc của nó hoạt động. Ngoài ra, mục tiêu của giai đoạn này là làm suy yếu hệ thống của Nga bằng cách xác định và tiêu diệt các đơn vị hậu cần/công binh cũng như các đơn vị hỗ trợ khác. Cuối cùng, việc không triển khai hầu hết lực lượng tác chiến giúp Ukraine linh hoạt về nơi triển khai nỗ lực chính của mình trong các giai đoạn tiếp theo. Hệ thống tác chiến của Nga là một hệ thống đa miền phức tạp bao gồm chiến tranh điện từ (EW), phòng không, hỏa lực tầm xa, mà chỉ có Ukraine và Mỹ mới có thể làm suy yếu. Bằng cách ngăn các đơn vị tác chiến đạt được mục tiêu chiến lược của Nga, lính Ukraine sẽ có cơ hội đột phá tuyến phòng thủ và phá vỡ kế hoạch phòng thủ của Moscow.

Xem thêm tại: Twitter, Mick Ryan. Truy cập ngày 6/7/2023

Các nước Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nên hỗ trợ Ukraine?

Cuộc chiến tại Ukraine không chỉ quan trọng đối với châu Âu, mà còn có thể giúp ngăn chặn hành động hung hăng tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AĐD-TBD). Theo đó, Ukraine thất bại sẽ chỉ củng cố sự hung hăng của các nhà nước độc tài và làm xói mòn giá trị của an ninh tập thể, bao gồm hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ. Do đó, các đối tác phải cung cấp sự hỗ trợ quân sự cần thiết cho Ukraine để tận dụng lợi thế hiện tại – sự hỗn loạn của cuộc binh biến do ông Prigozhin khởi xướng – và đẩy Nga ra khỏi lãnh thổ của Ukraine. Các chủ thể chủ chốt trong NATO – các quốc gia vùng Baltic, Ba Lan, Anh và Mỹ – không có sức ỳ thể chế cố thủ để cung cấp hỗ trợ. Thành công tập thể này dường như đã khiến nhiều người ở phương Tây cũng như Putin ngạc nhiên. Ngoài ra, sự hỗ trợ của Úc và Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố thực tế rằng cuộc xâm lược Ukraine của Nga là vấn đề toàn cầu, không chỉ là vấn đề của Đại Tây Dương.

ÂĐD – TBD có lợi ích chính trong việc đảm bảo thượng tôn luật pháp, và Ukraine sẽ chiến thắng. Sẽ hoàn toàn không bao giờ có khải niệm về một cuộc khủng hoảng và xung đột nào chỉ dừng ở mức “khu vực” và “được kiềm chế”. Nếu Nga không đạt được mục tiêu của mình, thì mối lo ngại của ông Tập chắc chắn sẽ tăng lên. Bài học quan trọng mà Ukraine và thế giới tự do muốn Tập rút ra – vì lợi ích của hòa bình và an ninh toàn cầu – là sự gây hấn độc đoán đơn phương sẽ không thành công và phải trả giá đắt không thể chấp nhận được: về kinh tế, quân sự, chính trị. Nếu có thể đạt được điều đó, khả năng răn đe ở Thái Bình Dương sẽ được củng cố đáng kể.

Xem thêm tại: Financial Review, Ukraine fights for its own survival, and everyone’s security. Truy cập ngày 4/7/2023

Phương Tây sẽ cung cấp cam kết an ninh dài hạn nào cho Ukraine?

Trong cuộc thượng đỉnh tại Lithuania, NATO đang nhắm đến việc trao cho Ukraine một “cam kết an ninh” lâu dài. Vậy cam kết an ninh mới này sẽ có gì và liệu nó có đột phá không? Đối với Ukraine, cam kết an ninh tốt nhất là tấm vé thành viên NATO và cam kết phòng thủ tập thể trong chương năm của hiến chương liên minh. Nhưng Mỹ lo ngại rằng nếu kết nạp Ukraine vào NATO, điều đó cũng đồng nghĩa rằng liên minh này sẽ phải đối đầu trực tiếp với Nga. Thay vào đó, phương Tây chuyển mục tiêu sang củng cố cam kết hỗ trợ Ukraine “lâu dài bằng mọi giá”, từ đó đập tan hy vọng của Nga rằng kéo dài cuộc chiến sẽ mang lại lợi thế. Mục tiêu thứ hai đó là đảm bảo hỗ trợ của phương Tây đối với Ukraine trước một Donald Trump – hoặc một tổng thống giống Trump – trong cuộc bầu cử vào năm sau.

Vào năm ngoái, Anders Fogh Rasmussen, cựu tổng thư ký của NATO, và Andriy Yermak, cố vấn của tổng thống Zelensky đã đề xuất cam kết gọi là “Hiệp ước An ninh Kyiv”. Hiệp ước này đặt ra một “nỗ lực đầu tư bền vững trong nhiều thập kỷ vào cơ sở công nghiệp quốc phòng của Ukraine, chuyển giao vũ khí mở rộng và hỗ trợ tình báo từ các đồng minh, các nhiệm vụ huấn luyện chuyên sâu và các cuộc tập trận chung dưới lá cờ của EU và NATO.” Thêm vào đó, nó cũng vạch ra cho các bên “tất cả các yếu tố của sức mạnh quốc gia và tập thể” để đáp trả một cuộc tấn công. Tuy nhiên, việc gán cho hiệp ước này là cam kết cũng gây ra tranh cãi. Theo đó, Mỹ thì quan ngại rằng từ “đảm bảo” thì quá mạnh, ngụ ý cam kết trực tiếp bảo vệ Ukraine, trong khi Ukraine coi từ “trấn an” là quá yếu kém. Thay vào đó, chuyên gia gợi ý rằng nên sử dụng từ trung lập hơn như “cam kết”, “thỏa ước” (arrangements). Mặt khác, những lời hứa với Ukraine dường như không đến trực tiếp từ NATO mà từ song phương và tập thể—có thể đến từ G7 nhưng nhiều khả năng hơn là “bộ tứ” gồm Mỹ, Anh, Pháp và Đức.

Xem thêm tại: Economist, What long-term security guarantees will the West give Ukraine? Truy cập ngày 1/7/2023

Tại sao Đài Loan sẽ phản kháng quyết liệt hơn chúng ta nghĩ?

Trong cuộc xung đột tại eo biển Đài Loan, ý chí kháng cự của hòn đảo sẽ đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Trước nhất, nó là thước đo để Mỹ đánh giá xem có nên bảo vệ Đài Loan hay không khi bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của Washington vào xung đột giữa Trung Quốc và Đài Loan đều có nguy cơ leo thang thành chiến tranh tổng lực. Kế đến, Mỹ sẽ phải tốn nhiều thời gian để triển khai quân đội hiệu quả do Thái Bình Dương quá rộng lớn. Do đó, yếu tố lãnh đạo chính trị và xã hội sẽ đóng vai trò chủ chốt trong bốn yếu tố tạo nên khả năng kháng cự của Đài Loan (lãnh đạo chính trị, độ hiệu quả quân đội, xã hội, sức bền và can thiệp quân sự từ đồng minh).

Theo đó một bộ máy lãnh đạo chính trị vững chắc, một xã hội thống nhất và cố kết cùng với và sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng đối với một chính nghĩa hoặc hệ tư tưởng quốc gia thuyết phục sẽ tạo ra nền tảng bền vững nhất cho một cuộc phòng thủ kiên quyết. Để củng cố ý chí kháng cự có hai cách. Việc củng cố và chuẩn bị cho quân đội có thể giúp gia tăng hiệu quả của lãnh đạo chính trị bằng cách không cho phép kẻ thù có thể đổ bộ một cách dễ dàng. Cam kết can thiệp quân sự của Mỹ cũng sẽ gia tăng quyết tâm của Đài Loan, nhưng nó sẽ phụ thuộc cả vào tình trạng lãnh đạo chính trị và khả năng quân sự của hòn đảo cũng như vào tính chất và phạm vi viện trợ. Do đó, có bốn hàm ý cho các nhà hoạch định chính sách Mỹ. Đầu tiên, các nhà phân tích nên đặc biệt chú ý đến chất lượng và sức mạnh của giới lãnh đạo chính trị cũng như mức độ gắn kết xã hội của Đài Loan để có cái nhìn sâu sắc về khả năng của hòn đảo phòng thủ trước một cuộc tấn công quy mô lớn của Trung Quốc. Thứ hai, bất lợi của Đài Loan về số lượng vũ khí và quân đội không nhất thiết khiến họ phải thất bại. Khả năng của Đài Loan chống lại một cuộc tấn công lớn của Trung Quốc sẽ ngày càng phụ thuộc vào sức mạnh của lãnh đạo chính trị và sự gắn kết xã hội trên tất cả các yếu tố khác. Thứ ba, tác động của thương vong nghiêm trọng và tổn thất kinh tế có thể sẽ cắt đứt hai hướng trong một cuộc chiến tranh lớn: sự kiên quyết của công chúng và ủng hộ của công chúng đối với cuộc chiến. Cuối cùng, sự can thiệp quân sự của Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với khả năng của Đài Loan chống lại một cuộc tấn công quy mô lớn của Trung Quốc, do tính dễ bị tổn thương và những bất lợi về quân sự của hòn đảo.

Xem thêm tại: Diplomat, Taiwan’s Will to Fight May Be Stronger Than You Think. Truy cập ngày 30/6/2023

Drone giá rẻ là giải pháp cho cuộc xung đột tại Đài Loan?

