Những rủi ro thực sự khi kinh doanh tại Trung Quốc

Nguồn: Benedict Rogers, “The Real Risks of Doing Business in China,” Foreign Policy, 17/08/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Có ít nhất 5.000 người nước ngoài đang bị giam trong các nhà tù Trung Quốc – nhiều người vì lý do chính trị.

Tháng 6 này, tại London, tôi đã tiếp hai người nước ngoài đầu tiên từng thụ án trong các nhà tù của Trung Quốc và dám công khai chuyện đó. Theo cựu phóng viên nước ngoài sau trở thành điều tra viên thẩm định Peter Humphrey, hiện Trung Quốc có ít nhất 5 triệu tù nhân (không bao gồm những người trong các trại tù ở Tân Cương và Tây Tạng), nhiều người trong số họ bị giam vì những lý do vụn vặt hoặc thực sự vì lý do chính trị, và có ít nhất 5.000 người là người nước ngoài. Trong lúc chính quyền Biden tiếp tục loạt chuyến thăm tới Bắc Kinh, tìm kiếm một sự hòa giải ngoại giao mà giới lãnh đạo Trung Quốc chẳng mấy quan tâm, thì các quan chức nước ngoài nên bắt đầu lưu ý đến hoàn cảnh của các tù nhân ở Trung Quốc.

Humphrey, cùng với nhà thần học và giáo viên người Romania Marius Balo, đã đến London để làm chứng trước Quốc hội Anh về lao động cưỡng bức, từ chối chăm sóc sức khỏe, tra tấn tâm lý và ngược đãi. Humphrey, người đã có 48 năm làm việc ở Trung Quốc, đã ngồi tù hai năm ở nước này sau khi bị cáo buộc “thu thập thông tin cá nhân bất hợp pháp” của công dân Trung Quốc – do công việc của ông với tư cách là một điều tra viên thẩm định – và đã bị từ chối điều trị y tế cho bệnh ung thư tuyến tiền liệt.

Kết quả là căn bệnh ung thư của ông đã trở nên trầm trọng hơn, và ông đã phải chiến đấu sinh tử với bệnh tật suốt 5 năm sau khi được thả. Balo, người đã ngồi tù 8 năm ở Trung Quốc do cáo buộc đồng lõa với việc gian lận hợp đồng, vừa được trả tự do năm ngoái, đã chứng kiến ít nhất hai bạn tù nước ngoài chết vì bị từ chối chăm sóc y tế. Humphrey giải thích, “Hệ thống nhà tù Trung Quốc vũ khí hóa sức khỏe của tù nhân như một công cụ để ép buộc nhận tội, họ từ chối cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế cho những tù nhân từ chối nhận tội.”

Khi Mỹ tìm cách khởi động lại quan hệ với Trung Quốc, và các nền dân chủ khác đang vật lộn tìm cách giải quyết những thách thức do Bắc Kinh đặt ra, họ không được phép quên các tù nhân của Trung Quốc. Chúng ta thường nghĩ về các tù nhân lương tâm – những người bất đồng chính kiến, những tín đồ tôn giáo, cùng hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ và Tây Tạng trong các trại lao động của Trung Quốc – nhưng Humphrey và Balo đang nhắc nhở thế giới rằng những tù nhân bình thường, bị giam giữ vì những tội danh bị dàn dựng, cũng là nạn nhân của sự vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc. Humphrey nói, “Nhìn chung, điều kiện khắc nghiệt trong các cơ sở giam giữ trước khi xét xử và các nhà tù của Trung Quốc đã khiến sự tra tấn thêm tồi tệ.”

Đơn giản là những người này không có quyền tiếp cận công lý. “Trong số hàng triệu tù nhân trong hệ thống, không một tù nhân nào được xét xử công bằng và minh bạch. Không một ai,” Humphrey nói. “Các bản án được đưa ra một cách thiếu cân nhắc, không nhất quán, và không tương xứng với hành vi phạm tội. Vì vậy, toàn bộ hệ thống đều độc đoán và hoạt động theo ý thích bất chợt của các quan chức Đảng Cộng sản. Hệ thống này tạo điều kiện cho bất kỳ ai có quan hệ, để họ sử dụng pháp luật nhằm hạ gục những người mà họ không thích.” Balo đồng tình, “Công lý ở Trung Quốc luôn dựa trên ý thích của ai đó, ý thích của đảng, và được hiện thực hoá bằng quân đội của họ.”

Humphrey giải thích, trong các phiên toà, không có bằng chứng bào chữa nào được đưa ra, không cho phép có bằng chứng mâu thuẫn với bên công tố, không có nhân chứng bào chữa nào được mời đến, và không được phép kiểm tra chéo các nhân chứng của công tố. Thật vậy, các nhân chứng chỉ được yêu cầu cung cấp lời khai bằng văn bản và không bắt buộc phải có mặt trực tiếp. Tóm lại, Humphrey lập luận, luật sư bào chữa bị ngăn cản tiến hành bất kỳ hoạt động bào chữa thực thụ nào.

