Hàm ý của việc thiết lập Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt-Mỹ

Tác giả: Nguyễn Quang Dy

Người ta nói nên tránh làm việc lớn trong “tháng ngâu”, nhưng Việt Nam và Mỹ đã làm một việc trọng đại. Ngày 10/9/2023 sẽ đi vào lịch sử, đánh dấu một bước ngoặt mới trong quan hệ Việt-Mỹ. Hai nước cựu thù nay đã trở thành “đối tác chiến lược toàn diện, vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững”. Vấn đề là “chúng ta sẽ tiến xa đến đâu”.

Bước ngoặt mới

Tháng 7/2015, TBT Nguyễn Phú Trọng đã chính thức đến thăm Mỹ và được Tổng thống Barack Obama tiếp đón trong phòng Bầu dục của Nhà Trắng như một nguyên thủ quốc gia. Chính quyền Mỹ đã cam kết tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam. Điều đó không chỉ có ý nghĩa tượng trưng mà còn là một bước ngoặt trong quan hệ giữa hai nước.

Có ý kiến cho rằng quan hệ Việt-Mỹ tuy về hình thức là “đối tác toàn diện”, nhưng về thực chất đã thành “đối tác chiến lược”. Hai nước đã tuyên bố “Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng” (7/2015). Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Donald Trump đã chọn Đà Nẵng để tuyên bố chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Mở và Tự do” (FOIP, 11/2017).

Để triển khai chiến lược trên, Mỹ thúc đẩy các cơ chế hợp tác chiến lược như “bộ tứ” (QUAD) gồm Mỹ-Nhật-Úc-Ấn, và các “bộ tam” gồm Mỹ-Anh-Úc (AUKUS), Mỹ-Nhật-Hàn; và Mỹ-Nhật-Ấn. Mỹ cũng nâng cấp quan hệ với ASEAN lên đối tác chiến lược toàn diện.

Việt Nam phải bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh chiến lược. Việc nâng cấp quan hệ với Mỹ lên đối tác chiến lược là tất yếu, nhưng vấn đề là chọn thời điểm nào thích hợp.

Theo Đại sứ Marc Knapper, việc nâng cấp đối tác lên hai bậc là “phi thường”. Đó không chỉ là danh nghĩa mà còn là thực chất, để bù lại thời gian đã mất.

Trong bối cảnh hiện nay, việc nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ lên “đối tác chiến lược toàn diện” sẽ mở ra những cơ hội mới giúp Việt Nam trở thành một một đối tác tiềm năng, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm các loại công nghệ cao như bán dẫn và quá trình chuyển đổi số.

“Ngoại giao Cây tre” không phải là một khẩu hiệu để đối phó tình huống trong quan hệ với các nước lớn nhằm “cân bằng” hay “đu dây”. Đó còn là một chiến lược nhất quán để “đa dạng hóa và đa phương hóa” quan hệ.

Cơ hội mới

Đầu tháng 11/2022, TBT Nguyễn Phú Trọng đã chọn đúng lúc đi thăm Trung Quốc ngay sau khi kết thúc Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, để chúc mừng Chủ tịch Tập Cận Bình. Đó là nước cờ thế (hedging) để làm Trung Quốc yên lòng, nhằm chuẩn bị cho nước cờ tiếp theo là nâng cấp quan hệ với Mỹ lên hai bậc là “đối tác chiến lược toàn diện”.

Chắc nhiều người coi chuyến thăm Trung Quốc của TBT Nguyễn Phú Trọng lúc đó là dấu hiệu “thân Trung”. Nhưng thực ra, “ngoại giao cây tre” là để tái cân bằng (rebalance) quan hệ với hai nước lớn, chứ không phải xoay trục để chống Trung Quốc. Muốn hay không Việt Nam phải chung sống với cả hai.

Theo Lê Hồng Hiệp (ISEAS), Trung Quốc khó dùng biện pháp mạnh trừng phạt Việt Nam. Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ là một tuyên bố chính trị, chứ không phải là một liên minh quân sự. Quan hệ Việt-Trung hiện nay không có vấn đề gì quá lớn. TBT Nguyễn Phú Trọng đã đến  thăm Trung Quốc và Hà Nội sẵn sàng đón Chủ tịch Tập Cận Bình.