Xung đột tiềm tàng tại Đài Loan đặt ra sự cấp thiết của việc thiết lập một hệ thống chỉ huy và kiểm soát liên hợp có khả năng triển khai lực lượng không quân và hải quân, bao gồm cả tàu ngầm. Ngoài ra, drone giá rẻ sẽ là một yếu tố mới giúp làm cản trở kế hoạch xâm lược của Trung Quốc. Theo đó, drone giá rẻ với số lượng lớn sẽ đẩy Trung Quốc vào thế lưỡng nan mà Bắc Kinh không thể giải quyết hiệu quả. Một mặt, Trung Quốc trước một bầy drone phải bỏ qua loại drone rẻ và nhỏ nhất, giúp cho chúng có khả năng hoạt động ở các vùng giao tranh nguy hiểm, từ đó thực hiện việc trinh sát và xác định mục tiêu. Mặt khác, Trung Quốc có thể chọn tấn công các loại drone tương đối nhiều và rẻ tiền bằng các hệ thống phòng không đắt tiền và hạn chế. Do đó, Mỹ theo đuổi công nghệ máy bay chi phí thấp (LCAAT), vốn tương đối nhỏ, rẻ và có thể thay thế. Trong các cuộc mô phỏng gần đây, quân đội Mỹ sử dụng LCAAT để theo dõi các phương tiện vận chuyển tại eo biển Đài Loan. Lý do là vì trong cuộc xung đột tại Đài Loan, cách tốt nhất để biết rằng cuộc xung đột đang diễn ra là thấy được tàu của kẻ địch đang di chuyển thông qua nhiều drones nhỏ, rẻ bay xung quanh eo biển sau đó truyền tín hiệu về cho các máy bay chiến đấu, tàu ngầm và tàu chiến để tấn công. Loại drone này sẽ nhỏ và nhẹ đến mức chúng có thể được phóng lên cao bằng tên lửa chai và có giá khoảng 500.000 USD mỗi chiếc trong khi tên lửa mà Trung Quốc cần sử dụng để tiêu diệt chúng có giá vài triệu USD mỗi chiếc.

Xem thêm tại: Defense News, Are cheap drones the answer to tension in the Taiwan Strait? Truy cập ngày 30/6/2023

Nguyên nhân ẩn sau cuộc tấn công Jenin của Israel là gì?

Israel đã thực hiện một trong những cuộc tấn công lớn nhất vào Bờ Tây, khiến tám người Palestine thiệt mạng và nhiều người bị thương. Cuộc tấn công diễn ra vào đêm ngày chủ nhật với khoảng mười cuộc không kích vào trại Jenin có 14,000 cư dân Palestine. Sau cuộc tấn công, lực lượng Israel đã bao vây hoàn toàn trại tị nạn bằng cách sử dụng hàng chục xe bọc thép để chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự lớn trên bộ gây thiệt hại nặng nề cho nhà cửa và đường xá. Lý do trại tị nạn Jenin bị tấn công là do sự gia tăng của các chiến binh Palestine – bao gồm hàng trăm binh sĩ thuộc quân đoàn Jenin, chiến binh thánh chiến Palestine, Fatah và Hamas – trú ngụ tại đây, đặc biệt trong năm qua, khi Israel mở rộng các cuộc đột kích vào vùng Bờ Tây. Một trong những mục tiêu chính của các cuộc tấn công của Israel ở Bờ Tây trong hai năm qua là tiêu diệt các nhóm mới, một phần của chiến dịch có tên “Phá sóng”.

Quân đội Israel cho biết cuộc tấn công mới nhất của họ vào Jenin đã đánh trúng một cơ sở sản xuất vũ khí và kho chứa chất nổ, trong khi lực lượng của họ thu giữ một bệ phóng tên lửa tự chế. Sau cuộc đột kích trước đó vào Jenin, hai tay súng Palestine đã giết 4 người định cư Israel trước khi chính họ bị giết. Tiếp theo đó là một loạt các cuộc tấn công và tấn công bạo lực của những người định cư Israel, những người đã xông vào các ngôi làng của người Palestine và đốt cháy nhà cửa và ô tô. Israel sau đó đã thông qua kế hoạch xây dựng hàng nghìn ngôi nhà mới tại các khu định cư ở Bờ Tây bị chiếm đóng, vốn là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế. Các nhà phân tích cho rằng sự leo thang hiện tại ở Jenin có thể là một phần trong nỗ lực của Thủ tướng Benjamin Netanyahu nhằm xoa dịu các bộ trưởng cực hữu trong chính phủ của ông, khi ông tiếp tục đối mặt với áp lực trong nước từ phe đối lập trong nước.

Xem thêm tại: Al Jazeera, What is behind Israel’s major attack on Jenin? Truy cập ngày 4/7/2023