“Cảnh sát không tiến hành điều tra bằng các hoạt động nghiệp vụ điều tra hay thủ tục pháp y nào,” Humphrey nói thêm. Thay vào đó, họ tìm cách thu thập lời thú tội của những người bị giam giữ, những người “bị thẩm vấn hàng ngày và bị nhốt trong lồng”, và thu thập “lời khai nhân chứng” bằng cách ép cung. Ông đặt câu hỏi, liệu có gì đáng ngạc nhiên khi 99,9% các vụ truy tố đều dẫn đến các bản án, và 99,9% các kháng cáo đều bị bác bỏ?

Về cơ bản, hệ thống hình phạt của Trung Quốc có hai loại hình giam giữ chính – “hành chính” và “tư pháp” – với ba loại nhà tù, ngoại trừ các trại tù ở Tây Tạng và Tân Cương: trại tạm giữ, trại tạm giam, và nhà tù. Các trại tạm giữ do cảnh sát điều hành và được sử dụng cho các tội nhẹ, các trại tạm giam được sử dụng cho những người đang bị điều tra (giam giữ trước khi xét xử), trong khi các nhà tù giam giữ những người đã bị kết án. Nhưng ngoài ra, còn có các “nhà tù đen” – với tên chính thức là “giám sát dân cư tại một địa điểm được chỉ định” – vốn là những cơ sở bí mật, trong đó cảnh sát hành xử tuỳ ý mà không bị trừng phạt và không bị giám sát, còn những người bị giam giữ dần biến mất, bị từ chối quyền có đại diện pháp lý, và bị cắt đứt liên lạc với gia đình.

Khi bị tạm giam trước lúc xét xử, Balo bị giam trong một chiếc lồng rộng khoảng 11 mét vuông, cùng với 10 đến 12 tù nhân khác, không ai trong số họ nói được tiếng Anh. Ông không bao giờ được phép ra ngoài, ngoại trừ lúc bị thẩm vấn. “Tôi chưa bao giờ bị tra tấn về thể xác. Mọi thứ đều là tra tấn tâm lý,” ông nói. “Tôi không được liên lạc với ai. Tôi không bao giờ có thể nhìn thấy ánh sáng ban ngày. Khi ra tòa, tôi bị họ trùm một cái túi lên đầu.” Mỗi sáng, mọi người trong lồng sẽ thức dậy lúc 6 giờ, và buộc phải chứng kiến những người bạn tù đi vệ sinh trong một cái hố ở góc lồng, vốn là nhà vệ sinh duy nhất mà họ có. Chiếc TV phía trên cái hố phát ra các chương trình tuyên truyền của chế độ.

Cả hai người đàn ông không chỉ nhắc đến việc bị từ chối chăm sóc y tế mà còn nói về lao động cưỡng bức có hệ thống. “Toàn bộ hệ thống nhà tù của Trung Quốc đang giam giữ hàng triệu tù nhân trên thực tế là một doanh nghiệp thương mại khổng lồ, tự tồn tại, mang lại lợi nhuận cho nhà nước, thu nhập cho các quan chức nhà tù, và tài trợ cho các hoạt động của nhà tù,” Humphrey nói. “Mọi nhà tù đều ép tù nhân của mình phải lao động cưỡng bức.” Theo đó, ông mô tả các cán bộ quản giáo trở thành “quản đốc lao động, quản lý tiếp thị, và nhân viên bán hàng” – những người sẽ được trả tiền thưởng nếu đạt được sản lượng cao hơn. Hợp đồng với các công ty thương mại được đàm phán và chốt bởi chính các quản giáo.

Khuôn viên nhà tù có đầy đủ các nhà máy sản xuất nhiều loại hàng hóa cho thị trường quốc tế, từ giày thể thao, quần áo hàng ngày, cho đến các sản phẩm điện tử như bàn phím và thiết bị gia dụng. Humphrey và Balo mô tả việc chứng kiến các tù nhân Trung Quốc xếp hàng đến nhà máy ngay sau 6 giờ sáng, làm việc 12 giờ một ngày, 6 ngày một tuần, sau đó bị bắt viết báo cáo tư tưởng và nghiên cứu ý thức hệ vào ngày thứ bảy. Balo nhớ lại, “Họ phải hát ‘Đảng Cộng sản Trung Quốc là mẹ tôi’ trên đường đến nhà máy.”

Các tù nhân nước ngoài thường không bị bắt phải thực hiện các công việc lao động nặng nhọc trong nhà máy, thay vào đó, họ phải làm các công việc chân tay tại phòng làm việc trong dãy phòng giam của họ. Các công việc này bao gồm làm túi đựng quà cho các chuỗi bán lẻ, làm vật liệu đóng gói, và gói các mặt hàng như thiệp Giáng Sinh, thẻ nhựa cho giá trưng bày hàng bán lẻ, bàn phím, và bột yến mạch ăn sáng. Balo đã tự mình đóng gói thiệp Giáng sinh cho chuỗi siêu thị Tesco, còn Humphrey đã chứng kiến nhiều mặt hàng được sản xuất cho các thương hiệu như H&M, C&A và 3M.

Trong những năm gần đây, Humphrey đã nhận được báo cáo rằng các lao động trong tù đang sản xuất bộ dụng cụ thử thai và thiết bị bảo hộ cá nhân. Ông nói, “Các nhà tù Trung Quốc kiếm được lợi nhuận khổng lồ.” Hệ quả là “không có động cơ nào để phóng thích tù nhân sớm, nhưng lại có đủ loại động cơ để giữ các tù nhân trong tù càng lâu càng tốt nhằm vắt kiệt sức lao động của họ.”

Điều này mang hàm ý nhất định đối với các công ty ở phương Tây. Các tập đoàn toàn cầu quả thật ngây thơ nếu họ tin rằng mình có thể sản xuất tại Trung Quốc mà không gặp rủi ro về lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng của họ. Mỹ đã có một số luật nhằm giải quyết vấn đề lao động cưỡng bức và lao động trong tù, bao gồm Đạo luật Phòng chống Lao động Cưỡng bức đối với người Duy Ngô Nhĩ năm 2021, cho phép nhà chức trách có quyền chặn nhập khẩu hàng hóa bị nghi ngờ là do lao động cưỡng bức sản xuất.

Trước đây, các cuộc điều tra thẩm định công ty vẫn luôn là khó khăn ở Trung Quốc, nhưng hiện tại, chúng đã trở nên bất khả thi với sự ra đời của luật chống gián điệp mới có hiệu lực từ ngày 1/7. Đạo luật này bảo vệ thông tin kinh tế theo cách có thể dễ dàng khiến các cuộc điều tra thẩm định bị phân loại là hành động gián điệp.

Humphrey đã bị bỏ tù vì một cuộc điều tra thẩm định gặp vấn đề. Người mà ông được thuê để điều tra hóa ra có nhiều mối quan hệ chính trị, và khi bà ta phát hiện mình là đối tượng mà Humphrey điều tra, bà ta đã gọi cảnh sát. Theo luật mới, thay vì lãnh bản án 2 năm tù giam, Humphrey có thể nhận án chung thân với cáo buộc làm gián điệp nếu ông vẫn còn ở Trung Quốc. Theo quan điểm của ông, xét đến tình hình này, các công ty đa quốc gia không thể kiểm tra thỏa đáng liệu một công ty Trung Quốc có đang sử dụng lao động cưỡng bức hay đang tham gia vào các hoạt động phi pháp hoặc phi đạo đức khác hay không. Ông kết luận, “Cách duy nhất để tránh rủi ro này là không sản xuất ở Trung Quốc.”

Nếu chúng ta muốn đảm bảo rằng mình không đồng lõa với lao động cưỡng bức, tra tấn, và bỏ tù bất công, thì chúng ta cần phải tăng cường biện pháp đối phó. Hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc phải có nhãn cảnh báo, chẳng hạn, thuốc lá phải có dòng chữ “Sản phẩm này có thể được sản xuất bởi lao động nô lệ.” Các quy tắc thẩm định bắt buộc nên được áp dụng đối với các công ty đa quốc gia đầu tư vào Trung Quốc, yêu cầu họ điều tra chuỗi cung ứng của mình một cách kỹ lưỡng và thường xuyên. Nếu họ không thể làm như vậy do các rào cản do nhà nước Trung Quốc dựng lên, họ nên ngừng sản xuất tại Trung Quốc. Chỉ khi lợi nhuận kinh doanh béo bở của hệ thống nhà tù Trung Quốc bị đe dọa, những thay đổi cần thiết mới được thực hiện.

Kinh doanh ở Trung Quốc luôn có rủi ro. Nhưng như Humphrey và Balo nhắc nhở chúng ta, rủi ro đó bao gồm cả việc bạn bị mất tự do, thậm chí mất mạng, trong nhà tù Trung Quốc.

Benedict Rogers là người đồng sáng lập và giám đốc điều hành của Hong Kong Watch, nhà phân tích cấp cao về Đông Á tại tổ chức nhân quyền quốc tế CSW, đồng thời là người đồng sáng lập và phó chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của Đảng Bảo thủ Vương quốc Anh.