Có thể nói, Việt Nam rất khéo léo trong việc giữ cân bằng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Việt Nam đã trấn an Trung Quốc và tự tin để nâng cấp quan hệ với Mỹ lên hai bậc mà không quá lo ngại Trung Quốc trả đũa. Tuy còn nhiều khó khăn phức tạp, nhưng Việt Nam đã có vị thế tốt hơn và đòn bẩy lớn hơn để đối phó với Trung Quốc tại Biển Đông.

Mỹ đã bàn giao cho Việt Nam một số tàu tuần duyên các loại và giúp Việt Nam một số trang thiết bị để ứng phó tốt hơn với áp lực trên biển Đông. Việt Nam hiện đang nâng cao năng lực thu thập thông tin tình báo trên biển. Ngoài ra, với tư cách là “đối tác chiến lược toàn diện” của Việt Nam, Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam tốt hơn trên các diễn đàn quốc tế.

Về chiến lược, Mỹ coi Việt Nam là một đối tác ngày càng quan trọng đối với tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Mở và Tự do. Chính quyền Biden ưu tiên phát triển quan hệ với các nước chủ chốt trong khu vực này, trong đó có Việt Nam, Indonesia, và Singapore. Việc nâng cấp quan hệ lên hai bậc có lợi cho lợi ích của Việt Nam và Mỹ.

Về kinh tế, nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện giúp Việt Nam nhận được các ưu tiên về thương mại, đầu tư cho công nghệ cao, chống biến đổi khí hậu cũng như hỗ trợ của Mỹ cho an ninh, quốc phòng. Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và đóng vai trò ngày càng lớn hơn đối với an ninh kinh tế của Mỹ.

Hàm ý và Hệ quả

Việt Nam nay là đối tác chiến lược toàn diện với ba thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (Mỹ, Trung, Nga) và là đối tác chiến lược với hai thành viên còn lại (Anh, Pháp). Theo Alexander Vuving, nâng cấp lên đối tác chiến lược không gây ngạc nhiên vì chỉ là vấn đề thời gian, nhưng nâng cấp hai bậc gây bất ngờ.

Điều đó chứng tỏ Việt Nam không còn coi Mỹ là mối đe dọa đối với chế độ, tuy mức độ tin tưởng vẫn chưa cao như với Trung Quốc và Nga. Tuy Bắc Kinh rất tức tối, nhưng Việt Nam đã lường trước hệ quả và sẵn sàng chấp nhận vì cái được rất lớn. Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ không có nghĩa Việt Nam bỏ rơi quan hệ với Trung Quốc.

Tuy “đối tác chiến lược toàn diện” sẽ mở ra cho Việt Nam một không gian mới rộng lớn hơn nhiều cho hợp tác song phương, nhưng trước mắt hợp tác về an ninh, quốc phòng với Mỹ trên Biển Đông vẫn có giới hạn. Theo Alexander Vuving, “hiện nay Việt Nam chỉ sử dụng khoảng 10% không gian cho phép”. Hợp tác quốc phòng cần thời gian.

Vì vậy, trọng tâm hợp tác Việt-Mỹ trước mắt là về kinh tế, trong đó có thương mại và công nghệ. Thứ Việt Nam rất cần ở Mỹ là phát triển công nghệ cao và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có chất bán dẫn và đất hiếm. Mỹ muốn kéo các chuỗi cung ứng quan trọng ra khỏi Trung Quốc thông qua chiến lược “friendshoring”, tức chuyển sản xuất sang các nước thân thiện.

Việc Mỹ nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên mức đối tác chiến lược toàn diện là thắng lợi lớn của Tổng thống Biden, không chỉ về chiến lược FOIP mà còn về kinh tế và chính trị, trong bối cảnh vận động tranh cử cho nhiệm kỳ hai. Đó là kết quả của chủ trương “xoay trục lần hai” của đội ngũ làm chính sách đối ngoại của Nhà Trắng.

Việc Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện cũng là thắng lợi lớn của TBT Nguyễn Phú Trọng, không chỉ về “ngoại giao cây tre” mà còn về vai trò lãnh đạo của ông trong bối cảnh hiện nay. Có thể nói, hai di sản lớn của TBT Nguyễn Phú Trọng chính là chống tham nhũng và thiết lập đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ.