31/08/1980: Chính phủ Ba Lan ký thỏa thuận với công nhân xưởng đóng tàu Gdansk

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Polish government signs accord with Gdansk shipyard workers, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1980, đại diện của chính quyền cộng sản Ba Lan đã đồng ý với các yêu sách của công nhân đang đình công tại nhà máy đóng tàu ở thành phố Gdansk. Cựu thợ điện Lech Walesa đã lãnh đạo các công nhân đình công, sau đó thành lập Công đoàn “Đoàn kết”, công đoàn lao động độc lập đầu tiên phát triển ở một quốc gia thuộc khối Xô-viết.

Tháng 7/1980, đối mặt với khủng hoảng kinh tế, chính phủ Ba Lan đã tăng giá thực phẩm và các hàng hóa khác, đồng thời kiềm chế mức tăng lương. Giá cả tăng cao khiến nhiều người Ba Lan gặp khó khăn trong việc mua nhu yếu phẩm hàng ngày, và một làn sóng đình công đã lan khắp cả nước. Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, một nhân viên điều khiển xe nâng nổi tiếng tên là Anna Walentynowicz đã bị sa thải khỏi Nhà máy đóng tàu Lenin ở thành phố Gdansk phía bắc Ba Lan. Giữa tháng 8, khoảng 17.000 công nhân của xưởng đóng tàu đã bắt đầu đình công để vận động đòi phục hồi chức vụ cho bà, cũng như yêu cầu tăng thêm một phần lương. Họ được lãnh đạo bởi cựu thợ điện của xưởng, Lech Walesa, người đã bị sa thải vì hoạt động công đoàn bốn năm trước đó.

Bất chấp sự kiểm duyệt của chính phủ và những nỗ lực nhằm ngăn chặn tin tức đình công lan ra ngoài, các cuộc biểu tình tương tự vẫn nổ ra ở các thành phố công nghiệp trên khắp Ba Lan. Ngày 17/08, Ủy ban Đình công Liên nhà máy đã trình lên chính phủ Ba Lan 21 yêu sách đầy tham vọng, trong đó bao gồm quyền tổ chức các công đoàn độc lập, quyền đình công, thả tù nhân chính trị, và tăng cường quyền tự do ngôn luận. Lo sợ cuộc tổng đình công sẽ dẫn đến nổi dậy trên toàn quốc, chính phủ đã cử một ủy ban đến Gdansk để đàm phán với những công nhân nổi loạn. Sang ngày 31/08, Walesa và Phó Thủ tướng Mieczyslaw Jagielski đã ký một thỏa thuận chấp nhận nhiều yêu cầu của phía công nhân. Walesa đã ký văn bản bằng một cây bút bi khổng lồ được trang trí bằng hình ảnh của vị tân Giáo hoàng lúc đó, Đức John Paul II (tên thật là Karol Wojtyla, từng là Tổng giám mục Krakow).

Sau cuộc đình công ở Gdansk, các nhà lãnh đạo của Ủy ban Đình công Liên nhà máy đã bỏ phiếu thành lập một công đoàn quốc gia duy nhất được gọi là Solidarnosc (Đoàn kết), công đoàn này nhanh chóng phát triển thành một phong trào xã hội đại chúng, với số thành viên lên đến hơn 10 triệu người. Phong trào đã thu hút sự đồng cảm từ các nhà lãnh đạo phương Tây và sự thù địch từ Moscow. Điện Kremlin đã cân nhắc một cuộc xâm lược quân sự vào Ba Lan. Cuối năm 1981, dưới áp lực của Liên Xô, chính phủ của Tướng Wojciech Jaruzelski đã bãi bỏ việc công nhận phong trào Đoàn kết và tuyên bố thiết quân luật ở Ba Lan. Khoảng 6.000 nhà hoạt động Đoàn kết đã bị bắt, trong đó có Walesa, người đã bị giam giữ gần một năm. Phong trào Đoàn kết chuyển sang hoạt động ngầm, và tiếp tục nhận được sự ủng hộ từ các nhà lãnh đạo quốc tế như Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, người đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Ba Lan. Walesa được trao giải Nobel Hòa bình năm 1983, và sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ năm 1989, ông trở thành tổng thống Ba Lan đầu tiên được bầu theo phổ thông đầu phiếu.